1 Setsubun – Ngày đánh dấu sự khởi đầu của mùa xuân
Setsubun (節分, tiết phân) là ngày trước khi bắt đầu mùa xuân, có nghĩa đen là chu kỳ hoặc sự phân chia các mùa. Trong lịch sử, nó chỉ ngày trước mỗi tiết trong số 24 tiết khí được gọi là “Nijushisekki”, dựa trên lịch âm dương truyền thống của Trung Quốc. Mỗi tiết khí có khoảng 15 ngày và được xác định bằng vị trí của mặt trời trên bầu trời. Khi trái đất quay quanh mặt trời một vòng thì được tính là một chu kỳ. Bắt đầu mỗi mùa là Risshun (ngày đầu tiên của mùa xuân), Risshatsu (ngày đầu tiên của mùa hè), Risshū (ngày đầu tiên của mùa thu) và Risshuyu (ngày đầu tiên của mùa đông). Risshun là ngày đầu tiên của năm trong 24 tiết khí, thế nên dần theo thời gian, Setsubun dùng để chỉ một ngày trước khi Risshun. Lễ Risshun diễn ra vào khoảng ngày 4 tháng 2 hàng năm nên lễ Setsubun được tổ chức vào ngày 3 tháng 2.
2 Lịch sử về ngày Setsubun
Người ta tin rằng Setsubun có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nó được du nhập vào Nhật Bản vào thời Heian (794-1185) khi xuất hiện trong các ghi chép và tài liệu lịch sử có từ thời đó. Vào thời Muromachi (1336-1573), họ bắt đầu ném đậu để xua đuổi những con quỷ tượng trưng cho những linh hồn tà ác sẽ mang đến mọi thảm họa và sự kiện bi thảm. Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng nhất nhất của sự kiện cho đến tận ngày nay. Là loại thực phẩm chủ yếu cần thiết để họ tồn tại, đậu được cho là có sức mạnh thiêng liêng cùng với gạo, có thể xua đuổi tà ma. Từ tiếng Nhật cho đậu được phát âm là mame (豆) và phát âm tương tự như từ chỉ mắt quỷ (mame, 魔目) và do đó việc ném đậu có âm thanh tương tự như tiêu diệt quỷ (mametsu, 魔滅).
3 Những hoạt động trong ngày Setsubun?
3.1 Ném đậu
Vào buổi tối Setsubun, khách du lịch Nhật Bản có thể thấy người dân địa phương đang tổ chức lễ ném đậu (mame-maki). Lý do là bởi trước đây người ta tin rằng đậu có khả năng “tiêu diệt tà ma” và mang lại sức khỏe tốt. Đậu nành thường được sử dụng trong lễ ném đậu. Cũng chính bởi từ lâu nhà nhà đã tin rằng loại đậu này có thể xua đuổi bệnh tật và những điều không tốt. Ngoài ra, đậu rang cũng được dùng làm đậu ném (được gọi là đậu may mắn fuku-mame '福豆'), nhằm ngăn chặn đậu nảy mầm sau khi hấp thụ linh hồn ma quỷ bị phân tán nhằm xua đuổi những điều xui xẻo. Hơn nữa còn là bởi người ta tin rằng đậu rang đã được thanh lọc.
Việc ném đậu thường được bắt đầu từ cửa sổ và di chuyển về phía cửa trước. “Oni wa soto! Fuku wa uchi!” (Quỷ, ra. Hạnh phúc, vào!) hoặc ngược lại, “Fuku wa uchi! Oni wa soto!” là những câu thường được sử dụng tùy vào từng vùng. Người ta cho rằng cách gọi này bắt nguồn từ việc người xưa coi những điều xấu là ma quỷ. Các gia đình có con nhỏ đặc biệt mong chờ ngày này, vì mame-maki rất thú vị khi một người đóng vai yêu tinh và chạy xung quanh, trong khi những người khác ném đậu vào người đó.
3.2 Ăn đậu
Sau khi lễ ném đậu kết thúc, mọi người có thể ăn bao nhiêu đậu cũng được. Nhưng mọi người đều ăn số lượng đậu bằng với số tuổi của mình. Người xưa cho rằng đậu nành nấu chín sẽ được thanh lọc và gọi là “fuku-mame”, mang lại hạnh phúc. Người ta ăn nhiều loại đậu này để cầu mong sức khỏe và hạnh phúc trong năm mới.
3.3 Ehomaki
Eho-maki có nguồn gốc từ phong tục ăn những cuộn sushi quay mặt về hướng phước lành. Hướng mà vị thần của năm tọa lạc được coi là hướng may mắn, hay “eho-ho”. Đặc biệt, người ta có phong tục ăn những cuộn sushi quay mặt về hướng phước lành trong ngày Setsubun và những cuộn sushi này được gọi là 'ehomaki'. Tương truyền nếu bạn ăn mà không nói một lời thì điều ước của bạn sẽ thành hiện thực.
