Sóc Trăng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở miền Tây Nam Bộ. Đến đây, bạn sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa, tín ngưỡng của cư dân bản địa khi tham gia các lễ hội truyền thống và tham quan những ngôi chùa ở Sóc Trăng.
1 Chùa Som Rong – Ngôi chùa ở Sóc Trăng nổi tiếng nhất
1.1 Chùa Som Rong một trong những ngôi chùa ở Sóc Trăng nổi tiếng
Chùa Som Rong hay còn được gọi là Bôtum Vong Sa Som Rong, tọa lạc tại số 367 Tôn Đức Thắng, phường 5, Thành phố Sóc Trăng. Sở dĩ có tên như vậy là vì trước đây xung quanh ngôi chùa được bao phủ bởi nhiều cây som rong, một loại cây cho ra hoa gọi là Bôtum. Ngôi chùa được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1785 bằng vật liệu tre lá tạm bợ, trải qua 12 đời trụ trì và nhiều lần trùng tu mới khang trang như hiện nay. Chùa Som Rong có diện tích 5ha, gồm 4 khu vực chính là chánh điện, sala, nhà dành cho sư sải và một thư viện với hơn 1.500 quyển kinh kệ. Nơi đây còn là ngôi chùa Sóc Trăng duy nhất có tượng Phật niết bàn khổng lồ được khởi công xây dựng từ năm 2017.
Xem thêm: Viếng chùa Sala Phothi Seray Sako nghe kể về truyền thuyết cá Ông
1.2 Lối kiến trúc độc đáo tại chùa Som Rong
Giống như những ngôi chùa Sóc Trăng theo Phật giáo Nam tông khác, từ lối cổng vào bạn sẽ nhìn thấy nhiều khối kiến trúc độc đáo mang màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Bên ngoài ngôi chùa được trang trí những biểu tượng như rắn Naga, nữ thần Keynor và chim thần Krud, chằn tinh Yeak… mang đậm nét văn hóa Khmer truyền thống. Phía trong chánh điện chùa Som Rong là những bức bích họa mô tả về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca được vẽ trên vách tường và trần nhà. Đặc biệt tại bệ thờ chánh điện còn có hai tượng Phật Thích Ca cổ trong tư thế đứng, được chế tác bằng gỗ vào đúng năm thành lập chùa.
Điểm độc đáo nhất tại khuôn viên chùa Som Rong là pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn có kích thước dài 63m, cao 22.5m được đặt cách mặt đất khoảng 28m. Ngoài ra, tại chùa Som Rong còn nổi tiếng với ngôi bảo tháp có bốn cửa và bốn lối đi mang ý nghĩa đại diện cho từ - bi - hỷ - xả trong kinh Phật. Ngôi tháp được trang trí với hình tượng rắn thần Naga và màu sơn xám độc đáo là địa điểm thu hút nhiều tín đồ du lịch đến tham quan, chụp ảnh.
2 Chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu)
Chùa Sà Lôn hay chùa Chén Kiểu là một trong những ngôi chùa ở Sóc Trăng được khá nhiều người biết đến. Nằm ven Quốc lộ 1A đoạn qua xã Đại Tâm huyện Mỹ Xuyên, ban đầu chùa Sà Lôn được xây dựng bằng những vật liệu đơn sơ, mãi đến năm 1969 mới được trùng tu xây dựng lại mới có kiến trúc đầy đủ chánh điện, sala, bảo tháp như hiện nay.
Khác với sắc vàng bắt mắt của phần lớn chùa ở Sóc Trăng, chùa Sà Lôn lại nổi bật bởi những họa tiết đủ màu tím, xanh, đỏ, hồng, cam.. từ sành sứ, chén đĩa của bà con Khmer địa phương. Sử dụng những vật liệu này vừa giảm chi phí xây dựng cho chùa, lại tạo nên điểm nhấn độc đáo, ấn tượng nhiều tín đồ du lịch gần xa. Cũng bởi thế mà cái tên chùa Chén Kiểu được ra đời.
3 Chùa Dơi (Chùa Mã Tộc)
Chùa Dơi hay còn gọi là chùa Mã Tộc tọa lạc tại số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3 nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 2km. Đây là một trong những ngôi chùa ở Sóc Trăng có niên đại lâu đời nhất, do cộng đồng Khmer xây dựng cách nay đã hơn 440 năm. Kiến trúc chính của Chùa Dơi bao gồm chánh điện, sala, nhà hội và phòng ở của sư sãi và trụ trì cùng các tháp tro, phòng khách, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 4 ha với nhiều cây cổ thụ bao quanh.
Đặc biệt ngôi chùa ở Sóc Trăng độc nhất vô nhị này còn có hàng nghìn chú dơi treo mình lủng lẳng trên cây cao và một nghĩa trang đặc biệt dành cho lợn 5 móng thu hút sự hiếu kì của nhiều tín đồ du lịch.
4 Chùa Kh'leang
Chùa Kh'leang là một trong những ngôi chùa ở Sóc Trăng lâu đời được xây dựng vào giữa thế kỷ 16, tính đến nay đã có tuổi thọ gần 500 năm. Ngôi chùa tọa lạc tại số 71 phường 6 cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 1km. Ban đầu, chùa Kh'leang được xây dựng bằng cây lá đơn sơ, sau nhiều lần trùng tu mới được xây cất bằng gạch ngói. Đến năm 1918, ngôi chánh điện và Sala tại chùa được xây dựng lại mới có kiến trúc như hiện nay.
