1Giới thiệu đôi nét về huyện Mỏ Cày Nam Bến Tre
Huyện Mỏ Cày Nam từ lâu đã được mệnh danh là quê hương của phong trào Đồng Khởi, cách trung tâm Thành phố Bến Tre khoảng 25km. Vùng đất này mang trong mình nét đẹp nguyên sơ với những vườn dừa bạt ngàn, xanh thẳm, những chiến tích lịch sử vẻ vang của người dân địa phương và là nơi sản xuất các sản phẩm đặc trưng của xứ dừa Bến Tre. Tất cả những yếu tố này mang đến cho huyện Mỏ Cày Nam sức cuốn hút riêng, tạo sự tò mò, thích thú đối với khách thập phương.
Bên cạnh đó, Mỏ Cày Nam còn là tâm điểm của cụm du lịch sinh thái Cù lao Minh với chủ đề “Từ sông ra biển", liền kề với huyện Thạnh Phú, huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Chợ Lách nhằm đưa những sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với bạn bè gần xa. Ngoài khám phá trên đất liền, mọi người còn có thể đi tàu ra sông Hàm Luông, qua Vàm Nước Trong đến với sông Thom - nơi nổi tiếng với những cơ sở sản xuất và chế biến dừa dọc hai bên bờ. Có thể nói, du lịch huyện Mỏ Cày Nam sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm cực kỳ thú vị cùng với tấm lòng đôn hậu, hiếu khách của bà con ở miền sông nước xứ dừa.
Xem thêm: Du lịch miệt vườn Chợ Lách Bến Tre với những điểm đến hấp dẫn
2 Những địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ ở huyện Mỏ Cày Nam Bến Tre
Cồn Thành Long (hay còn được gọi là Cồn Lớn) sở hữu diện tích khoảng 111 hecta hợp thành bởi Cồn Nẩy, Cồn Chen, Cồn Cát, Cồn Bà Hiền và Cồn Bà Lành. Tọa lạc tại ấp Thành Long, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, Cồn Thành Long mang vẻ đẹp hoang sơ, yên bình với nguồn sản vật tự nhiên dồi dào và địa thế giao thông đường thủy, bộ khá thuận lợi.
Nhờ phù sa của dòng sông Cổ Chiên bồi đắp nên Cồn Thành Long có những vườn dừa xanh mát cùng nhiều vườn cây ăn trái trù phú, sinh trưởng tự nhiên. Không chỉ thế, môi trường nơi đây hầu như mát mẻ, trong lành quanh năm nên ngày càng có nhiều khách thập phương tìm đến khám phá, du ngoạn. Mặc dù đã có nhiều dịch vụ du lịch phát triển nhưng người dân ở xứ Cồn Thành Long vẫn giữ nguyên nhịp sống bình dị từ lối ăn, mặc đến các thói quen hằng ngày.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi tọa lạc tại địa phận xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm thành phố tầm 24km. Khoảng đầu những năm 60 của thập niên 90, đây chính là nơi phát ra tiếng súng đầu tiên khởi nguồn cho phong trào Đồng Khởi lừng lẫy của cách mạng miền Nam nước ta thời bấy giờ.
Khu di tích Đồng Khởi Bến Tre hiện nay đã được xây dựng thành nơi trưng bày các hình ảnh và tư liệu lịch sử về chiến tích oanh liệt của quân dân xứ dừa trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập. Đồng thời, nơi đây cũng là địa chỉ đỏ để giáo dục văn hóa, cách mạng cho các thế hệ trẻ và phục vụ những hoạt động về nguồn, tham quan, tìm hiểu về truyền thống ngày Đồng Khởi Bến Tre lịch sử.
Chùa Tuyên Linh nằm ở ấp Tân Thới Đông B thuộc địa phận xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, phía trước là con rạch Tân Hương vắt ngang tạo nên phong cảnh hữu tình, thơ mộng, gắn ngôi cổ tự với không gian miệt vườn sông nước. Ngôi chùa này không chỉ được biết đến là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất tỉnh Bến Tre mà còn nổi tiếng bởi bề dày lịch sử cách mạng gắn liền với tên tuổi Tổ Khánh Hòa - một vị cao tăng thuộc Phật giáo Nam Bộ, một nhà sư tài đức, uyên thâm Phật pháp và là lá cờ đầu của phong trào Chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX.
