1 Giới thiệu về Chùa Lầu (Phước Lâm Tự)
1.1 Chùa Lầu (Phước Lâm Tự) ở đâu?
Địa chỉ: Khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang
Chùa Lầu hay còn được biết đến với tên gọi khác là Phước Lâm Tự. Chùa có quy mô khá lớn, nằm trên tuyến đường chính, cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 23km. Ngôi chùa này cùng với Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc, Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự), chùa Vạn Linh, lăng Thoại Ngọc Hầu là những ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất tại An Giang, thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển.
1.2 Nguồn gốc tên gọi chùa Lầu
Tên gọi chùa Lầu xuất phát từ lối thiết kế độc đáo tại đây. Chùa được xây thành nhiều tầng theo lối kiến trúc cổ xưa, những căn lầu nhỏ độc đáo. Kiến trúc của ngôi chùa này mang đậm không khí của Nhật Bản, tạo ra sự mới mẻ và hoàn toàn khác biệt so với những ngôi chùa khác tại An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Theo thống kê, tại Việt Nam hiện nay chỉ có sáu ngôi chùa, trong đó bao gồm cả Chùa Lầu (Phước Lâm Tự), được xây dựng mang hơi hướng kiến trúc của xứ sở Phù Tang.
Xem thêm: Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên, không gian bình yên ở An Giang
1.3 Những lưu ý khi tham quan, vãng cảnh Chùa Lầu (Phước Lâm Tự)
Chùa Lầu có lối kiến trúc Nhật Bản độc đáo, ấn tượng, vừa cổ kính nhưng cũng không kém phần hiện đại. Vì vậy, nếu có ý định đến đây chụp ảnh thì bạn cần chọn trang phục sao cho nhã nhặn, lịch sự, thể hiện sự tôn trọng với không gian linh thiêng tại đây. Theo kinh nghiệm của cẩm nang du lịch MIA.vn, bạn có thể chọn những bộ áo dài truyền thống, đồ lam hoặc năng động hơn thì chọn những chiếc sơ mi với họa tiết cách điệu mang hơi hướng đất nước mặt trời mọc sẽ rất phù hợp.
Bên cạnh đó, trong quá trình vãng cảnh Chùa Lầu (Phước Lâm Tự), bạn cũng lưu ý không xả rác bừa bãi. Nếu có mang theo đồ ăn nước uống thì bạn cần ăn uống gọn gàng, sạch sẽ, vứt rác đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, bạn cũng lưu ý không làm ồn, không cười giỡn lớn tiếng, gây ảnh hưởng đến chốn tu tập thanh tịnh.
2 Hướng dẫn đường di chuyển đến Chùa Lầu (Phước Lâm Tự)
Từ trung tâm thành phố Châu Đốc, bạn tìm đường di chuyển đến chợ Nhà Bàng. Sau đó đi theo hướng về Tịnh Biên theo Quốc lộ 91, chạy thẳng qua Chùa Bánh Xèo (Thiền viện Đông Lai) khoảng 2km thì nhìn bên tay phải sẽ thấy bảng chỉ vào hẻm dẫn đến Chùa Lầu.
Trong quá trình di chuyển, bạn nên tra cứu đường đi trên Google Maps hoặc hỏi người dân địa phương để tránh bị lạc. Đường đi khá xa nên bạn nhớ mang theo nước uống, mặc áo khoác, dùng kem chống nắng, chạy xe tuân thủ Luật Giao thông Đường bộ nhé.
3 Sự độc đáo trong kiến trúc của chùa Lầu An Giang
Chùa Lầu (Phước Lâm Tự) đã có tuổi đời hơn 130 năm, cùng thời với Chùa Phước Thành. Tuy nhiên sau chiến tranh, chùa đã bị tàn phá nặng nề. Đến năm 2009, chùa được các Phật tử đóng góp để xây mới và tu bổ nên mới có được diện mạo hoàn thiện như hiện tại. Phong cách kiến trúc của Phước Lâm Tự mang đậm nét Nhật Bản, sử dụng tông màu gạch đỏ làm chủ đạo. Bên cạnh đó, chùa Lầu thiết kế với những thanh lan can xếp chồng lên nhau, mái ngói cong cong rất ấn tượng. Bên ngoài chùa treo nhiều đèn lồng đỏ, sắc màu nổi bật tạo nên sự rực rỡ nhưng vẫn rất hài hòa.
Tuy nhiên, không gian bên trong chánh điện chùa Lầu thì vẫn giữ nguyên lối kiến trúc truyền thống như những ngôi chùa khác ở Việt Nam. Từ bàn thờ cho đến những họa tiết long, ly, quy, phụng được chạm khắc rất tinh tế, tỉ mỉ. Điện thờ chính và những điện thờ phụ xung quanh luôn được quét dọn sạch sẽ, hương khói quanh năm nghi ngút.
Không gian bên ngoài Chùa Lầu (Phước Lâm Tự) rất rộng rãi, thoáng mát, các sư cô trồng nhiều cây xanh để tạo bóng râm và sự mát mẻ. Các loại hoa như hoa giấy đủ màu sắc, mào gà, vạn thọ, hoa cúc, hoa sen khoe sắc quanh năm, mùi thơm thoang thoảng rất dễ chịu. Vì vậy, ngay khi bước vào không gian chùa Lầu, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên và thư thái, hòa mình với sự thanh tịnh tại đây.
Thêm vào đó, các tiểu cảnh quanh khuôn viên chùa Lầu cũng được đầu tư rất bài bản. Bạn sẽ tìm thấy chiếc xích đu bằng gỗ để làm chỗ khách thập phương nghỉ ngơi khi vãng cảnh chùa. Đặc biệt, điểm check-in được yêu thích nhất tại Chùa Lầu (Phước Lâm Tự) là chiếc cầu treo lơ lửng trên cao. Từ trên cầu, bạn sẽ được ngắm những hàng cây thốt nốt thẳng tắp, cánh đồng xanh mướt với từng đàn chim tự do bay lượn.
Trên đây là những thông tin về Chùa Lầu (Phước Lâm Tự) mà cẩm nang du lịch MIA.vn muốn giới thiệu đến bạn. Nếu có dịp, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội vãng cảnh ngôi chùa linh thiêng và độc đáo hàng đầu tại An Giang này nhé.