1 Giới thiệu về Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
Địa chỉ: Xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa được khởi công xây dựng vào ngày 24/11/2013, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Đây là công trình văn hóa được tỉnh Vĩnh Long đầu tư xây dựng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Khu lưu niệm hướng tới giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng và tinh thần hiếu học, vượt khó, hết lòng phục vụ đất nước qua cuộc đời và những cống hiến to lớn của Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Vì thế, trong hành trình trải nghiệm ở Vĩnh Long, bạn đừng quên ghé đến đây nhé.
Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa có tên thật là Phạm Quang Lễ, ông sinh năm 1913, mất năm 1997. Ông được biết đến là một kỹ sư quân sự, nhà khoa học lớn, nắm bắt khoa học kỹ thuật cao cấp nhất lúc bấy giờ để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quốc phòng và giải phóng đất nước.
Giáo sư Trần Đại Nghĩa có tuổi thơ không trọn vẹn khi sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, mẹ và chị gái tảo tần nuôi ông khôn lớn. Với tư chất thông minh trời sinh cùng ý chí nỗ lực không ngừng, ông đã trở thành một trong những sinh viên ưu tú nhất bấy giờ, có cơ hội du học ở Paris, tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán tại các trường đại học đình đám: trường Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris.
Ông đã bỏ qua rất nhiều cơ hội làm việc với những đãi ngộ tốt nhất ở Pháp, quyết định trở về Việt Nam để cống hiến cho dân tộc vào tháng 5/1946. Là một người dân đất Việt, mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn, nhiệt huyết của tuổi trẻ, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã ngày đêm nghiên cứu, chế tạo vũ khí tại núi rừng Việt Bắc. Ông muốn hiện thực hóa ước mơ, hoài bão, giúp đất nước sở hữu những loại vũ khí hiện đại nhất, tiếp thêm sức mạnh cho các cán bộ chiến sĩ, góp phần tạo nên thắng lợi lịch sử trong hai cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những sáng chế tiêu biểu của ông phải kể đến súng Bazooka, súng SKZ, súng cối, đạn bay, đạn chống tăng AT, xe phóng từ trường v.v. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu cách phá bom bi, chống Cây nhiệt đới (một loại vũ khí trinh sát điện tử mà Mỹ sử dụng), tìm ra giải pháp gây nhiễu và bắn hạ máy bay B52 v.v.
Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa có ý nghĩa giống như Đền Thờ Phạm Hùng, đều là công trình tri ân cống hiến to lớn của những chiến sĩ cách mạng đã dành cả đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Không những tài năng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa còn là một người đức độ, vị tha, có chừng mực trong cách đối nhân xử thế, trở thành tấm gương sáng chói để các thế hệ mai sau noi theo.
Xem thêm: Đình làng Vĩnh Long, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa cộng đồng
2 Khuôn viên Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa được xây dựng với diện tích khoảng 16.000m2. Công trình bao gồm các hạng mục chính như: nhà tưởng niệm, khu vực trưng bày, phòng hội thảo, phòng chiếu phim, khu vực sinh hoạt truyền thống, quảng trường. Ngoài ra, khu lưu niệm còn có các hạng mục phụ trợ và thiết kế cảnh quan với nhiều cây cối mát mẻ, không khí trong lành. Bên cạnh đó, MIA.vn cũng muốn giới thiệu đến bạn một điểm tham quan khác nữa là Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, rất thích hợp để những bạn yêu thích tìm hiểu lịch sử dân tộc ghé đến.
Tổng chi phí đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa được ước tính vào khoảng 2.6 tỷ đồng. Nơi đây thu thập hơn 868 tài liệu, hiện vật về cuộc đời Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng những vật dụng, sách báo, tài liệu nghiên cứu vũ khí của giáo sư, đồng thời còn có các loại súng ống, đạn dược ông đã dành một đời mình để sáng chế nên.
Đặc biệt, nổi bật nhất tại khu lưu niệm còn có Thư viện điện tử được tích hợp những công nghệ hiện đại. Nhờ vậy, mọi người đến tham quan có thể tiếp cận những thông tin về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa một cách dễ dàng. Ngoài ra, tại đây còn có phòng đọc sách và hệ thống máy vi tính luôn kết nối internet để hỗ trợ mọi người nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin một cách chi tiết.
Ngoài ra, hội trường của Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa có sức chứa khoảng 200 người, quảng trường rộng lớn khoảng 1.000 người thích hợp để tổ chức các sự kiện hội họp, tìm hiểu lịch sử dân tộc. Khuôn viên ngoài trời là hệ thống chòi nghỉ mát mẻ, trồng nhiều cây xanh, thảm cỏ, những chậu hoa rực rỡ khoe sắc. Nhờ vậy, không gian khu lưu niệm rất mát mẻ, trong lành, tĩnh lặng.
Năm 2017, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long ghi nhận là Điểm du lịch tiêu biểu của vùng. Với những giá trị to lớn, cẩm nang du lịch MIA.vn hi vọng sẽ có nhiều hơn các bạn trẻ biết đến điểm tham quan này để hiểu về lịch sử đất nước cùng những vĩ nhân đã làm nên chiến thắng vang dội trong dân tộc.