1Mắm sò Lăng Cô – Những điều có thể bạn chưa biết
Đến với Cố Đô, nhiều người sẽ nhắc đến những đặc sản Huế như trà cung đình, mè xửng, nem chua… Dù tìm trong danh sách nào, bạn cũng sẽ tìm thấy một nhân vật sáng giá luôn hiện hữu đó là mắm sò Lăng Cô. Mắm sò đi vào lòng không chỉ người dân địa phương mà còn cả khách du lịch bởi vì hương vị thơm ngon, không quá khó ăn như các loại mắm cá khác. Kết hợp với vùng biển Lăng Cô nơi là “thiên đường” của các loại hải sản như tôm, cua, sò lông, sò huyết, vẹm, hàu… tươi sống với sản lượng phong phú và dồi dào sẽ cho ra loại mắm sò Lăng Cô ngon, ngọt, hấp dẫn. Thế nhưng người dân ở đây khi cào được sò lông, một số ít sẽ đem đi bán cho các thương buôn, nhà hàng xung quanh. Phần lớn còn lại sẽ dùng làm mắm sò Lăng Cô – Đặc sản làm quà của xứ Huế.
Để làm được loại mắm sò ngon, người dân thường dùng con sò lông hay còn được người dân địa phương gọi là con sặc. Sò long còn có một cái tên khoa học là Anadara subcrenata – Nghe như một loại thần chú trong Harry Potter bạn nhỉ? Con Anadara subcrenata này xuất hiện ở đa số vùng biển nhiệt đới như Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương vì đơn giản nó là con sò nhiệt đới. Ở Việt Nam, bạn sẽ tìm thấy loại sò lông này nhiều nhất ở Kiên Giang và Huế.
Thịt sò lông (mao kham nhục – tên thuốc trong đông y của sò lông) có vị ngọt, mặn hòa lẫn, tính ấm, không độc có tác dụng bổ huyết ôn trung, huyết hư, kiện vị, chữa thiếu máu, đau dạ dày, tiêu hóa kém. Nếu bị viêm loét dạ dày - tá tràng, tiêu hóa kém hay bị thiếu máu thì bạn nên ăn sò lông thường xuyên nhé. Trong sò lông cũng chứa rất nhiều chất đạm và các thành phần chất dinh dưỡng giúp cung cấp năng lượng, tăng cường sự dẻo dai.
Dù có nhiều công dụng như một vị thuốc, người ta thường dùng sò long như một “liều thuốc cho tâm hồn” hơn. Nhậu cùng sò long nướng mỡ hành. Nhậu cùng gỏi sò long, mì xào sò lông, sò lông xào bông cải…
Mùa sò lông diễn ra quanh năm, chỉ trừ vào thời điểm mưa gió vào tháng 9, tháng 10 – Mùa miền Trung bắt đầu bước vào giai đoạn lũ bảo, nước dâng cao khiến người dân không thể đi bắt được thì khi đó sò lông mới hiếm hơn những lúc khác một chút. Tuy nhiên, vì là chế biến mắm, ngâm lâu và để càng lâu càng ngon nên người dân sẽ thường ngâm dự trữ trước mắm sò lông Lăng Cô để có hàng bán vào những tháng mưa bão. Vì thế, nhìn chung bạn có thể tìm mua được mắm sò quanh năm. Còn nếu muốn tự tay ngâm mắm sò thì bạn có thể lựa chọn thời điểm sau khi những cơn bão đã qua đi, miền Trung lại êm ả trở lại. Lúc này ngư dân sẽ bắt đầu đánh bắt bội thu những loại hải sản, trong đó có sò lông. Sò lông con to béo, có đường kính khoảng 6cm. Dù 1kg chỉ có khoảng 20 con nhưng vì vào mùa nên giá rất rẻ, chỉ dưới 20 nghìn/kg.
Cách làm mắm sò lông thật sự không quá khó, cũng chỉ ướp sò với muối, các gia vị khác rồi ủ đợi “chín”. Tuy nhiên, để làm được mắm sò Lăng Cô ngon thì phải yêu cầu quen tay một chút để tránh ướp quá mặn, quá nhạt. Vậy hôm nay, MIA.vn sẽ chỉ bạn công thức ướp mắm sò lông Lăng Cô bất bại nhé!
Muốn làm mắm sò thì đầu tiên ta phải có sò. Muốn có sò thì phải đi bắt, đi cào sò. Công đoạn cào sò cũng chẳng hề đơn giản một chút nào vì bạn phải ngâm mình hàng giờ dưới nước mới có thể kiếm đủ sò để làm mắm. Vì MIA.vn thuộc “hội người lười Việt Nam” và khá chắc bạn cũng thế nên bạn có thể hỏi mua trực tiếp từ các ngư dân, hoặc ra các chợ hải sản đầu mối để mua sò lông nhé! Thế là xong được bước đầu tiên.
