Bên cạnh lễ hội Ok om bok Sóc Trăng, Chôl Chnăm Thmây cũng là ngày lễ quan trọng nhất của đồng bào Khmer Nam Bộ, thu hút đông đảo tín đồ du lịch đến tham dự.
1Đôi nét về lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng
Lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng là ngày lễ lớn nhất của đồng bào Khmer có nhiều nét tương đồng với ngày Tết Bunpimay của Lào, Tết Songkran của Thái Lan và Tết Thingyan của Myanmar. Vào những ngày này, đồng bào Khmer đều tất bật chuẩn bị đón Tết, nào là sửa sang quét dọn nhà cửa, chùa chiền, treo cờ và khẩu hiệu có dòng chữ “Sua Sđey Chnăm Thmây” tạm dịch là “Chúc mừng năm mới”.
Có nhiều truyền thuyến về nguồn gốc của lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng, nhưng nhìn chung đều liên quan đến sự chuyển giao từ Bà La Môn giáo sang Phật giáo. Bên cạnh Phật giáo, người Khmer còn tin rằng mỗi năm sẽ có một vị thần trên trời thay phiên nhau hạ phàm bảo vệ người dân và phù hộ cho họ một năm bình an, mùa màng bội thu. Ngày mà vị thần tiên xuống hạ giới được người Khmer coi là ngày đầu tiên của năm mới.
Xem thêm: Lễ hội Thác Côn, nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer Sóc Trăng
Lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng là dịp để cộng đồng Khmer cùng nhau họp mặt, đón mừng năm mới và tưởng nhớ đến tổ tiên đã khuất. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để họ bày tỏ hy vọng về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Không giống người Việt hay Hoa ăn sẽ Tết sau mùa thu hoạch, đồng bào Khmer lại mừng năm mới trước khi chuẩn bị một vụ mùa canh tác. Đối với người Khmer, ngày Chôl Chnăm Thmây được xem thời khắc chuyển giao giữa mùa nắng và mùa mưa, việc tổ chức lễ hội xuất phát từ mục đích cầu mong mùa khô qua mau để có thể bắt đầu mùa vụ mới. Người Khmer quan niệm rằng thời gian diễn ra lễ hội là lúc cỏ cây trở lại tươi tốt và thiên nhiên trỗi dậy sức sống, chính là một sự khởi đầu của một năm mới.
2Thời gian diễn ra lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng
Lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng thường tổ chức vào đầu tháng Chét của lịch Phật giáo Khmer, là khoảng giữa tháng 4 dương lịch tương đương với tháng 3 âm lịch. Đây là một trong những ngày lễ mang đậm màu sắc văn hóa nông nghiệp đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có gắn bó mật thiết với vòng đời cây lúa nước. Theo nông lịch, đây là thời gian mà việc nhà nông nhàn nhã nhất vì vào cao điểm của mùa khô, lúa đã thu hoạch xong và mọi hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đều tạm dừng để chờ mùa mưa đến.
Do mang ý nghĩa chào đón mùa mưa và mùa vụ mới nên lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng được tổ chức lớn nhất trong năm. Trước đây lễ hội này thường kéo dài từ 10-15 ngày, nhưng trong xu thế đơn giản hóa lễ hội như hiện nay, Chôl Chnăm Thmây chỉ còn được tổ chức trong vòng 3 ngày, năm nhuận thì kéo dài 4 ngày.
3Những điều thú vị tại lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng
Cũng giống như Tết Việt, ba ngày của lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng là khoảng thời gian những người con Khmer trở về sum họp gia đình để mừng năm mới, thăm hỏi bà con họ hàng và chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt.
Vào những ngày trước lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng, người Khmer sẽ sắm sửa cho mình những bộ quần áo mới, sửa sang, quét dọn lại nhà cửa và chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống cho 3 ngày Tết. Mọi người sẽ dừng lại các công việc thường nhật, người lao động ở xa thì trở về quê, ai ai cũng đều hào hứng chăm lo mừng năm mới.
Thông thường, lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng sẽ gồm 3 ngày lễ chính và được tổ chức tập trung tại các ngôi chùa lớn trong vùng.
