Trăng tròn xảy ra gần nhất với điểm phân thu có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Ở một số quốc gia châu Á, nhiều người tin rằng thời điểm trăng tròn sáng nhất trong năm là vào dịp Tết Trung thu, thời điểm này có nhiều phong tục khác nhau được thực hiện bao gồm đoàn tụ gia đình, ăn các món ăn nghi lễ, trang trí và trưng bày những chiếc đèn lồng đầy màu sắc. Tết Trung thu được tổ chức rộng rãi trên khắp các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
1 Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trung thu: Ngày Tết đoàn viên
1.1 Tết Trung thu diễn ra vào ngày nào?
Tết Trung thu diễn ra vào ngày rằm tháng 8 (15 tháng 8 âm lịch) hằng năm, thường rơi vào giữa tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Với người Việt Nam ngày này còn được biết đến như là Tết thiếu nhi, hay còn được gọi với cái tên khác là Tết hoa đăng, Tết đoàn viên hoặc Tết trông trăng. Đặc biệt trẻ em thường rất đón đợi dịp đặc biệt này, khi bọn nhỏ được người lớn tặng những món quà như đèn kéo quân, đèn ông sao, các món đồ chơi đậm chất Trung thu, ăn bánh nướng…
Năm nay, Tết Trung thu sẽ được tổ chức vào ngày 17 tháng 9 năm 2024, tức giữa tháng 8 âm lịch. Mặc dù không phải ngày lễ chính thức nhưng khắp các tỉnh thành Việt Nam cũng có những hoạt động sự kiện và đồ trang trí để đánh dấu ngày đặc biệt này trong lịch hàng năm.
1.2 Nguồn gốc của Tết Trung thu
Tết Trung thu được tổ chức lần đầu tiên vào thời nhà Chu của Trung Quốc cách đây hơn 3.000 năm (mặc dù không được công nhận rộng rãi cho đến khoảng 1.500 năm sau đó vào thời nhà Đường). Đây là dịp lễ hội đặc biệt để tôn vinh mặt trăng, bởi người xưa tin rằng làm như vậy họ sẽ có được một mùa màng bội thu trong năm sau. Những chiếc đèn lồng trang trí có ghi điều ước thường do trẻ em làm và được treo trên cây hoặc trong nhà, thả trôi trên sông hoặc bay cao lên không trung với một ngọn nến nhỏ đặt bên trong khiến (đèn lồng Khổng Minh).
Phong tục cúng tế mặt trăng được lưu truyền từ đó theo như sử sách từ thời Tây Chu (1045 – 770 TCN) ghi lại. Cụm từ “Trung thu” cũng xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn Chu lễ được viết ở thời kỳ Chiến Quốc (475 – 221 TCN). Nhưng lúc bấy giờ Tết Trung thu chỉ mang tính thời gian và mùa vụ, chưa phải ngày lễ chính thức.
Đến thời nhà Đường (618 – 907) thì sự tích Tết Trung thu mới bắt đầu phổ biến, với ngày càng nhiều người trong giới thượng lưu bắt đầu ngắm trăng, tổ chức tiệc vào hôm rằm. Đến thời nhà tống thì ngày 15 tháng 8 âm lịch được chọn thành ngày Tết Trung thu chính thức.
Quay lại với Việt Nam, sự tích Tết Trung thu xuất hiện từ thời xưa và được in trên mặt của trống đồng Ngọc Lũ. Ngoài ra văn bia chùa Đọi năm 1121 cũng ghi nhận Tết Trung thu đã được tổ chức chính thức tại kinh thành Thăng Long cùng hội đua thuyền, múa rối nước, rước đèn. Sau đó vào thời vua Lê – chúa Trịnh “Tang thương ngẫu lục” miêu tả Tết Trung thu được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.
1.3 Ý nghĩa đặc biệt của dịp Tết Trung thu
Với dân tộc Việt Nam, Tết Trung thu có ý nghĩa vô cùng đặc biệt khi mà các thành viên trong gia đình có thể tề tựu bên nhau, con trẻ vui chơi rước đèn. Nó mang nhiều ý nghĩa quan trọng như:
Mọi người được sum họp gia đình: khi quây quần bên nhau cùng phá cỗ, kể cho nhau nghe những câu chuyện mình đã trải qua.
Các thành viên bày tỏ lòng biết ơn với nhau: không chỉ là con cháu bày tỏ với ông bà, cha mẹ hay tổ tiên mà người lớn cũng thể hiện sự cảm ơn vì công sức của thế hệ mai sau.
Cả nhà được vui chơi giải trí: khi trải nghiệm những hoạt động truyền thống như rước đèn, xem múa lân, phá cỗ trăng rằm…
Dịp để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa: khi mà Tết Trung thu đã có lịch sử hơn 3.000 năm qua.
