Người dân tộc thiểu số sinh sống tại những bản làng dọc theo huyện Mường Khương vốn dĩ có truyền thống trồng ớt từ rất lâu. Ớt họ trồng là ớt thóc với quả bé cỡ bằng đầu đũa, vỏ nhăn, có ba màu (khi xanh màu trắng, khi ương màu vàng và khi chín màu đỏ) với một vị cay nồng rất đặc trưng, khác hẳn với những loại ớt thông thường khác được bày bán bởi thời tiết và địa hình đặc thù của chốn núi rừng Tây Bắc.

Tương ớt Mường Khương – Hương vị cay nồng đậm đà chốn bản làng khiến thực khách mãi nhớ hoài 2

Tương ớt Mường Khương được làm từ ớt thóc - một loại ớt có kích cỡ nhỏ bằng đầu đũa với vị cay nồng rất đặc trưng

Vốn dĩ ban đầu, họ chỉ làm những lọ tương ớt trữ trong nhà với mục đích phục vụ nhu cầu ăn uống của các thành viên trong gia đình mà thôi. Dần dần, những lọ tương ớt với cách làm giã tay truyền thống đã xuất hiện trên các bữa cơm của các nhà hàng tại trung tâm thị trấn Sapa, khiến cho những thực khách mãi nhớ hoài hương vị cay nồng tê cả đầu lưỡi đặc trưng. Từ đó, những lọ tương ớt Mường Khương đã chính thức ‘lột xác’, trở thành một trong những đặc sản của chốn núi rừng Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, bên cạnh những món ăn nổi tiếng khác tại địa phương như lợn cắp nách, cá tầm, cá hồi, măng chua, măng vầu và cả nấm hương rừng nữa.

Ớt được dùng để làm tương ớt Mường Khương phải là quả ớt thóc, và phải là những quả vừa đạt đến độ chín đỏ hoàn hảo, không bị xanh, chín quá hoặc bị dập, héo. Ngoài ra, không thể không kể đến những gia vị góp phần làm nên hương vị hoàn hảo của lọ ớt đậm đà và cay nồng của chốn vùng cao Tây Bắc như tỏi, hạt rau mùi, hạt thì là và cả những loại thảo mộc như hạt dổi, quế thơm, thảo quả, và cả loại rượu ngô đặc biệt của vùng Bắc Hà cũng như muối hạt và nước. Tương ớt Mường Khương thường được làm theo tỷ lệ: 30kg ớt tươi : 100g hạt thì là : 100g hạt mùi : 50kg dổi : 3kg tỏi : nửa lít rượu ngô Bắc Hà : 3kg muối hạt : 50g quế : 50g thảo quả : 5 lít nước đun sôi để nguội.

Tương ớt Mường Khương – Hương vị cay nồng đậm đà chốn bản làng khiến thực khách mãi nhớ hoài 3

Các quả ớt thóc dùng làm tương sẽ được lựa chọn thật kỹ, chỉ sử dụng các quả chín vừa, không quá xanh và cũng không quá héo, không bị dập

Thường thì tỏi sẽ được lột vỏ lụa, trong khi hạt rau mùi và hạt thì lạ được sàng sẩy và chắt lọc thật kỹ, tránh sử dụng những hạt thối hoặc lép bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị của tương. Chính bởi thế nên hầu hết mọi nguyên liệu được dùng để hoàn thiện món tương ớt đặc biệt này đều được người dân chắt lọc thật kỹ.

Ớt thóc sau khi thu hoạch sẽ được mang đi rửa với nước thật sạch, bỏ cuống, sau đó để ráo. Khi ớt đã ráo hẳn, mọi người sẽ mang ớt đi xay lẫn với tỏi cho hỗn hợp thật đều. Các loại hạt sau khi đã được rửa sạch sẽ được mang đi rang chín cho dậy mùi thơm, sau đó mang đi xay nhỏ riêng từng loại. Tiếp theo đó, người làm tương sẽ tiếp tục pha nước đun sôi để nguội với muốit hạt, sau đó cho cả hỗn hợp ớt xay với tỏi và cả rượu ngô Bắc Hà vào thùng và mang đi ủ trong khoảng 2 tháng liên tục kể từ khi chế biến để đạt độ ngấu và hương thơm dịu nhẹ thoang thoảng cùng chút vị chua chua đặc trưng. 

Một điểm đặc biệt là thùng dùng để ủ tương phải là loại thùng làm từ gỗ sồi và có nắp đậy kín bằng khăn mỏng để thoáng khí thì mới cho ra được chuẩn xác hương vị của tương ớt Mường Khương được. Và trong suốt thời gian ủ tương, người làm tương phải liên tục đảo tương để tránh tình trạng tương bị lên men. Kết thúc thời gian ủ, tương ớt sẽ được chiết vào những lọ, hũ nhỏ và sau đó đem ra bán tại các phiên chợ của người dân tộc thiểu số.

Bất kì ai khi dùng tương ớt Mường Khương đều nhận xét tương có một vị cay nồng rất đặc biệt cùng hương thơm nhẹ nhàng của ớt tươi, cả thảo dược và những nguyên liệu đến từ những khu rừng già nơi Tây Bắc, tạo nên một vị rất độc đáo mà dường như chẳng lọ tương ớt nào dưới miền xuôi có thể có được hương vị chuẩn xác đến vậy.

Lọ tương ớt với cách làm thủ công truyền thống của người dân tộc chốn núi rừng Hoàng Liên Sơn có thể kết hợp với tất cả mọi món ăn trên bàn cơm thường ngày, chẳng hạn như chấm cùng những xiên que nướng nóng hổi thơm phức, các món thịt luộc, hay cả những miếng mực nướng thơm ngon và cả tảng thịt trâu gác bếp đậm vị. Ngoài ra, người dân tộc thường dùng tương ớt khi ăn nem chua và thậm chí dùng để làm gia vị để ướp cho các món ăn hoặc cả nước dùng nữa.

Tương ớt Mường Khương – Hương vị cay nồng đậm đà chốn bản làng khiến thực khách mãi nhớ hoài 4

Miếng thịt trâu gác bếp thơm lựng chấm cùng chút tương ớt Mường Khương cay nồng, còn gì tuyệt vời hơn thế nữa?

Vào những dịp năm hết tết đến, sau một năm làm lụng vất vả với công việc đồng áng, người dân nơi huyện nhỏ Mường Khương thường cùng nhau quây quần bên căn bếp bập bùng than hồng đỏ rực, chia với nhau từng miếng thịt trâu gác bếp có chấm một chút tương ớt và cả nhâm nhi những ly rượu ngô với hương vị rất riêng biệt. Dường như chính cái vị cay tê của tương ớt, cả sự ấm áp khi dòng rượu ngô chảy qua cổ họng đã xua đi cái lạnh của những ngày Tây Bắc vào đông và đưa mọi người đến gần nhau hơn cả. Ấy vậy mới nói, đôi khi chính những lọ tương ớt Mường Khương nhỏ bé giản đơn này mới chính là sợi dây gắn kết người ta lại gần nhau hơn.

Tương ớt Mường Khương – lọ tương ‘nhỏ nhưng có võ’ của chốn non cao Tây Bắc cùng hương vị cay nồng khó cưỡng đã khiến bao thực khách mãi nhớ hoài nếu có dịp một lần nếm thử. Đừng bỏ qua cơ hội xé một miếng thịt trâu chấm cùng chút tương ớt cay nồng khi đến Sapa bạn nhé.