1 Chuối quết dừa Tiền Giang, đặc sản độc nhất vô nhị của vùng sông nước
Từ lâu, Tiền Giang đã luôn là một trong những địa điểm lý tưởng dành cho mọi người mỗi khi có ý định về với vùng sông nước miền Tây. Không chỉ được ví von là thiên đường của các địa điểm tham quan tâm linh với ngôi thánh đường Nhà thờ Cái Bè cổ kính hay Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác có diện tích rộng lớn đầy ấn tượng, nơi tỉnh nhỏ này còn sở hữu vô số những món đặc sản hấp dẫn. Và tất nhiên, món Chuối quết dừa Tiền Giang với hương vị thơm ngon, béo ngậy là một trong số đó.
Xem thêm: Cháo cá lóc rau đắng, thức quà quê khiến bao người thương nhớ
Trong hành trình về với vùng quê Tiền Giang, ắt hẳn bạn sẽ có dịp nhìn thấy những hàng cây chuối mọc ở khắp mọi nơi. Không chỉ là thức quà quê hấp dẫn, chuối còn là loại cây gắn liền với những năm tháng lịch sử và xuất hiện trong nền văn hóa của cộng đồng người dân sinh sống quanh khu vực đồng bằng sông Cửu Long nữa.
Chính vì thế nên trong nền ẩm thực Tiền Giang nói riêng và khu vực toàn miền Tây nói chung, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy sự hiện diện của chuối trong khắp mọi món ăn. Những món ăn nổi tiếng đã luôn hấp dẫn bao người có thể kể đến như chuối chiên, chuối nếp nướng, chuối nướng, bánh chuối, chuối xào dừa, ngào đường, xào gừng, chè chuối, v.v. Và sẽ là một thiếu sót nếu như bỏ qua món Chuối quết dừa Tiền Giang, món ăn với hương vị béo ngậy, thơm ngon hấp dẫn độc nhất vô nhị của vùng quê yên bình này.
Đối với người dân vùng quê này, Chuối quết dừa Tiền Giang không chỉ là món quà vặt họ thường lấy ra nhâm nhi những khi rảnh rỗi, đây còn là món ăn giúp no bụng và cực kỳ thích hợp để thưởng thức vào những ngày trời mưa rỉ rả. Trong khi đó, đối với những người bạn đến từ phương xa, đây chính là món ăn đã khiến bao người tò mò muốn nếm thử sau khi đã thưởng thức đầy đủ những món đặc sản của vùng đất này, chẳng hạn như món Hủ tiếu Mỹ Tho với đầy ụ các nguyên liệu ăn kèm hay món Cá lóc nướng trui Tiền Giang với những sớ thịt thơm ngon, chấm cùng nước mắm me chua chua rất ngon.
2 Những điều thú vị xoay quanh món Chuối quết dừa Tiền Giang có thể bạn chưa biết
Nếu như chỉ nhìn thoáng qua, ắt hẳn mọi người sẽ nhầm tưởng rằng món Chuối quết dừa Tiền Giang chính là món cốm dẹp, thế nhưng thật ra không phải vậy đâu. Theo nhiều bạn từng chia sẻ cùng chuyên mục Cẩm nang du lịch của MIA.vn, chuối quết dừa là món ăn dân dã và độc nhất vô nhị, chẳng thể lẫn vào đâu được nhờ vào màu sắc và hương vị của mình.
Thật ra, chữ “quết” theo ngôn từ của người dân miền Tây có nghĩa là giã nhuyễn, sau đó trộn các loại nguyên liệu lại cùng nhau. Thoạt đầu nghe có vẻ đơn giản, thế nhưng để có thể chế biến ra một mẻ Chuối quết dừa Tiền Giang đúng chuẩn lại chẳng giản đơn tí nào. Món đặc sản này đòi hỏi người đầu bếp phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và kinh nghiệm để nấu sao cho ngon lại đúng với hương vị nguyên bản của món ăn.
Để có thể chế biến được món Chuối quết dừa Tiền Giang đúng chuẩn, người đầu bếp phải rất cẩn thận ngay từ khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu. Chuối dùng để chế biến món đặc sản này phải là loại chuối sứ xanh đã chín già nhưng vẫn đảm bảo được độ dai với phần thân tròn trịa và lớp vỏ căng tròn. Để món ăn thêm phần ngon hơn, nhiều người đầu bếp còn tận dụng thêm cả phần thịt dừa xiêm bào sợi để tăng thêm độ ngọt và mọng nước.
