Khi đến Sóc Trăng, bạn muốn đến ngôi chùa nào nhất? Miếu Bà Thiên Hậu ở Vĩnh Châu, chùa Ông Bổn hay La Hán. Riêng MIA.vn thì muốn ghé qua Chùa Tầm Vu để chiêm ngưỡng lối kiến trúc có màu sắc của người Khmer.

Địa chỉ: Ấp Hưng Thới, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Chùa Tầm Vu cách Ủy ban nhân dân xã Thạnh Thới An 2km về hướng Đông. Nếu di chuyển từ trung tâm thành phố Sóc Trăng, bạn nên đi theo đường Lê Hồng Phong - Mỹ Xuyên, tuyến Tỉnh lộ 8. Sau khi qua khỏi thị trấn Mỹ Xuyên, bạn rẽ phải hướng về thị xã Vĩnh Châu theo Tỉnh lộ 935. Tới đây, bạn tiếp tục đi khoảng 3km rồi rẽ trái theo tuyến lộ đan đường vào xã Thạnh Thới An khoảng 2.5km, rẽ trái một lần nữa và đi thêm 500m là đến nơi.

Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm và chế độ phong kiến, người dân Khmer cùng một số dân tộc khác đến vùng đất Thạnh Thới An để khai hoang, sinh cơ lập nghiệp. Đối với người Khmer thì Phật giáo Nam Tông đã ăn sâu vào tâm hồn của họ vì thế họ đã dựng nên ngôi Chùa Tầm Vu ở ngay vùng đất này.

Chùa Tầm Vu có tên Khmer Prêk Om Pu, đây là một trong những kiến trúc cổ ở tỉnh Sóc Trăng được xây dựng lần đầu tiên bằng vật liệu tre lá đơn sơ năm 1664. Mãi đến năm 1954 được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng với sự đóng góp tiền của và công sức của người dân nơi đây, Chùa Tầm Vu đã được trùng tu, xây dựng lại khang trang hơn. 

Trong suốt gần 300 năm hình thành và phát triển, chùa Tầm Vu đã trải qua 15 đời đại đức trụ trì, trong đó Hòa thượng Châu Mum là vị đại đức có nhiều công đóng góp cho phong trào cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành thắng lợi. Điều này khẳng định lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, quyết tâm đánh giặc, không chỉ của quân và dân trong xã mà còn của cả những người đang tu hành.

Xem thêm: Thăm chùa Vĩnh Hưng chiêm ngưỡng kiến trúc đá nguyên khối độc nhất vô nhị

Chùa Tầm Vu có diện tích rộng gần 34.000m2 với cổng nằm quay mặt về hướng Nam được trang trí bởi họa tiết hoa văn Khmer, sơn màu gạch tôm. Chính giữa cổng chùa đắp hình tượng hai vị sư đang đỡ một vòng tròn đặt trên một cái lư. Vòng tròn này được mô phỏng theo bánh xe luân hồi của đạo Phật với 8 cánh đại diện cho 8 hướng với ý muốn “Phật pháp lan tỏa và thấm nhuần khắp 8 phương”. Bước qua cổng chùa, bạn sẽ thấy có hai chiếc tháp để tro cốt. Trong đó có tháp đựng tro cốt của Hòa thượng Châu Mum nằm phía bên tay phải. Ở chính giữa khuôn viên chùa, cách cổng chính 20m là một chiếc cột cờ.

Chánh điện của chùa Tầm Vu quay mặt về hướng Đông, được thiết kế gồm hai tầng với 3 ngọn tháp. Mỗi bên chánh điện có 5 cửa sổ gỗ có trang trí hoa văn Khmer đắp nổi bằng xi măng. Ở bên trong chánh điện, toàn bộ phần nền đều được lát bằng gạch bông mang lại cảm giác sáng sủa, mát mẻ. Hai gian trong cùng chánh điện đặt bệ thờ Phật Thích Ca cao 1.3m. Ở trung tâm bệ là một pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao khoảng 1.5m được làm bằng đá rất đẹp. Trên bệ thờ Phật có hai cây cột tròn với họa tiết hình con rồng. Dưới tầng trệt của chánh điện mỗi bên có đến 7 cửa sổ theo hướng Nam - Bắc, tại đây còn trưng bày chiếc ghe ngo độc mộc có tuổi đời hơn 60 năm. 

Ngoài trung tâm ngôi chính điện, chùa Tầm Vu còn có các công trình khác như: Thư viện mới được xây dựng vào năm 2006, sala để dâng cơm cho các vị sư trong dịp lễ hội ở Sóc Trăng, tháp để tro cốt và lò thiêu, nhà dành cho các sư sãi trong chùa, nhà bếp, xung quanh ngôi chùa có nhiều cây cổ thụ như thốt nốt, cây dầu, cây sao...

Hiện tại, Chùa Tầm Vu còn lưu giữ những di tích lịch sử có giá trị như: Bộ tượng lớn nhỏ gồm 18 tượng ở ngôi chính điện, Các loại Kinh Bay Đót (110 cuốn) có nguồn gốc xuất xứ từ Campuchia, chiếc ghe ngo cũ và một chiếc ghe ngo mới, 14 huân, huy chương, bằng khen, giấy khen, hai vỏ đạn được chế tạo thành bình bông đặt ở nơi thờ tự của ngôi chính điện,...

Tại Chùa Tầm Vu hằng năm diễn ra rất nhiều lễ hội lớn như: Lễ vào năm mới (Pithi - Chôl - Chnam - Thmây) còn được gọi là Lễ chịu tuổi, được tổ chức vào ngày 13 - 15/04 hằng năm; Lễ cúng ông bà (Pithi - Sen - Đôn - Ta) được tổ chức trong ba ngày từ 29/8 - 1/9 âm lịch; Lễ cúng Trăng hoặc “Đút cốm dẹp” Banh - Sâm - Peah - Khe hoặc Ok - Om - Bok tổ chức hằng năm vào ngày 15/10 âm lịch.

Ngoài các dịp lễ lớn kể trên, tại chùa Tầm Vu còn tổ chức nhiều lễ khác như: Lễ Phật Đản, Lễ An vị tượng Phật, Lễ Nhập Hạ Sóc Trăng, Lễ Xuất hạ, Lễ Ban hành giáo lý,…

Chùa Tầm Vu, nét tín ngưỡng đầy tự hào của người Khmer tại Sóc Trăng 2

Lối kiến trúc của chùa Tầm Vu vô cùng cổ kính và pha vào đó nét văn hóa của người Khmer nên có những điểm khiến bạn cảm thấy lạ lẫm

Chùa Tầm Vu, nét tín ngưỡng đầy tự hào của người Khmer tại Sóc Trăng 3

Ngoài khuôn viên có những pho tượng được điêu khắc tỉ mỉ bởi bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Nguồn: Cuộc sống miền Tây

Đối với người Khmer ở Sóc Trăng chùa Tầm Vu mang ý nghĩa vô cùng to lớn, vừa là trung tâm văn hóa, nơi học kinh, học chữ, lưu giữ những giá trị lịch sử và đồng thời là điểm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, giải trí vui chơi. Đây là một điểm đến lý tưởng cho những tín đồ Phật Giáo khi đến Sóc Trăng. Hãy lưu ngay địa điểm này vào cẩm nang du lịch lại để có dịp ghé tham quan nhé!