1 Wabi Sabi là gì?
Giữa một thế giới hiện đại không ngừng chạy theo sự hoàn hảo, wabi sabi xuất hiện như một lời thì thầm dịu nhẹ rằng cái đẹp không nhất thiết phải tròn trịa hay vĩnh cửu. Wabi sabi là một khái niệm thẩm mỹ sâu sắc trong văn hóa Nhật Bản, không dễ để định nghĩa bằng lời. Theo tác giả Andrew Juniper, đó là “sự trân trọng những vẻ đẹp phù du của cuộc sống, phản ánh dòng chảy vĩnh hằng trong thế giới tinh thần.”

Tìm thấy vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo. Đó là Wabi Sabi. Ảnh: Annie Spratt
- Wabi: Bắt nguồn từ cảm giác cô tịch, là sự yên lặng mộc mạc của tâm hồn khi rời xa thế giới xô bồ, là cái đẹp đến từ sự đơn sơ và tiết chế.
- Sabi: Là vẻ đẹp của thời gian, của sự lặng lẽ hoài niệm, là dấu vết của năm tháng hằn lên vật thể, khiến chúng trở nên duy nhất, không thể lặp lại.
Khi ghép lại, wabi sabi là một triết lý sống khi con người biết chấp nhận những điều không hoàn hảo, trân trọng những gì đang có và mỉm cười trước sự đổi thay của cuộc đời.

Trong thế giới vội vã, Wabi Sabi dạy ta cách sống chậm lại và cảm nhận sâu sắc hơn. Ảnh: Tròn Decor
2 Vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo
Nếu người phương Tây theo đuổi cái đẹp qua sự đối xứng, sáng bóng và trường tồn thì người Nhật tìm kiếm cái đẹp trong những điều không trọn vẹn như một bát gốm sứ rạn nứt, một cánh hoa héo, một thanh gỗ mục xù xì.
Wabi sabi không hướng đến sự phô trương hay cầu kỳ. Nó là cái đẹp của tĩnh lặng, của tối giản, của chân thành. Một vật phẩm mang tinh thần wabi sabi thường thô ráp, bất đối xứng nhưng chính điều đó tạo nên những rung cảm tinh tế. Khi ấy, cái đẹp không còn nằm trong sự hoàn hảo nữa mà là trong chính những vết tích của thời gian, trong quá trình vật thể được “sống”, được “già đi” như chính con người vậy.

Vẻ đẹp không nằm ở sự hoàn hảo, mà ở những dấu vết của thời gian. Ảnh: Taitopia Render
Xem thêm: Du lịch Nhật Bản tự túc và những địa điểm không thể bỏ qua
3 Wabi Sabi, triết lý sống của sự thấu hiểu và buông bỏ
Wabi sabi nhắc ta rằng: mọi thứ đều là vô thường. Một nhành hoa vừa nở rồi tàn, một mái nhà nhuốm màu thời gian, một cảm xúc thoáng qua… Tất cả đều là một phần trong vòng tròn sinh – diệt. Chấp nhận điều đó, con người sẽ sống nhẹ hơn, bớt kỳ vọng, ít phán xét và nhiều hơn sự biết ơn. Wabi sabi không khuyến khích sự buông xuôi mà là lời mời gọi quay về với bản chất thật của mọi vật: không tô vẽ, không che giấu, không cưỡng cầu.
4 Cội nguồn thẩm mỹ wabi sabi, một chiếc lá rụng trong vườn trà
Khái niệm wabi sabi không được sinh ra từ phòng thí nghiệm hay lý thuyết mà bắt nguồn từ một khoảnh khắc đời thường, giản dị và sâu sắc đến lạ lùng.
Theo tìm hiểu của Cẩm nang du lịch MIA.vn, vào thế kỷ XVI, một chàng thanh niên tên Sen no Rikyu đã tìm đến bậc thầy trà đạo Takeeno Joo, mong được truyền dạy nghệ thuật trà. Để thử lòng người học trò, vị thầy chỉ giao một nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản: chăm sóc khu vườn.
Rikyu đã cẩn thận dọn sạch từng chiếc lá, quét tỉa mọi góc cây, cho đến khi khu vườn hoàn hảo không một tì vết. Nhưng trước khi thầy mình bước vào, anh nhẹ tay rung một cành anh đào, để những cánh hoa rơi vương vãi trên nền đất. Từ khoảnh khắc đó, wabi sabi được thai nghén như một triết lý thẩm mỹ sống động: tìm kiếm cái đẹp trong sự không hoàn hảo, trong những gì khiếm khuyết và thoáng qua.

