1 Shinobi là ai?
Trong văn hóa xã hội Nhật Bản, Shinobi được biết đến như những chiến binh hoạt động trong bóng tối. Họ là lính đánh thuê, gián điệp, sát thủ hoặc vệ sĩ, chuyên thực hiện các nhiệm vụ bí mật như do thám, ám sát hay tấn công du kích. Bộ kỹ năng mà Shinobi sở hữu được gọi là Ninjutsu — hay còn gọi là Nhẫn thuật, bao gồm hàng loạt kỹ năng ẩn mình và chiến đấu đặc biệt.
Shinobi hay Shinobi-mono còn có cách đọc khác là Ninja (忍者). Dù gọi là Ninja hay Shinobi, cả hai từ đều chỉ cùng một đối tượng và có thể dùng thay thế cho nhau.

Shinobi được biết đến như những chiến binh hoạt động trong bóng tối. Ảnh: Vieclam123
2 Nguồn gốc và lịch sử hình thành của Shinobi
Theo Cẩm nang du lịch được biết, khoảng thế kỷ 15, trong thời kỳ hỗn loạn Sengoku (Chiến Quốc), nhu cầu sử dụng gián điệp bắt đầu gia tăng. Đây cũng là giai đoạn cái tên Shinobi xuất hiện, đặt nền móng cho hình tượng Ninja sau này. Thực tế, từ Shinobi đã có trước trong sử sách, còn cách đọc Ninja chỉ được sử dụng về sau.
Khi ấy, tầng lớp Samurai luôn đề cao danh dự và chiến đấu công khai, theo đúng lễ nghi và quy tắc. Nhưng xã hội loạn lạc đã khiến các lãnh chúa cần nhiều đến những người thực hiện những nhiệm vụ bí mật, hay thậm chí là "bẩn tay".
Chính những công việc mạo hiểm và tăm tối ấy đã mở ra vai trò cho các Shinobi hay Ninja. Họ được đào tạo bài bản để thực hiện các nhiệm vụ như gián điệp, đột nhập, phóng hỏa, ám sát hoặc gây náo loạn kẻ thù.

Chính những công việc mạo hiểm và tăm tối ấy đã mở ra vai trò cho các Shinobi hay Ninja. Ảnh: Shacknews
Nghề Ninja cũng giúp thay đổi trật tự xã hội bấy giờ. Những người thuộc tầng lớp thấp, nhờ kỹ năng và lòng liều lĩnh, có thể kiếm được khoản thù lao hậu hĩnh từ các lãnh chúa. Tuy nhiên, chính điều đó cũng khiến Samurai vừa khinh miệt, vừa dè chừng Ninja. Bởi lẽ, bất cứ lúc nào, kẻ địch cũng có thể thuê Shinobi ra tay ám sát họ trong bóng tối.
Ngày xưa, các gia tộc Ninja không hoạt động đơn lẻ mà quy tụ thành những nhóm nhỏ, mỗi nhóm sở hữu vùng lãnh thổ riêng. Trong số đó, nổi tiếng nhất chính là hai gia tộc Iga và Koga. Họ vốn xuất thân từ tầng lớp Jizamurai — những chiến binh nông dân sống ở vùng Iga (nay thuộc tỉnh Mie) và khu vực Koga (nay là tỉnh Shiga). Đây cũng là hai địa phương đầu tiên tại Nhật Bản được biết đến như cái nôi đào tạo Ninja.
Vùng núi quanh Iga với địa hình hiểm trở, biệt lập đã trở thành lá chắn tự nhiên, giúp các nhóm Ninja luyện tập và phát triển trong bí mật. Nhiều tài liệu lịch sử Nhật Bản ngày nay vẫn ghi nhận rằng chính những ngôi làng hẻo lánh này là nơi khai sinh ra lực lượng Shinobi huyền thoại.
Từ năm 1485, các lãnh chúa phong kiến Nhật Bản bắt đầu tích cực tuyển mộ Ninja để phục vụ trong những cuộc chiến tranh quyền lực kéo dài. Dù được xem là "vũ khí bí mật" trên chiến trường thời Chiến quốc, sự hiện diện của Ninja cũng khiến cục diện chính trị thêm phần hỗn loạn.
Khi Oda Nobunaga vươn lên thống trị vào giai đoạn 1551–158, ông sớm nhận ra rằng các thành trì Ninja tại Iga và Koga là mối hiểm họa cần loại bỏ. Nobunaga dễ dàng khuất phục lực lượng Ninja Koga, nhưng với Iga — nơi Ninja phát triển mạnh mẽ nhất — ông đã phải mất nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn.

