1 Giới thiệu con nuốc – Loại đặc sản Huế tươi ngon
Cứ mỗi độ mùa hè ở xứ Huế đến, đặc sản "con nuốc" lại trở nên phổ biến. Người Huế thường không phát âm chữ "t", thế nên chẳng biết từ bao giờ con nuốt lại được gọi thành con nuốc. Người dân Huế thường đùa nhau bằng câu "nuốc tuốc luốc", có nghĩa là "nuốt sạch mà không cần nhai". Nuốc rất ngon và không gây hại, những sinh vật xanh mềm mại, trông gần giống như con sứa nhưng nhỏ hơn này phát triển ở đầm phá nước lợ Cầu Hai và Tam Giang. Nuốc có kích thước chỉ cỡ trái chanh, màu xanh và ánh hồng nhạt, thường được biết đến như một món đặc sản Huế vô cùng độc đáo.
Con nuốc là loài nhuyễn thể, trong veo với những xúc tua nhỏ giống con mực. Vào mùa hè, đến du lịch Huế bạn sẽ thấy được hình ảnh nuốc nổi lên trên mặt nước thành từng mảng. Người dân sẽ vớt lên, ngâm và mang ra chợ bán.
Con nuốc được chia thành phần tai và chân, có hương vị thơm ngon, không gây ngứa và cũng không có mùi tanh. Thịt con nuốc Huế giòn thanh, có thể làm mát cơ thể hiệu quả. Theo kinh nghiệm du lịch, bạn có thể ăn sống loại hải sản này với mắm ruốc Huế hoặc cũng có thể ăn khi nó được chế biến thành món bún giấm nuốc.
2 Những nét đặc sắc của con nuốc xứ Huế và công thức ăn nuốc ngon
2.1 Lịch sử phát triển của món nuốc biển Huế
Trước đây, nuốc là món ăn quen thuộc, là lựa chọn giải nhiệt và ăn cho đỡ ngán của người dân ở vùng ven đầm phá. Hàng năm người dân địa phương chỉ có thể thấy nuốc xuất hiện một lần vào tháng 2-3 âm lịch. Cư dân ở vùng Tam Giang – Cầu Hai dường như chưa bao giờ tưởng tượng được rằng sẽ có một ngày, con nuốc sẽ trở thành một món "trending" không chỉ tại Huế mà còn lan tỏa khắp cả nước.
Trong vài năm gần đây, với sự phát triển của các mạng xã hội, hình ảnh của con vật giống sứa với màu xanh dương đẹp mắt đã lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng. Mọi người ở thành phố đổ xô đi mua thử, dẫn đến người dân ven đầm phá tạm gác lại công việc chính để đi khai thác nuốc và bán chúng, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn. Giá nuốc nguyên con, trước kia chỉ rơi vào khoảng 30.000 đồng/kg, nhưng hiện đã tăng lên đến 70.000 đồng (giá tham khảo, số liệu cập nhật tháng 4/2024).
Phần chân của con nuốc hiện đang có giá cao gấp đôi, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Nhờ đó, bà con sống ven đầm phá có thêm nguồn thu nhập lớn. Ngay cả người dân Huế cũng phải than vãn rằng trong mùa nuốc, họ không có cơ hội thưởng thức đặc sản của quê hương mình nếu không nhanh tay săn trước.
2.2 Cách ăn con nuốc ngon đúng điệu
Nuốc là loại hải sản ngon, mát và không gây ngứa như sứa, nó được nhiều người thực khách sành ăn yêu thích và sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon. Đồng thời, đây cũng là một đặc sản đặc trưng của người Huế, MIA.vn khuyên bạn nên thử qua nếu có cơ hội ghé thăm mảnh đất cố đô. Có nhiều cách chế biến nuốc, nhưng phổ biến nhất là ăn sống kèm mắm ruốc.
Món con nuốc chấm mắm ruốc Huế:
Đây là cách ăn đơn giản nhất nhưng không kém phần ngon miệng, khi con nuốc vẫn thường được ví như “sashimi của Huế”. Con nuốc sau khi mua về sẽ được mang đi sơ chế sạch và vắt ráo. Sau đó, nuốc được chấm cùng mắm ruốc Huế pha với chanh, đường, bột ngọt và vài lát ớt tươi. Để thưởng thức món này trọn vị thì không thể thiếu cái trái như vả, chuối chát, khế chua, các loại rau thơm như húng lủi, tía tô... Ngoài ra người dân Huế còn chấm kèm với dưa gang tươi, mọng nước được xắt lát dày.
