Tín ngưỡng, tâm linh là một trong những giá trị quan trọng trong đời sống tinh thần của người Hoa sinh sống tại An Giang. Ở những địa phương có người Hoa sinh sống, thật không khó để bắt gặp những ngôi miếu thờ các bậc thánh nhân để phù hộ cho họ gặp được may mắn, thuận lợi trong cuộc sống. Chùa Ông Bắc là một trong những công trình kiến trúc nổi bật của người Hoa tại An Giang.
1 Tổng quan về chùa Ông Bắc
Địa chỉ: Đường Phạm Hồng Thái, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Nếu du lịch An Giang, bạn sẽ có cơ hội ghé thăm nhiều địa điểm tâm linh như: Chùa Bồng Lai (chùa Bà Bài), chùa Huỳnh Đạo, chùa Phước Thành… Đặc biệt phải kể đến chùa Ông Bắc hay còn được biết đến với cái tên là Bắc Đế Miếu. Đây được xem là nơi thờ tự của người Hoa đến sinh cơ lập nghiệp tại An Giang và cũng là hội quán đầu tiên của họ tại đây.
Ngôi chùa này nằm bên bờ sông Long Xuyên, chỉ cách cầu Duy Tân khoảng 10m. Không chỉ chùa Giồng Thành (Long Hưng Tự) mà nơi đây cũng là một niềm vinh hành to lớn của người dân An Giang khi vào ngày 15/6/1987, chùa Ông Bắc (Bắc Đế Miếu) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc Gia.
Chùa Ông Bắc (Bắc Đế Miếu) được xây dựng từ rất lâu về trước, khi vùng đất này còn mang tên Đông Xuyên. Sau đó vào thời nhà Nguyễn thì thuộc thôn Mỹ Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Kiên, tỉnh An Giang.
Theo những tài liệu ghi chép thì thở sơ khai chùa Ông Bắc khá đơn sơ nhưng sau đó vào năm 1887 được 2 người giàu có trong vùng là ông Quảng Thành Lợi và Hòa Mậu Xương đứng ra vận động đồng hương cùng với những người theo đạo đóng góp tiền của và khởi công sửa chữa. Nhờ đó, chùa Ông Bắc được chính thức hoàn tất sửa chữa vào năm 1891 và đã trở thành một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp và tiêu biểu của thành phố Long Xuyên, An Giang.
Xem thêm: Khám phá Thánh đường Cù Lao Giêng, nhà thờ cổ đẹp nhất miền Tây
2Khám phá nét kiến trúc độc đáo của chùa Ông Bắc (Bắc Đế Miếu)
Chùa Ông Bắc rộng khoảng 400m2, được thiết kế theo kiến trúc hình chữ “Quốc” với những hàng cột tròn bằng gỗ căm xe rất vững chắc. Cửa miếu được ráp bằng ba tảng đá hoa cương kết liền tường dày, bên trên cửa có khắc dòng chữ Hán nổi “tỉnh Hội quán”.
Mái được lợp bởi mái ngói âm dương xanh, đỏ. Đây là một công trình đặc thù lối Quảng Đông, màu vàng sẫm kết hợp với đỏ và nâu, cùng hoa văn uốn lượn trên nóc mái ngói. Thượng tầng đắp tượng lưỡng long tranh châu, tỳ nghê, tứ linh tạo cho ngôi miếu thêm phần cổ kính.
Không sở hữu Quần thể tượng Phật Tổ A Di Đà và 48 vị Bồ Tát, Thánh Chúng như chùa Phước Thành nhưng nơi đây cũng có thể gây ấn tượng với bạn bởi kiến trúc độc đáo, trang nghiêm. Tiền sảnh có thờ Phật Thích Ca, tượng Bồ Tát Quan Âm, Địa Tạng, Ngọc Hoàng Thượng đế… Sau tiền sảnh của Miếu vừa là khu thiên tĩnh vừa là nơi đặt lư hương khấn tế Thiên Hoàng. Khu phía trong cùng là chánh điện, thờ thần Bắc Đế với dáng ngồi oai phong cao khoảng 0.7m. Nối liền với tiền sảnh và chánh điện là hai con đường đi vào song song nhau. Tiền điện - Giếng trời được coi là khu vực giao lưu phong thủy với hai bên là hai cửa vòng tròn qua Đông và Tây lang.
Tuy được xây dựng hơn 100 năm về trước và qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhưng chùa Ông Bắc (Bắc Đế Miếu) vẫn còn lưu giữ nhiều di vật quý như chuông đại hồng chung, đỉnh sắt, bia ký ghi lại công đức của những người đã đóng góp xây dựng Hội quán, ba khám thờ, biển điêu khắc cõi tam giới. Ấn tượng hơn cả chính là chiếc chuông đúc bằng đồng đến nay vẫn giữ được âm thanh ngân vang hàng ngày. Theo chủ tịch Hội Tương tế người Hoa Lôi Cẩm Chương cho biết, toàn bộ ngôi miếu đều mang dấu ấn của người Hoa và chúng ta có trách nhiệm phải cố gắng giữ gìn nguyên vẹn từ những chiếc cột, câu đối, lư đồng,... Nơi đây được xem là di tích kiến trúc chính thống của người Hoa vì chùa sở hữu những cổ vật có giá trị cao, các phong tục lễ hội cổ truyền, tín ngưỡng người dân khắp tứ phương,... Tất cả hợp thành một màu sắc văn hóa Trung Hoa lâu đời hòa nhập vào Việt Nam.
3Lễ cúng vía ông Bắc Đế
Chùa Bắc Đế thường tổ chức lễ cúng vào các ngày rằm trong tháng. Ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm là lễ cúng vía ông Bắc Đế, đây được coi là lễ lớn nhất trong năm. Ngoài ra, còn có các dịp lễ khác như cúng vía Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu ngày 23/3 và Quan Công ngày 24/6 (tính theo âm lịch).
Trong các ngày lễ này, người dân địa phương và những người từ nơi khác đến với An Giang có thể tới để dâng hương, bày tỏ lòng thành kính và cầu mong sự bình an trong cuộc sống. Dù tập tục này đã tồn tại hàng trăm năm nhưng tới thời điểm hiện tại nó vẫn giữ nguyên vẹn nét đẹp văn hóa đó và có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương nơi đây.
Đến chùa Ông Bắc (Bắc Đế Miếu) để khám phá những nét kiến trúc độc đáo của người Hoa và dâng hương để tỏ lòng thành kính của mình. Hy vọng những chia sẻ của MIA.vn sẽ hữu ích cho chuyến du lịch đến An Giang của bạn. Ngoài ra, bạn đừng quên lưu những dịp lễ truyền thống của nơi này vào cuốn cẩm nang du lịch để nhớ và sắp xếp đến An Giang đúng lúc nhé!