1 Cháo cá lóc rau đắng – Món ăn dân dã của chốn đồng nội
Tiền Giang là một thiên đường đối với các tín đồ đam mê ẩm thực. Không chỉ sở hữu hàng loạt những món ăn hấp dẫn như Hủ tiếu Mỹ Tho với những tô đầy ụ topping, Cá lóc nướng trui Tiền Giang với những miếng thịt thơm ngon, săn chắc, giờ đây, món Cháo cá lóc rau đắng với hương vị dân dã cũng khiến bao người thương nhớ.
Xem thêm: Chuối quết dừa Tiền Giang, đặc sản độc nhất vô nhị của vùng sông nước
Quanh khu vực các tỉnh miền Nam và đi ngược về vùng sông nước miền Tây, cháo là món ăn dân dã, quen thuộc và thường xuất hiện trong mỗi mâm cơm gia đình. Như một quy luật vậy, cứ có những ngày ngán ăn cơm là mọi người lại nghĩ ngay đến cháo, hoặc trong những ngày quá bận rộn chẳng thể nấu được bữa cơm đủ đầy thì cứ vo ngay nắm gạo, bỏ vào nồi là có ngay bát cháo trắng ăn cùng trứng vịt muối hay cá kho tộ cũng thơm ngon chẳng kém. Thậm chí, có những ngày chẳng biết ăn gì, lựa mãi rồi mọi người cũng lại quay về với bát cháo quen thuộc. Nói đến đây thôi thì bạn cũng đã mường tượng được độ phổ biến của món ăn này rồi phải không nào?
Là món ăn đơn giản và phổ biến là thế, ấy vậy mà những bát Cháo cá lóc rau đắng vẫn luôn là điều khiến bao người con xa quê cứ mãi thổn thức, còn những ai có dịp ghé về vùng sông nước miền Tây đều mong được một lần nếm thử.
Chẳng ai biết được món Cháo cá lóc rau đắng xuất hiện ở vùng sông nước này từ khi nào. Mọi người chỉ biết rằng theo những đầu bếp cao niên ở vùng miệt vườn Mỹ Tho, Cai Lậy chia sẻ, món ăn này dường như đã xuất hiện trong những mâm cơm gia đình và hàng quán từ cả trăm năm nay rồi.
2 Cháo cá lóc rau đắng và những điều thú vị xoay quanh có thể bạn chưa biết
Chẳng giống như những món đặc sản khác phải chế biến công phu, cầu kỳ, chẳng hạn như món Chuối quết dừa Tiền Giang, Cháo cá lóc rau đắng có cách nấu đơn giản hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để có thể nấu được một tô cháo đúng chuẩn thì đòi hỏi người đầu bếp phải có tay nghề và kinh nghiệm mới được.
Gạo được dùng để nấu cháo phải là loại gạo có độ dẻo vừa phải, ngọt thanh và hương thơm thoang thoảng dễ chịu. Khác với các món cháo gà, cháo vịt hay cháo thịt bằm, cháo trắng phải mang đi vo trước, Cháo cá lóc rau đắng khi nấu thì gạo sẽ được mang đi rang trên chảo. Lúc này, người đầu bếp sẽ đảo liên tục cho đến khi hạt gạo vàng đều, nở bung và dậy mùi thơm hấp dẫn.
Trong khi đó, cá dùng để nấu món đặc sản này phải là loại cá lóc đồng có kích cỡ lớn chứ không dùng con có trọng lượng 500, 600 gram như món cá lóc nướng trui. Đây chính là bí quyết của người đầu bếp có kinh nghiệm lâu năm bởi vì cá lóc to sẽ có ít xương, rất dễ trong việc lọc xương và lấy thịt. Miền Tây là vùng sông nước với hệ thống kênh rạch, mương chằng chịt, thế nên người dân nơi đây cũng dễ dàng tìm thấy những con cá lóc đồng đúng chuẩn nhất để nấu lên những nồi cháo hấp dẫn.
Cá sau khi mang về sẽ đem đi sơ chế sạch sẽ, đánh vảy và xát muối lên toàn thân để cá nhả nhớt và loại bỏ mùi tanh đặc trưng. Sau đó, người đầu bếp sẽ làm sạch phần bụng và đầu cá bằng cách lấy mang và phần máu bầm đọng lại bên trong. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt là khi chế biến món ăn này, phần ruột cá sẽ được giữ lại toàn bộ thay vì đem bỏ đi như bình thường. Bởi theo quan niệm của người dân miệt vườn, phần ruột là phần ngon nhất của cá lóc đồng cũng như là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt, độc nhất vô nhị cho mỗi tô Cháo cá lóc rau đắng. Theo nhiều người đầu bếp chia sẻ cùng Cẩm nang du lịch của MIA.vn, để cá hết tanh và không bị nhạt, họ còn thường chần cá qua nước sôi bỏ thêm gừng, muối và bột nêm nữa. Khi cá chần xong sẽ đặt sang một bên, đợi cháo chín thì mới bỏ vào để tránh tình trạng cá bị nát và lẫn vào trong cháo.
Điều đặc biệt của mỗi tô Cháo cá lóc rau đáng nằm ở phần nước dùng để nấu. Phần nước này phải là nước lọc chứ không dùng nước máy lẫn mùi clo thông thường. Sau khi nước sôi, người đầu bếp sẽ cho gạo rang vào nấu, đến khi gạo nở bung thì nêm thêm muối, bột ngọt, xíu đường và nước mắm. Phần thịt cá sẽ được cho vào sau cùng để tăng thêm hương vị.
Khi dọn ra phục vụ thực khách, tùy theo thói quen mà người đầu bếp sẽ tách riêng phần ruột và dầu cá hoặc để chung. Trong khi đó, phần thịt đã lọc sạch xương từ trước sẽ được để riêng, khi nào ăn mới bỏ vào cùng cháo. Có thực khách khi ăn cũng thường bỏ cá riêng vào dĩa có hành chần và rau thơm, cứ húp một miếng cháo lại gắp một miếng cá, chấm xíu nước mắm mặn sau đó từ từ thưởng thức.
Đã gọi là món Cháo cá lóc rau đắng thì làm sao thiếu được loại rau dân dã này phải không nè? Rau đắng sẽ được dọn riêng thành một đĩa, khi thực khách ăn thì cứ bỏ vào trộn lên cùng cháo, sau đó từ từ thưởng thức. Chính hương vị ngọt thanh của cháo kết hợp cùng vị nhẫn nhẫn, đắng đắng đặc trưng của rau sẽ khiến món ăn càng đậm đà và thơm ngon hơn gấp bội.
Tiền Giang luôn sở hữu những món ăn khiến bao người thương nhớ. Nếu bạn đã từng mê mẩn hương vị dân dã của món Bánh bèo chợ Hàng Bông, vậy thì tại sao không thử một lần thưởng thức tô Cháo cá lóc rau đắng cũng dân dã chẳng kém? MIA.vn tin rằng hành trình về với vùng miền Tây sông nước của bạn sẽ trở nên thú vị và đáng nhớ hơn đó. Trong những ngày mưa rỉ rả, được thưởng thức một tô cháo thơm ngon nóng hổi thì còn gì tuyệt vời hơn đúng không bạn ơi?