Nếu nói đình làng Vĩnh Long là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống qua từng thế hệ, Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long chính là địa điểm lưu giữ những trang sử hào hùng của người dân miền Tây Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến. 

Địa chỉ: 1 Phan Bội Châu, phường 1, Tp.Vĩnh Long

Thời gian mở cửa: 7:30 – 11:00 & 13:30 - 17:00 từ thứ 3 đến thứ 7

 Điện thoại liên hệ: 02703.823.181

Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long được thành lập vào năm 1993 là nơi dùng để nghiên cứu, trưng bày các di sản văn hóa, lịch sử nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Vĩnh Long.

Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long có tổng diện tích hơn 12 nghìn m2, được chia thành 4 dãy nhà trưng bày nối tiếp nhau, bao gồm: Nhà trưng bày Truyền thống lịch sử cách mạng, Nhà trưng bày Văn hóa các dân tộc Vĩnh Long, Nhà thờ Quốc Tổ Hùng Vương và Nhà trưng bày chuyên đề. Trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long được trồng nhiều cây xanh mát mẻ là nơi trưng bày một số hiện vật ngoài trời như súng thần công, xe tăng, đại bác, máy bay, di tích lô cốt và trại giam tỉnh… 

Bên cạnh đó, khi tham quan Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long bạn sẽ được nghe giới thiệu về những khu di tích lịch sử của tỉnh như: Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu di tích Lịch sử Căn cứ Cái Ngang, Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh và nhiều khu trưng bày di sản văn hóa phi vật thể Cấp tỉnh, cấp Quốc gia khác.

Xem thêm: Chùa Ba Phố Vĩnh Long cùng câu chuyện tâm linh của cây sao huyền bí 

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 2

Nhà trưng bày Truyền thống lịch sử cách mạng nằm đối diện cổng chính Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 3

Khu lưu niệm Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa thuộc phạm vi quản lý của Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 4

Ghé Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long tham quan và thắp hương tưởng niệm những anh hùng dân tộc

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 5

Đã đến Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, bạn đừng quên viếng thăm khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

Để đến được Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long, từ trung tâm thành phố bạn đi đường Nguyễn Huệ theo hướng ra sông Cổ Chiên đến ngã 3 Long Châu thì rẽ phải sang đường Lý Thái Tổ.  Sau khi băng qua Cầu Lộ bạn tiếp tục đi thẳng trên đường Ba Tháng Hai, qua vòng xoay UBND tỉnh Vĩnh Long đến ngã 4 đầu tiên rẽ trái, đi khoảng 300m nữa là đến Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long.

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 3km, ngoài việc thuê xe máy hoặc đi xe bus, taxi Vĩnh Long cũng là phương tiện di chuyển khá tiện lợi được nhiều người lựa chọn. Gần Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long là bến Phà An Bình, phía đối diện bờ sông là Chùa Tiên Châu bạn có thể kết hợp tham quan 2 địa điểm này trong cùng một ngày.

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 6

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 3km, khá thuận tiện cho việc tham quan trong ngày

Nằm đối diện cổng chính là Nhà trưng bày Truyền thống Lịch sử Cách mạng với tổng diện tích 844m2 gồm tầng trệt và tầng lầu. Nhà trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long trước kia là Dinh tỉnh Trưởng được xây dựng từ thời Pháp, sau này được chính quyền tỉnh dùng làm nơi trưng bày về chuyên đề lịch sử cách mạng. 

Không gian tầng trệt là nơi trưng bày 2 chuyên đề. Đầu tiên là chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long thông qua các tư liệu và hình ảnh lịch sử để giới thiệu cho chúng ta về những cống hiến to lớn của người đối với phong trào giải phóng dân tộc. Thứ hai là chuyên đề về "Vĩnh Long Anh Hùng", trưng bày các nhân vật lịch sử, mẹ Việt Nam anh hùng và những Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long từ năm 1930 đến nay. Phía trên lầu là nơi Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long dùng để trưng bày hình ảnh, sự kiện lịch sử gắn với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân miền Tây Nam Bộ qua hai cuộc kháng chiến.

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 7

Không gian tầng trệt được Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long trưng bày về chuyên đề Chủ tịch Hồ Chí Minh và "Vĩnh Long Anh Hùng"

Nhà trưng bày Văn hóa các dân tộc nằm bên phải cổng chính Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long có diện tích 738m2, là không gian trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan lịch sử tự nhiên và văn hóa các dân tộc trong địa bàn tỉnh. Gian trước là nơi trưng bày về cổ vật văn hóa Óc Eo được tìm thấy tại di chỉ Thành Mới, tiêu biểu phải nói đến Tượng Kỳ lân, tượng Nữ thần Saraswati và tượng thần Vishnu - Bức tượng được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2018.

