Địa chỉ: Ấp Phước Quới, Xã Phú Tân, Huyện Châu Thành, Tỉnh Sóc Trăng

Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới có lịch sử hơn một thế kỷ, gắn liền với loại đặc sản phục vụ cho Lễ hội Ok Om Bok Sóc Trăng, hay còn gọi là lễ cúng Trăng vào Rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Vào mùa lễ hội thì làng nghề sẽ bận rộn và tất bật hơn để kịp phục vụ nhu cầu dâng lễ của người dân trong vùng. Còn ngày thường thì làng nghề vẫn làm cốm dẹp bởi đây là món ăn vặt được nhiều người yêu thích, khách đến du lịch Sóc Trăng thường chọn mua về làm quà.

Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới tất bật đón lễ hội truyền thống 2

Cốm dẹp là loại đặc sản của Sóc Trăng, rất quen thuộc trong mâm lễ Ok-om-bok

Trong lễ hội Ok-om-bok thì mâm cúng của người Khmer sẽ thường có các loại trái cây, bánh, mứt và cốm dẹp là thứ không thể thiếu. Cốm được làm từ loại lúa nếp có hạt dài, dẻo, thơm và phần đuôi hơi có màu đỏ. Đặc biệt là bước giã cốm vô cùng quan trọng để tạo ra độ dẻo một cách tự nhiên. Theo quan niệm của người Khmer, việc dâng lên cốm dẹp thể hiện sự biết ơn đến thần linh nói chung và thần Mặt trăng nói riêng vì đã cho họ mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu, lúa thóc đầy bồ. Vì vậy, việc dùng lúa vừa thu hoạch để làm cốm cúng trong ngày lễ hội Ok-om-bok đã trở thành truyền thống lâu đời của tộc người này. 

Đến hiện nay, dù nhiều người dân Khmer đã không còn sống bằng nghề nông nghiệp nhưng họ vẫn lưu giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa lâu đời. Và Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới chính là một trong những nơi sản xuất tập trung nhiều cốm nhất để phục vụ nhu cầu sắm lễ khi đến dịp cúng Trăng hàng năm.

Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới tất bật đón lễ hội truyền thống 3

Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới tất bật để chuẩn bị cho mùa lễ hội

Khi hỏi nghề làm cốm dẹp có từ bao giờ thì không ai ở làng Phước Quới biết chính xác. Đến cả bậc cao niên, lớn tuổi nhất trong làng cũng chỉ nhớ ngay từ khi còn nhỏ cũng đã thấy ông bà, cha mẹ làm nghề này. Hiện nay, ở tỉnh Sóc Trăng dù người dân Khmer sinh sống khá đông đúc nhưng chỉ còn duy nhất ấp Phước Quới là nơi duy trì và gìn giữ được nghề quết cốm dẹp. Ở đây có khoảng 40 hộ dân sinh sống, ban đầu họ chỉ sản xuất cốm dẹp theo từng gia đình nhỏ lẻ. Đến nay, nhờ sự quan tâm của địa phương và tinh thần đoàn kết nên Phước Quới đã tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, sản phẩm được đảm bảo chất lượng và xuất đi nhiều địa phương hơn.

Theo một số thông tin mọi người truyền tai nhau, Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới đã có lịch sử khoảng hơn 100 năm, con cháu tiếp nối nghề truyền thống từ ông bà, cha mẹ để lại. Có nhiều hộ gia đình đã truyền đến đời thứ ba với công thức riêng để tạo ra loại cốm dẹp thật sự chất lượng. Dù theo chia sẻ của người dân tại đây, làm cốm là một nghề tương đối vất vả, thu nhập không cao, tốn nhiều công sức nhưng họ vẫn cố gắng gìn giữ vì đây là bản sắc riêng của dân tộc mình. 

Đến hiện tại, Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới đã tạo nên một thương hiệu riêng, được ưa chuộng rộng rãi. Các sản phẩm của làng nghề được đông đảo người Khmer tại Sóc Trăng và các địa phương lân cận yêu thích. Ngoài ra, thành phẩm còn được chế biến thành món Bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng cũng rất thơm ngon, hấp dẫn.

Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới tất bật đón lễ hội truyền thống 4

Nghề làm cốm dẹp trở thành kế mưu sinh của rất nhiều gia đình tại Phước Quới

Xem thêm: Mắm cá lóc đồng Ngã Năm và hương vị khiến bao người thương nhớ

Có dịp đến với Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới, bạn sẽ được khám phá sự kỳ công và tỉ mỉ trong cách người dân nơi đây sản xuất nên một mẻ cốm ngon. Loại nếp mà người dân Sóc Trăng dùng là nếp thuần chủng, gieo trồng trên mảnh đất màu mỡ của xã Đại Tâm, huyện Châu Thành. Nếp này sẽ có hạt to và chắc hơn nhiều so với nếp mà chúng thường mua về nấu xôi.