Shinobi đã có một quá trình lịch sử hùng hồn. Ảnh: Ninshidan
Năm 1581, trong cuộc nổi dậy Iga, Oda Nobunaga huy động hơn 40.000 quân tấn công thẳng vào vùng đất Ninja. Trước sức mạnh áp đảo, các Shinobi buộc phải đối đầu trực diện — điều vốn không phải sở trường của họ. Kết cục, lực lượng Ninja ở Iga nhanh chóng thất thủ, nhiều người phải rút lui về vùng núi Kii hoặc tản mát sang các tỉnh lân cận.
Dù căn cứ bị xóa sổ, Ninja không hoàn toàn biến mất. Nhưng kể từ đó, số lượng và sức ảnh hưởng của họ đã suy giảm rõ rệt.
Sau thất bại ở Iga, nhiều Ninja chọn tiếp tục phục vụ dưới trướng Tokugawa Ieyasu, người sau này trở thành Tướng quân vào năm 1603. Một số khác vẫn nhận nhiệm vụ từ cả hai phía trong những cuộc chiến tiếp theo. Nổi bật nhất trong số đó là Hattori Hanzo, một Shinobi huyền thoại thuộc gia tộc Iga, người đã trở thành cận vệ thân tín của Tokugawa.
Khi triều đại Edo bắt đầu (1603–1868), dưới sự cai trị của Mạc phủ Tokugawa, đất nước Nhật Bản bước vào thời kỳ hòa bình kéo dài. Vai trò của Ninja dần khép lại, nhưng hình ảnh và kỹ năng của họ không hề mai một. Qua năm tháng, câu chuyện về những chiến binh bóng tối ấy tiếp tục sống mãi trong phim ảnh, truyện tranh và văn hóa đại chúng.
3 Các cấp bậc của Ninja
Từ thời kỳ Sengoku, giới Ninja đã thiết lập một hệ thống phân cấp rõ ràng để tổ chức lực lượng:
Jounin (上忍 – Thượng Nhẫn): Cấp bậc cao nhất, giữ vai trò thủ lĩnh. Họ chịu trách nhiệm lãnh đạo, hoạch định và tuyển chọn các Ninja cấp dưới.
Chuunin (中忍 – Trung Nhẫn): Là người hỗ trợ trực tiếp cho Jounin, đóng vai trò liên lạc và giám sát.
Genin (下忍 – Hạ Nhẫn): Cấp thấp nhất, gồm những Ninja thực chiến, thường xuất thân từ tầng lớp bình dân và đảm nhận các nhiệm vụ ngoài thực địa.

Giới Ninja đã thiết lập một hệ thống phân cấp rõ ràng để tổ chức lực lượng. Ảnh: Kilala
4 Những kỹ năng và bí thuật nổi tiếng của Shinobi
Trong thế giới Shinobi, bộ kỹ năng đặc trưng được gọi chung là Ninjutsu (忍術 – Nhẫn Thuật). Đây là nghệ thuật kết hợp giữa võ thuật, gián điệp và kỹ năng sinh tồn — tất cả đều phục vụ cho những nhiệm vụ bí mật. Cũng giống như Samurai, các Shinobi được đào tạo nghiêm ngặt từ nhỏ, kỹ năng của họ được truyền dạy qua nhiều thế hệ.
Quá trình huấn luyện của Shinobi mà MIA.vn tìm hiểu không chỉ dừng lại ở võ thuật truyền thống. Thanh thiếu niên theo học phải rèn luyện cả thể chất và trí lực. Họ được dạy cách ẩn mình, trinh sát, sử dụng chất độc, chất gây nổ và thành thạo các kỹ năng sinh tồn nơi núi rừng.
Những bài tập như chạy đường dài, leo núi, bơi lội hay di chuyển không gây tiếng động là phần quan trọng trong quá trình rèn luyện. Ngoài ra, Ninja còn phải biết hòa mình vào đám đông, hiểu kiến thức nhiều nghề nghiệp để cải trang và che giấu thân phận khi cần thiết.

