Một trong những điểm nhấn tạo nên sức hút du lịch của vùng đất Sóc Trăng chính là các công trình chùa chiền hàng trăm năm tuổi với nét đẹp nhuốm màu thời gian. Nổi bật trong số những đền chùa ở đây phải kể đến các ngôi cổ tự thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông tiểu thừa của dân tộc Khmer Nam Bộ như chùa Kh’leang, chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu), chùa Dơi… và đặc biệt là chùa Bốn Mặt Sóc Trăng - Một trong những ngôi chùa cổ lão được đánh giá là có lối kiến trúc đẹp và độc đáo nhất.
1 Giới thiệu vài nét về chùa Bốn Mặt Sóc Trăng
Chùa Bốn Mặt Sóc Trăng tọa lạc tại địa phận Chợ Cũ, thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cách trung tâm thành phố khoảng 6km theo hướng về huyện Kế Sách. Nơi đây là một trong những ngôi chùa ở Sóc Trăng nói riêng và cả khu vực miền Tây nói chung có tuổi đời cổ xưa nhất. Theo như lời của các vị sư sãi trong chùa thì ngôi cổ tự này được xây dựng từ khoảng năm 1537 (vào đầu thế kỷ XVI). Đến nay, chùa Bốn Mặt Sóc Trăng đã tồn tại gần 500 năm và mặc dù có ít nhiều biến đổi, kiến trúc của nơi này vẫn giữ nguyên những nét đẹp cổ kính thuở ban đầu. Tổng thể kiến trúc chùa bao gồm nhiều công trình đặc sắc như Chính điện, Sala, tháp để cốt, lò hỏa táng, khu nhà ở của các sư, nhà tiếp khách…
Chuyện kể rằng vào khoảng đầu thế kỷ XVI, trong một lần khai khẩn đất hoang để làm nương rẫy canh tác và phát triển nông nghiệp, đồng bào Khmer vô tình phát hiện ra một pho tượng Phật bằng đá có bốn mặt quay về bốn hướng, mỗi hướng lại có 5 vị Phật khác. Cho rằng đây chính là điềm lành nên năm 1537, bà con trong vùng đã góp công, góp sức xây dựng nên ngôi chùa rồi rước tượng Phật Bốn Mặt vào thờ. Điều kỳ lạ hơn cả là bức tượng Phật bằng đá này được tạo tác các hoa văn, họa tiết rất đặc biệt mà dường như không có bàn tay con người nào có thể chạm khắc ra được. Vì nằm ngoài những suy luận và quan niệm của người dân thời đó nên họ vô cùng sùng bái tượng Phật Bốn Mặt trong tín ngưỡng Phật giáo của mình.
Xung quanh việc phát hiện tượng Phật bằng đá được dân gian lưu truyền, chùa Bốn Mặt Sóc Trăng còn rất nhiều truyền thuyết tâm linh mang màu sắc hết sức huyền bí. Chẳng hạn như trong quá trình rước tượng vào chùa, có một điều khiến mọi người đều ngỡ ngàng là dù pho tượng không quá to nhưng cả 4 chàng thanh niên khỏe mạnh lại không tài nào nhấc lên khỏi mặt đất. Rồi một hôm, vị bô lão trong làng nằm chiêm bao thấy Đức Phật về báo mộng rằng, cần phải có 8 người nam thanh nữ tú (4 nam và 4 nữ) ăn chay trường suốt 49 ngày mới khiêng được tượng. Thế là ông đem thông tin đó kể lại cho bà con. Cuối cùng, mọi việc đều thực hiện đúng như giấc mộng chiêm bao của vị bô lão, tượng Phật đã được rước vào chùa.
Xem thêm: Chùa Ông Bổn Sóc Trăng, công trình tôn giáo tiêu biểu của cộng đồng người Hoa
2 Nét đặc sắc trong phong cách kiến trúc của chùa Bốn Mặt Sóc Trăng
Chùa Bốn Mặt Sóc Trăng được xây dựng cùng thời với chùa Kh’leang, lúc mới hình thành vốn chỉ là một ngôi tự nhỏ gồm các công trình, hạng mục đều làm bằng tre, đất, đá, lá và gỗ. Trải qua hàng trăm năm tồn tại với ba lần trùng tu, ngày nay chùa đã là một quần thể kiến trúc truyền thống Khmer độc đáo nằm trên diện tích đất hơn 6.500m2. Công trình đầu tiên mà bạn sẽ bắt gặp chính là cổng chùa (cổng tam quan) được thiết kế rất tinh xảo với ba ngọn tháp tròn, mỗi ngọn năm tầng và đắp nổi các hình tượng nhân vật đã in sâu trong tín ngưỡng Khmer như thần gió Reahu (hay còn gọi là chằn Reahu), rắn thần Nagar và chim thần Krud.