Thuở sơ khai, Chùa Tuyên Linh chỉ được xây cất chủ yếu bằng các vật liệu đơn giản như tre, lá. Trải qua nhiều lần tôn tạo và trùng tu, tổng diện tích khuôn viên của chùa hiện tại đã lên đến 9.000m2 với nhiều công trình nổi bật như Chánh điện, Sala, nhà thờ tổ, giảng đường... Từ lâu, Chùa Tuyên Linh đã trở thành một địa điểm du lịch tâm linh hàng đầu để người dân bản địa cũng như khách thập phương đến vãn cảnh, hành hương, bái Phật và gửi gắm những ước nguyện của mình.
Chợ nổi Dừa trên dòng sông Thom thuộc huyện Mỏ Cày Nam từ lâu đã được mệnh danh là khu chợ nổi độc nhất miền Tây Nam Bộ bởi mặt hàng chủ lực là dừa và những sản phẩm từ dừa. Từ dòng sông Thom nối liền với sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông tạo thành nút giao thông đường thủy trung tâm của vùng dừa Cù lao Minh, những cơ sở khai thác, sản xuất dừa mọc lên ngày càng nhiều cũng như người mua, người bán cũng dần tấp nập hơn đã hình thành khu Chợ nổi Dừa nức tiếng ngày nay.
Mỗi ngày có đến hàng trăm ghe, xuồng từ trong và ngoài tỉnh Bến Tre nườm nượp đổ về Chợ nổi Dừa để mua bán dừa cùng các sản phẩm từ dừa. Chính vì vậy nên bạn sẽ có cơ hội được tận mắt nhìn thấy khung cảnh giao thương tấp nập cùng những công việc hằng ngày ở các cơ sở chế biến dừa như lột vỏ, nạo cơm dừa, tách dừa, phơi chỉ xơ dừa... Qua đó, bạn sẽ phần nào cảm nhận được sự cần cù, chăm chỉ trong cuộc sống mưu sinh thường nhật của người dân nơi đây.
Đóng ghe, xuồng ở xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam là một trong những làng nghề truyền thống Bến Tre đã có mặt từ rất lâu đời. Cả làng nghề có đến hơn 10 cơ sở và hầu hết đều là của con cháu ông Huỳnh Văn Kỉnh - một trong những hộ gia đình đã duy trì nghề đóng ghe, xuồng hàng bao năm nay.
Lợi thế của Làng nghề đóng ghe, xuồng xã An Định là nằm nép mình bên dòng sông Cái Quao. Vào mùa nước nổi, do nhu cầu đi xuồng và ghe tăng cao nên xưởng lúc nào cũng làm việc hết công suất. Suốt cung đường từ Cầu Chợ vào tới làng nghề, công nhân xưởng đóng ghe đi làm còn nhộn nhịp hơn cả người đi chợ và người xuôi ngược trên ghe cũng rộn rã hơn so với khách bộ hành. Mỗi xưởng đóng ghe tại làng nghề có khoảng vài chục công nhân với bầu không khí lao động hết sức rôm rả, ai nấy đều tất bật, bận rộn làm việc không kể thời gian.
Xuôi theo Quốc lộ 60 tới ngã ba chợ sông Thom, bạn sẽ đến với Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh thuộc huyện Mỏ Cày Nam, cách trung tâm Thành phố Bến Tre khoảng 20km. Tại làng nghề này, người dân địa phương chuyên sản xuất ra những sản phẩm sợi chỉ làm từ xơ dừa se lại để xuất khẩu sang các nước khác nên. Có dịp đến với Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh, bạn mới cảm nhận hết được sự nhộn nhịp và chăm chỉ trong cuộc sống lao động không ngừng nghỉ của người dân xứ dừa.
Hiện nay, Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh đã có hơn 90 cơ sở sản xuất với quy mô lớn, nhỏ khác nhau nằm rải rác tại các ấp trong xã. Được biết, mỗi ngày một cơ sở ở đây sản xuất bình quân khoảng 10 tấn sợi chỉ khô và từ 3 - 4 tấn chỉ ướt, đặc biệt những nơi có hơn 25 công nhân có thể cho ra từ 20 - 25 tấn chỉ. Nhờ nghề sản xuất chỉ xơ dừa, kinh tế trong vùng ngày càng phát triển, người dân tại làng nghề cũng có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình và lo cho con cháu học hành, góp phần nâng cao trình độ dân trí ở địa phương.
3Kết luận
Sở hữu các địa danh, thắng cảnh đẹp cùng những di tích nổi tiếng, huyện Mỏ Cày Nam dần trở thành điểm đến được mọi người săn đón trong cẩm nang du lịch Bến Tre. Nếu có dịp đến với xứ dừa, bạn nhất định đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá vùng đất đầy mới mẻ và hấp dẫn này nhé.