Shinobi sẽ được huấn luyện cả thể chất và trí lực. Ảnh: 24h
Ninja hiếm khi hành động một mình. Họ phối hợp nhuần nhuyễn trong nhóm, sử dụng nhiều kỹ thuật hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, khi cần vượt qua tường cao, các Ninja có thể tạo thành bệ đỡ bằng cách đứng chồng lên nhau hoặc cõng đồng đội trên lưng để leo lên.
Bên cạnh kỹ năng phối hợp, Ninja còn được rèn luyện nhiều nhẫn thuật cơ bản nhằm thích nghi với từng địa hình:
Hitsuke: Dùng lửa đánh lạc hướng lính canh bằng cách đốt cháy ở khu vực khác, thuộc nhóm Kỹ thuật lửa (Katon no Jutsu).
Tanuki-gakure: Ẩn mình trên cây, ngụy trang trong tán lá để tránh bị phát hiện, nằm trong Kỹ thuật gỗ (Mokuton no Jutsu).
Ukigusa-gakure: Dùng bèo phủ trên mặt nước để che giấu chuyển động khi lặn dưới nước, gọi là Kỹ thuật nước (Suiton no Jutsu).
Uzura-gakure: Cuộn tròn người như một hòn đá, bất động để tránh bị chú ý, xếp vào Kỹ thuật đất (Doton no Jutsu).
Cải trang là một trong những kỹ năng quan trọng của Ninja. Họ có thể hóa thân thành bất kỳ ai, từ thầy bói, thương nhân, nghệ sĩ đến nhà sư hay linh mục. Một trong những vỏ bọc phổ biến nhất là giả làm tu sĩ hành hương. Nhờ vậy, Ninja có thể đi lại dễ dàng giữa các vùng lãnh thổ, tránh bị nghi ngờ. Bộ áo choàng rộng của nhà sư cũng là lớp ngụy trang hoàn hảo, giúp họ giấu kín vũ khí và dụng cụ cần thiết cho nhiệm vụ.
5 Vũ khí và trang phục đặc trưng của Shinobi
5.1 Vũ khí
Ninja sở hữu kho vũ khí và dụng cụ đa dạng, phục vụ cho những nhiệm vụ bí mật. Nhiều trong số đó được ghi chép trong cuốn Bansenshuukai từ thế kỷ 17. Các công cụ điển hình bao gồm dây thừng, móc câu, thang dây có chốt gai để bám vào tường, búa, khoan và các thiết bị hỗ trợ đột nhập khác.
Một trong những món đồ thường thấy là Kunai — thường bị nhầm lẫn là vũ khí chính, nhưng thực chất Kunai chủ yếu dùng để đục tường hoặc phá khóa. Bên cạnh đó, Ninja còn mang theo dao nhỏ, cưa tay (Hamagari) để khoét lỗ lẻn vào nhà. Họ thậm chí sử dụng cả thiết bị nghe lén mang tên Saoto Hikigane, có hình dạng như một ống dẫn âm thanh.
Đặc biệt, trong kho kỹ nghệ của Ninja có đôi giày gỗ Mizugumo, thiết kế mô phỏng theo loài nhện nước cùng tên. Cấu trúc đáy giày giúp phân tán trọng lượng, cho phép Ninja di chuyển trên mặt nước. Khi cần ẩn mình dưới hồ, họ còn mang theo ống thở và mặc áo da có thể bơm phồng để nổi lâu trên mặt nước.

Ninja sở hữu kho vũ khí và dụng cụ đa dạng, phục vụ cho những nhiệm vụ bí mật. Ảnh: Kienthuc
Trong kho công cụ của Ninja, hạt gạo Goshiki-mai, loại gạo ngũ sắc được dùng làm tín hiệu bí mật, giúp đánh dấu đường đi cho đồng đội phía sau. Dù có vô số dụng cụ hỗ trợ, cuốn Bansenshukai từng nhấn mạnh rằng: một Ninja giỏi không cần mang theo quá nhiều đồ. Điều quan trọng là phải biết tận dụng linh hoạt từng món cho nhiều mục đích khác nhau.
Về vũ khí, Ninja có thể sử dụng kiếm ngắn hoặc dao găm. Tuy nhiên, Katana, thanh kiếm dài biểu tượng của Nhật Bản lại là lựa chọn phổ biến hơn. Ngược lại, phi tiêu Shuriken hình ngôi sao dù nổi tiếng trong văn hóa đại chúng, thực tế không phải vũ khí thường dùng. Hay thậm chí nhiều Ninja ở tỉnh Fukui còn không sử dụng đến.

