Bên cạnh Lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng và Sene Đôn Ta, Ok Om Bok là ngày lễ truyền thống lớn nhất của cộng đồng người Khmer. Trong Hội đút cốm dẹp Ok Om Bok diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thú vị như Lễ Cúng Trăng, Lễ thả đèn nước và hấp dẫn nhất Lễ hội đua ghe ngo thu hút đông đảo người dân Khmer lẫn người Kinh, Hoa cùng tham dự.

Ghe Ngo trong tiếng Khmer gọi là Tuk Ngô, được bà con sử dụng để bơi đua với nhau tại mỗi dịp Lễ hội Ok Om Bok Sóc Trăng nhằm mục đích cầu mong cho một năm trồng trọt, chăn nuôi đạt năng suất cao. Ngày xưa, ghe Ngo của đồng bào Khmer là chiếc thuyền độc mộc được làm bằng thân cây sao, bởi loại gỗ này có tính đàn hồi tốt, chịu nước và giúp chiếc ghe Ngo lướt sóng nhanh hơn. Loại gỗ sao được chọn để đóng ghe phải là cây trên 100 năm tuổi, có đường kính to và chắc chắn. Tuy nhiên, ngày nay do khan hiếm về nguồn gỗ nên hầu như ghe Ngo đều được đóng bằng gỗ cây sao cưa thành từng miếng ván. 

Ghe Ngo có hình dạng giống rắn Naga trong Hindu giáo, có chiều dài khoảng từ 25 - 30m, rộng nhất khoảng 1,1m. Phần hai đầu ghe cong lên tạo hiệu ứng khi bơi trông như một con rắn đang trườn mình trên mặt nước, rất sinh động. Hai bên thân ghe được trang trí, chạm trổ bằng hình ảnh vảy rồng, rắn Naga hoặc hoa lá cách điệu để tạo khí thế cho đội chơi. Ghe Ngo thường được bảo quản trong khuôn viên chùa có mái che và dàn đà cao để tránh mưa nắng, phòng mối mọt. Ngày xưa, nhà ghe được xem là nơi thiêng liêng nên phụ nữ không được phép đến gần. Tuy nhiên trong thời đại bình đẳng giới, Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng đã mở rộng cho những đội ghe nữ tham gia tranh tài.

Xem thêm: Lễ hội Thác Côn, nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer Sóc Trăng

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng gắn kết tinh thần đoàn kết cộng đồng 2

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng là ngày hội truyền thống của cộng đồng Khmer

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng được tổ chức sau Lễ Cúng Trăng vào rằm tháng 10 âm lịch hằng năm. Đây được xem là hoạt động rước nước đặc trưng gắn liền với sản xuất nông nghiệp, người Khmer thông qua đua ghe để cầu mong cho một năm canh tác thuận lợi. Về hình thức, đua ghe Ngo của người Khmer gồm hai loại là đua trên cạn và đua dưới nước. Đua ghe Ngo trên cạn chủ yếu để tái hiện, mô phỏng lại cuộc đua ghe dưới nước là một trò chơi xuất hiện trong phần hội sau các nghi lễ truyền thống. 

Theo truyền thuyết, sự xuất hiện của ghe Ngo là để phục vụ nhu cầu chiến trận trên biển và các con sông. Người Khmer đã chế ra một loại thuyền thân thon dài, chở được nhiều binh lính, đầu ngóc lên tiến về phía trước, tiện lợi cho việc di chuyển trên sông nước để giết kẻ thù. Nhờ loại ghe này mà người Khmer đã bảo vệ được đất nước của mình. Mãi đến con cháu đời sau, nhân ngày lễ hội Ok Om Bok đã tổ chức đua ghe Ngo nhằm để tưởng nhớ chiến công anh dũng của tổ tiên ngày trước.

Ngoài ra, còn một lý giải khác về sự ra đời của Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng là quá trình người Khmer mô phỏng hình dáng loài rắn Naga để chống lại các loài thủy quái vào thời kỳ khai phá vùng đất Nam Bộ.

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng gắn kết tinh thần đoàn kết cộng đồng 3

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng là hoạt động thú vị được nhiều người mong đợi nhất trong dịp lễ Ok Om Bok

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng gắn liền với lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Khmer. Đây là sự phản ánh về khát vọng cuộc sống bình an, phồn thịnh thông qua việc khấn cầu vị thần Mặt Trăng và tổ chức đua ghe. Đồng thời, Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng cũng phần nào nói lên sự gắn bó mật thiết của con người với môi trường tự nhiên, nhằm bày tỏ lòng tri ân và cầu xin thần linh tha thứ về những việc làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Ngoài ra, Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng còn đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng, góp phần giáo dục về sự đoàn kết, tinh thần kỷ luật và rèn luyện khả năng chịu đựng giúp con người phát triển toàn diện về cả đức lẫn tài.

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng gồm hai loại là đua trên cạn và đua dưới nước. Đua ghe Ngo dưới nước là hoạt động được nhiều người mong đợi nhất sau Lễ thả đèn nước Lôi Prôtip vào rằm tháng 10 âm lịch hằng năm. Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng được thể hiện qua 2 hình thức là Nghi thức hạ thủy và Hội đua ghe Ngo diễn ra trên sông Maspéro ở trung tâm Thành phố Sóc Trăng.

