1 Karuta là trò chơi gì?
Karuta là một trò chơi truyền thống của Nhật Bản, thường được các thiếu nữ yêu thích trong các dịp lễ lớn. Người chơi sử dụng bộ bài đặc biệt gồm 100 bài thơ Tanka, đây là những áng thơ được tuyển chọn kỹ lưỡng bởi thi nhân Fujiwara no Sadaie. Theo tìm hiểu của MIA.vn, mỗi bài thơ sẽ đại diện cho một tác giả nổi bật.
Từng lá bài Karuta sẽ mang hai phần: phần đầu và phần kết của bài thơ. Khi người dẫn đọc vang lên phần đầu, người chơi phải nhanh chóng tìm đúng lá bài mang phần còn lại. Ai thu thập được nhiều lá nhất sẽ là người chiến thắng.

Karuta là trò chơi sử dụng bộ bài đặc biệt truyền thống Nhật Bản. Ảnh: Janbox
1.1 Lịch sử ra đời của Karuta
Tưởng chừng như xuất phát tại Nhật Bản, nhưng ít ai ngờ rằng Karuta lại có nguồn gốc từ châu Âu. Tên gọi “Karuta” bắt nguồn từ “Carta” trong tiếng Bồ Đào Nha, nghĩa là lá bài. Vào thế kỷ 16, khi thương nhân Francisco Xavier đặt chân đến Nhật, ông mang theo bộ bài Tây đầu tiên. Người Nhật nhanh chóng tiếp nhận, rồi dần thay đổi hình thức và nội dung. Qua thời gian, những lá bài ngoại nhập ấy được bản địa hóa, kết hợp với thơ ca và văn hóa truyền thống, để rồi trở thành Karuta đậm chất văn hóa Nhật Bản.
Karuta được cho là phát triển từ trò chơi Kai-Awase, đây là một thú vui tao nhã của giới quý tộc Nhật thời Heian (794–1185). Trong trò này, người chơi sẽ ghép đôi những vỏ sò được vẽ tay công phu, thường là tranh minh họa từ “Truyện Genji”. Người giành chiến thắng chung cuộc khi tìm đúng hai mảnh khớp hình.

Karuta có nguồn gốc xuất phát từ châu Âu. Ảnh: Tofugu
Karuta được làm ra thành những lá bài nhỏ từ bìa cứng hoặc giấy ép, vừa vặn trong lòng bàn tay. Mỗi lá mang trên mình một mảng văn hóa Nhật như hình ảnh hoa lá, muông thú, đến những bức họa cổ thể hiện đời sống người xưa. Không giống bài Tây với hình ảnh quý tộc châu Âu, bộ bài Karuta lại tái hiện chân dung 100 thi nhân của xứ Phù Tang. Điều này khiến mỗi ván bài như một cuộc dạo chơi qua lịch sử thi ca Nhật Bản.
2 Các loại Karuta phổ biến
Khi có cơ hội đi du lịch Nhật Bản, các bạn sẽ có thể bắt gặp 3 biến thể Karuta phổ biến được người dân tại xứ sở hoa anh đào ưa chuộng. Cụ thể là:
2.1 Uta garuta
Được viết dưới tên Nhật là “歌がるた”, “歌 - Uta” nghĩa là thơ hay khúc ca cổ. “がるた - Garuta” là cách người Nhật đọc chệch từ Karuta. Gộp lại, Uta Garuta là bộ bài dùng để ngâm thơ. Trên mỗi lá bài là một bài thơ trích từ tuyển tập nổi tiếng “百人一首 - Hyakunin Isshu” (Bách nhân nhất thủ), hay là ““Thơ trăm nhà”. Bộ bài có thể được ví như nơi quy tụ 100 thi phẩm tiêu biểu của 100 thi nhân Nhật Bản.
Bài Uta Garuta gồm hai nhóm chính: 読札 - Yomifuda” (bài đọc), có in đầy đủ bài thơ, tên thi nhân và hình minh họa; “取り札 - Torifuda” (bài lấy), chỉ hiển thị câu kết của mỗi bài thơ. Cả hai nhóm đều gồm 100 lá, tạo nên một trò chơi đòi hỏi trí nhớ và tốc độ.