Từ cổng tam quan đi thẳng vào bên trong chùa Bốn Mặt Sóc Trăng, điều làm cho mọi người vừa tò mò vừa thích thú là hình ảnh đôi rắn thần Nagar chín đầu có chiều dài hơn 20m. Tương truyền, rắn thần Nagar đã có công che chắn mưa gió trong lúc Đức Phật ngồi thiền định. Còn trong quan niệm của đồng bào Khmer, rắn Naga là biểu tượng cho sự an khang, thịnh vượng, xua đi tà khí và dẫn lối đến cõi thiên đường. Chính vì vậy mà trên các lối đi, hành lang, mái chùa… đều xuất hiện hình ảnh rắn thần Nagar. Dọc theo hai lối đi dẫn vào bên trong khuôn viên rộng lớn, thoáng đãng là những hàng cây xanh rợp bóng mát. Đặc biệt, khuôn viên của chùa Bốn Mặt Sóc Trăng có rất nhiều cây hồng nhung cổ thụ lâu năm, có cây đã hơn 100 tuổi. Cây hồng nhung cho trái quanh năm, vị thơm ngọt, trông khá giống quả đào nên được khách hành hương rất yêu thích.
Chính điện chùa Bốn Mặt Sóc Trăng có diện tích khoảng 225m2. Theo lời trụ trì, chất liệu xây dựng nên Chính điện được kết hợp từ rơm, cát và đất sét nên khi gõ vào sẽ nghe thấy âm thanh phát ra rất khác lạ so với tường bê tông. Phần mái được thiết kế dạng tam cấp và ở trung tâm là đỉnh gắn tháp nhọn với tượng bốn mặt của Maha Prum - Đấng sáng thế theo quan niệm Bà la môn giáo. Viền và các góc cạnh của mái Chính điện được điêu khắc mô phỏng theo hình tượng rồng, bên dưới là hình ảnh các tiên nữ Keynor mình chim với gương mặt hiền hòa, phúc hậu được chạm trổ hết sức công phu. Cùng với đó là tượng chim thần Krud miệng ngậm hồng ngọc, đứng uy nghi dưới chỗ tiếp giáp giữa mái và các trụ cột, tượng trưng cho sức mạnh nâng đỡ Chính điện.
Bên trong Chính điện đặt bức tượng Phật Bốn Mặt bằng đá gắn liền với truyền thuyết hình thành chùa. Pho tượng Phật này sau 500 năm vẫn còn rất nguyên vẹn và được thờ trong gian trước của Chính điện. Sau gian trước là một khu vực rộng lớn thờ khoảng 40 tượng Phật khác. Ở trung tâm Chính điện là bức tượng Phật Thích Ca cao 2m trong tư thế ngồi thiền trên chiếc bệ được chạm trổ hoa văn hình cánh sen.
Theo thời gian, Chùa Bốn Mặt Sóc Trăng được tu bổ và xây dựng thêm một vài hạng mục mới. Trong đó, nổi bật nhất là ao Mách Cha Linh với ngọn tháp cao 20m, bên trong có tượng Phật Thích Ca ngồi trên mình con rắn 7 đầu. Xung quanh ao được điêu khắc các hoa văn của bức tượng Phật Bốn Mặt quay về bốn hướng cùng với tượng 12 con giáp. Ao Mách Cha Linh chính là một trong những biểu tượng đặc sắc của Phật giáo Nam tông Khmer, vừa có giá trị to lớn về mặt tâm linh vừa tạo nên nét độc đáo riêng biệt cho chùa Bốn Mặt Sóc Trăng.
Ngoài ra, chùa Bốn Mặt còn thu hút mọi người bởi hai Giếng Tiên (Giếng Ông ở phía trước còn Giếng Bà ở phía sau chùa). Hai Giếng Tiên này gắn liền với truyền thuyết về tục đào giếng giữa người con trai và con gái trong làng ngày xưa. Tuy chỉ còn là những dấu tích cũ nhưng hai Giếng Tiên đã để lại nhiều ý nghĩa giáo dục quan trọng trong đời sống văn hóa của người Khmer ngày nay. Bên cạnh đó, chùa Bốn Mặt còn sở hữu các phòng trưng bày hiện vật, phòng đọc sách, đội ca múa nhạc cùng câu lạc bộ hàng trăm thành viên tham gia lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng hằng năm nên bạn có thể thỏa sức khám phá và tìm hiểu văn hóa Khmer bản địa.
Với những nét đặc sắc mà chùa Bốn Mặt Sóc Trăng đang sở hữu, nơi đây xứng đáng là điểm đến tâm linh mà bạn nhất định phải lưu lại vào cẩm nang du lịch của mình. Nếu có dịp đến Sóc Trăng, đừng quên ghé thăm ngôi chùa cổ xưa này để chiêm ngưỡng tận mắt lối kiến trúc ấn tượng tại đây nhé.