Tại nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long còn có không gian trưng bày văn hóa 3 dân tộc Kinh – Hoa – Khmer được chia theo từng khu vực riêng, mỗi nơi được thiết kế với lối kiến trúc đặc trưng kèm theo bộ sưu tập trang phục truyền thống, nhạc cụ v.v… Ngoài ra, khi đến Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long bạn sẽ được nghe giới thiệu về “Đờn ca tài tử”  là loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013.

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 8

Nhà trưng bày Văn hóa các dân tộc nằm bên phải cổng chính Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 9

Không gian Đờn ca tài tử được Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long tái hiện trong Nhà trưng bày Văn hóa các dân tộc

Từ cổng chính Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long rẽ vào hướng bên trái, bạn sẽ đến Nhà thờ Quốc Tổ Hùng Vương có diện tích 193m2 nằm khuất sau tán cổ thụ xanh mát. Đây là công trình được Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long phục dựng phần kiến trúc, nội thất nhằm tái hiện rõ nét một ngôi nhà theo kiểu Nam Bộ truyền thống vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Khi đến đây, ngoài chiêm ngưỡng các cổ vật có niên đại hơn trăm năm, bạn có thể đến viếng nơi thờ Quốc Tổ Hùng Vương để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ cội nguồn, công đức của các Vua Hùng. Vào mỗi dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch, tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đều tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, thu hút đông đảo mọi người đến tham dự. 

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 10

Nhà thờ Quốc Tổ Hùng Vương nằm phía bên trái cổng chính Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 11

Đến viếng nơi thờ Quốc Tổ Hùng Vương để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ cội nguồn và công đức của các Vua Hùng

Nhà trưng bày chuyên đề có thể nói là nơi đa dạng, muôn màu muôn vẻ nhất tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long. Tùy vào thời gian khác nhau mà Nhà trưng bày chuyên đề sẽ có một chủ đề nhất định, trong đó có thể kể đến: 

+ Trưng bày chuyên đề "Trang phục - Trang sức" các dân tộc Đồng bằng sông Cửu Long: Đây là chuyên đề mà Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Bảo tàng Cần Thơ và Bảo tàng An Giang tổ chức. Mục đích nhằm thông qua hình ảnh và hiện vật để giới thiệu rõ nét các loại trang phục, trang sức tiêu biểu của dân tộc Việt, Khmer, Hoa từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20.

+ Trưng bày chuyên đề “Từ Long Hồ dinh đến tỉnh Vĩnh Long ngày nay”: Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long thông qua thư tịch, tư liệu, hình ảnh, hiện vật, di sản văn hóa… để giới thiệu về sự hình thành, phát triển của vùng đất Vĩnh Long, nhằm tri ân các bậc tiền nhân có công khai hoang mở cõi và giáo dục thế hệ mai sau phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

+ Trưng bày chuyên đề “Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam Bộ”: Đây là chuyên đề được Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long kết hợp cùng Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và nhà sưu tập Trương Văn Thuận để trưng bày về nghệ thuật đờn ca tài tử cùng bộ sưu tập tranh chân dung nghệ sĩ cải lương của họa sĩ Trương Văn Ý.

+ Trưng bày chuyên đề “Tết Việt”: Với mong muốn giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc, vào dịp tết Canh Dần Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Tết Việt” trong không gian đậm chất Nam Bộ xưa. Các hiện vật trưng bày như bàn thờ gia tiên, bộ trường kỷ, đi văng, khay trầu, gian bếp nấu bánh chưng, bánh tét… đều mang hơi thở quen thuộc khiến mỗi người con Nam Bộ đến tham quan đều cảm thấy như được về nhà đón Tết đoàn viên.

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 12

Các em học sinh đến Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long tham quan chuyên đề "Trang phục - Trang sức" các dân tộc Đồng bằng sông Cửu Long

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 13

Triễn lãm về chuyên đề “Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam Bộ” giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng dân tộc  

Bảo Tàng tỉnh Vĩnh Long nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa Nam Bộ 14

Chuyên đề “Tết Việt” được trưng bày trong không gian đậm chất Nam Bộ khiến những người con xa quê không khỏi mủi lòng nhớ ngày Tết quê

Đến với Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, bạn sẽ được hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa lâu đời cùng truyền thống đấu tranh anh dũng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ của người dân miền Tây Nam Bộ. Bởi vậy, đây là địa điểm mà bạn không thể nào thiếu sót trong cẩm nang du lịch Vĩnh Long đâu nhé.