Văn hóa Khmer không chỉ phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần, mà còn nó còn thể hiện qua phong cách ẩm thực độc đáo. Các món ăn làm nên “thương hiệu” ẩm thực Khmer như bún nước lèo Sóc Trăng, mắm bò hóc hay canh sim-lo… được nhiều tín đồ du lịch gần xa yêu thích. Một trong số đó không thể thiếu bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng, món ăn sử dụng cốm dẹp thay cho nếp để làm ra loại bánh tét đặc sản độc đáo của người Khmer.
1 Đôi nét về bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng
Nếu ở Hà Nội có cốm Làng Vòng thì người Khmer ở Sóc Trăng nổi tiếng bởi món cốm dẹp đãi khách đến thăm nhà vào mùa gặt hái. Theo truyền thống, lúa nếp trước lúc thu hoạch khoảng 10 ngày sẽ được người dân Khmer gặt về làm om bóc srâu thmây (cốm dẹp đầu mùa). Đây là món ăn được bà con Khmer làm dâng lên các vị thần để tỏ lòng biết ơn về vụ mùa bội thu, cầu mong năm sau vẫn sẽ được thần linh phù hộ cho mùa màng tốt tươi.
Cốm dẹp để dâng cúng thần linh phải là loại nếp giống ngon, hạt dài. Những hạt nếp vừa qua giai đoạn ngậm sữa căng hạt vào đầu mùa vụ sẽ được thu hoạch sớm để làm cốm cho kịp mùa lễ hội. Nếp vừa gặt xong vẫn còn tươi sẽ được bà con mang rang trên chảo nóng, cho đến khi vỏ nếp se lại, nổ đều tanh tách và tỏa hương thơm thoang thoảng là đổ sang cối giã ngay. Cối giã nếp phải là loại làm bằng gỗ mít già, có lòng hẹp và sâu. Khi giã phải đảm bảo nhịp nhàng, đều đặn thì hạt nếp mới mau tróc vỏ. Sau khi giã xong, cốm sẽ được đem đi sàng lại cho sạch vỏ trấu và bảo quản tại nơi khô ráo.
Hằng năm cứ vào mùa Hội đút cốm dẹp và Lễ thả đèn nước Lôi Prôtip là mỗi nhà, mỗi phum đều tất bật chuẩn bị món này dâng lên thần linh trong nghi thức cầu nguyện đêm trăng tròn. Sau lễ cúng trăng, các trưởng lão Khmer sẽ bốc cốm dẹp cho vào miệng trẻ con như một lời chúc phúc, cầu cho sự no đủ lâu bền.
Xem thêm: Bánh pía Sóc Trăng, linh hồn của sự pha trộn bản sắc dân tộc
Bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng là một trong những lễ vật được bà con Khmer dâng lên cúng thần. Bánh tét thường được gói bằng lá chuối có cả nhân ngọt và nhân mặn, mỗi đòn dài khoảng 30cm - 40cm và đường kính cỡ 24cm - 30cm. Thông thường một ký cốm dẹp sẽ gói được chừng 3 đến 4 đòn bánh tét, cách gói cũng tương tự như bánh tét của người Kinh. So với bánh tét gạo nếp truyền thống, bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng có thời gian nấu ngắn hơn chỉ khoảng 3 – 4 tiếng là chín. Một đòn bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng có thể bảo quản từ 7 đến 10 ngày, vừa tiết kiệm được chi phí củi lửa lại thích hợp mang đi xa hoặc làm quà tặng. Mở đòn bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng thơm lừng hương cốm, thêm vị béo của đậu xanh hòa quyện cùng nước cốt dừa tạo nên vị ngon dân dã, khiến bạn ăn hoài không biết ngán.
2 Bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng trong đời sống người Khmer
Lễ hội Ok om bok Sóc Trăng (còn gọi là Lễ cúng trăng hay Lễ đút cốm dẹp) là ngày hội lớn của của bà con Khmer Nam bộ, mang ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn, cầu mong mùa màng bội thu và hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Lễ vật được dâng lên thần linh chủ yếu là những nông sản địa phương như khoai môn, khoai mì, nhãn, vú sữa, dừa tươi, chuối… và nhất định không thể thiếu bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng.
Đối với bà con Khmer ngoài việc lễ cúng, bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng còn là món ăn tiện lợi, quen thuộc và hiện diện mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống. Vào những ngày bận rộn với công việc đồng áng, một đòn bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng sẽ thay cho bữa ăn nhẹ để nạp năng lượng cho họ tiếp tục lao động. Trong các dịp cưới hỏi truyền thống của người Khmer cũng không thể thiếu bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng trên bàn thờ gia tiên với ý nghĩa cầu mong hạnh phúc, sinh sôi nảy nở. Không những thế, bánh tét cốm dẹp còn dùng để tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân có công sinh thành, dưỡng dục trong các dịp Tết, đám giỗ hay lễ Sene Đôn Ta Sóc Trăng.
Thưởng thức Bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng thơm lừng hương cốm mới là điều bạn không thể bỏ qua trong hành trình khám phá ẩm thực Khmer Nam Bộ. Bạn đừng quên lưu lại các món đặc sản này vào cẩm nang du lịch của mình và nhớ thưởng thức chúng khi có dịp ghé thăm Sóc Trăng nhé.