Như một chiếc lá rụng trong vườn trà, Wabi Sabi bắt nguồn từ những điều giản dị nhất. Ảnh: bazaarvietnam
Sen no Rikyu sau này trở thành bậc thầy khai sinh ra trường phái trà đạo wabi-cha, nơi ấm trà cũ, chiếc chén sứ nứt, căn phòng trống và ánh sáng lặng lẽ tạo nên không gian thiền định. Ông đã thay đổi hoàn toàn nghệ thuật thưởng trà: từ một nghi lễ xa hoa của giới quý tộc trở thành một hình thức chạm vào sự thanh tịnh của tâm hồn.
Triết lý của Rikyu rất rõ ràng: hòa hợp, tinh khiết, thành kính và bình dị. Trong không gian ấy, mọi vật thể dù lệch lạc hay sứt mẻ đều có chỗ đứng, đều được trân trọng như chính hành trình mà chúng đã đi qua.
Cho đến ngày nay, những giá trị đó vẫn được lưu giữ trong từng chiếc chén Raku Pottery thô mộc, trong từng buổi trà đạo nơi xứ sở mặt trời mọc. Và wabi sabi tưởng là một phong cách, thực ra là một cách sống: sống chậm lại, cảm sâu hơn và biết ơn từng điều không trọn vẹn trong đời.

Mọi món đồ sứt mẻ đều mang một vẻ đẹp bình dị. Ảnh: NatashaBreen
5 Kintsugi – Nghệ thuật hàn gốm bằng vàng
Một trong những biểu tượng sống động nhất của wabi sabi chính là Kintsugi, nghệ thuật phục chế đồ gốm bằng cách dùng sơn mài trộn với vàng để gắn lại những mảnh vỡ. Kintsugi (金継ぎ – nghĩa là “ghép vàng”) là kỹ thuật phục hồi những món đồ gốm bị vỡ bằng sơn mài trộn với bột vàng, bạc hoặc bạch kim.
Người Nhật không giấu đi những vết nứt ấy. Họ làm nổi bật nó lên như một cách để tôn vinh lịch sử của sự đổ vỡ. Chiếc bát sau khi vỡ và được phục hồi bằng vàng không chỉ trở nên đẹp hơn mà còn mang theo câu chuyện của tổn thương và chữa lành.
Triết lý này không chỉ áp dụng cho đồ vật. Trong tâm lý học và thiền định, Kintsugi còn là hình ảnh ẩn dụ cho sự chữa lành tinh thần: rằng những vết thương, nếu được đối diện bằng sự tử tế và nâng niu, có thể trở thành một phần đáng trân trọng của bản thể.

Kintsugi, khi những vết nứt trở thành những đường vàng quý giá. Ảnh: KonMari
6 Wabi Sabi trong trà đạo
Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản không chỉ là nghi lễ pha trà mà còn là không gian để sống chậm lại, để cảm nhận, để quay về với chính mình. Theo những gì MIA.vn tìm hiểu được, từ thế kỷ XII, nhà sư Eisai đã mang trà từ Trung Hoa về Nhật, sử dụng như một phương tiện thiền định, đánh thức sự tỉnh thức trong tâm hồn.
Nhưng phải đến thế kỷ XV, trà đạo mới thực sự “gặp” wabi sabi qua tư tưởng của Murata Juko. Bất mãn với lối thưởng trà cầu kỳ, hào nhoáng của tầng lớp quý tộc, ông đề xuất một hình thức trà đạo thuần khiết hơn: nơi mọi vật dụng từ chén trà đến ấm nước đều mang dấu vết của thời gian, của bàn tay thủ công, của sự giản dị mộc mạc.
Và khi Sen no Rikyu tiếp nối tinh thần đó, ông đã biến mỗi buổi trà thành một nghi thức thiền định, một khoảnh khắc để thấu hiểu vẻ đẹp của tĩnh lặng, của không gian không hoàn hảo nhưng đầy chân thành. Những chiếc chén Raku Pottery méo mó, thô nhám, được ông lựa chọn không vì vẻ ngoài, mà vì tâm hồn mà chúng mang theo.

