Nhà thờ Mộ Thánh (Church of the Holy Sepulchre) nằm trang nghiêm giữa Khu Kito giáo (Christian Quarter) tại Thành cổ Jerusalem. Công trình kiến trúc đồ sộ này được xây dựng trên địa điểm được tin là nơi Chúa Jesus bị đóng đinh (Golgotha), mai táng và phục sinh. Đây đều là những sự kiện quan trọng bậc nhất trong đức tin Kito giáo.

Từ thế kỷ IV đến nay, hàng triệu người hành hương đã tìm đến đây mỗi năm. Nhưng đằng sau những nghi lễ linh thiêng và kiến trúc đồ sộ là ba điều đặc biệt mà không phải ai cũng biết:

• Chìa khóa nhà thờ được một gia đình Hồi giáo giữ trong suốt hơn 800 năm.

• Cuộc trùng tu năm 2016 đã hé lộ phần nền đá cổ xưa của ngôi mộ.

• Cơ chế quản lý phức tạp gọi là "Status Quo" giúp duy trì sự hòa hợp mong manh giữa sáu hệ phái Kitô giáo cùng quản lý.

Nhà thờ Mộ Thánh: Khám phá trái tim linh thiêng của Jerusalem 2

Nhà thờ Mộ Thánh là điểm hành hương đóng vai trò quan trọng trong đời sống đức tin của Kito giáo. Ảnh: britannica

~135 CN – Thời La Mã dưới triều Hadrian:

Hoàng đế La Mã Hadrian cho xây dựng một đền thờ nữ thần Venus trên địa điểm được tín hữu tin là nơi chôn cất Chúa Jesus. Đây được xem là một nỗ lực nhằm xóa bỏ dấu vết của Kitô giáo đang phát triển tại Jerusalem.

~325 CN, thời Hoàng đế Constantine:

Sau khi Kito giáo được hợp pháp hóa, Constantine ra lệnh phá bỏ đền Venus và xây dựng Nhà thờ Mộ Thánh trên chính địa điểm đó. Thánh Helena, mẹ của ông, được cho là đã tìm thấy Thánh Giá thật trong quá trình khai quật.

Thế kỷ 7–12, thời kỳ xung đột và tái thiết:

Năm 614, quân Ba Tư tấn công và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà thờ. Đến năm 1048, người Byzantine phục dựng lại công trình. Đến thế kỷ 12, quân Thập tự chinh tiếp tục tái thiết theo phong cách Romanesque, hợp nhất các địa điểm thiêng liêng trong một mái nhà.

1808–1810, thời kỳ Ottoman:

Một trận hỏa hoạn lớn vào năm 1808 đã phá hủy phần lớn Edicule, nơi bao phủ Mộ Chúa. Nhà nguyện này được tái thiết năm 1810 theo phong cách Ottoman Baroque bởi kiến trúc sư Komninos xứ Mytilene.

Nhà thờ Mộ Thánh: Khám phá trái tim linh thiêng của Jerusalem 3

Ngôi Thánh đường trải qua nhiều biến động trong suốt hơn 1.600 năm. Ảnh: wmf

Thế kỷ 20–21, thời kỳ trùng tu hiện đại:

Từ năm 1959, nhiều đợt bảo tồn nhỏ đã được tiến hành, nhưng các dự án lớn bị cản trở bởi quy định "Status Quo" yêu cầu sự đồng thuận của tất cả các giáo phái. Đến năm 2016, Edicule được mở ra lần đầu sau 500 năm, và các nhà khảo cổ đã phát hiện nền đá nguyên thủy dưới Mộ Thánh. Đây là một minh chứng quý giá cho tính xác thực của địa điểm từ thời Constantine.

Mùa xuân (khoảng từ tháng 3 đến tháng 5) và mùa thu (từ tháng 9 đến tháng 11) là hai thời điểm lý tưởng trong năm. Đây là khoảng thời gian Jerusalem sở hữu thời tiết đẹp nhất: trời trong, nắng ráo, không mưa, nhiệt độ không quá cao. Đây là thời tiết phù hợp cho mọi người tham quan và khám phá thành cổ Jerusalem.

