Đình làng hay Đình Thần là nơi để thờ Thần Thành Hoàng, vị thần của làng xã. Trong số những ngôi đình cổ còn lại ở miền Tây Nam Bộ hiện nay thì Đình Bình Thủy là một trong những công trình bắt mắt với phong cách nghệ thuật độc đáo nhất. Nếu có cơ hội đi khám phá Cần Thơ bạn nhớ ghé địa điểm này để chiêm ngưỡng kiểu kiến trúc cổ, nguy nghi và tìm hiểu lịch sử hình thành, phát triển của ngôi đình linh thiêng này.

- Địa chỉ: Số 46/11A Lê Hồng Phong, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ

- Miễn phí vé ra vào

- Giờ mở cửa: 7h30 - 10h30 | 13:30 - 17:30 từ thứ 2 đến chủ nhật

Ngoài Chùa Ông Cần Thơ thì Đình Bình Thủy cũng là một nơi được mọi người yêu thích. Công trình kiến trúc này hội tụ đủ các yếu tố phong thủy quan trọng “nhất cận giang, nhị cận quan, tam cận thị” như: phía Đông giáp rạch Bình Thủy, khu dân cư ở phía Tây, phía Nam là tuyến đường Lê Hồng Phong dẫn ra trung tâm thành phố, phía Bắc có bờ Hậu.

Giải mã kiến trúc và lịch sử Đình Bình Thủy 2

Đình Bình Thủy nằm cạnh bên dòng sông thơ mộng, hiền hòa sở hữu kiểu kiến trúc đậm chất Nam Bộ. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Xem thêm: Nhà cổ Bình Thủy nơi giao thoa kiến trúc Đông Tây hoàn hảo

Đình Bình Thủy chỉ cách trung tâm thành phố khoảng độ 6km nên di chuyển đến đây cũng khá nhanh chóng. Theo Google maps thì để di chuyển tới đình chúng ta nên xuất phát từ trung tâm thành phố, sau đó chạy theo tuyến Nguyễn Trãi, qua Cách Mạng Tháng Tám rồi tới cầu Bình Thủy. Từ cầu bạn chỉ cần nhìn về hướng tay phải thì chúng ta sẽ thấy Đình Bình Thủy (ngay bên dưới chân cầu).

Vị trí  Đình Bình Thủy ở Cần Thơ trên bản đồ

Đình Bình Thủy được xây dựng năm 1844 ở làng Bình Hưng, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên. Hiện nay thì là phường Bình Thủy, quận Bình Thuỷ, Cần Thơ. Năm 1852 quan khâm sai đã bất ngờ gặp một trận cuồng phong khi lên đường đi tuần trên biển. Nhưng may mà ông đã ẩn nấp kịp thời tại Bình Hưng nên vẫn bình an vô sự.

Sau khi thoát nạn thì để ăn mừng ông đã tổ chức tiệc ăn mừng và đổi lại tên đất Bình Hưng thành Bình Thủy, có nghĩa là “bình ổn dòng nước”. Cũng từ đó người dân địa phương cũng gọi đình thành đình Bình Thủy.

Năm 1853 người dân làng đã quyên góp tiền và cùng nhau tu sửa lại cho đình khang trang hơn. Tường gạch được trùng tu, mái ngói đỏ, gỗ được dùng tốt hơn và dựng thêm cả nhà võ ca để phục vụ cho các lễ hội lớn. Khoảng 51 năm sau, tức đầu năm 1904 khi thấy tình trạng đình xuống cấp, quan tri phủ Nguyễn Đức Nhuận đã tiến hành xây dựng lại.

Tuy nhiên khi Đình Bình Thủy còn chưa hoàn thành thì quan tri phủ đã qua đời, việc tu sửa cũng phải dừng theo. Tới năm 1909 Đình Bình Thủy mới được tiếp tục xây cất và hoàn tất năm 1910. Cũng trong khoảng thời gian này đình được đổi tên thành “Long Tuyền” (có nghĩa là con rồng nằm). Đó là lý do Đình Bình Thủy còn được gọi với cái tên khác là đình Long Tuyền hay Long Tuyền cổ miếu.

Giải mã kiến trúc và lịch sử Đình Bình Thủy 3

Đình Bình Thủy đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử và được tu bổ, sửa sang liên tục mới được như hiện tại

Đình Bình Thủy là điểm đến tâm linh yêu thích của người dân địa phương nói riêng và cả khách tham quan từ xa đến nói chung. Khi ghé thăm đình chúng ta sẽ được cầu an, cầu sức khỏe hay tưởng nhớ cả công lao của những vị anh hùng dân tộc.

Bên cạnh thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh thì Đình Bình Thủy còn thờ hổ thần. Trong đình thì có tượng bia một số anh hùng, lãnh tụ yêu nước như Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo… Ngoài ra đình còn thờ cả thần rừng, thần khai kênh dẫn nước và Thần Nông.