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng gắn kết tinh thần đoàn kết cộng đồng 4

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch hằng năm thu hút đông đảo người dân đến tham gia

Thông thường, Nghi thức hạ thủy ghe Ngo sẽ diễn ra trước cuộc đua chính thức khoảng một tuần. Trong buổi lễ, chiếc ghe Ngo sẽ được đặt ngay giữa sân chùa hướng về phía mặt trời mọc, còn các vận động viên sẽ đứng xung quanh hai bên chiếc ghe, chắp tay cầu nguyện. Buổi lễ sẽ được các Achar tụng kinh chúc phúc, rải nước lành cho các đội viên để cầu bình an và tiếp thêm sức mạnh, niềm tin trước khi ra thi đấu.

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng gắn kết tinh thần đoàn kết cộng đồng 5

Nghi thức hạ thủy diễn ra trước cuộc đua chính thức khoảng một tuần

Trong thời gian một tuần trước khi thi đấu, các vận động viên sẽ phải tập luyện trên ghe để đảm bảo sự dẻo dai, sức bền và thống nhất đội hình. Thông thường, mỗi đội đua ghe sẽ có từ 70 đến 80 người, là những trai tráng khỏe mạnh tại địa phương bao gồm cả bơi chính và dự bị. Theo truyền thống, trên ghe Ngo cần có 3 người điều khiển gồm một người ngồi ở vị trí mũi ghe chịu trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật bơi và các nghi lễ liên quan. Người ngồi giữa sẽ có nhiệm vụ dùng còi hoặc cồng thúc giục đội viên ở khu vực giữa ghe, được gọi là Blong Kchay. Người ngồi cuối là Sayak giữ nhiệm vụ điều chỉnh kỹ thuật bơi.

Ngồi phía sau người ở vị trí mũi ghe là cặp “con dầm”, hai người này phải có kỹ thuật bơi nhanh, đúng nhịp nhất để làm chuẩn cho những đội viên phía sau. Tiếp theo là “kôn chro va” gồm 6 người ngồi bơi, rồi đến “kô lich” là 28 người quỳ bơi có nhiệm vụ đứng lên dồn lực cho ghe lao nhanh khi gần về đích, sau đó là 8 “sroong dôn” làm nhiệm vụ nhún bơi. Cuối cùng là lái chính và 2 lái phụ đứng song song phía trước lái chính.

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng gắn kết tinh thần đoàn kết cộng đồng 6

Trong một đội ghe Ngo thường có từ 70 đến 80 người đảm nhận những vai trò khác nhau

Buổi sáng trước ngày thi đấu, các đội đua sẽ làm lễ xuất quân tại chùa, đoạn sông hoặc trung tâm của phum, sóc. Sau khi ghe Ngo được đưa đến nơi thi đấu, các đội ghe tham gia tập trung tại khán đài để nhận lịch đua đã được bốc thăm chia bảng từ trước. Hội đua ghe tổ chức trong 2 ngày từ vòng loại đến chung kết. Mỗi đội dự thi theo lịch thi đấu đã nhận trước, do chịu chi phối của thời gian con nước lên khoảng từ 13h00 trở đi, nên có đua sáng thì phải bắt đầu từ 7h30.

Theo qui định của Ban Tổ chức, ghe nam xuất phát bằng cách nắm dây còn ghe nữ sẽ xuất phát bằng cách gióng hàng để so mũi ghe bằng nhau. Nếu có ghe phạm quy thì trọng tài sẽ thổi còi tạm ngưng đợt đua, nhắc nhở ghe vi phạm và hướng dẫn ghe trở lại vị trí xuất phát. Ghe nào vi phạm lần thứ 2 sẽ bị xử thua cuộc. Đợi khi trọng tài ra lệnh xuất phát thì các đội mới được phép bơi.

Để vào được vòng chung kết yêu cầu đội đua không những mạnh mà còn có sức bền, kèm theo người chỉ huy giỏi. Phần thưởng tinh thần lớn nhất mà họ dành được là vinh dự cho thôn làng cùng tinh thần thần thể thao gắn kết mọi người.

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng gắn kết tinh thần đoàn kết cộng đồng 7

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng là dịp để rèn luyện thể lực và tinh thần đồng đội

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng gắn kết tinh thần đoàn kết cộng đồng 8

Đông đảo người dân và nhà sư đến tham gia, cổ vũ cho Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng gắn kết tinh thần đoàn kết cộng đồng 9

Rất đông người dân địa phương đến cỗ vũ cho các đội đua ghe

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng là hoạt động truyền thống của cộng đồng Khmer gắn liền với sản xuất nông nghiệp mang giá trị văn hóa, tinh thần sâu sắc. Với ý nghĩa mà lễ hội mang lại, chắc chắn đây sẽ là một điểm đến lý tưởng trong cẩm nang du lịch cho những ai yêu thích không khí náo nhiệt của những buổi hội hè.