1 Khải Hoàn Môn Patuxay - Biểu tượng của tinh thần kiên cường của cả một dân tộc
Dưới bầu trời Viêng Chăn, cuối đại lộ Lane Xang sầm uất sừng sững một công trình biểu tượng của lòng kiêu hãnh và chiến thắng – Khải Hoàn Môn Patuxay. Công trình kiến trúc này không chỉ là niềm tự hào của người dân Lào mà còn là một trong những địa danh tham quan du lịch nổi bật nhất thủ đô Viêng Chăn.

Patuxay sừng sững giữa thủ đô, mang trong mình sự kiêu hãnh của người dân Lào. Ảnh: Saigon Tourism
Patuxay được ví như Khải Hoàn Môn của xứ sở Triệu Voi, được xây dựng để vinh danh những người con đất Lào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Công trình khởi công vào năm 1957 và hoàn thiện vào năm 1968, mang trong mình hơi thở lịch sử, tinh thần kiên cường của cả một dân tộc.
Tọa lạc trên tuyến đường đẹp nhất Viêng Chăn, Patuxay hiện lên uy nghi giữa lòng thành phố, dễ dàng nhận ra từ bất kỳ góc phố nào. Buổi sáng, công trình đón tia nắng đầu tiên trong ngày, buổi tối lại soi bóng dưới ánh hoàng hôn, tạo nên khung cảnh vừa trầm mặc, vừa lãng mạn.

Khải Hoàn Môn Patuxay lãng mạn, bình yên dưới ánh hoàng hôn. Ảnh: Tripzone
Không chỉ mang giá trị lịch sử, Patuxay còn là điểm đến thu hút du khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng, khám phá văn hóa Lào. Người ta gọi nơi này với nhiều cái tên độc đáo như "đường băng thẳng đứng", "Khải Hoàn Môn xứ Vạn Tượng" hay "Champs-Élysées của phương Đông". Nhưng trên tất cả, Patuxay vẫn là một biểu tượng trường tồn, nhắc nhớ về những năm tháng hào hùng của đất nước Vạn Tượng.
Xem thêm: Thủ đô Viêng Chăn hiền hòa, nơi sống chậm lý tưởng tại Lào
2 Kiến trúc độc đáo của Khải Hoàn Môn Patuxai
Patuxai đứng sừng sững giữa lòng Viêng Chăn, mang vẻ đẹp vừa uy nghiêm vừa đậm chất văn hóa Lào. Mặc dù lấy cảm hứng từ Khải Hoàn Môn Paris, công trình này không đơn thuần là một bản sao. Mỗi mặt của Patuxai đều có một cổng vòm lớn, trên trần là những hoa văn tinh xảo mang đậm dấu ấn Lào. Hình tượng thần Vishnu, Brahma cùng với voi ba đầu Erawan hay kinnaree – sinh vật huyền thoại nửa chim nửa người – xuất hiện đầy sống động trên các mái vòm.

Patuxai không chỉ đơn thuần là một bản sao của Khải Hoàn Môn Paris. Ảnh: Du Lịch Okela

Trên trần mái vòng của Patuxai khắc họa vị thần Indra trong Hindu giáo và voi ba đầu Erawan. Ảnh: Vnexpress
Nhìn thoáng qua, Patuxai có nét tương đồng với kiến trúc phương Tây, nhưng nhìn kĩ bạn sẽ thấy văn hóa Lào được các nghệ nhân khắc sâu trong từng chi tiết. Các phù điêu mô tả trường ca Rama, những tòa tháp mang phong cách truyền thống, hay hình ảnh Kinari uyển chuyển đều tạo nên bản sắc riêng.

Văn hóa Lào khắc sâu trong từng chi tiết của Patuxai. Ảnh: Vnexpress
Công trình gồm 7 tầng chính, cao 55m, mỗi mặt rộng 24m, đi kèm hai tầng phụ. Các tầng được kết nối bằng cầu thang xoắn, dẫn lối du khách lên đến đỉnh tháp. Đứng ở tầng cao nhất, thành phố Viêng Chăn trải rộng trước mắt với nhịp sống chậm rãi, yên bình. Từ đây, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn Tòa thị chính, Pha That Luang – biểu tượng Phật giáo của Lào hay khu chợ Sáng nhộn nhịp. Đây cũng là điểm lý tưởng để bạn ghi lại những khoảnh khắc toàn cảnh thành phố khi có dịp du lịch đến xứ sở Triệu Voi.

