1 Đền Bà Kiệu linh thiêng – Di tích lịch sử cấp quốc gia
Địa chỉ: 59 phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Đền Bà Kiệu tọa lạc trên tuyến phố Đinh Tiên Hoàng và trước kia từng được gọi là Huyền Chân Từ. Nếu vào bên trong bạn có thể tìm được bức hoành phi viết bằng chữ Hán “Thiên Tiên Điện”. Đền được xem là tọa lạc ngay vị trí linh thiêng của thủ đô, phía trước có hồ Gươm với tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, còn gần đó là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Khách du lịch Hà Nội đến đây còn dễ dàng ghé thăm nhiều địa điểm gần đó.
2 Hướng dẫn quan trọng khi ghé thăm Đền Bà Kiệu
2.1 Vị trí và cách di chuyển đến Đền Bà Kiệu
Theo kinh nghiệm du lịch, để đến Đền Bà Kiệu bạn có thể di chuyển bằng các phương tiện như xe ô tô, xe máy, xe buýt từ trung tâm.
Xe máy: Nếu di chuyển theo hướng đường Trần Hưng Đạo thì sau đó bạn rẽ về phố Đinh Tiên Hoàng, tới số 59 là đến ngôi đền cổ. Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm có khá nhiều bãi giữ xe, bạn có thể an tâm.
Xe buýt: MIA.vn mách bạn một số tuyến xe buýt có lộ trình đi qua đây bao gồm tuyến số 08A, 08B, 09A, 09B, 14, 36, 86… Giá vé xe buýt khá rẻ giúp bạn tiết kiệm chi phí đáng kể.
2.2 Giờ mở cửa và giá vé tham quan
Giờ mở cửa: 08h00 – 11h30, 13h30 – 16h30.
Giá vé tham quan: Miễn phí.
3 Lịch sử hình thành Đền Bà Kiệu
Đền Bà Kiệu còn được biết đến với cái tên khác là Thiên Tiên Điện hoặc Huyền Chân Từ, vốn nổi tiếng là một trong những ngôi đền thờ Mẫu đầu tiên tại Việt Nam. Đền được xây dựng lần đầu tiên vào niên hiệu Vĩnh Tộ (1619 - 1628) đầu thế kỷ 17, thời điểm đó chỉ có đền chính về sau đến cuối niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) mới có thêm cổng Tam Quan và năm Cảnh Thịnh thứ 8 thời Tây Sơn là quả chuông đồng.
Qua nhiều đợt sửa sang thay đổi, dấu tích kiến trúc của đền hiện tại phần lớn đến từ lần cải tạo lớn năm 1864 (năm Tự Đức thứ 17). Nhưng đến năm 1891 người Pháp đã dỡ bỏ sân trước và tòa tiền tế Đền Bà Kiệu làm đường xe điện, dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc lẫn không gian bên trong.
Không ai biết tại sao có cái tên Đền Bà Kiệu, nhưng ở đây thờ các thần như Thánh Mẫu Liễu Hạnh và hai thị nữ Quỳnh Hoa – Quế Hoa. Tích xưa kể lại công chúa Liễu Hạnh vốn là con gái Ngọc Hoàng, nhưng chẳng may làm vỡ chén ngọc nên bị đày xuống trần. Lúc hạ thế nàng đã dạy cho người dân làm nông và gầy dựng cơ nghiệp trước khi quay lại thiên đình. Tuy nhiên bởi nhớ trần gian nên nàng đã nhiều lần xuống trần giúp đỡ dân chúng với thị nữ.
Nhờ nhiều công lao to lớn mà công chúa Liễu Hạnh đã được tôn xưng như một vị thánh, được người người nhớ ơn và lập đền thờ phụng. Mẫu Liễu được tôn vinh là bậc “Mẫu Nghi Thiên Hạ”, nằm trong hàng “Đệ nhất Thượng đẳng thần” và cũng là một trong “Tứ Bất Tử” nổi tiếng của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Vai trò của bà đã khắc sâu trong tâm thức văn hóa của người dân địa phương, là biểu tượng cho quyền uy.
Đền Bà Kiệu đã được ghi nhận trong danh sách 31 di tích bao gồm đình, đền, chùa và các địa điểm lịch sử tiêu biểu của Hà Nội. Danh sách này được Sở Quốc gia Bảo tồn Cổ tích công bố ngày 07/8/1951, khẳng định giá trị văn hóa và lịch sử của đền trong bức tranh di sản phong phú của thủ đô.