Chuối sau khi được mang về sẽ đem ngâm cùng nước lọc cho nhả mủ ra, sau đó mang đi luộc chín cả vỏ. Sau khi chuối chín, người đầu bếp sẽ tách vỏ ra để nguội, còn phần thịt thì sẽ dầm nhuyễn, sau đó trộn cùng với dừa nạo, thêm thắt thêm tí muối, đường và giã đều trong cối đá. Lúc này, độ béo ngậy tự nhiên của cơm dừa sẽ hòa quyện hài hòa với thịt chuối, tạo ra hương vị béo ngọt hấp dẫn đặc trưng của món ăn này.
Trong suốt quá trình giã chuối, người đầu bếp phải liên tục cân chỉnh sức tay sao cho chuối khi giã không bị quá nhuyễn nhưng vẫn đảm bảo phải được trộn đều cùng các loại nguyên liệu khác. Lúc này, người đầu bếp sẽ giã liên tục cho đến khi hỗn hợp chuối dừa sánh lại, gia vị thấm đều thì sẽ dừng lại, sau đó bày món ăn ra dĩa, rắc thêm chút đậu phộng rang đập nhỏ lên phía trên cho đậm vị hơn.
Thoạt đầu nghe đến cái tên Chuối quết dừa Tiền Giang, mọi người sẽ thường hiểu nhầm đây là một món ngọt. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Người Tiền Giang thường dùng kèm chuối quết dừa với nước mắm, rau sống, nghe có vẻ rất lạ và ngược ngạo đúng không nè? Tuy nhiên, nếu ai đã từng may mắn có dịp thưởng thức thì sẽ nhận thấy chính sự ngược đời ấy hóa ra lại mang đến hương vị món ăn độc nhất vô nhị chẳng nơi đâu có được.
Thông thường, người miền Tây sẽ ăn kèm chuối quết dừa với các loại rau sống như lá cách, lá lốt, rau càng cua, diếp cá, rau thơm, húng lủi, cuốn kèm với bánh tráng sau đó chấm vào chén nước mắm chua ngọt. Phần nước mắm cũng đòi hỏi phải được pha chế với đầy đủ chanh, tỏi, ớt, thêm tí nước cốt dừa thì mới ra được vị chua ngọt đậm đà vừa vặn đúng chuẩn. Thông thường, mọi người sẽ gói bánh tráng với các loại rau thơm, sau đó gắp một miếng chuối quết dừa đặt lên trên lớp rau sống, sau đó cuốn lại sao cho vuông vắn rồi chấm vào chén nước mắm chua ngọt.
Theo nhiều bạn chia sẻ, khoảnh khắc đầu tiên cắn một miếng to ụ, bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được trọn vẹn hương vị ngọt bùi, béo thơm, chua chát và cả the the đặc trưng của ớt xắt nữa. Tất cả hòa quyện với nhau một cách lạ kỳ, giúp cho mọi tầng hương vị như nhảy múa trong miệng vậy. Nhờ có rau sống nên món ăn cũng trở nên cân bằng và trọn vẹn hơn, không bị vị béo ngậy của nước dừa và chuối hay cay the của ớt xắt lấn át. Chính điều này đã khiến cho thực khách khi có dịp thưởng thức đều trầm trồ khen ngợi và gắp liên tục chẳng ngơi tay.
Chuối quết dừa Tiên Giang, món ăn nghe có vẻ lạ tai nhưng khi ăn hóa ra lại hấp dẫn và đặc biệt đến thế. Sự kết hợp của chuối và nước cốt dừa vốn tưởng chừng chỉ có xuất hiện trong các món ngọt hóa ra cũng có thể chế biến thành món ăn thường thấy trong mâm cơm hàng ngày của người dân quê chân chất. Trong hành trình du lịch Tiền Giang sắp tới, nếu muốn khám phá trọn vẹn nếp sống bình dị của nơi này và hóa thân thành một người dân miệt vườn thứ thiệt, nhất định phải một lần thưởng thức món ăn đặc biệt và hấp dẫn này bạn nhé.