1 Giới thiệu về Chợ Mơ Hà Nội
Địa chỉ: Số 459 Bạch Mai, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cách di chuyển: Có thể đi taxi, xe bus hoặc xe máy, chợ có 3 cổng chính mở ra đường Bạch Mai và Minh Khai.
Bãi giữ xe: Có bãi giữ xe máy riêng, giá khoảng 5.000 đồng/lượt.
Thời điểm lý tưởng: Buổi trưa (từ 11h30 – 13h) và cuối tuần để cảm nhận sự nhộn nhịp.
Lưu ý: Mọi người nên mang theo tiền mặt. Lý do vì phần lớn các gian hàng chưa hỗ trợ thanh toán điện tử.
Chợ Mơ Hà Nội là một trong những khu chợ lâu đời và nổi tiếng bậc nhất của Thủ đô, gắn bó với nhiều thế hệ người dân quận Hai Bà Trưng. Không giống với những khu chợ truyền thống thông thường, Chợ Mơ hiện tại mang dáng dấp rất đặc biệt. Chợ được xây dựng và tổ chức buôn bán ngay dưới tầng hầm của một trung tâm thương mại lớn.

Chợ Mơ Hà Nội là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu nét xưa Hà Nội. Ảnh: Báo Người Lao Động
2 Lịch sử Chợ Mơ: Từ chợ phiên cổ đến trung tâm thương mại hiện đại
2.1 Chợ Mơ trong giai đoạn đầu
Chợ Mơ có nguồn gốc từ làng Cổ Mai. Đây là một vùng cổ nằm trong kinh thành Thăng Long, sau này còn gọi là Kẻ Mơ. Cái tên “Mơ” bắt nguồn từ việc khu vực này từng trồng rất nhiều cây mai, cho quả mơ, được trồng phổ biến từ thế kỷ 13–14. Chợ Mơ ban đầu là một chợ phiên truyền thống, họp theo các ngày âm lịch như mồng 2, 7, 12, 17, 22, 27.
Theo MIA.vn tìm hiểu, ban đầu, vị trí chợ xưa nằm ở ngõ 295 Bạch Mai, sau đó được chuyển dần ra khu vực phố Hưng Ký (nay là phố Minh Khai). Khi mới hình thành, chợ được dựng tạm bằng tre, nứa và lá cọ. Về sau, để đáp ứng nhu cầu phát triển, chợ được xây kiên cố hơn với mái tôn, khung sắt và diện tích khoảng 17.000m². Chợ Mơ từng là một trong hai chợ phiên lớn nhất Hà Nội thời đó cùng với chợ Bưởi.

Chợ Mơ vốn là ngôi chợ nằm trên mặt tiền đường ngõ Bạch Mai. Tuy nhiên, sau này, chợ được di dời xuống dưới khu vực tầng hầm trung tâm thương mại. Ảnh: Báo Người Lao Động
Chợ Mơ xưa là nơi tập kết hàng hóa từ khắp nơi đổ về. Nông sản, thực phẩm, cây giống, thú vật, đồ dùng gia đình đều được bày bán dọc theo các lối đi. Không khí chợ phiên đông đúc, sôi nổi, mang đậm màu sắc dân gian. Nơi đây cũng là nơi hình thành các xóm nghề truyền thống như xóm Trầu Rễ, phố Hàng Thịt, góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt của vùng đất này.
Tuy nhiên, vào những năm 2000, nhằm cải tạo đô thị và phát triển hạ tầng, Chợ Mơ cũ bị phá bỏ để nhường chỗ cho một khu trung tâm thương mại hiện đại. Trong quá trình thi công, các tiểu thương được chuyển sang chợ tạm bên bờ sông Kim Ngưu. Giai đoạn này diễn ra khá gấp gáp và gây không ít khó khăn cho người buôn bán.
Đến năm 2014, Chợ Mơ chính thức hoạt động trở lại tại vị trí cũ, nhưng nằm hoàn toàn dưới tầng hầm của một trung tâm thương mại quy mô lớn, gồm hai khối tháp cao 15 và 25 tầng, trên nền diện tích 11.000m². Từ đó, một “Chợ Mơ dưới lòng đất” chính thức ra đời.
2.2 Chợ Mơ hiện tại: Không gian "dưới lòng đất" thú vị
Chợ Mơ hiện nay nằm hoàn toàn trong tầng hầm của tòa nhà thương mại, với tổng số ki-ốt đăng ký lên tới 1.130 gian hàng. Hiện nay, trong đó hơn 300 đang hoạt động thường xuyên. Không gian chợ được thiết kế hiện đại, hệ thống ánh sáng, điều hòa và phòng cháy chữa cháy đầy đủ.
Các quầy hàng được quy hoạch thành từng khu rõ ràng: khu thực phẩm tươi sống, khu hàng khô, vải vóc, quần áo, giày dép, đồ điện tử, vàng mã, thủy sinh… Sự phân chia này giúp người mua dễ dàng tìm kiếm và tạo nên môi trường buôn bán ngăn nắp, vệ sinh.