Với hai tay cầm eho-maki, quay mặt về hướng đông-đông bắc theo hướng may mắn của năm 2024 và ăn hết cuộn sushi trong khi giữ im lặng hoàn toàn, bạn có thể ngẫm nghĩ về mùa đã qua, cầu mong sức khỏe và hạnh phúc trong mùa xuân và thưởng thức từng miếng sushi.
3.4 Okame, vị thần may mắn
Ngoài chiếc mặt nạ oni đeo trong lễ Setsubun, những người ném đậu thường đeo mặt nạ của thần Okame. Đây chính là vị thần của sự may mắn, hạnh phúc và lòng tốt, được miêu tả với khuôn mặt trắng trẻo, đôi má phúng phính và nụ cười ấm áp. Thần là người bảo vệ chúng ta khỏi những điều xui xẻo, xua đuổi quỷ dữ và những sinh vật độc ác khác với sự giúp đỡ của đậu nành.
4 Món ngon trong dịp Setsubun
Đậu nành rang (福豆): Đây là món ăn truyền thống trong dịp Setsubun nên bạn có thể tìm thấy chúng được bán ở khắp mọi nơi từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi cho đến các quầy hàng trên đường phố. Đậu nành rang mang hương vị ngọt ngào, hấp dẫn với độ giòn vừa miệng.
Ehomaki: Món ăn chính trong Setsubun là món sushi cuộn có tên Ehomaki (恵方巻). Món sushi cuộn đặc biệt này được làm với bảy nhân, tượng trưng cho Bảy vị thần may mắn được gọi là Shichifukujin. Loại nguyên liệu không quan trọng bằng số lượng. Bạn có thể chọn bảy nguyên liệu cuộn sushi yêu thích của mình và cuộn chặt lại để chứa đựng các yếu tố mang lại sức khỏe tốt, hạnh phúc và thịnh vượng. Đặc biệt MIA.vn cần lưu ý là bạn không được cắt cuộn sushi ehomaki vì nó sẽ ảnh hưởng đến vận may của bạn.
Kenchinjiru (Súp rau kiểu Nhật): Một số vùng thuộc vùng Kanto sẽ ăn kenchinjiru trong ngày Setsubun. Ban đầu nó được tạo ra như một món của chùa Phật giáo, món súp trong suốt được nấu với các loại rau củ, đậu phụ, nấm hương và nước kho kombu.
Soba: Soba đồng nghĩa với sự may mắn và vào cuối thời Edo, người ta thường ăn soba vào ngày Setsubun, một ngày trước ngày đầu tiên của mùa xuân và năm mới theo âm lịch.
Fukucha: Một số người còn uống “fukucha” hay trà may mắn trong lễ Setsubun. Được làm bằng fukumame (đậu nành rang), mận và kombu, đây là một loại trà thể hiện mong muốn sức khỏe tốt.
5 Tận hưởng Setsubun tại Nhật Bản
Mặc dù lễ hội Setsubun trước đây được tổ chức tại gia, nhưng qua nhiều năm nó đã phát triển thành một sự kiện mang tính xã hội và đã có rất nhiều lễ hội đã được đưa tin lên phương tiện thông tin đại chúng, có nhiều chính trị gia cũng như nghệ sỹ nổi tiếng, diễn viên hay võ sĩ sumo tham dự. Một trong những sự kiện lớn nhất được tổ chức là lễ hội Setsubun ở chùa Zojo-ji ở Tokyo và chùa Naritasan ở tỉnh Chiba. Tại những ngôi chùa lớn này, có đến hơn một tấn đậu nành rang đã được tung lên cho đám đông tập trung vào ngày lễ hội Nhật Bản mỗi tháng Hai.
Chùa Senso-ji ở Asakusa cũng tổ chức một lễ hội Setsubun ấn tượng không kém. Nếu ở các vùng khác câu phù chú "Oni wa soto! Fuku wa uchi!" được nói phổ biến thì ở chùa Senso-ji, ngôi chùa Phật giáo lớn nhất thờ Quán thế âm Bồ tát cho rằng ma quỷ sẽ không bao giờ dám lộ diện trước vị thần bảo hộ của họ. Thế nên những lời chú ở Asakusa được thay đổi thành "Senshu banzei fuku wa uchi!" nghĩa là "Sự may mắn vĩnh cửu sẽ đến!"
Nếu có dịp đến Nhật Bản vào đầu tháng hai, bạn có thể tham dự lễ hội Setsubun tại những ngôi chùa ở khắp thủ đô. Đây là thời điểm rất sôi động và cuồng nhiệt vì mọi người đều tranh giành những hạt đậu, một trải nghiệm tuyệt vời bạn không thể tìm thấy ở đâu khác. Sau khi kết thúc việc tranh giành những hạt đậu, theo kinh nghiệm du lịch bạn hãy nhớ mua món ehomaki và vừa ăn vừa hướng mặt về đúng hướng để đón vị thần may mắn cho cả một năm nhé! Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp bạn có thể sắp xếp vali thật tốt trước khi ghé thăm đất nước mặt trời mọc.