Địa chỉ: thôn Phước Sơn, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước

Bình Phước quả thật là cái nôi của các công trình tâm linh, tín ngưỡng. Ai đã từng có dịp đến đây ắt hẳn ít nhiều cũng có đôi lần cảm thấy ngưỡng mộ khi đứng trước những di tích Đình thần ở Bình Phước, biểu tượng gắn liền với đời sống tâm linh của bao thế hệ người dân địa phương. Giờ đây với Chùa Đức Hạnh, ngôi chùa duy nhất từ trước tới giờ tại tỉnh được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập hai kỷ lục, tỉnh nhỏ này lại trở thành điểm đến sự chú ý của mọi người nhiều hơn bao giờ hết.

Xem thêm: Chùa Sóc Lớn Bình Phước, độc đáo nét văn hoá của người Khmer

Vãn cảnh Chùa Đức Hạnh, chiêm ngưỡng hai kỷ lục Việt Nam 2

Chùa Đức Hạnh sở hữu hai kỷ lục Việt Nam, thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Ảnh: Bình Phước Online

Sở hữu khí hậu đa dạng và được chia thành hai mùa khô, mưa rõ rệt, thế nên bạn cần lưu lại ngay vào cuốn sổ tay Cẩm nang du lịch tình hình thời tiết ở Bình Phước vào từng giai đoạn cụ thể trong năm để lên lịch trình phù hợp.

Nếu có ý định vãn cảnh chùa cũng như thử sức chinh phục Vườn Quốc gia Bù Gia Mập gần đó cùng vô số công trình đặc sắc khác tại địa phương, khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 11 sẽ phù hợp hơn cả. Đây là thời điểm Bình Phước bắt đầu bước vào mùa khô với khí hậu thoáng đãng, mát mẻ và không mưa, rất phù hợp để bạn tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí và khám phá ngoài trời. 

Ngược lại, khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau sẽ ít nhiều mang đến cho bạn những khó khăn nếu lên đường đến vãn cảnh Chùa Đức Hạnh và khám phá nhiều địa điểm thú vị khác tại địa phương. Đây là thời điểm Bình Phước đã bước vào mùa mưa, trời thường mưa nhiều trong ngày, không quá lý tưởng để bạn tham gia nhiều hoạt động khám phá. Bạn nên lưu ý lên kế hoạch sao cho phù hợp để có được chuyến đi thật vui với nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhé.

Cách trung tâm Sài Gòn khoảng tầm 100km, thế nên Bình Phước là một trong những địa danh thích hợp cho những ai đam mê phượt. Nếu là người yêu thích hành trình tự do, có thể chủ động về mặt thời gian và tiện dừng chân tham quan, ngắm cảnh dọc hai bên đường, vậy thì xe máy sẽ là phương tiện phù hợp dành cho bạn. Ngoài ra, hiện nay có nhiều hãng xe khách khai thác tuyến Sài Gòn – Bình Phước để bạn lựa chọn nếu không muốn tốn quá nhiều thời gian trong việc di chuyển. Sau khi đến Bình Phước, bạn có thể thuê xe máy làm “bạn đồng hành” trong suốt chuyến đi khám phá vùng đất đặc biệt này. 

Hiện nay, quanh khu vực trung tâm tỉnh có nhiều các cửa hàng khai thác dịch vụ cho thuê xe máy. Nếu là người đầu tiên đến đây, bạn có thể tham khảo những gợi ý của MIA.vn để tìm cho mình lựa chọn phù hợp nhé:

Cửa hàng Kiếm Anh, cầu 2, phường Tân Thiện, Đồng Xoài, Bình Phước – SĐT liên hệ: 096 877 57 75 – Giá thuê: từ 100.000 VND đến 150.000 VND / ngày

Cửa hàng Tuấn Giang, 882 Phú Riềng Đỏ, phường Tân Xuân, Đồng Xoài, Bình Phước – SĐT liên hệ: 0271 39 39 379 – Giá thuê: từ 90.000 VND đến 150.000 VND / ngày

Cửa hàng Bảo Trân, 01 Lê Văn Duyệt, Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước – SĐT liên hệ: 0918 451 737 – Giá thuê: từ 80.000 VND đến 140.000 VND / ngày

Ngoài ra, nếu muốn tiết kiệm thời gian trong việc tìm đường, bạn có thể sử dụng taxi làm phương tiện đồng hành trong suốt chuyến đi. Các hãng taxi phổ biến tại địa phương hiện nay có thể kể đến như Taxi Mai Linh (SĐT liên hệ: 0271 6 250 999), Taxi Thảo Nhi (SĐT liên hệ: 0271 38 38 79 79), Taxi Thắng Lợi (SĐT liên hệ: 0271 3 61 61 61), Taxi Vinasun (SĐT liên hệ: 0271 36 27 27 27), v.v.

Ắt hẳn trong lòng các Phật tử, cái tên Chùa Đức Hạnh nằm yên bình tại thôn Phước Sơn là cái tên không còn quá đỗi xa lạ. Ngôi chùa cổ kính này thu hút sự chú ý của mọi người với lối kiến trúc bằng đá tảng độc nhất vô nhị cùng những sáng tạo bất tận trong việc điêu khắc những bức tượng Phật bằng gỗ một cách khéo léo, tinh tế.