Bài Uta Garuta là bộ bài dùng để ngâm thơ. Ảnh: Javierneilabarajas
Cách chơi
Người chơi bài Karuta ở phiên bản này sẽ chia thành hai phe, ngồi đối mặt trên chiếu tatami truyền thống. Người dẫn trò, thường là người ngâm thơ, giữ 100 lá Yomifuda, mỗi lá chứa trọn vẹn một bài thơ cổ. Trước mặt mỗi đấu thủ là tập Torifuda, những lá chỉ in phần cuối bài thơ. Khi tiếng thơ vang lên, ai nhanh hơn sẽ chạm tay vào lá bài khớp nghĩa, ghi điểm về cho đội mình.
2.2 Iroha karuta
Được viết dưới tiếng Nhật là “いろはかるた”, ra đời từ thời Edo (1603–1868), bộ bài Karuta phiên bản Iroha garuta sẽ gồm 96 lá. Một nửa bộ bài mang các câu tục ngữ ngắn gọn gọi là Yomifuda. Nửa còn lại là Torifuda, in hình minh họa cùng một ký tự Hiragana nằm ở góc trên.
Cách chơi
Người dẫn trò chơi giữ trong tay 48 lá Yomifuda chứa các câu tục ngữ và lần lượt đọc to từng lá. Những người chơi còn lại phải nhanh mắt, nhanh tay tìm đúng lá Torifuda khớp nội dung vừa được đọc. Ai chạm vào lá đúng đầu tiên sẽ giành được thẻ. Cuối cùng, người thu thập nhiều thẻ nhất là người chiến thắng.

Iroha karuta được in hình minh họa cùng các câu tục ngữ ngắn gọn. Ảnh: Wopc
2.3 Hanafuda
Hanafuda, còn được biết đến với tên gọi "bài hoa", là một bộ bài truyền thống của Nhật Bản lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Mỗi lá bài là một hình ảnh cách điệu về hoa, cây cối hoặc sinh vật tượng trưng cho một trong mười hai tháng trong năm. Mỗi tháng ứng với 4 lá bài, tạo thành tổng số 48 lá. Tương tự như bài Tây có chia chất, Hanafuda cũng được phân loại theo bốn nhóm: Kasu (bài thường), Tanzaku (bài thơ), Tane (bài đặc biệt), và Hikari (bài ánh sáng), mang đến nhiều biến hóa thú vị trong cách chơi.
- Kasu (カス): Trong Hanafuda, Kasu là nhóm bài có giá trị thấp nhất. Tên gọi "Kasu" nghĩa là "rác", biểu thị điểm số chỉ vỏn vẹn 1 điểm. Các lá bài thuộc nhóm này thường chỉ đơn thuần là hình ảnh cây cỏ hoặc hoa đơn độc, không có chi tiết đặc biệt. Mỗi tháng trong năm thường xuất hiện 2–3 lá Kasu.
- Tanzaku (短冊): Tanzaku là tên gọi của những dải giấy dài, nơi người Nhật thường viết thơ hoặc lời nguyện ước. Trong bài Karuta Hanafuda, Tanzaku được chia thành hai loại: Akatan (赤短) là mảnh giấy màu đỏ, và Aotan (青短) là mảnh giấy màu xanh lam hoặc tím. Mỗi lá Tanzaku mang giá trị 5 điểm, thường đi kèm với hình ảnh thơ hoặc biểu tượng cổ điển của văn hóa Nhật.
- Tane (タネ): Là nhóm bài mang giá trị trung bình trong bài Karuta phiên bản Hanafuda này, mỗi lá Tane có giá trị 10 điểm. Chúng thường được minh họa bằng hình ảnh động vật hoặc các biểu tượng văn hóa đặc trưng của Nhật như sếu, nai, hoặc chén sake. Bộ bài có tổng cộng 9 lá Tane.
- Hikari (光): Đây là nhóm bài quyền lực nhất trong Hanafuda. Mỗi lá Hikari trị giá 20 điểm và chỉ có 5 lá trong toàn bộ bộ bài. Các lá Hikari thường được vẽ tinh xảo, mang hình ảnh rực rỡ như mặt trời, trăng sáng hay nhân vật thần thoại, nhưng biểu tượng của ánh sáng và quyền lực.