Trà đạo và Wabi Sabi, không gian để tâm hồn lắng đọng. Ảnh: Tôi yêu Trà
7 Wabi Sabi trong gốm Raku-yaki
Trong lòng văn hóa trà đạo Nhật Bản, Raku-yaki, dòng gốm xuất hiện từ khoảng năm 1550 không chỉ là vật dụng mà còn là biểu tượng sống động của tinh thần wabi sabi.
Không như những sản phẩm được nung trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt, gốm Raku được “sinh ra” từ sự bất định. Sau khi được tạo hình, từng chiếc chén, đĩa, ấm trà được nung ở nhiệt độ thấp chỉ khoảng 1.000 độ C trong chưa đầy một giờ, rồi bất ngờ lấy ra khỏi lò và thả vào thùng chứa mùn cưa hoặc lá khô. Để từ đó tạo nên những đường nứt, lớp men bất quy tắc không thể sao chép.
Mỗi sản phẩm là một cá thể độc nhất, bởi ngay cả nghệ nhân cũng không thể đoán trước được kết quả cuối cùng. Họ chỉ có thể buông tay, chấp nhận như một hành động thiền định và để cho thiên nhiên lẫn ngọn lửa hoàn tất phần còn lại.

Gốm Raku-yaki, vẻ đẹp độc đáo được sinh ra từ sự bất định, tinh thần Wabi Sabi. Ảnh: AIA Vietnam
8 Wabi Sabi trong kiến trúc, khi không gian cũng biết thở
Không chỉ dừng lại trong nghệ thuật và trà đạo, wabi sabi còn là triết lý xuyên suốt trong kiến trúc Nhật Bản, nơi từng bức tường, mảng sáng, cánh cửa đều mang một tinh thần sống.
Kiến trúc wabi sabi không nhằm gây ấn tượng mà để nuôi dưỡng sự yên bình. Đường nét tối giản, hình khối thô mộc, mọi thứ như được để tự nhiên “lộ mình”, không trang sức thừa, không che đậy cầu kỳ. Không gian không bị lấp đầy mà luôn có những khoảng trống, nơi ánh sáng đi qua, gió ghé vào và con người được phép nghỉ ngơi.
Vật liệu cũng mang hồn: gỗ thô sần, đá mài, vải lanh cũ kỹ, kim loại rỉ nhẹ, tất cả không phải là dấu hiệu của sự cũ nát mà là minh chứng của thời gian. Chúng kể câu chuyện riêng mà không cần nói thành lời.
Không gian sống theo wabi sabi không ép buộc, không phô trương mà cho phép ta được sống đúng bản chất mình, giữa thế giới vẫn đang vội vã thay hình đổi dạng từng ngày.

Kiến trúc Wabi Sabi: nơi không gian cũng biết 'thở' và nuôi dưỡng sự yên bình. Ảnh: Navamin studio
Wabi sabi không thể hiểu bằng lý trí, mà chỉ có thể cảm bằng trái tim tĩnh lặng. Khi ta học cách trân trọng những vết nứt, những điều cũ kỹ, những khoảnh khắc chưa trọn vẹn cũng là lúc ta bắt đầu sống thật với mình hơn. Nếu có dịp xách vali du lịch Nhật Bản, bạn hãy để tâm mình lắng lại trước một chiếc cốc sứt mẻ trong một quán trà cổ, hay lặng ngắm một ngôi nhà gỗ giản dị ẩn mình sau hàng rào phủ rêu xanh. Đó chính là wabi sabi, tinh thần khiến ta thôi chạy theo những điều hào nhoáng, để học cách yêu cả những vết nứt trong cuộc sống…và trong chính mình.