Nếu như Tết miền Bắc nổi tiếng với dưa hành, thì dưa kiệu đường là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết ở miền Tây Nam Bộ. Dưa kiệu mang ý nghĩa cầu mong sự sung túc, phú quý, ấm no cho năm tới. Ngày nay, do tính chất công việc bận rộn nên nhiều người không còn thời gian để tự tay làm dưa kiệu nữa, mà họ sẽ tìm mua những sản phẩm làm sẵn bán trên thị trường. Một trong số các sản phẩm ngon, được người tiêu dùng yêu thích không thể không nhắc đến dưa kiệu đường Sóc Trăng.
1Đôi nét về dưa kiệu đường Sóc Trăng
Vào mỗi dịp Tết miền Tây, cứ đến bữa ăn bên cạnh khoanh bánh Tét lúc nào cũng xuất hiện một dĩa đồ chua, cải muối chua và dưa kiệu đường ăn kèm, giúp mọi người đỡ ngán trong mâm cỗ đầy ắp thịt. Tại miền Tây, bạn có thể tìm thấy nhiều nơi bán các món đồ chua đặc sản, nhưng ngon và nổi tiếng nhất phải nhắc đến dưa kiệu đường Sóc Trăng. Mỗi năm vào khoảng tháng 11, dưa kiệu đường Sóc Trăng lại được người dân bày bán khắp nơi từ thành thị đến nông thôn. Đến Sóc Trăng thời gian này, thật không khó để tìm mua vài hủ dưa kiệu đường về sử dụng hoặc làm quà biếu Tết.
Nếu Tân Huê Viên là thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng tại Sóc Trăng, thì trong các sản phẩm dưa kiệu đường được biết đến nhiều nhất là Dưa kiệu Cô Mới. Đây là thương hiệu đã được tỉnh Sóc Trăng công nhận đạt chuẩn 3 sao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được nhiều tín đồ du lịch yêu thích chọn mua về làm quà.
Xem thêm: Nhãn xuồng cơm vàng Vĩnh Châu, vị ngọt ngào nhớ mãi không quên
Dưa kiệu đường là món ăn dân dã, quen thuộc trên mâm cơm người Việt. Dưa kiệu đường được chế biến khéo léo tỉ mỉ đảm bảo được độ tươi giòn, màu trắng đẹp mắt cùng vị chua ngọt đặc trưng. Cách ngâm dưa kiệu đường không khó, nhưng có thể làm ra một hủ dưa kiệu ngon, chất lượng đòi hỏi người chế biến cần có bí quyết riêng.
Để dưa kiệu sau khi ngâm vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng, đòi hỏi bạn phải chú trọng từ khâu chọn nguyên liệu đến phương pháp ngâm. Nguyên liệu được sử dụng phải củ kiệu quế có màu trắng tươi, kích thước vừa phải, thân nở đuôi nhỏ, không được chọn những củ to vì loại này thường chứa nhiều nước, khi ngâm sẽ nhanh mềm, không giòn và có mùi hăng. Củ kiệu được mua về sẽ mang đi sơ chế, rửa sạch rồi đem ngâm với muối hột qua đêm. Sau đó, tiếp tục rửa củ kiệu lại với nước sạch nhiều lần, để ráo nước rồi ngâm kiệu với ít phèn chua trong một ngày. Tiếp theo, kiệu được vớt ra đem đi phơi nắng đến khi nào kiệu héo lại hoàn toàn. Kiệu phơi xong thì mang ngâm giấm khoảng hai tiếng rồi lại vớt ra, để cho ráo nước. Sau đó, kiệu sẽ được trộn với đường và ít muối rồi bỏ hủ sạch ngâm từ 7 - 14 ngày là có thể dùng được.
Dưa kiệu đường Sóc Trăng có hương vị giòn ngọt, chua nhẹ đặc trưng được nhiều tín đồ du lịch yêu thích. Đặc biệt, sản phẩm dưa kiệu đường Sóc Trăng có thể bảo quản rất lâu mà không sợ bị lên men rượu hay mất độ thơm giòn. Bên cạnh đặc sản hành tím Vĩnh Châu, dưa kiệu đường Sóc Trăng là món quà quê dân dã thích hợp để bạn mua về làm quà.
2Những công dụng của món dưa kiệu đối với sức khỏe
Dưa kiệu đường Sóc Trăng thường được ăn kèm với các loại thịt mỡ, bánh Tét hoặc làm đồ lai rai nhắm rượu trong những ngày Tết. Không chỉ là một món ăn kèm, dưa kiệu đường Sóc Trăng còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe mà có thể bạn chưa biết.
Theo Y học cổ truyền, kiệu là cây gia vị tính ấm có tác dụng tán khí kết, giảm đau, chữa đầy hơi, tức ngực khó thở... Ngoài ra, trong dưa kiệu đường có chứa axit lactic giúp làm giảm cholesterol, mỡ máu và các bệnh liên quan đến tim mạch. Đồng thời, củ kiệu còn chứa nhiều vitamin A, D, E tốt cho cơ thể có khả năng tăng sức đề kháng, ngăn chặn các nguy cơ gây bệnh ung thư, chống oxy hóa và kích thích tiêu hóa.
Mặc dù dưa kiệu đường Sóc Trăng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng trên thực tế không phải ai cũng có thể ăn được món này. Trong trường hợp bạn là người bị cao huyết áp, viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc trong thai kỳ thì không nên sử dụng quá nhiều bởi sẽ dẫn đến tính trạng gây hư tăng huyết áp, nóng gan, trào ngược axit dạ dày…
3Thưởng thức món ngon từ dưa kiệu đường Sóc Trăng
Dưa kiệu đường Sóc Trăng không chỉ là món ăn ngon, mà nó còn là nét văn hóa ẩm thực độc đáo trong ngày Tết cổ truyền ở Nam Bộ. Ngoài dùng để ăn kèm với bánh Tét, thịt kho như truyền thống, bạn có thể biến tấu thêm nhiều món dưa kiệu khác nhau để thay đổi khẩu vị.
Đơn giản nhất là món tôm khô củ kiệu, bạn chỉ cần gắp củ kiệu ra dĩa rồi bỏ tôm khô lên, trộn đều cho nước kiệu thấm vào tôm khô là xong. Hương vị kiệu chua ngọt, giòn giòn kết hợp với vị mặn tôm khô tạo thành vị ngon tuyệt vời kích thích mọi giác quan. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho thêm vào đó trứng bắc thảo và cà pháo để tăng thêm hương vị cho món ăn.
Mặc dù cuộc sống hiện đại xuất hiện càng nhiều món ngon hấp dẫn, nhưng dưa kiệu đường Sóc Trăng vẫn là thứ không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết. Bên cạnh bưởi Năm Roi Kế Thành, món ăn này sẽ là một gợi ý về quà quê dân dã trong sổ tay cẩm nang du lịch của bạn khi có dịp ghé thăm Sóc Trăng vào những tháng cuối năm.