Địa chỉ: Ấp Phước Long, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng

Chùa Champa là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Sóc Trăng bên cạnh những cái tên ấn tượng không kém như Chùa Đất Sét, Sà Lôn, Som Rong... Công trình tôn giáo này có tên đầy đủ theo tiếng Khmer là Champa Wonaram. Sở dĩ nói nơi đây mang danh một loài hoa tuyệt sắc bởi lẽ cụm Champa dịch ra tiếng Việt có nghĩa là hoa sứ. Trước đây, khu vực mà ngôi chùa đang tọa lạc là vùng đất giồng có rất nhiều cây sứ trắng mọc tự nhiên, do đó ông cha ta đã dựa trên đặc điểm này mà đặt cho nơi đây này cái tên gợi nên cảm giác vô cùng nên thơ, lãng mạn.

Xem thêm: Chùa La Hán, điểm đến tâm linh đẹp tựa cổ tích tại Sóc Trăng

Chùa Champa thuộc địa bàn xã Phú Tân có vị trí cách trung tâm Thành phố Sóc Trăng khoảng 12km. Bởi vì chùa nằm rất gần các địa điểm du lịch tâm linh khác như Chùa Bốn Mặt Sóc Trăng, Chùa Phật Nổi... nên các bạn gần xa khi đến với tỉnh thành này thường thuê xe máy hoặc ô tô tự lái để tiện tham quan, khám phá những công trình kiến trúc tôn giáo này. Về cung đường, xuất phát từ trung tâm, bạn chạy theo hướng Lê Lợi qua Quốc lộ 1A rồi rẽ phải vào DT932, sau đó tới Tịnh xá Ngọc Tâm thì rẽ trái là dừng chân tại ngôi chùa nổi tiếng. 

Độc đáo ngôi Chùa Champa mang danh loài hoa tuyệt sắc 2

Chùa Champa là điểm dừng chân khám phá tâm linh tại Sóc Trăng không còn xa lạ gì với tín đồ du lịch

Vào năm 1686, Chùa Champa được xây bằng gỗ, lợp lá đơn sơ và cách công trình kiến trúc hiện thời khoảng 1km. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến năm 1974 thì ngôi chùa có vị trí và diện mạo như bây giờ.

Tương truyền địa điểm Chùa Champa đang tọa lạc là vùng đất vô cùng địa linh. Do điều kiện tự nhiên nên ngày trước nơi đây có những hào nước sâu, tôm cá nhiều không kể xiết. Chim, cò thấy vậy thì đổ về để tìm thức ăn, trong đó có những đàn chim bồ nông lớn. Chúng nhìn thấy con mồi thì sải cánh xuống và nhã ra thức ăn dự trữ ở cổ. Những người dân địa phương thấy vậy thì tin rằng đây chính là điểm may mắn đồng thời truyền tai nhau là nếu lấy khu đất này để xây dựng chùa thì phúc phần sẽ được nhân lên gấp bội.

Về sau, công trình tôn giáo này thực sự ngày càng khang trang hơn khi dời về vị trí hiện nay, từ kết cấu cột gỗ, vách ván, lợp lá đơn sơ được bê tông hóa toàn bộ vào năm 1969. Không chỉ mang lại may mắn, chùa còn được biết đến như nơi diễn ra nhiều cuộc họp bí mật của tổ chức cách mạng địa phương trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đồng thời cũng là cái nôi nuôi dưỡng nhiều cán bộ người Khmer như ông Tà Ruôi, Tà Éch, Tà Ben, Tà Sol...