4 Những điểm tham quan không thể bỏ lỡ tại Đền Bà Kiệu
Đền Bà Kiệu được phố Đinh Tiên Hoàng chia thành 2 khu vực: đền chính ở góc phố Lò Sũ và cổng tam quan ở ven Hồ Gươm.
4.1 Kiến trúc cổng tam quan đền Bà Kiệu ở ven hồ Hoàn Kiếm
Đền Bà Kiệu nằm ngay ven hồ Hoàn Kiếm, với cổng tam quan hướng ra đền Ngọc Sơn. Cổng tam quan được xây dựng theo kiến trúc truyền thống với ba cửa lớn làm từ gạch, mái lợp ngói ta. Trước đây, khách tham quan có thể trực tiếp đi qua cổng để vào khu thờ chính, nhưng hiện nay, cổng bị tách rời do đường Đinh Tiên Hoàng chạy qua. Điều này tạo nên một sự chia cắt giữa cổng tam quan và khu đền chính, vốn nằm ở góc phố Lò Sũ.
4.2 Bố cục khu đền chính ở góc phố Lò Sũ
Khu chính của đền Bà Kiệu gồm ba khu vực: nhà đại bái, phương đình và hậu cung, mỗi nơi mang giá trị kiến trúc và văn hóa riêng.
Nhà đại bái: nổi bật với bộ khung lớn dựng từ 8 cột gỗ lim vững chắc, mái ngói đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn và hai tượng hình cá hóa rồng trên mái làm từ ngói men xanh độc đáo.
Phương đình: có thiết kế hai tầng và bốn mái, mang nét đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn, với 4 chân cột lớn kiểu phương đình và 2 tầng, 4 mái được chạm khắc hoa văn đậm phong cách truyền thống.
Hậu cung: là khu vực linh thiêng nhất, nơi thờ tượng ba vị Thánh Mẫu (Thiên, Địa, Thủy) cùng Công chúa Liễu Hạnh, hai tiên nữ Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Ngoài ra còn có nhiều vị thần khác như Ngọc Hoàng, Ngũ vị tôn ông. Các pho tượng và khám thờ tại đây được chạm khắc tinh xảo, phản ánh trình độ nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao của thợ thủ công thời xưa.
4.3 Tham gia lễ hội truyền thống Đền Bà Kiệu
Lễ hội Đền Bà Kiệu được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, là một sự kiện văn hóa đặc sắc tại Hà Nội thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương. Đây là dịp để mọi người tôn vinh Thần Nữ Bà Kiệu và cầu an. Lễ hội bao gồm nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân gian. Điểm nhấn là những màn diễu hành trang nghiêm, các buổi lễ dâng hương và cầu nguyện tại đền. Ban ngày, du khách được tham gia các hoạt động như dựng trại, giao lưu văn hóa, trong khi buổi tối là thời gian dành cho nghi lễ trang trọng tại đền.
5 Một số lưu ý quan trọng khi ghé thăm Đền Bà Kiệu
Miễn phí vé vào cửa: Ban quản lý không thu phí tham quan. Nếu muốn tìm hiểu chi tiết về lịch sử và văn hóa của đền bạn có thể đăng ký dịch vụ thuyết minh tại bàn tiếp đón.
Lối vào khu thờ tự: Ngày thường bạn có thể vào từ lối phía sau đền, qua cửa ở phố Lò Sũ. Ngày lễ hội (6/3 âm lịch) và rằm theo kinh nghiệm du lịch bạn có thể sử dụng cửa chính phía trước.
Trang phục: Đảm bảo mặc trang phục kín đáo, phù hợp thuần phong mỹ tục để giữ gìn sự tôn nghiêm tại không gian linh thiêng.
Quy định thờ cúng: Bạn không được tự ý thắp hương, hóa vàng mã hoặc đặt tiền lễ ở nơi trái với quy định. Tuân thủ các quy tắc ứng xử nơi công cộng, không làm tổn hại đến kiến trúc hoặc môi trường xung quanh, đồng thời tự bảo quản tài sản cá nhân.
Với bố cục hài hòa và giá trị văn hóa sâu sắc, Đền Bà Kiệu không chỉ là di tích lịch sử quan trọng mà còn là biểu tượng của tín ngưỡng và nghệ thuật kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Dù đã trải qua biết bao biến cố và thăng trầm lịch sử, nhiều di tích quanh hồ Gươm đã mai một theo thời gian, nhưng Đền Bà Kiệu vẫn được gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn với những giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng đặc sắc. Đến thăm nơi đây bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, đồng thời tìm đến đây để cầu mong sự bình an và may mắn trong cuộc sống.