Các công đoạn để chế biến nên loại cốm dẹp khá công phu. Nếu bạn đến thăm Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới vào ngày thường thì sáng sớm khoảng 5h sẽ thấy các hộ gia đình thức dậy làm việc. Còn nếu vào tháng 9 âm lịch, chuẩn bị cho mùa lễ hội tháng 10 thì có nhiều cơ sở làm việc xuyên đêm, 2 3h sáng vẫn nghe tiếng giã cốm vang lên đều đều.

Đầu tiên, người dân sẽ mang nếp nguyên vỏ về ngâm rồi rửa cho sạch để nếp nở và lấy hạt lép ra. Sau đó để nếp ráo nước, đem lên bếp rang. Quá trình rang cần phải để lửa nhỏ vừa phải, chủ yếu là than củi để nếp không bị cháy, từ từ nóng lên nổ đều là được. Khi nếp vẫn còn đang nóng phải đem đi giã ngay để đảm bảo cốm dẻo, thơm và ngon. Hiện nay, người dân làng Phước Quới vẫn giã cốm hoàn toàn thủ công vì như vậy mới có thể căn lực tay vừa đủ, cho ra thành phẩm ngon và không bị nát.

Thông thường, để làm mỗi mẻ cốm dẹp cần 4 người. Trong đó có 2 người cầm chày giã, một người đảo và trộn cốm, còn một người sàng cho sạch bụi. Ban đầu thì sẽ giã nhẹ tay để làm vỡ phần vỏ, sau đó thì mạnh hơn để tách riêng phần hạt ra, thấy cốm trắng đều là được. Chày giã cốm nặng đến 10kg nên người làm công việc này thường là các nam thanh niên vạm vỡ. Trung bình, mỗi ngày một người có thể giã được từ 40 đến 60kg cốm thành phẩm. Vì vậy, các gia đình tại Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới có điều kiện hơn thì mở lò rang riêng, nhà nào không đủ khả năng thì đi làm công cũng kiếm được khoản thu nhập ổn định, đủ để có cuộc sống ấm no.

Sau khi cốm giã xong sẽ được mang đi trộn với dừa rám, nước dừa và đường cát trắng. Tỉ lệ khoảng 1kg cốm dẹp sẽ kết hợp theo với một trái dừa rám đã bào mỏng, nước dừa và thêm nửa kilogam đường. Sau khi nước dừa và đường thấm vào cốm sẽ tạo nên vị ngọt, mùi thơm và rất dễ ăn. Người ta còn thường cho thêm một ít dừa nạo, đậu phộng rang giã nhuyễn, đậu xanh hấp hoặc mè để mùi vị cốm hấp dẫn hơn. 

Hương vị cốm dẹp tại đây có phần giống với cốm làng Vòng Hà Nội. Tuy nhiên, vị cốm dẹp Sóc Trăng có phần ngọt hơn, mùi thơm khác biệt vì sử dụng hai loại nếp khác nhau. Bên cạnh đó, cốm làng Vòng dùng nếp non để làm nên hạt mềm hơn hẳn, còn cốm dẹp lại mang cảm giác bùi bùi, càng nhai lâu càng ngon.

Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới tất bật đón lễ hội truyền thống 5

Cốm được rang thủ công trong om hoặc nồi đất để có hương vị thơm ngon đặc trưng

Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới tất bật đón lễ hội truyền thống 6

Nghề làm cốm tương đối vất vả, tốn nhiều công sức

Khi đến Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới, bạn chắc chắn không thể bỏ qua cơ hội mua loại đặc sản này về làm quà phải không nào? Theo kinh nghiệm khám phá Sóc Trăng, vì là sản phẩm thủ công, không chất bảo quản nên cốm thường chỉ được tươi ngon trong khoảng 1 đến 2 ngày. Nếu để trong tủ lạnh thì có thể giữ lâu hơn nhưng hương vị sẽ giảm đi khá nhiều đấy nhé. Giá bán của cốm dẹp hiện nay tại làng nghề vào khoảng 50.000 VND cho 500gr, vừa ngon vừa rẻ đúng không nào?

Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới tất bật đón lễ hội truyền thống 7

Cốm dẹp có màu trắng, giá rẻ hơn khá nhiều so với cốm làng Vòng Hà Nội

Trên đây là một vài thông tin về Làng nghề làm cốm dẹp Phước Quới mà cẩm nang du lịch MIA.vn muốn giới thiệu đến bạn. Nếu có dịp du lịch Sóc Trăng thì bạn đừng quên ghé đến đây và thưởng thức những hương vị hấp dẫn của loại đặc sản này nhé.