1Những điều có thể bạn chưa biết về bánh ít ngũ sắc
Bánh ít là một trong các loại bánh của xứ Huế, rất phổ biến tại Việt Nam. Bánh ít thường được sử dụng nhiều nhất để cúng kiến trong các ngày Lễ, Tết hoặc các ngày giỗ, chạp tuy nhiên hiện nay, bánh còn được dùng làm món ăn sáng bình dân rất phổ biến. Bánh ít có rất nhiều biến thể: bánh ít lá gai Bình Định, bánh ít lá dứa, bánh ít lá cẩm và cả bánh ít ngũ sắc.
Bánh ít ngũ sắc thường phục vụ theo phần 5 cái gồm 5 màu khác nhau. Vỏ sử dụng màu tự nhiên lấy từ thực vật, rau củ nên vô cùng an toàn và tốt cho sức khỏe. Phần nhân chủ yếu cũng là đậu xanh xay ngọt, nhân dừa, nhân lá dứa, tùy theo sự sáng tạo của người bán. Bánh cũng được gói hoặc đặt trên lá chuối khi hấp để cho ra mùi vị thơm ngon hơn.
Tương truyền rằng vào thời vua Hùng, nàng công chúa út của vua Hùng đã sáng tạo ra một loại bánh mới bằng sự khéo léo của mình. Loại bánh này mang hương vị khá giống với Bánh Chưng - Bánh Giày mà Lang Liêu đã tạo ra trước đó tuy nhiên lại có hình thù khác nhỏ hơn rất nhiều.
Nàng lấy chiếc bánh giày rồi bọc lấy nhân bánh chưng tạo ra một thứ bánh mới rất hấp dẫn. Để tạo ra hình dạng mới cho bánh, nàng sáng tạo ra một chiếc “khuôn” hình trụ tam giác rồi nhồi phần bánh vào bên trong và gói lại. Dần dần chiếc bánh này trở nên phổ biến hơn, được lan truyền trong dân gian và lấy tên của nàng út đặt tên cho nó: "Chiếc bánh Nàng Út Ít" gọi tắt là bánh Ít.
Vì thành phần chủ yếu là bột gạo, đậu xanh xào ngọt, dừa dứa kết hợp với dừa bào sợi nên bánh ít có lượng calo khá cao. Trung bình 100g bánh ít nhân đậu chứa khoảng 300 calo còn 100g bánh ít nhân dừa chứa khoảng 298,5 calo. Còn các loại bánh ít khác như bánh ít gấc, bánh ít nếp cội, bánh ít trần nhân tôm thịt, bánh ít mít, bánh ít gân lá dứa, bánh ít lá gai sẽ chênh lệch ít nhiều so với bánh ít nhân đậu và nhân dừa do nguyên liệu và cách chế biến của từng loại. Nhìn chung, để tránh dư năng lượng cho một ngày, bạn chỉ nên ăn từ 1 – 2 cái/ ngày. Tuy nhiên, nếu theo phong cách YOLO – Ăn đi sợ chi thì mình cứ làm tới thôi. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý đến lượng đường bên trong bánh. Vì nếu nạp quá nhiều đường 1 ngày cũng sẽ gây hại đến sức khỏe.
2Hướng dẫn cách làm bánh ít ngũ sắc của Huế chi tiết nhất
Đầu tiên, bạn rửa sạch đậu xanh bỏ vỏ, rồi bỏ vào chảo đảo cùng nước cốt dừa và nước lọc, một ít muối. Ninh trên lửa nhỏ cho đến khi thấy nhân gần cạn thì bạn cho vào dừa sợi, đường theo ý thích. Nếu muốn ít béo, ít ngọt thì cho ít, còn ngược lại thì cho nhiều hơn. Khi hỗn hợp sệt lại, bạn cho phần thịt sầu riêng vào (nếu không thích mùi sầu riêng thì có thể bỏ qua). Đợi đến khi nhân khô ráo, tạo thành khối dẻo là đạt.
Để tạo được màu tự nhiên cho vỏ, bạn sử dụng những nguyên liệu thiên nhiên, xay nhuyễn với một ít nước rồi lọc qua rây để lấy được nước màu. Gợi ý: màu đỏ lấy từ gấc, màu hồng lấy từ củ dền, màu vàng từ gừng, màu xanh lá từ lá dứa, màu xanh dương từ hoa đậu biếc.