Theo kinh nghiệm của MIA.vn, nếu tham quan Nhà thờ Mộ Thánh, mọi người nên đến vào buổi sáng sớm trong khoảng 6 - 8 giờ sáng. Đây là thời điểm nhà thờ vừa mở cửa và chưa có quá đông khách tham quan, phù hợp để thưởng lãm và cầu nguyện.

Nếu có thể, bạn nên sắp xếp chuyến đi vào Tuần Thánh để chứng kiến những nghi lễ đặc biệt:

• Lễ Lửa Thiêng (Holy Fire): Diễn ra vào Thứ Bảy Tuần Thánh. Đây là lễ Thượng phụ Chính Thống giáo Hy Lạp vào Mộ Thánh và trở ra với ngọn lửa được tin là xuất hiện một cách kỳ diệu.

• Cuộc rước kiệu Thứ Năm Tuần Thánh: Diễn ra Nghi lễ rửa chân có tuổi đời lâu nhất thế giới.

Nhà thờ Mộ Thánh: Khám phá trái tim linh thiêng của Jerusalem 4

Khung cảnh đám đông tham dự Lễ Lửa Thiêng (The Holy Fire) tại Nhà thờ Mộ Thánh. Ảnh: timesofisrael

Tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến Israel. Thế nên, bạn có thể đáp chuyến bay Sài Gòn hoặc Hà Nội đến Bangkok (Thái Lan), Doha (Qatar), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau đó, mọi người tiếp tục bay nối chuyến để đến Sân bay Quốc tế Ben Gurion (Tel Aviv, Israel).

Từ Ben Gurion, mọi người có thể lựa chọn một trong hai phương tiện chính để đến thành cổ Jerusalem như đi tàu cao tốc (Israel Railways) với Lộ trình rơi vào khoảng 25–35 phút để đến ga Trung tâm Jerusalem. Nếu muốn có sự riêng tư và chủ động hơn về lịch trình, taxi hoặc dịch vụ đưa đón sân bay sẽ là lựa chọn phù hợp. Lộ trình dao động trong khoảng 45 phút – 1 giờ tùy theo tình hình giao thông.

Từ trung tâm Jerusalem, bạn có thể đi bộ hoặc đi xe buýt/taxi đến Christian Quarter Road. Tại đây, mọi người có thể bộ theo biển chỉ dẫn vào Thành cổ để đến Nhà thờ Mộ Thánh. Ngoài ra, ngôi Thánh đường tọa lạc tại vị trí trung tâm thành cổ, nên mọi người có thể kết hợp tham quan các địa điểm du lịch khác gần đó như Bức tường Than khóc, phố Via Dolorosa, tháp David.

Hồ sơ xin cấp visa du lịch Israel bao gồm:

• Hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng.

• Đơn xin visa.

• Thư mời (nếu có).

• Các thông tin về chuyến đi: Lịch trình chuyến đi (càng chi tiết càng tốt), vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn và chứng minh tài chính.

Lưu ý:

• Thời gian xét duyệt thông thường từ 7–15 ngày làm việc. Bạn có thể nộp hồ sơ tại Đại sứ quán Israel hoặc qua các trung tâm được ủy quyền.

• Nên xin visa sớm trước ngày khởi hành tối thiểu 1 tháng để đảm bảo đủ thời gian xử lý.

Hành trình khám phá Nhà thờ Mộ Thánh bắt đầu từ cánh cửa duy nhất ở phía nam. Mỗi buổi sáng, một thành viên của gia đình Nusseibeh sẽ mở cửa ngôi Thánh đường. Đây là nghi thức mà người Hôi giáo đã thực hiện trong suốt hơn 800 năm qua. Ngay khi bước qua ngưỡng cửa, bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí trang nghiêm, thiêng liêng bao trùm khắp không gian.

