Đời sống tinh thần của cộng đồng người Xơ Đăng nói riêng và các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên nói chung luôn gắn liền mật thiết với những lễ hội truyền thống. Trong năm, người Xơ Đăng sẽ tổ chức một số lễ hội như: Lễ bắc máng nước, Lễ hội mừng lúa mới, Lễ ăn trâu v.v. Trong đó, Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum có ý nghĩa quan trọng nhất, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn.

Sau khi thu hoạch mùa màng, người Xơ Đăng sẽ cùng nhau ăn mừng. Họ chuẩn bị những phần lễ vật để dâng lên thần linh, trời đất nhằm thể hiện lòng thành kính và biết ơn. Nhờ trời cho mưa thuận gió hòa, nhờ thần linh phù hộ mà dân bản mới có thể khỏe mạnh, ấm no, thu hoạch lúa thóc đầy bồ. Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum cũng giống như Lễ hội Puh Hơ Drih của người Ba Na, là dịp kết nối cộng đồng, tăng tình đoàn kết, gắn bó làng bản, tô điểm thêm cho sự đa dạng trong văn hóa của 54 dân tộc anh em tại Việt Nam.

Khám phá Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum với những nghi thức độc đáo 2

Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum là nét đặc trưng trong văn hóa của cộng đồng người Xơ Đăng

Xem thêm: Khám phá lễ hội khinh khí cầu Kon Tum lần đầu tiên được tổ chức

Người Xơ Đăng sẽ tổ chức Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum ngay sau khi thu hoạch mùa màng xong. Lúa ở yên trong bồ, rơm rạ đã phơi xong, lúc này người dân sẽ nô nức chuẩn bị cùng nhau chơi lễ. Thông thường, ngày tổ chức lễ hội được già làng lựa chọn khi lúa bắt đầu chín rộ, thông báo đến bà con trong bản để cùng nhau chuẩn bị. Những năm gần đây, lễ hội đều được tổ chức định kỳ vào ngày 25/10.

Trước ngày diễn ra Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum, các gia đình trong bản sẽ sơn sửa lại nhà cửa, dọn dẹp sân vườn. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Xơ Đăng, quá trình thu hoạch họ sẽ rước Thần Lúa từ rẫy về nhà. Vì thế, nhà cửa phải sạch sẽ, gọn gàng thì Thần Lúa mới hài lòng, phù hộ cho những vụ mùa tiếp theo vẫn được bội thu.

Khám phá Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum với những nghi thức độc đáo 3

Người dân nô nức chuẩn bị lễ hội

Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum của người Xơ Đăng sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 tổ chức ở mỗi gia đình và giai đoạn 2 là khi cả bản cúng lễ tại nhà rông. Cùng cẩm nang du lịch MIA.vn tìm hiểu chi tiết hơn nhé.

Khi lúa bắt đầu chín rộ thì người chủ hộ, thường là thành viên lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ lên phần rẫy của nhà mình để dùng cây le tươi đánh dấu vị trí tuốt lúa. Sau đó, cả nhà sẽ cùng nhau thu hoạch. Khi lúa đã tuốt xong, họ vận chuyển thóc về nhà kho để cất giữ. Trên đường về nhà, nếu gặp ngã rẽ thì người Xơ Đăng sẽ dùng cành cây để chắn những lối phụ khác, chỉ giữ lại lối chính về kho lúa, với quan niệm không để thần Lúa lạc đường. Phải đợi sau khi tổ chức Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum xong thì lúa thóc vừa thu hoạch mới được mang ra sử dụng.

Khám phá Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum với những nghi thức độc đáo 4

Mỗi gia đình sẽ thu hoạch lúa và chuẩn bị đồ lễ để mang đến nhà rông

Trong quá trình tổ chức Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum, già làng sẽ là người điều hành các hoạt động, nghi lễ để thể hiện lòng thành kính và sự biết ơn của buôn làng lên các vị thần linh. Sáng sớm ngày tổ chức lễ hội, tất cả các gia đình trong bản đều phải đóng chặt cửa, không được phép cho ai ra vào. Mỗi nhà chuẩn bị cơm, rượu cần và đồ cúng tươm tất, để sẵn trên giàn bếp. Già làng là người duy nhất được mở cửa và đi đến nhà rông, sau đó đánh một hồi trống thông báo cho cả bản. Lúc này, tất cả nam giới trong bản sẽ mang theo lễ vật đến tập trung tại sân nhà rông.

Mở màn cho Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum tại nhà rông, già làng sẽ báo cáo với đất trời, thần linh về những hoạt động sản xuất của bà con trong bản suốt một năm qua. Ông đại diện dâng thịt heo, thịt gà, cơm, rượu… cũng chính là thành quả lao động của người dân lên thần linh. Sau đó, già làng sẽ cầu xin trời đất cho vụ mùa sau tiếp tục mưa thuận gió hòa, cây trồng không bị dịch bệnh, thú rừng không phá bản làng để bà con đều có cuộc sống no đủ, ấm êm.

Sau khi lễ cúng hoàn thành, già làng sẽ đi đến từng hộ gia đình trong bản để chúc mừng vụ mùa bội thu, lúa thóc đầy bồ. Các gia đình lúc này tổ chức ăn cơm gạo mới, uống rượu và múa hát bên bếp lửa. Một phần cơm sẽ được mang rải xung quanh nhà vì họ tin rằng làm như vậy vụ mùa sau sẽ tiếp tục thắng lợi rực rỡ, thu hoạch thêm nhiều lúa gạo, khoai sắn hơn.

Đến khoảng xế chiều, tất cả các nghi thức trong Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum đã hoàn thành thì bà con sẽ tập trung tại nhà rông để chơi lễ. Các ché rượu ghè Kon Tum được bày ra, thức ăn do các gia đình mang đến, tiếng cồng chiêng và tiếng hát vang lên tưng bừng. Bà con cùng nhau quây quần ca hát, nhảy múa từ đêm đến tận sáng hôm sau. Khi lửa đã tàn, rượu đã nhạt thì lễ hội mới tan, ai về nhà nấy, chuẩn bị cho một vụ mùa thắng lợi tiếp theo.

Khám phá Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum với những nghi thức độc đáo 5

Không khí Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum rất tưng bừng, náo nhiệt

Khám phá Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum với những nghi thức độc đáo 6

Bà con cùng nhau uống rượu, hát hò, đánh cồng, vui chơi

Trên đây là một vài thông tin về Lễ hội Mừng lúa mới Kon Tum. Cẩm nang du lịch MIA.vn hi vọng bạn sẽ sớm có dịp trải nghiệm trực tiếp lễ hội này để hiểu hơn về văn hóa của cộng đồng người Xơ Đăng. Bên cạnh đó, nếu có dịp, bạn cũng đừng bỏ lỡ Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum của người Giẻ Riêng với những nghi lễ độc đáo không kém nhé.