+ Ngày đầu tiên: Chôl Sangkran Thmây
Chôl Sangkran Thmây là ngày đầu tiên trong lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng. Vào ngày này, mọi người sẽ tắm gội, mặc quần áo đẹp, đội cỗ lên chùa làm Lễ rước Đại lịch (Maha Sangkran) diễn ra vào giờ tốt đã được chọn sẵn, bất kể thời gian là sáng hay chiều.
Đại lịch được khiêng đi vòng quanh chính điện 3 vòng, sau đó các nhà sư bắt đầu thực hiện nghi lễ cầu bình an cho người dân. Tương tự như giao thừa của người Việt, Lễ rước Đại lịch của người Khmer mang ý nghĩa tiễn đưa điều xui xẻo, gửi gắm hy vọng vào những điều may mắn trong năm mới.
+ Ngày thứ 2: Wonbơf
Ngày thứ hai của lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng là nghi lễ dâng cơm và đắp núi cát, nếu là năm nhuần thì có 2 ngày Wonbơf. Vào ngày thường nhà sư sẽ mang bình bát đi khất thực vào mỗi sáng, nhưng vào lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng các gia đình làm cơm mang cơm đến tận chùa dâng cho các vị sư. Trước khi ăn, nhà sư sẽ tụng kinh làm lễ tạ ơn những người đã làm ra thức ăn, chúc phúc cho gia chủ và cầu siêu cho linh hồn người thân đã khuất của họ.
Buổi chiều của ngày Wonbơf sẽ tổ chức Lễ đắp núi cát, mọi người đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm tượng trưng cho vũ trụ. Người Khmer tin rằng mỗi hạt cát đắp lên thành núi sẽ giải thoát được một kẻ có tội ở thế gian, vì thế họ rất hăng hái đắp núi cát để cầu xin năm mới được nhiều phúc đức. Hiện nay, tại một số chùa sẽ thay cát bằng lúa và gạo để sau lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng, số lương thực này sẽ cung cấp cho các nhà sư hoặc đem hỗ trợ cho dân nghèo.
+ Ngày thứ 3: Lơng Săk
Lơng Săk là ngày cuối cùng và cũng là ngày quan trọng nhất trong lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng. Trong ngày này, bà con Khmer sẽ tiến hành Lễ tắm tượng Phật và Lễ cầu siêu.
Lễ cầu siêu được thực hiện ở chùa, sau kết thúc Lễ đắp núi cát nhằm hồi hướng phước đức đến với ông bà, cha mẹ và những người thân quá cố ở thế giới bên kia. Buổi chiều là Lễ tắm tượng Phật được diễn ra tại chùa, sau đó mọi người sẽ về nhà làm làm nghi thức tắm cho ông bà, cha mẹ. Giống như lễ Sene Đôn Ta Sóc Trăng được xem là ngày Vu lan báo hiếu của người Khmer, nghi thức này cũng mang ý nghĩa cầu mong phước lành cho trưởng bối và xin tha thứ những thiếu sót, lỗi lầm của bậc hậu bối trong năm cũ.
Trong ba ngày lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng, ngoài các nghi thức Phật giáo, người dân Khmer còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian như thả diều, đánh quay lửa, hát đối đáp aday, hát dù kê, múa Răm vông, múa trống xa-dăm...
Bên cạnh ngày Tết mừng năm mới, tại đây còn có nhiều lễ hội hấp dẫn khác như Lễ hội Thác Côn, Lễ thả đèn nước Lôi Prôtip, Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng… cũng thu hút đông đảo tín đồ du lịch từ khắp nơi tìm đến.
Nếu bạn đam mê khám phá những nghi lễ, phong tục độc đáo thì lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng chính là điểm đến mà bạn không thể bỏ qua trong cẩm nang du lịch của mình. Bên cạnh tham gia lễ hội, bạn cũng đừng quên thưởng thức các món đặc sản nổi tiếng như vú sữa tím Xuân Hòa hay nhãn xuồng cơm vàng Vĩnh Châu khi ghé thăm Sóc Trăng nhé.