Nhà thờ Mộ Thánh: Khám phá trái tim linh thiêng của Jerusalem 5

Nhà thờ Mộ Thánh chỉ có duy nhất một lối vào ở phía Nam công trình. Ảnh: Reuters

Tảng đá xức dầu là một phiến đá màu đỏ cam. Người ta xác tín rằng đây là nơi thi thể Chúa Jesus được chuẩn bị cho việc chôn cất sau khi hạ xuống từ thập giá. Phiến đá hiện tại được đặt từ năm 1810. Khi đến đây, bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh nhiều tín hữu quỳ xuống, đặt khăn thánh và vật dụng cá nhân lên đây để nhận phước lành.

Nhà thờ Mộ Thánh: Khám phá trái tim linh thiêng của Jerusalem 6

Các tín hữu Kito giáo xác tín rằng Tảng đá xức dầu là nơi đặt Chúa Jesus sau khi Người được hạ xuống từ thập giá. Ảnh: reuters

Từ Tảng đá xức dầu, bạn tiếp tục đi theo cầu thang bên phải để lên Đồi Golgotha. Đây là nơi diễn ra cuộc đóng đinh vào thứ Sáu tuần Thánh. Khu vực linh thiêng này được chia thành hai không gian chính:

Bàn thờ Hy Lạp (nơi đóng đinh) là nơi đặt một phiến đá với lỗ cắm thập giá và có một lớp kính bảo vệ. Khách hành hương thường quỳ xuống và đưa tay qua một lỗ nhỏ để chạm vào phiến đá thiêng.

Tại đồi Golgotha còn có một công trình gọi là Nhà nguyện Công giáo. Đây là nơi tưởng niệm Cuộc khổ nạn của Chúa Jesus. Tại đây, bạn có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo mô tả cảnh Chúa Jesus trên thập giá.

Ngoài ra, đồi Golgotha còn là nơi cung kính đặt tượng Đức Mẹ (Chặng 13 trong 14 Chặng đàng Thánh giá). Người ta xác tín rằng, đây là chính là nơi đánh dấu khoảnh khắc thân xác Chúa được tháo xuống khỏi thập giá và trao cho Mẹ Maria.

Nhà thờ Mộ Thánh: Khám phá trái tim linh thiêng của Jerusalem 7

Tượng Đức Mẹ với thanh gươm đâm thấu trái tim Mẹ như chính lời Thiên sứ truyền tin. Ảnh: catholicbridge

Rotunda là gian phòng trung tâm của ngôi Thánh đường với thiết kế mái vòm lớn. Chính giữa chính là Edicule, một ngôi đền có kiến trúc nhỏ hơn được xây dựng để bảo vệ ngôi Mộ thánh. Hai phần chính của công trình bao gồm:

Nhà nguyện Thiên thần (tiền sảnh). Đây là nơi đặt một phần phiến đá được tin là đã chặn cửa mộ, được thiên thần lăn đi trong biến cố Phục sinh. Trong khi đó, gian trong cùng là một căn phòng có không gian nhỏ, chỉ cho phép 3-4 người vào cùng lúc. Trong xác tín Kito giáo, đây là nơi đặt thi hài Chúa Jesus.

Ngày nay, khi đến đây, bạn có thể nhìn thấy một phiến đá cẩm thạch trắng đặt trên giường đá. Đây chính là một phác hiện đáng kinh ngạc trong cuộc trùng tu diễn ra vào năm 2016, càng củng cố thêm niềm tin rằng đây chính là nơi an táng Chúa Jesus trong biến cố Vượt qua.

Nhà thờ Mộ Thánh: Khám phá trái tim linh thiêng của Jerusalem 8

Mái vòm lớn tại Rotunda, gian phòng lớn nhất trong quần thể kiến trúc Nhà thờ Mộ Thánh. Ảnh: cbnisrael

Nhà thờ Mộ Thánh: Khám phá trái tim linh thiêng của Jerusalem 9

Các chi tiết chạm trổ tinh xảo trên tường nhà thờ và nhà nguyện. Ảnh: catholicbridge

Catholicon là ngôi nhà thờ chính được xây dựng theo lối kiến trúc Thập tự chinh. Chính giữa là bàn thờ của Chính thống giáo Hy Lạp. Điểm nhấn nổi bật của nhà thờ là cột đá tròn Omphalos, được xem là “trung tâm của thế giới” theo quan niệm người Byzantine năm xưa.

