1 Giới thiệu về Mắm còng Gò Công
“Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa..."
Đây là câu hát đã rất thân quen với người dân vùng Tây Nam Bộ khi nói về những món ăn đặc sản của địa phương mình. Trong đó, còng là loại hải sản có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây, sống chủ yếu trong các vùng ngập mặn, cửa sông. Thế nhưng, còng nổi tiếng nhất phải kể đến Tiền Giang với món Mắm còng Gò Công nổi tiếng.
Gò Công là một một huyện của Tiền Giang, nằm dọc bên bờ biển Cửa Tiểu. Vì thế khắp nơi đều là những vùng rừng ngập mặn, đồng thời là điều kiện thuận lợi để các loại còng sinh sống và phát triển. Còng có rất nhiều loại: còng xanh, còng đỏ, còng quều, còng nha v.v. Trong đó còng đỏ là loại được ưa chuộng nhất vì phù hợp để ủ mắm.
Xem thêm: Tìm hiểu làng nghề tạo nên món đặc sản Mứt dừa Tiền Giang
Tương truyền từ thời nhà Nguyễn, mắm còng đã là đặc sản của vùng Gò Công, hàng năm đều được đưa ra Huế để dâng lên hoàng cung cho các mệnh phụ phu nhân thưởng thức. Vì thái Hậu Từ Dụ, mẹ của vua Tự Đức rất yêu thích món mắm này nên thời ấy món mắm còng đã phổ biến khắp kinh thành. Đến tận ngày nay, tại Huế vẫn bán Mắm còng Gò Công ở khắp mọi nơi, là địa phương phổ biến mắm còng chỉ sau các tỉnh Tây Nam Bộ - Cha đẻ của loại đặc sản này.
Không biết người dân Gò Công đã làm loại mắm còng này từ bao giờ và làm sao có thể tạo nên công thức mắm độc đáo đến thế. Chỉ biết ngày nay món Mắm còng Gò Công đã trở thành đặc sản của cả địa phương, giống như Khô cá bông lau Tiền Giang, được bán đi khắp các địa phương khác và là một trong những món quà lý tưởng để bạn mua về cho người thân nếu có dịp du lịch miền Tây.
2 Hương vị món Mắm còng Gò Công được tạo nên như thế nào?
Để làm nên món Mắm còng Gò Công, người dân sẽ canh khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch là mùa còng lột vỏ để men theo những bờ sông, bờ lạch, vào rừng ngập mặn bắt chúng. Chỉ cần khoát bùn ra là sẽ thấy những con còng lột nằm khoét bùn làm ổ. Đặc biệt, khoảng đầu giờ chiều là lúc chúng ngoi lên để phơi nắng cho lớp vỏ mới cứng cáp nên nếu canh giờ này đi bắt còng, người dân cứ thế nhặt chúng chứ chẳng cần tìm kiếm trong bùn.
Còng tươi về chỉ cần rửa sạch, tẩm ướp gia vị là đã có thể chế biến thành các món ăn ngon như còng chiên, còng rang me hay ăn kèm với bánh xèo, bánh khọt. Thế nhưng vì còng tới mùa thì sẽ rất nhiều, ăn không xuể nên người dân thường mang ủ mắm để giữ được lâu hơn và ăn quanh năm.
Cách làm Mắm còng Gò Công cũng không quá phức tạp, chỉ cần mang còng về rửa sạch, tách yếm, cứ 10 chén còng kèm 1 chén tỏi ớt, rồi cho vào cối giã dập, trộn thêm chút rượu cho thơm. Sau đó mang phơi nắng 3 ngày, rồi chắt riêng phần nước cốt phơi cho đến khi quánh lại là dùng được.
Ngày nay ở Gò Công có rất nhiều cơ sở làm mắm còng, mỗi nơi lại có hương vị hơi khác nhau một chút do biến tấu trong công thức để tạo nên nét riêng biệt. Nhưng về cơ bản thì nhắc tới Mắm còng Gò Công là nhắc tới loại mắm có hương vị vô cùng đặc biệt, để lại ấn tượng khó quên với những người lần đầu thưởng thức.
Mắm còng Gò Công được yêu thích nhờ hương vị đặc trưng, mùi thơm khá nhẹ nhàng, chứ không nồng như Mắm tôm chà Gò Công. Mùi tanh và vị hơi mặn của thịt và gạch còng khi hòa quyện cùng tỏi ớt trở nên hài hòa, tạo nên một hương vị rất đặc biệt.
Còng mang hương vị đạm bạc và dân dã, đậm chất hồn quê của miền Tây nên cách ăn cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần rưới với cơm trắng còn nóng là đủ ngon hết bài rồi. Nếu muốn ngon hơn nữa thì chuẩn bị món cuốn với bánh tráng, một con Cá lóc nướng trui Tiền Giang, bún tươi, dưa leo, chuối xắt nhỏ, rồi chấm với Mắm còng Gò Công. Trước khi ăn thì bạn nếm thử xem mắm đã vừa miệng chưa, nếu mặn thì nên pha thêm nước sôi để nguội, vắt thêm chanh và cho chút đường để ngon hơn.
3 Những lưu ý khi mua Mắm còng Gò Công
Mắm còng được bày bán ở rất nhiều nơi, thế nên nếu có dịp về miền Tây, bất kể địa phương nào bạn đều có thể dễ dàng mua được. Tuy nhiên bạn nên lưu ý chọn những địa chỉ uy tín để tránh mua phải loại mắm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ hai, sau khi mở nắp món mắm còng, bạn có thể thoải mái bảo quản ở nhiệt độ bình thường, vì mắm để lâu sẽ càng ngon và đậm đà hương vị hơn. Bạn chỉ cần chú ý không quá hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm, thông thường là 3 năm. Tuy nhiên món ngon thế này làm sao có thể để tới 3 năm mà bạn chưa thưởng thức hết một hũ được phải không nào?
Như vậy, cẩm nang du lịch MIA.vn vừa cùng bạn tìm hiểu về món Mắm còng Gò Công nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ. Có dịp tới đây, bạn đừng quên mua về vài hũ để ăn dần và tặng cho người thân, bạn bè nhé.