Con nuốc mát lạnh, giòn sần sật, kết hợp với mắm ruốc thơm lừng, đậm đà cay cay và các loại rau thơm thơm nồng làm món ăn thêm phần hấp dẫn. Hẳn nhiều thực khách sẽ có cảm giác nghiện món ăn này ngay từ lần thưởng thức đầu tiên.
Món bún giấm nuốc Huế:
Bún giấm nuốc cũng là một món ngon từ con nuốc Huế mà bạn nên thử. Sau khi mua về, chân nuốc sẽ được ngâm trong nước lạnh kèm lá ổi đã vò nát để giữ độ giòn. Trước khi ăn, chân nuốc được vớt ra để ráo nước, càng vắt khô thì khi trộn bún sẽ càng ngon, đậm đà hơn.
Nước dùng là yếu tố quan trọng tạo nên vị ngon của món bún giấm nuốc. Hương vị đậm đà đến từ những con tôm tươi nguyên, được bóc vỏ và bỏ đầu, chỉ giữ lại phần thân đẹp mắt. Tiếp theo, tôm được ướp gia vị và xào chín trong chảo đã phi thơm hành, rồi lại thêm chút ớt bột. Khi nấu đầu bếp cần lưu ý để lửa nhỏ cho thức ăn chín đều và không bị cướp đi hương vị.
Khi bạn nêm nếm và thấy nước dùng đã ổn thì có thể thêm cà chua bi cắt nhỏ vào. Sau khi nước sôi nhừ chúng ta sẽ tắt bếp. Màu vàng của tôm kết hợp cùng màu đỏ của cà chua tạo ra một hỗn hợp nước sốt sền sệt, hấp dẫn. Phần rau sống kèm bún giấm nuốc sẽ gồm có bắp chuối sứ trắng bào nhuyễn tạo nên sự đặc biệt của món ăn, đậu phộng rang giã dập, bánh tráng, mắm ruốc pha chua cay và vài trái ớt xanh. Đây đều là những phần không thể thiếu để hoàn thiện hương vị món ăn từ con nuốc xứ Huế.
3 Một số câu hỏi thường gặp về con nuốc Huế
3.1 Mùa nuốc Huế bắt đầu lúc nào?
Con nuốc, một loại hải sản mát lành và không gây ngứa như sứa, là nguyên liệu cho những món ăn đặc sản được ưa chuộng ở xứ Huế. Mùa nuốc chỉ kéo dài trong những tháng hè nắng nóng. Theo kinh nghiệm du lịch, để thưởng thức hương vị con nuốc trọn vẹn nhất, người ta cần chọn những con còn tươi mới, không phải những con nuốc đã khô hoặc ngâm nở chuyển sang màu vàng đục. Một điều mà bạn cần hết sức lưu ý là con nuốc chỉ nên sử dụng trong ngày, vì sau một ngày, chúng sẽ có vị dở hơn và kích thước cũng teo nhỏ lại.
Mùa nuốc đến không chỉ làm cho bữa ăn ở Cố đô thêm đa dạng màu sắc, mà còn tạo nên một cảm giác sảng khoái tuyệt vời, giúp làm dịu cơ thể mệt mỏi của cả trẻ em và người lớn. Đặc biệt có một số công dụng của con nuốc mà bạn nên biết như làm dịu da, giúp loại bỏ rôm sảy một cách hiệu quả.
3.2 Sự khác biệt giữa con nuốc Huế và sứa đỏ Hải Phòng
Nhiều người ở các tỉnh thành khác thường nhầm lẫn giữa nuốc Huế và món sứa đặc trưng của Hải Phòng. Tuy cùng thuộc họ với sứa, nhưng nuốc được đánh giá là lành hơn sứa, ít kén người ăn. Nuốc thường sinh sống ở vùng nước lợ (nên không có con nuốc biển) trong khi món ngon sứa đỏ Hải Phòng thường xuất hiện ở vùng nước mặn. Cả hai món ăn đặc trưng này thường xuất hiện trở lại vào những tháng hè, tuy nhiên, thời gian đánh bắt con nuốc Huế thường kết thúc sớm hơn.
Là một loại đặc sản độc đáo và được ăn sống mà không cần chế biến, con nuốc Huế gây ấn tượng mạnh với nhiều thực khách khi lần đầu thưởng thức tại cố đô. Hy vọng thông qua những thông tin đã được MIA.vn cung cấp trên đây bạn sẽ có được một trải nghiệm ẩm thực thật khó quên.