Kiến trúc chính của Chùa Kh'leang bao gồm ngôi chính điện, sala, nhà tăng, hội trường… được bố trí hài hòa trên nền đất cao. So với nhiều ngôi chùa ở Sóc Trăng của cộng đồng Khmer, Chùa Kh'leang vẫn giữ được lối kiến trúc Khmer cổ có giá trị về mặt nghệ thuật và thẩm mỹ. Không chỉ vậy, ngôi chùa còn phối hợp hài hòa giữa các hoa văn trang trí của người Kinh và hình tượng cá chép, rồng phượng trong văn hóa người Hoa. Điều này phản ánh rõ nét sự giao thoa văn hóa, nghệ thuật giữa 3 dân tộc trong quá trình cộng cư lâu dài trên vùng đất Sóc Trăng.
5 Chùa Ông Bổn Sóc Trăng (Hòa An Hội Quán)
Chùa Ông Bổn là một trong những ngôi chùa ở Sóc Trăng do cộng đồng người Hoa xây dựng từ năm 1875. Ngôi chùa tọa lạc tại số 9 đường Nguyễn Văn Trỗi ngay trung tâm Thành phố Sóc Trăng, là nơi dùng để thờ cúng Ông Bổn - một viên tướng lĩnh vào đời Tống. Chùa Ông Bổn Sóc Trăng có niên đại gần 150 năm được xây theo hình chữ Phước là kiểu kiến trúc tôn giáo thường thấy trong chùa miếu người Hoa.
Bước vào ngôi chùa, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp nét đặc trưng kiến trúc người Hoa như đèn lồng đỏ treo cao, ngói ống âm dương, tượng lưỡng long chầu nguyệt trên mái chùa và các bức hoành phi, câu đối bằng Hán tự được dán từ tiền điện đến chánh điện. Chánh điện chùa Ông Bổn là nơi thờ Cảm Thiên Đại Đế là vị phúc thần trong tín ngưỡng người Hoa. Hai bên tả hữu là bàn thờ ông Phước Đức và Thiên Hậu Thánh Mẫu, ngoài ra còn có các bức tượng Thanh Long, Bạch Hổ cùng nhiều thần linh khác.
Chùa Ông Bổn không chỉ gắn liền với đời sống văn hoá của người Hoa ở Sóc Trăng, mà nơi đây còn thu hút đông đảo người Kinh, Khmer đến cúng bái trong những dịp lễ Tết, đặc biệt là ngày vía Ông Bổn vào 29/3 âm lịch.
6 Miếu Bà Thiên Hậu ở Vĩnh Châu
Miếu Bà Thiên Hậu ở Vĩnh Châu tọa lạc tại đường Trần Hưng Đạo, phường 1, Thị xã Vĩnh Châu cách trung tâm Thành phố Sóc Trăng khoảng 38km. Đây là ngôi chùa ở Sóc Trăng có lịch sử lâu đời, do cộng đồng người Hoa Triều Châu xây dựng từ năm 1891. Ngôi miếu là nơi thờ tự bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, được người Hoa xem như vị thần bảo trợ của ngư phủ và người đi biển. Tương truyền trong quá trình khai phá vùng Vĩnh Châu, cộng đồng người Hoa Triều Châu tìm thấy một tượng Phật bằng đồng nên đã lập ngôi miếu để thờ. Ban đầu ngôi miếu được xây dựng khá đơn sơ, sau nhiều lần trùng tu mở rộng diện tích ngôi cổ miếu này mới khang trang như hiện tại.
Như những ngôi chùa ở Sóc Trăng khác do cộng đồng người Hoa xây dựng, Miếu Bà Thiên Hậu được thiết kế theo hình chữ Tam với những cột gỗ nguyên khối, đà kèo chạm trổ rồng phượng và lợp mái ngói lưu ly. Trên nóc miếu là tượng lưỡng long tranh châu đặc trưng trong văn hóa Trung Hoa được làm bằng mảnh gốm sứ. Phía hai bên vách ngôi cổ miếu là phù điêu Thanh Long - Bạch Hổ đắp nổi làm tăng thêm vẻ uy nghi ngay từ bên ngoài.
Bên trong chánh điện là nơi thờ bà Thiên Hậu, tả hữu hai bên được thờ Quan Thánh Đế quân và Tiên Thánh Hiền Triết. Ngoài ra, trong điện thờ còn có các bức hoành phi mang nội dung quốc thái dân an, phù trợ đồng bào được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Vào ngày 23/3 âm lịch hằng năm, tại đây tổ chức ngày lễ tưởng nhớ công ơn Bà Thiên Hậu, thu hút tín đồ từ nhiều nơi đến thăm viếng, cúng bái.
Những ngôi chùa ở Sóc Trăng mang nét kiến trúc đặc trưng của cộng đồng Khmer, Hoa cùng nhau sinh sống trên vùng đất này. Nếu có dịp về thăm Sóc Trăng, tham quan các ngôi cổ tự và tìm hiểu về tín ngưỡng truyền thống là điều không thể thiếu trong cẩm nang du lịch của bạn.