Katana thanh kiếm dài biểu tượng của Nhật Bản lại là lựa chọn phổ biến. Ảnh: gamek
Ninja không chỉ tinh thông cận chiến mà còn sử dụng nhiều loại vũ khí tầm xa. Cung tên được họ dùng để tấn công từ khoảng cách xa, với thiết kế nhỏ gọn hơn so với cung truyền thống để dễ ngụy trang và di chuyển. Ngoài ra, họ còn thành thạo sử dụng Kusarigama — bộ xích kèm liềm độc đáo. Một đầu xích gắn quả tạ nhỏ, dùng để làm choáng hoặc quật ngã đối phương. Khi kẻ địch mất cảnh giác, lưỡi liềm sẽ kết liễu mục tiêu ở khoảng cách gần.
Bên cạnh đó, Ninja cũng biết tận dụng vũ khí hóa học và chất nổ được du nhập từ Trung Hoa. Họ sử dụng bom cầm tay, lựu đạn, cùng nhiều thủ đoạn khác như phi tiêu tẩm độc, ống thổi, bẫy gai và súng cầm tay để chiếm ưu thế trên chiến trường.
5.2 Trang phục
Hình ảnh Shinobi mặc đồ đen toàn thân, di chuyển trong bóng tối mà chúng ta thường thấy thực chất bắt nguồn từ sân khấu kịch thời Edo. Kiểu tạo hình này được lấy cảm hứng từ những người hỗ trợ hậu trường trong kịch Kabuki, gọi là Kuroko hoặc Kurogo.
Nhiệm vụ của Kuroko là thay trang phục cho diễn viên, di chuyển đạo cụ và dàn dựng bối cảnh mà không làm gián đoạn mạch diễn. Họ mặc đồ đen kín người để khán giả "vô hình hóa" sự hiện diện của họ trên sân khấu. Về sau, tạo hình này được áp vào các nhân vật Ninja để tăng thêm phần huyền bí.
Thực tế, Ninja ngoài đời không khoác lên mình bộ đồ đen như vậy. Họ thường ăn mặc như người bình thường, tùy vào hoàn cảnh và môi trường để dễ dàng trà trộn và che giấu thân phận khi làm nhiệm vụ.
6 So sánh Shinobi và Samurai
Dù cùng là biểu tượng võ sĩ của Nhật Bản, nhưng Samurai và Shinobi hoàn toàn khác nhau:
Yếu tố | Samurai | Shinobi |
Địa vị xã hội | Quý tộc, có địa vị cao | Dân thường, tầng lớp thấp |
Triết lý sống | Võ sĩ đạo (Bushido), danh dự, trung thành | Thực dụng, linh hoạt, đạt mục tiêu bằng mọi cách |
Vai trò | Lính chính quy, bảo vệ lãnh chúa | Gián điệp, ám sát, thu thập thông tin |
Cách chiến đấu | Đường đường chính chính | Âm thầm, bí mật, mưu mẹo |
7 Trải nghiệm văn hóa Shinobi, Ninja tại xứ sở Phù Tang
Nếu bạn là người mê mẩn thế giới Shinobi hay Ninja và muốn khám phá thêm về biểu tượng văn hóa đặc sắc này, đừng bỏ lỡ những điểm đến và trải nghiệm hấp dẫn sau đây.
7.1 Bảo tàng Iga Ninja
Dù không quá rộng lớn, Bảo tàng Iga Ninja (忍者博物館) lại mang đến cho du khách trải nghiệm sống động về thế giới của những chiến binh bóng đêm. Tại đây, bạn có thể khám phá mô hình một ngôi nhà Ninja điển hình với tường xoay, cửa ẩn và lối đi bí mật.
Bảo tàng còn có hai khu trưng bày, nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật quý giá như dụng cụ, trang phục, vũ khí và những ghi chép về đời sống, kỹ năng của các Shinobi.