Bước thứ hai chính là sơ chế sò. Sò sau khi được cậy vỏ lấy thịt, bạn đem rửa thật kỹ để cuốn trôi các bùn, cát bên trong sò. Tuy nhiên, công đoạn này đòi hỏi bạn phải nhanh tay để sò không bị nở to, khiến cho mắm sò bị hỏng. Quan sát người dân địa phương làm, khi rửa họ thường có thói quen rửa rất nhanh rồi vớt lên. Cuối cùng, để ra rổ cho ráo nước chừng 1 tiếng.
Bước ba cũng là bước cuối cùng đó là làm mắm. Sò sau khi đã ráo nước thì bạn cho vào thau nhựa, cho muối sống đã được giã mịn vào theo tỉ lệ 2:10. Cứ 10 chén sò thì cho 2 chén muối. Tuyệt kỹ công thức gia truyền của các làng làm mắm sò Lăng Cô chính là ở bước này! Muốn cho mắm sò ngon thì phải cân đo đong đếm thật đều tay, làm sao cho mắm không quá mặn, cũng không quá nhạt. Tuy nhiên, nếu ta không có kinh nghiệm thì hoặc bạn làm theo công thức MIA.vn chỉ bên trên, hoặc cứ cho muối đến khi tổ tiên bảo dừng lại là được. Cuối cùng, trộn thật đều tay thau sò cùng với ớt, riềng rồi cho vào hũ thủy tinh đậy kín nắp lại. Bảo quản mắm sò ở nơi mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp trong vòng 8-10 ngày là có thể lấy ra thưởng thức. Tuy nhiên, để ăn được ngon hơn thì bạn cũng nên để ngâm mắm sò lâu hơn nhé!
Xem thêm: Bánh xèo cá kình làng Chuồn – Bánh xèo có nguyên con cá lạ hen?
Cũng như chúng ta, sò lông cũng có “hội chị em” của chính mình đấy! Để vị ngon tăng lên gấp bội, bạn phải tìm đúng nguyên liệu ăn kèm thì mới tăng độ hấp dẫn của mắm sò Lăng Cô lên nhiều lần được. “Chị em” đầu tiên chính là cơm nóng. Mắm sò muối lên rất thơm, ăn với cơm nóng là ngon nhất. Hoặc bạn cũng có thể luộc một miếng thịt ba chỉ, dọn cùng chén mắm sò rồi ăn kèm với rau sống gồm khế chua, chuối chát, các loại xà lách. Hương vị vừa mát mẻ, lại vừa cay cay tê tê đầu lưỡi, đảm bảo sẽ là món ăn khó quên.
Để bảo quản được lâu thì khi múc mắm ra, nhớ đậy lại thật kín. Vì mắm sò Lăng Cô chủ yếu chỉ có muối, ớt và riềng nên nếu muốn ngon, bạn nên giã thêm một ít tỏi ớt để trộn vào chung với mắm, nhằm tăng thêm hương vị của mắm. Ngoài ra, bạn có thể nêm nêm thêm một ít đường, bột ngọt. Tuy nhiên cũng không nên nêm quá tay, vì sẽ làm mất đi vị ngon nguyên chất của mắm sò.
2Mua mắm sò ở đâu là ngon nhất?
Mắm sò Lăng Cô thì ngon nhất là mua ở Lăng Cô rồi đúng không nào? Tuy nhiên, với những bạn ngại đi xa thì bạn có thể đến ngay chợ Đông Ba ở thành phố Huế để mua nhé! Nơi đây, các thương buôn cũng nhập trực tiếp mắm sò từ các làng làm mắm ở Lăng Cô nên hương vị cũng sẽ được đảm bảo. Để chọn thương hiệu mắm sò ngon, bạn có thể tìm mua mắm sò Mệ Cặn (Bà Cặn) - Gia đình đã có trên 20 năm làm nghề mắm sò nên đảm bảo chất lượng ngon – bổ - rẻ, chỉ từ 120k/ chai mà thôi.
Vậy là MIA.vn đã gợi ý cho bạn một đặc sản xứ Huế để làm quà cho bạn bè, người thân và đặc biệt là Sếp để có thể “thuận lợi” xin nghỉ phép du lịch dài ngày những lần sau. Ngoài ra, MIA.vn còn có rất nhiều rất nhiều món ngon Huế khác đang chờ đón bạn như bánh canh cá lóc hay Bánh nậm Huế cũng rất ngon.