Khi tham quan Đình Bình Thủy chúng ta sẽ có cảm giác vô cùng ấn tượng với kiểu kiến trúc đậm nét miền Tây Nam Bộ. Nếu là người tương đối hiểu biết về các kiểu kiến trúc đền chùa thì bạn sẽ thấy được sự khác biệt của đình so với các đình làng tại miền Bắc.

Công trình cũng là sự giao thoa giữa giá trị kiến trúc nghệ thuật cổ truyền trong giai đoạn khai hoang đất Phương Nam kết hợp với văn hóa Trung Hoa. Đình sở hữu diện tích lên tới 4000m2 và thiết kế không rập khuôn, có chủ đích nên mang nét mới mẻ thu hút người tham quan.

Dù Đình Bình Thủy cũng mới được xây dựng vào thế kỷ 20 nhưng kiến trúc lại mang đậm những nét tinh hoa truyền thống. Nó đến từ những họa tiết trang trí, chạm trổ gần gũi và sinh động. Đình cũng là nơi gìn giữ giá trị văn hóa miền Tây và gợi nhớ truyền thống một thời xa xưa. Đình cũng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989.

Giải mã kiến trúc và lịch sử Đình Bình Thủy 4

Công trình này hội tụ đầy đủ các yếu tố phong thủy quan trọng như "nhất cận giang, nhị cận quan, tam cận thị", phía Đông giáp rạch Bình Thủy, phía Bắc có bờ Hậu

Nếu nhìn lên phía nóc Đình Bình Thủy bạn có thể thấy tòa nhà chánh điện và nhà sau được thiết kế theo kiểu “thượng lầu hạ tiên” với mái nằm chồng lên nhau, vừa thanh thoát mà vừa nghệ thuật. Bên cạnh đó phía trên nóc đình còn được gắn tượng hình cá hóa rồng, hình kỳ lân và hình nhân.

Nếu nhìn sang góc trái nóc đình thì sẽ thấy nó được trang trí cuốn thư khá giống như những mái đình ở miền Bắc. Ngoài ra Đình Bình Thủy còn có trang trí những bình hoa, giỏ lam đào, bìa mái ngói thì ốp hình lá xoài tráng men xanh. Ở mặt trước thì có cột xi măng được diềm hoa lá rất tỉ mỉ và tinh tế.

Giải mã kiến trúc và lịch sử Đình Bình Thủy 5

Phần mái độc đáo với họa tiết cặp rồng uốn lượn được điêu khắc chi tiết cùng màu sắc nổi bật

Ngay giữa tiền đường Đình Bình Thủy là bàn thờ để thờ Nghi Trung, Nghi Hạ. Gian bên trong thì có bàn thờ Nghi Thượng để dân hoa, cúng bái vào những ngày hội. Khu trung tâm tòa chính điện thì có bành thờ chính, phía bên trái là bàn thờ Hương chức Tiên Giáo, bên trong thì là Hậu tiền.

Sát vách bên phải ở phía đối diện có bàn thờ Tiền Hiền và chức sắc Tiên Giác. Sát vách ở trong cùng gian giữa là bàn thờ Hậu thân, Tả Bang và Hữu Bang ở 2 bàn thờ 2 bên. Bên ngoài đình còn được lập 2 miếu thờ thần Nông và thần Hổ khá lớn.

Giải mã kiến trúc và lịch sử Đình Bình Thủy 6

Khuôn viên nội thất bên trong đình cũng gây ấn tượng không kém bởi độ tỉ mỉ, chi tiết. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Đến Đình Bình Thủy bạn không chỉ được chiêm ngưỡng nhiều nét kiến trúc mới lạ, mà còn được hòa chung vào không gian lễ hội đặc sắc. Hằng năm ở đình diễn ra tổng cộng 2 lễ hội là:

- Lễ Kỳ Yên: Diễn ra từ 12 - 14/4 âm lịch và là lễ hội cúng Bổn Cảnh Thần Hòa, vị thần cai giữ đất đai. Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy bao gồm nhiều nghi thức đặc sắc như cúng tế, thỉnh sắc thần, hát bội…

- Lễ Kỳ Yên Hạ Điền: Diễn ra từ 14/12 - 15/12 âm lịch và thu hút đông đảo mọi người ghé thăm. Ngoài các nghi thức và cúng bái thì khi tham gia chúng ta còn được hòa vào không khí rộn ràng của nhiều trò chơi dân gian như hát bội, kéo co, thi nấu ăn…

Giải mã kiến trúc và lịch sử Đình Bình Thủy 7

Lễ hội Kỳ Yên đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hằng năm thu hút đông đảo người đến tham gia

Hy vọng những thông tin chi tiết về Đình Bình Thủy đã được MIA.vn cung cấp sẽ giúp bạn có một chuyến hành trình thật ý nghĩa tại đây. Ngôi đình không những là không gian tín ngưỡng, lưu giữ văn hóa dân tộc mà còn là niềm tự hào của xứ Tây Đô. Đừng quên Cần Thơ còn có nhiều điểm tham quan nữa cũng nổi bật không kém như Chợ nổi Cái Răng, khu du lịch Mỹ Khánh, khu du lịch Cồn Sơn...