Bảo tàng Iga Ninja mang đến cho du khách trải nghiệm sống động về thế giới của những chiến binh bóng đêm. Ảnh: Bookingtour
Điểm nhấn của chuyến tham quan là buổi biểu diễn Ninja. Bạn sẽ tận mắt chứng kiến những kỹ thuật chiến đấu điêu luyện. Từ phóng phi tiêu Shuriken đến các thế đòn tấn công chính xác — tất cả đều mô phỏng lại những gì Shinobi từng sử dụng trong quá khứ.
7.2 Làng Ninja Koka
Nằm dưới chân núi Suzuka, giữa thành phố Koga thuộc tỉnh Saga, làng Ninja Koga là điểm dừng chân lý tưởng cho ai muốn hiểu rõ hơn về thế giới bí ẩn của Ninja. Ngôi làng mang nét thanh bình của vùng quê Nhật Bản. Thế nhưng ẩn sau vẻ yên ả ấy là hệ thống cửa sập, lối thoát bí mật và hầm trú ẩn. Ngôi làng này tái hiện chân thực cách sống và phòng thủ của các Ninja xưa kia.
Tại ngôi làng Ninja Koga, du khách có thể hóa thân thành Shinobi chỉ với 1.030 yên cho người lớn và 610 yên cho trẻ em. Không chỉ khoác lên mình bộ trang phục Ninja, bạn còn được trải nghiệm ném phi tiêu Shuriken vào mục tiêu rơm.

Làng Ninja Koka còn tổ chức các khóa huấn luyện đặc biệt, giúp du khách thử sức với những kỹ năng cổ điển. Ảnh:
Ngoài ra, ngôi làng Shinobi này còn tổ chức các khóa huấn luyện đặc biệt, giúp du khách thử sức với những kỹ năng cổ điển. Điển hình như khoét tường, leo trèo hay lướt trên mặt nước bằng công cụ chuyên dụng. Kết thúc buổi trải nghiệm, bạn sẽ nhận được một cuộn giấy chứng nhận, đánh dấu "gia nhập" vào hàng ngũ Ninja huyền thoại.
Ngoài ra, khi đi du lịch Nhật Bản, bạn cũng đừng quên ghé thăm Ninjutsu Yashiki — ngôi nhà Ninja có tuổi đời gần 300 năm. Đây từng là nơi cư ngụ của những Ninja thực thụ. Bước vào bên trong, bạn sẽ được khám phá hệ thống bẫy được bố trí tinh vi cùng những lối ẩn nấp bí mật. Đồng thời còn có thể trải nghiệm chân thực cách các Shinobi từng bảo vệ chính mình khỏi kẻ thù.
7.3 Làng Ninja nhí Chibiko
Ẩn mình giữa rừng núi Togakushi thuộc thành phố Nagano, nơi được xem như cái nôi của trường phái Togakure Ninja trứ danh. Làng Ninja nhí Chibiko (チビッ子忍者村) là công viên giải trí độc đáo dành cho những ai muốn trải nghiệm cảm giác hóa thân thành nhẫn giả.
Không gian nơi đây được thiết kế như một khóa huấn luyện thực thụ. Du khách có thể thử sức với các chướng ngại vật, rèn luyện thể lực giữa rừng cây như những Ninja thời xưa. Ngoài ra, bạn còn có cơ hội thử thổi phi tiêu, ném Shuriken, khám phá hai ngôi biệt thự Ninja với lối đi bí mật, cửa sập và vô số cạm bẫy ẩn mình. Đặc biệt, một trong hai ngôi nhà được thiết kế với các trò đánh lừa thị giác, mang đến trải nghiệm như lạc vào mê cung thực sự.
7.4 Khóa học đào tạo Ninja
Không chỉ dừng lại ở những buổi trải nghiệm tại bảo tàng hay làng Ninja, du khách còn có thể tham gia khóa học chuyên sâu về Nhẫn thuật ngay tại thủ đô Tokyo. Khóa học này do Hội đồng Ninja Nhật Bản tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Thông tin NINJA Tokyo (NINJA Information Center Tokyo), nằm ở quận Taito. Đây là nơi lý tưởng để bạn khám phá và rèn luyện kỹ năng Ninja một cách bài bản hơn.

Du khách còn có thể tham gia khóa học chuyên sâu về Nhẫn thuật ngay tại thủ đô Tokyo. Ảnh: tinhte
8 Kết luận
Shinobi không chỉ là biểu tượng của những chiến binh bóng đêm, mà còn là hiện thân của sự kiên nhẫn, linh hoạt và tinh thần bất khuất trong văn hóa Nhật Bản. Nếu bạn đang lên kế hoạch khám phá quê hương của Shinobi, đừng quên chuẩn bị cho mình một chiếc vali bền chắc, gọn nhẹ để cùng đồng hành nhé.