Theo lịch sử dân tộc Thái ghi chép lại, Lễ hội Xên Mường dường như bắt đầu có từ thế kỷ XIII. Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái - Mường Lò được tổ chức với mục đích thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra mường (cách gọi tên vùng đất nơi người Thái đang sinh sống). Đồng thời cũng là dịp để người dân nơi đây cầu xin trời đất phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng xanh tốt; gửi gắm những ước nguyện lớn lao về một cuộc sống bình yên, no ấm nơi bản mường: Then trên trời phù hộ/Phù hộ dân trong bản mường/Phù hộ cả lũ trẻ đang lớn/Phù hộ cả người nhỏ mới sinh/Lá trên cây đừng rơi/Lá tre xanh đừng rụng/Cho tốt đẹp cả bản/An khang cả mường/Làm nương thành nương lúa bông dày/Làm ruộng thành ruộng tốt bông to... Thuận lợi khi làm đòng/Gặp may khi lúa trổ/ Mưa phùn khi ra bông/Lúa mẩy hạt gặp nắng/... Gánh về đổ bồ to đầy ắp/ Gánh về đổ bồ mường bồ bản đầy ngọn...

Xem thêm: Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ - Cột mốc quan trọng của người vùng cao

Tìm hiểu Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái - Mường Lò ở Yên Bái 2

Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái - Mường Lò là một trong những lễ hội lớn tại Yên Bái 

Lễ hội Xên Mường thường diễn ra khi mùa hoa ban nở trắng núi rừng Yên Bái. Thường rơi vào khoảng tháng Giêng hoặc tháng 2 Âm lịch, tùy từng năm. Vào thời gian này thì có nắng ấm, còn trên nương, trên rẫy lúa chiêm đang xanh mơn mởn. Lễ hội Xên Mường hầu như đều giống nhau ở nhiều vùng nhưng mỗi mường lại chọn địa điểm, cách thức tiến hành và một số nghi lễ khác nhau.

Đối với người Thái vùng Mường Lò thì việc tổ chức lễ hội "Xên mường" trước đây thường ở khu rừng cấm của mường, chọn nơi có gốc đa to nhất và xung quanh là nơi yên nghỉ của những người đã khuất. Còn nay thì họ tổ chức Lễ hội Xên Mường ở khu vực Chi nhánh Bảo tàng Nghĩa Lộ. Chọn nơi có chôn một cây cột bằng gỗ lõi sâu dưới lòng đất hay còn gọi là cột "đắc mường". 

Ngoài ra, sau khi tham dự lễ hội này, bạn nên đến tham quan những điểm tham quan nổi tiếng của Yên Bái như Cánh đồng Mường Lò, Ruộng bậc thang Mù Cang Chải,... 

Tìm hiểu Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái - Mường Lò ở Yên Bái 3

Mùa hoa ban về là lúc tổ chức Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái - Mường Lò

Ở Mường Lò, ông mo Nghè - người trông coi thần quyền cho chủ Mường và Hội Phụ lão đứng ra tổ chức lễ hội Xên Mường. Tại đây, Lễ Xên Mường phải có áo của con trai thuộc dòng dõi quý tộc gốc hay người đương chức để sử dụng làm vật tế lễ. Nhưng vào thời điểm hiện tại thì chức danh quý tộc không còn nữa nên người Thái Mường Lò lấy áo của một vị lãnh đạo xã làm vật tế. Lễ vật thì hoàn toàn do người dân toàn Mường đóng góp, và có thể mổ từ hai đến bốn con trâu để làm lễ.

Trong lễ cúng "Xên mường", ngoài các lễ vật như: vải thổ cẩm, vòng tay bạc, vòng cổ, các cuộn vải sải, thì còn phải có các món ăn chế biến từ thịt trâu và tiêu biểu là món Thịt trâu gác bếp Yên Bái. Thường thì trong lễ cúng "Xên Mường" phải mổ hai con trâu (1 con trâu đen và 1 con trâu trắng) để hiến sinh.

Tìm hiểu Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái - Mường Lò ở Yên Bái 4

Trâu là vật tế không thể nào thiếu trong Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái - Mường Lò

Trong khi làm lễ cúng, chủ mường mặc áo màu đen. Thầy mo mường mặc áo dài mầu đỏ, cúc đồng, tay áo, cổ áo có viền vàng, xanh, đầu thì đội khăn dài màu đen. Lúc này, đứng cạnh bên ông mo có 2 người đứng canh gác đeo kiếm, tay cầm thanh đao gỗ. Các quan chức (các cấp lãnh đạo ở xã, phường) ngồi thành hai hàng để tập trung nghe nội dung bài cúng tế: "...Nhớ công đức cụ kỵ dựng xây khai phá bản mường/Con cháu mường bản lúc này/ Mới được ăn được ở/Như thủa cụ/Được ăn không quên đũa/ Được ở không quên công quên ơn...".

Sau phần cúng lễ, ông mo mang 3 cây neo đi cắm ở 3 nơi giáp ranh với các mường. Việc làm này có ý nghĩa là “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong vòng 3 ngày kể từ ngày làm lễ. Và trong 3 ngày đó, nếu người ở mường khác đến chơi, đến vì có việc… mà không được sự đồng ý của người trong mường thì sẽ bị phạt lợn, rượu. Khi thầy mo đi cắm neo trở về, các chức sắc và bà con đến nhà chủ mường mở tiệc ăn uống linh đình. Lúc này, ông mo mang chiếc áo lúc trước làm vật tế đem trao trả lại cho chủ mường và lấy sợi chỉ đen buộc vào tay chủ mường và gửi gắm: "Chúc ông giữ dây mường đừng để mường vàng úa/Nắm dây mường đừng để mường tàn/Khỏe như nai đỏ/Chắc như voi đang độ".

Kết thúc phần lễ, cả mường cùng tham gia phần hội, đây là phần được đón chờ nhất. Lúc này, ông quàn (người liên lạc) đem trống, chiêng treo giữa một bãi đất trống rộng để đánh trống khai mạc. Phần hội sẽ bao gồm các trò chơi dân gian tập thể. Những trò chơi thường được tổ chức là đua ngựa, “tó mắc lẹ”, “tó tiếc”, ném còn, bắn nỏ…

Ngoài ra, Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái - Mường Lò còn có nhiều các môn thể thao, trò chơi dân gian mang đậm sắc Thái bản địa như ném còn, chọi cù, đi cà kheo, kéo co lý mường (tó lạ), leo cây (khửn may), hát đối đáp… Điều này cho chúng ta thấy được những khía cạnh vô cùng phong phú, đa dạng và sinh động của người Thái khu vực Yên Bái.

Tìm hiểu Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái - Mường Lò ở Yên Bái 5

Vũ điệu khăn piêu quen thuộc trong Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái - Mường Lò

Tìm hiểu Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái - Mường Lò ở Yên Bái 6

Ném còn là trò chơi dường như không thể thiếu

Lễ hội “Xên mường” có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái Mường Lò nói riêng và cộng đồng dân tộc Thái nói chung. Hi vọng với bài viết này, MIA.vn sẽ giúp bạn hiểu hơn về một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của miền Tây Bắc. Có dịp mời bạn ghé thăm Yên Bái và tham gia Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái - Mường Lò nhé!