Là “thỏi nam châm” thu hút sự chú ý của mọi người, thôi thúc bao tín đồ đam mê xê dịch nhanh chân về với vùng đất Bình Phước này, thế nhưng ít ai ngờ, ngôi chùa này hóa ra không phải do người địa phương xây dựng. Vào năm 1969, một nhóm người dân di cư từ vùng Quảng Nam – Đà Nẵng đến đây lập nghiệp đã xây dựng ngôi chùa này. Ngày trước, Chùa Đức Hạnh chỉ đơn giản là ngôi chùa được xây hoặc toàn từ ván cùng phần mái được lợp tôn mà thôi. Điều đặc biệt hơn là lúc bấy giờ, Chùa Đức Hạnh không có ai làm trụ trì cả.

Sau này, vào năm 2001, Giáo hội Phật giáo Việt Nam của tỉnh đã cử Đại đức Thích Minh Hậu về làm trụ trì của ngôi chùa này. Vào năm 2008, khi chùa đã xuống cấp trầm trọng, Đại đức Thích Minh Hậu đã xin phép được trùng tu toàn bộ ngôi chùa. Ông đã quyết định chọn đá làm vật liệu chính, tạo nên sự đặc biệt độc nhất vô nhị cho Chùa Đức Hạnh như ngày nay.

Nếu có dịp đến chùa, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên dừng chân trước cổng, mọi người sẽ có cơ hội chiêm ngắm kỷ lục Việt Nam đầu tiên. Đó chính là cổng chùa được xây dựng hoàn toàn bằng đá với 10 cột đá tự nhiên nguyên khối có hình trụ, tròn cùng đường kính từ 0,5 – 0,8m và cao từ 3 đến 5m. Điểm nhấn của cổng chính là đoạn nối kết giữa đà dưới và đà trên, tạo nên sự đặc biệt độc nhất vô nhị của Chùa Đức Hạnh. 

Trên mặt trước của hai khối đá nằm ngang phía trên cùng được khắc dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, còn mặt sau khắc “Phật lịch 2552”. Trong khi đó, khối đá nằm ngang phía dưới có mặt trước khắc tên chùa và mặt sau khắc “Phước Huệ song tự”. Mỗi khối đá làm nên chiếc cổng vào độc nhất vô nhị này ước tính có trọng lượng từ 5 đến 7 tấn, được chôn sâu dưới lòng đất từ 1,5 đến 2m để đảm bảo chắc chắn.

Đi tiếp vào bên trong, bạn sẽ nhìn thấy tượng đài Quan Thế Âm cũng được làm hoàn toàn từ đá trắng với chiều cao 3,2m cùng khối lượng 4 tấn. Đài được đặt trang nghiêm trên một bệ đá cao tầm 3m, trên thân bệ có khắc bánh xe “Chuyển pháp luân” rất độc đáo. Đây là kỷ lục đầu tiên của Chùa Đức Hạnh, được chính thức công nhận vào ngày 14/5/2011.

Tiếp tục di chuyển vào bên trong chánh điện của chùa, bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên trước sự trang nghiêm, linh thiêng của không gian tại đây. Chánh điện có diện tích nhỏ, được trang trí bằng những chi tiết hoa văn chạm trổ tinh xảo, tỉ mẩn. Điểm nhấn của chánh điện là bức tượng Phật Thích Ca cao 2,2m, rộng 1,4m và nặng 400kg. Trong khi đó, toàn bộ các tượng thờ cùng hơn 20 món bệ thờ, lư hương, mõ, chân đèn cũng được tạo tác từ gỗ mít rừng. Ngoài ra, độc đáo nhất phải kể đến cặp chân đèn cao 1m được làm từ gỗ mít, trang trí hoa văn tinh xảo, công phu. Với những tượng thờ, bệ thờ, đồ cúng được tạo tác từ nhiều gốc cây và gỗ nguyên khối, Chùa Đức Hạnh đã vinh dự được công nhận kỷ lục Việt Nam thứ hai.

Vãn cảnh Chùa Đức Hạnh, chiêm ngưỡng hai kỷ lục Việt Nam 3

Không gian yên bình nhưng không đánh mất đi sự linh thiêng vốn có của chốn thờ tự

Thú vị và độc đáo là thế, không quá ngạc nhiên khi Chùa Đức Hạnh trở thành “thỏi nam châm” thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người, đặc biệt là các Phật tử. Trong hành trình du lịch Bình Phước sắp tới, nếu muốn tìm đến chút an yên trong tâm hồn và được chiêm ngưỡng hai kỷ lục đầy ấn tượng, hãy dành ít thời gian đến vãn cảnh Chùa Đức Hạnh. Nếu còn thời gian, bạn cũng có thể nán lại nơi Chùa Phật Quốc Vạn Thành để chiêm bái tượng Phật cao 73m đầy ấn tượng nữa nhé.