Các gian hàng t ại chợ Mơ được phân chia theo từng mặt hàng. Điều này giúp mọi người có thể dễ dàng mua sắm cũng như tham quan, ăn uống. Ảnh: Báo Người Lao Động
Đối tượng khách chủ yếu là cư dân quanh khu vực, nhân viên văn phòng làm việc trong tòa nhà, học sinh, sinh viên. Vào khung giờ trưa từ 11h30 đến 13h, chợ trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Khách đến mua đồ ăn, đồ dùng gia đình, quần áo và các món đồ nhỏ lẻ khác.
Hoạt động kinh doanh tại chợ diễn ra đều đặn. Dù lượng khách không quá đông nhưng nhờ giá cả hợp lý, hàng hóa đa dạng và sự thân thiện của tiểu thương, Chợ Mơ vẫn giữ được lượng khách ổn định. Nhiều gian hàng duy trì hoạt động hàng chục năm, tạo thành những “góc quen” cho người dân trong khu vực.
3 Thiên đường ẩm thực dưới lòng đất tại Chợ Mơ
Nổi bật nhất trong toàn bộ không gian tầng hầm chính là khu ẩm thực. Đây được coi là thiên đường ăn uống của khu vực Bạch Mai – Hai Bà Trưng. Dù không gian không quá rộng nhưng các món ăn tại đây vô cùng đa dạng và hấp dẫn. Do đó, đây cũng là một trong những tọa độ thu hút sự chú ý của đông đảo khách du lịch mỗi khi có dịp ra Bắc và vi vu, khám phá thủ đô Hà Nội.
Hàng bún dọc mùng của chị Hằng nổi tiếng với nồi nước dùng trong veo, đậm vị xương hầm. Mỗi bát bún đầy đủ chân giò mềm, dọc mùng giòn và hành hoa thơm ngát. Quán hoạt động từ năm 1987, kế nghiệp từ mẹ, đã trở thành địa điểm quen thuộc của biết bao thế hệ.
Hàng ăn vặt cô Tuyết là lựa chọn hàng đầu cho những ai yêu thích món nhẹ, món chơi. Từ nộm bò khô với đu đủ bào sợi mỏng, thịt bò lát dày, nước trộn đậm đà; đến bánh tôm chiên giòn rụm, bánh gối nhân thịt trứng mộc nhĩ, bánh bột lọc chấm nước mắm cay… Tất cả đều do cô Tuyết tự tay làm từ những năm 1993 đến nay.
Quán bánh đúc nóng chị Nga là điểm đến lý tưởng vào những ngày đông Hà Nội. Bánh được làm từ bột gạo xay ngâm, nhân thịt mộc nhĩ xào đậm đà. Khi ăn chan nước mắm chua ngọt nóng, điểm vài lát ớt đỏ, hành phi giòn thơm khiến ai cũng xuýt xoa.

Khu ẩm thực với những món ăn dân dã gắn liền với bao thế hệ người dân thủ đô luôn trong tình trạng đông khách ngồi đợi để thưởng thức món ăn. Ảnh: Báo Người Lao Động

Bánh đúc nóng, tào phớ, sữa đậu nành, bún ốc, bún riêu là những món ăn thức uống quen thuộc bạn hoàn toàn có thể tìm thấy khi đến khu ẩm thực chợ Mơ. Ảnh: Báo Người Lao Động
Ngoài ra, còn có cơm bình dân Tú Bình phục vụ dân văn phòng với thực đơn mỗi ngày thay đổi, giá cả hợp lý. Quán chè Nhím Hải với hơn 15 loại chè từ chè bưởi, thập cẩm, đỗ xanh, khoai dẻo... giá chỉ từ 10.000 – 20.000 đồng, luôn đông khách.
Ẩm thực ở Chợ Mơ mang đúng tinh thần của người Hà Nội: ngon, rẻ, thân thiện và giữ được hương vị truyền thống. Mỗi món ăn là một phần ký ức, gắn với nhiều thế hệ sinh sống quanh khu chợ.
4 Những trải nghiệm khác tại Chợ Mơ
Chợ Mơ không chỉ là nơi để mua sắm hay ăn uống. Với nhiều người, đây còn là một phần ký ức, là hình ảnh của một Hà Nội thân thương. Dù đã thay đổi không gian từ chợ truyền thống ngoài trời thành chợ dưới lòng đất, nhiều người vẫn cảm thấy gần gũi.
Dẫu vậy, không ít người vẫn bày tỏ nỗi tiếc nuối về phiên bản chợ Mơ cũ, một nơi đầy nắng, gió, đất bụi và tiếng rao quen thuộc. Việc phải gửi xe, đi thang máy xuống tầng hầm, tìm kiếm gian hàng đúng vị trí đôi khi gây bất tiện. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, sự sạch sẽ, tiện nghi, mát mẻ quanh năm cũng là điểm cộng lớn, đặc biệt với giới trẻ và nhân viên văn phòng.
So với những chợ như Đồng Xuân, Hàng Bè, chợ Mơ mang màu sắc dân dã hơn, đời thường hơn. Sự tồn tại song song giữa chợ truyền thống như Chợ Mơ và siêu thị hiện đại là minh chứng cho sự hòa quyện của cũ và mới trong lòng Hà Nội.

Các gian hàng tại chợ Mơ được bố trí khoa học. Mặt hàng rất đa dạng với thực phẩm, giày dép, quần áo, đồ gia dụng, dụng cụ nhà cửa, v.v. Ảnh: Báo Người Lao Động

Các hàng bánh kẹo mang đậm dấu ấn tuổi thơ cũng là một trong những mặt hàng được bày bán và yêu thích nhất tại chợ Mơ. Ảnh: Báo Người Lao Động

Quầy hạt, bánh, kẹo, mứt được bày trí gọn gàng, sạch sẽ, thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Ảnh: Báo Người Lao Động
Chợ Mơ Hà Nội là minh chứng sống động cho sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Dưới tầng hầm của một trung tâm thương mại lớn, không gian chợ vẫn giữ nguyên bản sắc truyền thống, từ cách bài trí đến tinh thần buôn bán. Dù đã thay đổi hình thức, nhưng Chợ Mơ vẫn là nơi gắn bó với đời sống của hàng nghìn người dân Thủ đô. Nếu bạn muốn cảm nhận Hà Nội một cách chân thực và gần gũi nhất, hãy dành thời gian ghé qua Chợ Mơ nhé. Xách vali lên và đi thôi nào!