Dân tộc Giẻ Riêng vốn là một tộc người có đời sống du canh. Họ không có địa bàn sinh sống ổn định mà sẽ liên tục tìm địa điểm mới để canh tác. Thông thường, người Giẻ Riêng chỉ ở lại một vùng đất trong khoảng 5 đến 7 vụ mùa. Sau khi đất đai bạc màu, họ sẽ rời đi và tìm miền đất mới lập làng. 

Khi tìm được nơi phù hợp để ở lại, việc đầu tiên người Giẻ Riêng làm sẽ là xây dựng nhà rông. Trong tín ngưỡng của họ, nhà rông chính là linh hồn của làng bản, là nơi thần linh cư ngụ và bảo hộ cho cuộc sống của bà con. Vì thế, ngay khi quyết định lập làng mới, cả bản sẽ cùng nhau góp công, góp của, xây nên căn nhà rông thật khang trang, rộng rãi. Sau khi hoàn thành, người dân Giẻ Riêng tổ chức Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum ăn mừng việc tìm được đất lành để sinh sống và canh tác.

Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum với những nghi lễ đặc sắc 2

Nhà rông là biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng của người dân Giẻ Riêng

Xem thêm: Khám phá lễ hội khinh khí cầu Kon Tum lần đầu tiên được tổ chức

Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum là biểu tượng cho sự đoàn kết của cộng đồng người Giẻ Riêng. Xây dựng nhà rông được coi là việc chung của cả làng bản, sau khi hoàn thành thì mới bắt đầu xây nhà cho mỗi gia đình. Ngoài ra, người Giẻ Riêng còn có tinh thần đoàn kết cộng đồng rất cao, họ sẽ giúp đỡ những người già neo đơn, những người đàn bà góa làm nhà. Họ luôn đặt lợi ích chung của cộng đồng lên hàng đầu, đó chính là lý do giúp người Giẻ Riêng tạo nên một cộng đồng gắn kết cho đến tận ngày nay.

Như đã giới thiệu, trước đây Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum được tổ chức khi người Giẻ Riêng tìm thấy địa điểm lập làng. Tuy nhiên, hiện nay họ đã không còn sống du canh du cư nên lễ hội này chỉ được tổ chức với tính chất bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa lâu đời, tương tự như Lễ hội Puh Hơ Drih của người Ba Na. Lễ hội thường được diễn ra tại làng Đăk Gô, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, là địa bàn sinh sống của người Giẻ Riêng. Tuy nhiên, lễ hội không được tổ chức định kỳ hàng năm. Thay vào đó, những năm dân bản tu sửa nhà rông thì sau khi hoàn thành mới tổ chức lễ hội này.

Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum với những nghi lễ đặc sắc 3

Không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt

Vì Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum được tổ chức với quy mô cả bản nên không khí rất tưng bừng, náo nhiệt, mỗi người mỗi việc cùng nhau chuẩn bị. Các chị em phụ nữ sẽ đi hái rau rừng, xuống suối bắt cá, chuẩn bị những ché Rượu Đoác Kon Tum thơm lừng. Còn các anh trai tráng khỏe mạnh thì lên rừng săn thú về làm lễ. Ở nhà rông, già làng sẽ chỉ đạo dân bản dựng lên một cây nêu thật cao, thật thẳng rồi chọn một con trâu đẹp, cột vào dưới gốc. 

Điều đặc biệt là trước khi đi chặt cây nêu, chàng trai được dân làng lựa chọn sẽ phải ngủ ở nhà rông 3 ngày 3 đêm, sau đó xuống suối tắm rửa sạch sẽ thì mới được lên rừng. Người Giẻ Riêng quan niệm, cây nêu càng cao, càng đẹp thì càng may mắn. Bởi vì đối với họ, cây nêu chính là con đường lên trời, giúp dân bản gửi những lễ vật lên thần linh. Do đó, họ luôn chuẩn bị lễ vật với tất cả sự thành kính để mong cầu thần linh sẽ chứng giám, giúp buôn làng bình an, mùa màng bội thu, làm ăn thuận lợi.

Con trâu được người Giẻ Riêng chọn cũng rất cầu kỳ. Họ phải lựa một con trâu tốt, sừng dài, khỏe mạnh. Đối với tộc người này, con trâu vừa là người bạn thân thiết, cùng họ cấy cày, gặt hái, vừa là con vật thiêng liêng theo chủ nghĩa đa thần. Vì vậy, việc dâng trâu lên Giàng (ông Trời) và các vị thần linh trong Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum chính là cách dân bản thể hiện lòng thành kính của mình. 

Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum với những nghi lễ đặc sắc 4

Cây nêu được dựng lên giữa sân để chuẩn bị cho Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum

Sau khi các nghi lễ cúng tế được già làng thực hiện thì phần đặc sắc nhất của Lễ mừng Nhà Rông chính là đâm trâu. Tối ngày trước đó, dân bản sẽ cột trâu vào gốc nêu, đánh chiêng và “khóc trâu” suốt một đêm. Nghi lễ này nhằm thể hiện sự biết ơn của người dân vì con trâu đã chịu nhiều vất vả, giờ đây lại phải trở thành vật hiến sinh để cúng Yang. 

Ngày hôm sau, trước khi thực hiện lễ đâm trâu thì già làng sẽ buộc vào sừng chúng những chùm hoa rực rỡ. Sau đó, các chàng trai vừa nhảy vừa đánh cồng chiêng, đi vòng quanh cây nêu và con trâu trong tiếng reo hò cổ vũ của dân bản. Còn các cô thiếu nữ người Giẻ Riêng thì cùng nhau uyển chuyển trong những điệu múa mộc mạc, mô phỏng lại các hoạt động sản xuất như làm cỏ lúa, gieo hạt, xua đuổi sâu hại mùa màn, giã gạo v.v. 

Không khí Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum sẽ thăng hoa hơn khi nhịp chiêng ngày càng náo nức và nhộn nhịp. Các cô gái cũng chuyển từ điệu múa Xoang nhẹ nhàng sang điệu Bông rốk mạnh mẽ. Trong không khí ấy, một chàng trai khỏe mạnh theo sự phân công của già làng sẽ cầm giáo và đâm vào người con trâu. Sau một vài nhát đâm tượng trưng, dân làng sẽ mang trâu đi mổ thịt rồi chia đều cho các gia đình để ai cũng nhận được phần may mắn. Buổi tối, dân bản quây quần cùng vui chơi bên đống lửa, thưởng thức những món Đặc sản Kon Tum, hát hò, nhảy múa cả đêm.

Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum với những nghi lễ đặc sắc 5

Con trâu khỏe mạnh được lựa chọn làm lễ vật dâng lên Yang

Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum với những nghi lễ đặc sắc 6

Người dân trong bản quây quần ở nhà rông uống rượu, vui chơi 

Như vậy, cẩm nang du lịch MIA.vn vừa cùng bạn khám phá đôi nét về Lễ mừng Nhà Rông mới Kon Tum của cộng đồng người Giẻ Riêng. Hi vọng bạn sẽ sớm có cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu chi tiết hơn lễ hội độc đáo này nhé.