1 Giới thiệu đôi nét về món phá lấu Sóc Trăng
Phá lấu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, sau đó được du nhập về nước ta và dần trở thành một món ăn phổ biến của người dân Nam Bộ, trong đó có Sóc Trăng. Tương truyền rằng, món phá lấu ra đời trong các ngày giỗ chạp, cúng kiếng của dân tộc Tiều tại Trung Quốc. Họ sợ lãng phí nguồn thực phẩm từ gia súc, gia cầm (thường là heo, gà và vịt) khi tổ chức cúng kiếng mà không dùng hết. Vì thế, người Tiều xẻ tất cả những phần thịt thành từng miếng vừa ăn, tẩm ướp với ngũ vị hương cùng một vài nguyên liệu khác và tạo ra món phá lấu. Nồi phá lấu của dân tộc Tiều có thể bảo quản quanh năm suốt tháng, khi hết nước chỉ cần châm vào rồi cho thêm một chút muối là có thể để dành ăn dần.
Ngày nay, phá lấu Sóc Trăng nói riêng và miền Nam nói chung có rất nhiều loại như phá lấu bò, phá lấu heo, phá lấu vịt… và thường được ăn kèm với bún, bánh mì hoặc cơm. Trong đó, người dân Sóc Trăng vẫn ưa chuộng món phá lấu được làm từ heo như ruột, dồi trường, gan, lỗ tai... hơn hẳn các loại khác. Mỗi món phá lấu heo đều sức hấp dẫn riêng biệt nhưng đa phần mọi người thích nhất là phá lấu Sóc Trăng được làm từ giò heo. Cùng với bún gỏi dà, phá lấu Sóc Trăng là món ăn được đông đảo bạn trẻ trong và ngoài tỉnh tìm đến thưởng thức.
Xem thêm: Bánh pía Sóc Trăng, linh hồn của sự pha trộn bản sắc dân tộc
Phá lấu Sóc Trăng là món ăn bình dân nên không khó để bạn tìm thấy những hàng quán bán món này. Bà con nơi đây cũng đã quen thuộc với hình ảnh những người đứng bán phá lấu Sóc Trăng trên đường phố, vỉa hè hoặc những đĩa phá lấu ngon lành và đẹp mắt trong các nhà hàng, quán xá. MIA.vn gợi ý một vài địa chỉ mà bạn có thể ghé đến dưới đây.
- Quán phá lấu Sóc Trăng Hưng: Hẻm 24 đường Hùng Vương, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
- Nhà hàng Hải Tượng Sóc Trăng: Số 2 đường 6, khu đô thị 5A, phường 4, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
- Nhà hàng Hằng Ký: Số 67 đường Yết Kiêu, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
- Nhà hàng Hưng Lộc Phát: Số 20D đường Trần Hưng Đạo, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
2 Cách chế biến món phá lấu Sóc Trăng từ giò heo
Giống như món hoa thuỷ liễu chấm mắm cá mề gà, cách chế biến món phá lấu Sóc Trăng khá cầu kỳ, đòi hỏi người đầu bếp phải cực kỳ tỉ mỉ và cẩn thận. Đầu tiên, giò heo sẽ được đem đi thui móng cạo sạch rồi mới rửa và để cho ráo nước. Sau đó, giò heo được tẩm ướp với những loại nguyên liệu thông dụng như muối, đường, tỏi, bột ngọt cùng với chút ngũ vị hương rồi ủ khoảng chừng 30 phút đến khi thấm đều gia vị. Tiếp đến, người đầu bếp sẽ chiên sơ giò heo sao cho các mặt vàng đều rồi vớt ra và cho vào một chiếc chảo khác. Lúc này, đầu bếp sẽ cho nước dừa tươi vào chảo và nấu đến khi gần cạn thì hạ lửa nhỏ, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
Phần ngon nhất của món phá lấu Sóc Trăng là đoạn dụm móng heo vừa giòn, mềm lại béo ngậy. Giò heo trong phá lấu được chặt thành từng khoanh tròn hoặc xắt lát nhỏ và bày ra đĩa. Khi thưởng thức phá lấu Sóc Trăng, bạn sẽ ăn kèm cùng với dưa cải (người Trung Hoa gọi là tùa xại), cà chua, dưa leo, rau sống và một chén xì dầu để chấm. Bạn có thể ăn phá lấu Sóc Trăng cùng cơm trắng, bún, bánh mì hoặc nhâm nhi với bia, rượu cũng rất tuyệt. Theo lời người dân địa phương, món ăn này thường được mọi người thưởng thức vào những ngày trời mưa và không khí hơi se lạnh. Dưới cơn mưa rả rích, tấp vào một quán phá lấu Sóc Trăng và từ từ thưởng thức hương vị đậm đà, nóng hổi thì chẳng còn gì bằng.
Phá lấu Sóc Trăng tuy là món ăn bình dân nhưng vẫn luôn để lại trong lòng mỗi người một dư vị khó quên bởi độ đậm đà, béo ngậy và thơm ngon đặc trưng. Bạn còn chần chừ gì mà không xách balo lên và mang theo cẩm nang du lịch về với Sóc Trăng để thưởng thức món ăn độc đáo này ngay thôi!