Sau đó, bạn cho vào phần nước màu một ít “gia vị” như muối, đường. Khuấy tan sau đó cho bột nếp vào. Lưu ý bột nếp cần được cho vào từ từ, không nên đổ vào 1 lúc sẽ khiến bánh bị khô.
Bạn gói bánh theo tỷ lệ 40g nhận thì 100g vỏ rồi vo tròn. Bạn có thể xem qua hướng dẫn youtube về cách gấp vỏ lá chuối để gói bánh chi tiết và rõ ràng nhất. Sau đó, bạn xếp bánh vào xửng hấp theo chiều nằm ngang. Lưu ý cho bánh vào khi phần nước bên dưới đã sôi nhé! Sau khi đậy nắp thì bạn chỉ cần đợi khoảng 25 đến 30 phút là bánh sẽ chín.
3Những lưu ý khi bảo quản bánh ít
Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và nơi bạn sinh sống mà bánh ít có thể bảo quản được lâu hay ít ngày. Với những nơi có độ ẩm không khí cao, thì bánh có hạn sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 3 ngày. Ngược lại, nếu điều kiện thời tiết nắng ráo, độ ẩm thấp, thì bánh có thể để được tối đa 5 ngày. Tuy nhiên, nếu mua bên ngoài thì bạn nên sử dụng bánh ít trong vòng 1 - 2 ngày để trừ hao thời gian người bán bán bánh qua ngày.
Vì hạn sử dụng rất ngắn nên bánh ít cũng có nhiều bất tiện. Tuy nhiên nếu muốn bảo quản bánh được lâu hơn thì bạn có thể cất bánh trong tủ lạnh. Cách này sẽ giúp bánh kéo dài thời gian bảo quản lên đến 8 ngày. Nếu muốn ăn, bạn chỉ cần bỏ vào xửng hấp hoặc cho vào nồi cơm điện, đợi tầm 10 – 15 phút là có bánh nóng hổi ăn ngay.
Thật ra để nhận biết bánh đã bị hư hay không cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần kiểm tra bề mặt bánh. Nếu không còn khô ráo, bị chảy nước, hoặc thậm chí xuất hiện mốc trắng thì bạn nên bỏ ngay nhé. Nếu ăn phải sẽ gây ngộ độc thực phẩm đấy!
Xem thêm: Mua mắm sò Lăng Cô tặng sếp, năm nào sếp cũng cho nghỉ đi du lịch Huế
4Những nơi bán bánh ít xứ Huế
- Địa chỉ: 124 Phạm Thị Liên, phường Kim Long, Huế
- Giờ mở cửa: 06:00 – 19:00
- Giá cả: 2,5k – 20k
Tiệm bánh Kim Long tại con đường Phạm Thị Liên cũng là một địa chỉ mà mọi người từ du khách đến khách địa phương đều rất thích ghé qua để mua về các loại bánh Huế đặc sản làm quà cho gia đình, bạn bè. Giá cả ở đây cực kỳ phải chăng, chỉ từ 2,5k cho 1 bánh đến 20k. Ngoài mua được bánh ít đen gói trong lá chuối xanh mướt, bạn còn có thể mua được bánh bèo, bánh ram ít, bánh măng mận, bánh lọc, bánh nậm và vô số loại bánh ngon khác.
- Địa chỉ: 51 Nguyễn Thiện Thuật, Huế
- Giờ mở cửa: 06:30 – 22:30
- Giá cả: 3k – 25k
Tiệm bánh Ít của bà Bốn đã mở cửa được rất lâu và thường được người dân địa phương “tin dùng” mỗi khi đến các dịp Lễ Tết, giỗ đám. Phần nhân được bà Bốn làm ngọt vừa, không quá ngọt nên rất vừa miệng với nhiều người. Chủ yếu, bà Bốn bán các loại bánh ít như bánh ít đen, bánh phu thê, và tùy theo dịp Lễ mà sẽ có các loại bánh khác.
Vậy là MIA.vn đã giới thiệu tất tần tật về bánh ít ngũ sắc xứ Huế. Vì là một loại bánh đòi hỏi cách chế biến và quy trình làm rất công phu nên không có quá nhiều người bán nhưng bạn hoàn toàn có thể nhìn theo công thức mà MIA.vn đã để phía trên và làm theo nhé! Ngoài ra, MIA.vn còn có rất nhiều rất nhiều món ngon Huế khác đang chờ đón bạn như bánh canh cá lóc hay Bánh nậm Huế cũng rất ngon.