Độc đáo ngôi Chùa Champa mang danh loài hoa tuyệt sắc 3

Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1686 và đặt tên theo loài hoa sứ trắng tuyệt sắc từng tập trung nhiều ở vùng đất này

Chùa Champa có tổng diện tích khoảng 6ha. Nơi đây không chỉ sở hữu nhiều công trình, kiến trúc độc đáo mà còn có khuôn viên rợp bóng mát với hàng cây sao, cây dầu cùng cổ thụ cao ngút mắt. Dạo bước tại chùa, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng 2 cây me lâu đời nhất xứ này: 1 cây trên 700 tuổi rộng 5, 6 người ôm không xuể, 1 cây đã sống gần 300 năm đồng thời hít thở bầu không khí trong lành và cảm nhận được sự yên bình, thanh tịnh của chốn tâm linh.

Giống như nhiều ngôi chùa theo hệ phái Nam Tông, chánh điện luôn là hạng mục quan trọng và được xây dựng khang trang nhất, ở Champa cũng không ngoại lệ. Ngôi chánh điện nơi đây là một khối kiến trúc được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất khoảng 1m với hệ thống mái xếp tầng, xen giữa là ngọn tháp cao. 4 góc mái Chùa Champa trang trí hình rồng Khmer có phần thân trải dài, đuôi hướng lên trời càng làm cho công trình này thêm phần uy nghiêm, tráng lệ.

Độc đáo ngôi Chùa Champa mang danh loài hoa tuyệt sắc 4

Vi vu khám phá ngôi chùa, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng 2 cây me có tuổi thọ lâu đời nhất xứ này

Bởi vì hiện nay không còn nhiều hoa sứ ở vùng đất này nên để lưu lại dấu tích, một hàng cây nở hoa trắng muốt, tỏa hương thoang thoảng được ban quản lý chùa trồng ngay ngắn sát bên chánh điện. Bốn mặt của khối kiến trúc này thì được trang trí bởi 4 đôi linh vật của nền văn hóa Ấn Độ gồm voi, hổ và 2 đôi sư tử có hình dạng khác nhau là "Tao" và "Rêachsei". Nhìn chung, đây là 2 hình tượng về sư tử trong giáo lý, mỗi loại lại sở hữu ý nghĩa khác nhau. Sự phân biệt giữa Tao và Rêachsei có phần tương đồng với hình tượng sư tử và nghê trong văn hóa tâm linh của người Việt.

Bước vào chánh điện, bạn sẽ ngay lập tức nhìn thấy 4 bức vách được vẽ bích họa về cuộc đời đức Phật Thích Ca vô cùng đặc sắc. Ở bàn thờ là tượng Phật với nhiều tư thế đứng, ngồi... khác nhau. Qua quan sát, theo các nhà nghiên cứu thì nơi đây có một số pho tượng cổ khá độc đáo. Đầu tiên là pho tượng lớn được thờ tự chính trong khu chánh điện. Đây là tuyệt tác có phong cách tạc tượng đến từ Thái Lan.

Tiếp theo là 2 pho tượng Phật sở hữu lối chế tác của người Myanmar cùng 2 bức tượng gỗ ở tư thế đứng. 1 trong 2 pho tượng gỗ đã bị hỏng nặng ở phần mặt. Pho còn lại có đường nét mang những điểm đặc trưng về phong cách tạo hình của nền văn hóa Champa. Có thể nói những bức tượng tại ngôi chùa thực sự là bí ẩn văn hóa đặc biệt ấn tượng.

Độc đáo ngôi Chùa Champa mang danh loài hoa tuyệt sắc 5

Giống như nhiều công trình kiến trúc tôn giáo theo hệ phái Nam Tông Khmer khác, Champa sở hữu ngôi chánh điện rất đẹp và khang trang

Vậy là MIA.vn vừa giới thiệu tới bạn ngôi Chùa Champa lâu đời. Đây chắc chắn sẽ là địa điểm tâm linh mang đến tín đồ du lịch trải nghiệm khám phá tâm linh đặc sắc. Sau khi hòa mình vào không khí nhộn nhịp của những lễ hội ở Sóc Trăng, đừng quên đến Chùa Champa tham quan, chiêm bái mọi người nhé. Lưu ngay ngôi chùa này vào cẩm nang du lịch cá nhân kẻo lỡ thôi.