<

Ngay bên dưới lòng đất của Nhà thờ Mộ Thánh là những nhà nguyện mang trong mình những câu chuyện đầy ý nghĩa về đức tin và khảo cổ học:

Nhà nguyện Thánh Helena (Chính Thống Armenia)

Tọa lạc ở tầng dưới cùng của nhà thờ. Nhà nguyện được dành riêng để tưởng niệm Thánh Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine. Bà là người đi từ Đế quốc Byzantine đến Đất Thánh và theo truyền thuyết là người phát hiện ra Thánh Giá thật. Trên các bức tường có chạm khắc các biểu tượng Armenia và các đèn treo truyền thống. Đây là nơi thường xuyên tổ chức nghi lễ phụng vụ của Chính Thống giáo Armenia.

Nhà nguyện Tìm thấy Thánh Giá (Công giáo La Mã)

Nằm sâu hơn bên dưới nhà nguyện Thánh Helena, nhà nguyện nhỏ này được tin là nơi Thánh Helena phát hiện ra ba cây thập giá. Một trong số đó được xác định là Thánh Giá thật thông qua phép lạ phục hồi người bệnh. Kiến trúc ở đây đơn sơ nhưng giàu tính lịch sử, với tường đá lộ thiên và một bàn thờ nhỏ. Một số mảnh thánh tích đã từng được gìn giữ tại đây trước khi chuyển đến các nhà thờ lớn ở châu Âu.

Nhà nguyện Adam

Nằm ngay bên dưới bàn thờ đóng đinh ở Đồi Golgotha, nhà nguyện gắn với một truyền thuyết từ thời cổ đại: địa điểm Chúa Jesus bị đóng đinh cũng là nơi an nghỉ của Adam, tổ phụ loài người. Theo niềm tin đó, máu của Chúa Jesus khi chịu đóng đinh đã nhỏ xuống qua lớp đá nứt và chạm vào sọ Adam, tượng trưng cho sự cứu rỗi của nhân loại. Bên trong nhà nguyện có thể thấy một vết nứt lớn chạy dọc xuống bức tường đá phía sau bàn thờ, được nhiều người tin là chính là nơi máu đã chảy xuống.

Nhà nguyện Thánh Vartan (Armenia)

Nhà nguyện nằm ở khu khảo cổ phía bắc nhà nguyện Thánh Helena và chỉ mở cửa vào những dịp đặc biệt. Đây là nơi lưu giữ các di tích khảo cổ quan trọng, bao gồm phần còn lại của một bức tường từ đền thờ Hadrian và tranh khắc Thập Tự cổ. Đây là bằng chứng cho thấy sự tồn tại và hoạt động tôn giáo từ rất sớm tại khu vực này, thậm chí trước cả thời Constantine.

Nhà thờ Mộ Thánh: Khám phá trái tim linh thiêng của Jerusalem 10

Phù điêu chạm trổ 14 Chặng đàng Thánh giá trên tường. Ảnh: liturgicalartsjournal

Nhà thờ Mộ Thánh: Khám phá trái tim linh thiêng của Jerusalem 11

Hệ thống nhà nguyện dưới lòng đất. Những nhà nguyện đều mang ý nghĩa về lịch sử và khảo cổ học với nhiều Thánh tích được phát hiện tại đây. Ảnh: catholicbridge

Hơn cả một công trình tôn giáo, Nhà thờ Mộ Thánh là nơi hội tụ tinh hoa của lịch sử, khảo cổ học và tinh thần liên tôn hiếm có. Trải qua hơn 1600 năm tồn tại, với những lần hủy hoại và tái thiết, ngôi Thánh đường vẫn đứng vững như một minh chứng cho sức mạnh của đức tin và khả năng hòa giải giữa các tôn giáo, dân tộc. Nếu đang có ý định du lịch Israel, ghé ngay đến cửa hàng MIA.vn gần nhất và lựa cho mình một chiếc vali xịn sò làm bạn đồng hành!