Hanafuda là một bộ bài truyền thống của Nhật Bản lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Ảnh: Fluxhawaii
Cách chơi
Một ván Karuta Hanafuda thường chỉ diễn ra trong 2 đến 5 phút. Một trận đấu hoàn chỉnh gồm 12 ván, hoặc ít hơn nếu các bên thống nhất trước. Không giống như những biến thể bài Karuta khác, ở Hanafuda, người thắng là người có tổng điểm cao nhất sau khi kết thúc. Điểm số được tính dựa trên các lá bài bạn thu thập được trong quá trình chơi. Khi đến lượt, người chơi đánh bài để thu về những lá bài đang nằm trên bàn. Từ đó ghép thành các tổ hợp gọi là Yaku, và mỗi Yaku gồm 5 lá bài có giá trị và mang về số điểm cụ thể.
3 Luật chơi Karuta cơ bản
Trong suốt ván đấu Karuta, người chơi chỉ được sử dụng một tay để chạm vào bài. Tay nào được dùng đầu tiên sẽ là tay cố định xuyên suốt trận đấu. Vi phạm quy tắc này đồng nghĩa với việc phạm luật.
Khi gửi lá bài sang đối thủ, người chơi có thể sắp xếp thứ tự tùy ý. Nếu chẳng may đụng vào lá bài "ma", tức là bài không liên quan đến câu thơ đang được đọc, người chơi sẽ bị tính lỗi Otesuki. Khi đó, đối thủ sẽ chuyển một lá bài sang sân của người chơi vừa phạm lỗi.

Trong suốt ván đấu Karuta, tay nào được dùng đầu tiên sẽ là tay cố định xuyên suốt trận đấu. Ảnh: Fun-japan
Ngoài ra, một số tình huống sau cũng được xem là Otesuki trong khi đấu Karuta:
- Bài đọc ra là lá bài ma, nhưng người chơi lại đụng vào bất kỳ lá bài nào.
- Bài được đọc nằm ở sân nhà, nhưng người chơi lại chạm vào bài ở sân đối thủ.
- Ngược lại, nếu bài nằm ở sân đối thủ mà người chơi lại chạm vào bài của mình, cũng bị tính là lỗi.
4 Bí quyết chơi Karuta giúp giành chiến thắng
Để có thể dành được chiến thắng trong các ván bài Karuta, Cẩm nang du lịch sẽ mách bạn một số tips nhỏ sau đây.
4.1 Nhớ trước nội dung bài Karuta
Để phản xạ nhanh khi chơi Karuta, người chơi cần ghi nhớ 100 bài thơ trong bộ bài. Nghe được câu đầu, não phải lập tức truy xuất câu kết. Nếu chưa thuộc hết, hãy dùng mẹo ghi nhớ bằng “từ khóa chính”, có thể là ký tự đầu hoặc cuối câu thơ. Cách này giúp định vị bài nhanh hơn khi thời gian không cho phép chần chừ.

Kinh nghiệm chiến thắng trò chơi Karuta. Ảnh: Janbox
4.2 Tập trung và tăng khả năng phản xạ
Để thắng ở Kyogi Karuta, trí nhớ thôi là chưa đủ. Người chơi cần tập trung tuyệt đối, lắng tai nghe và phản xạ như chớp. Một ván thường kéo dài khoảng 90 phút, không giới hạn thời gian cụ thể. Vì vậy, rèn luyện sự tỉnh táo và duy trì sự tập trung đến cuối cùng là yếu tố quyết định.
Có thể thấy trò chơi truyền thống Nhật Bản Karuta không những rèn trí nhớ, mà nó còn thử thách sự nhanh nhạy của người chơi. Nếu bạn là người yêu thích văn hóa Nhật Bản và đam mê về trò chơi trí tuệ này, hãy nhấc ngay chiếc vali gọn nhẹ lên và cùng đến ngay xứ sở hoa anh đào để trải nghiệm thôi nào.