2 Những phong tục quen thuộc trong dịp Tết Trung thu
2.1 Cúng rằm Trung Thu
Tết Trung thu không chỉ là dịp để trẻ em vui chơi mà người lớn cũng thường phải chuẩn bị mâm cỗ cúng rằm. Đây là một nét văn hóa lâu đời của dân tộc ta và cũng để thể hiện sự thành kính.
2.2 Phá cỗ Trung Thu
Thường thì mỗi nhà đều có mâm cỗ Trung thu để thể hiện lòng biết ơn vối tổ tiên. Theo kinh nghiệm du lịch, mỗi miền sẽ có một mâm cỗ khác nhau phản ánh màu sắc riêng của khu vực đó. Thường thì mâm cỗ sẽ có các món như bánh Trung thu, kẹo, trái cây… trang trí theo ngũ hành.
2.3 Ăn bánh Trung Thu
Đến Tết Trung thu hầu như gia đình nào cũng sẽ mua bánh về cúng ông bà tổ tiên, sau đó lại cùng nhau thưởng thức bánh. Bánh trung thu thường có dạng tròn và dạng vuông. Dạng tròn thể hiện sự tròn đầy, viên mãn. Còn bánh trung thu hình vuông như hình dạng mặt đất sẽ thể hiện sự vững chắc.
2.4 Rước đèn trung thu
Một hình ảnh không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu chính là rước lồng đèn đủ sắc màu dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Mọi người thường treo lồng đèn ngay trước nhà tượng trưng cho sự may mắn bình an, hoặc cũng có người thả đèn hoa đăng mang theo ước nguyện của mình trên sông. Lồng đèn Trung thu cũng có đủ kiểu dáng, màu sắc, được chế tạo từ những loại vật liệu quen thuộc như tre, nứa, giấy, nến… Ngày nay, trẻ em thường các loại đèn lồng giấy trong khi ăn bánh trung thu vào buổi tối của Tết Trung thu.
3 Tết Trung thu ở các nước khác trên thế giới và ở Việt Nam
3.1 Tết Trung thu ở các nước châu Á
Hàn Quốc: Tết Trung thu kéo dài ba ngày và nhiều người sẽ đi du lịch để đoàn tụ với người thân. Tuy nhiên, thay vì bánh trung thu thì đồ ăn mừng của người Hàn Quốc là một loại bánh gạo nhồi gọi là songpyeon.
Đài Loan: Tết Trung thu là ngày lễ quốc gia và trong lễ hội người ta sẽ ăn bánh trung thu và bưởi.
Nhật Bản: Ở đây người ta tôn thờ mặt trăng và các gia đình thường trang trí nhà cửa bằng những bông hoa đẹp.
Singapore: Tại khu phố Tàu và Gardens by the Bay, khách du lịch Singapore sẽ thấy những màn trình diễn đèn lồng cũng như các phiên bản bánh trung thu truyền thống và đương đại.
3.2 Địa điểm đón Tết Trung thu ở Việt Nam
Lễ hội đèn lồng Hội An: Lễ hội đèn lồng Hội An chào mừng ngày trăng tròn thường diễn ra hàng tháng, vào ngày 14 âm lịch. Vào thời điểm này đèn lồng sẽ được thắp sáng đẹp mắt trong và xung quanh phố cổ. Bạn cũng có thể đi thuyền trên sông Hoài để cảm nhận bầu không khí kỳ diệu của lễ hội đèn lồng Hội An.
Phố cổ Hà Nội: Vào dịp này, nhiều hoạt động sẽ diễn ra tại phố Hàng Mã Trung thu và Phố cổ Hà Nội như lễ khai mạc Tết Trung thu, ca hát, nhảy múa, trò chơi ngoài trời và nhiều hoạt động truyền thống khác.
Tuyên Quang: Thành phố Tuyên Quang là nơi tổ chức lễ hội Trung thu lớn nhất tại Việt Nam khi cả thành phố sẽ cùng nhau ăn mừng. Hàng ngàn người ở mọi lứa tuổi và giới tính sẽ đi bộ trên phố cùng với những chiếc đèn lồng khổng lồ với đủ hình dạng và màu sắc độc đáo như diễu hành.
Phố đèn lồng Lương Nhữ Học ở TP.HCM: Ở Sài Gòn, có rất nhiều nơi để tổ chức Tết Trung thu nhưng không đâu nổi bật bằng phố đèn lồng Lương Nhữ Học. Toàn bộ khu vực được thắp sáng bởi vô số đèn lồng đẹp mắt với nhiều hình dạng khác nhau.
Tết Trung thu, một dịp để cả nhà đoàn viên, người lớn chuyện trò hỏi thăm nhau trong khi con trẻ có được những phút giây vui chơi khó quên dưới ánh trăng sáng. Hy vọng những thông tin hữu ích mà MIA.vn đã cung cấp sẽ giúp bạn có được nhiều trải nghiệm thật ý nghĩa trong ngày đặc biệt này.