Các đỉnh tháp trên nóc tượng đài Patuxay được chạm trổ tinh xảo nhiều họa tiết. Ảnh: Vnexpress

Phần chóp mái là tháp nhọn được dát vàng. Ảnh: Vnexpress
Dù bên ngoài vẫn mang lớp xi măng thô mộc, Patuxai không hề lạnh lẽo mà lại hài hòa với cuộc sống xung quanh, do đó lại ấm cúng và gần gũi vô cùng. Khi hoàng hôn buông xuống, nơi đây trở thành điểm tụ họp, vui chơi của người dân Viêng Chăn. Cá gia đình dạo bộ, trẻ con vui đùa, người già tập thể dục, các đôi tình nhân lặng lẽ bên nhau. Hồ nước trong veo phản chiếu ánh chiều vàng, làm nền cho một khung cảnh dung dị mà quyến rũ. Một góc Viêng Chăn rất đỗi thân thương và bình yên.

Bao quanh công trình là một quảng trường rộng rãi. Ảnh: Luhanhvietnam

Quảng trường có nhiều ghế ngồi và lối đi phục vụ người dân và du khách. Ảnh: Vnexpress

Cạnh đó là một quán cà phê, không gian sạch sẽ thoáng mát. Ảnh: Vnexpress

Nếu có dịp đến đây bạn đừng quên chụp những bức ảnh thật đẹp để lưu giữ kỉ niệm nhé. Ảnh: @malookmook1995
3 Những điểm đến không thể bỏ lỡ ở Viêng Chăn
3.1 That Luang – Niềm tự hào của nước Lào
Nếu nhắc đến biểu tượng của Viêng Chăn, người ta nghĩ ngay đến Khải Hoàn Môn Patuxai. Nhưng nếu nói về niềm tự hào của cả nước Lào, đó chắc chắn là Pha That Luang (hay Thạt Luống). Công trình này không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn gắn liền với sự phát triển của Phật giáo – nền tảng tinh thần của người Lào.
Bảo tháp có kiến trúc đặc trưng, mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa. Thậm chí, hình ảnh của That Luang còn được in trên quốc huy và tiền tệ. Độc đáo hơn, toàn bộ kiến trúc Pha That Luang được chia thành ba phần tượng trưng cho ba cõi:
- Tầng hầm biểu thị thế giới ngầm
- Phần đế tháp tượng trưng cho trần gian
- Vòm tháp vươn lên trời cao đại diện cho cõi Phật.
Đặc biệt, lớp vàng dát bên ngoài khiến công trình tỏa sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời.

That Luang là kỳ quan chùa vàng nổi tiếng của Lào. Ảnh: Cox & Kings
3.2 Wat Si Muang – Linh hồn của Viêng Chăn
Nằm trong số những ngôi chùa lâu đời nhất Viêng Chăn, Wat Si Muang có tuổi đời gần 500 năm. Người dân xem đây là “linh hồn” của thủ đô bởi ngôi chùa này gắn liền với những truyền thuyết thiêng liêng về vương triều xưa và Phật giáo. Ngày nay, Wat Si Muang là nơi mọi người tìm đến để cầu bình an và may mắn. Họ thường thực hiện nghi thức buộc một sợi chỉ đỏ vào cổ tay như một lời chúc phúc.
3.3 Wat Si Saket – Chứng nhân lịch sử của thủ đô
Là một trong những ngôi chùa cổ nhất Viêng Chăn, Wat Si Saket được xây dựng vào năm 1818 dưới triều vua Anou. Dù trải qua nhiều biến cố, ngôi chùa vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên bản nhờ một truyền thuyết ly kỳ. Tương truyền, khi quân Xiêm có ý định chiếm chùa, một đám mây đen đột ngột kéo đến bao phủ bầu trời. Hiện tượng kỳ lạ khiến binh lính hoang mang, sợ rằng trời đất nổi giận nên vội vã rút lui. Nhờ vậy, Wat Si Saket vẫn đứng vững cho đến ngày nay.
Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng kho tượng Phật với hàng trăm pho tượng lớn nhỏ. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ một thư viện 400 năm tuổi với nhiều sách kinh Phật quý giá.

Wat Si Saket là một trong những ngôi chùa cổ nhất Viêng Chăn. Ảnh: Crowne Plaza Vientiane
3.4 Wat Phra Keo – Bảo tàng nghệ thuật tôn giáo
Không ít người nhầm lẫn Wat Phra Keo với chùa Phật Ngọc ở Thái Lan. Nhưng thực chất đây là một công trình riêng biệt, từng là nơi lưu giữ tượng Phật Ngọc quý giá trước khi bức tượng được đưa về Bangkok.
Hiện nay, chùa được bảo tồn như một bảo tàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo của Lào. Bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh quý, tượng điêu khắc chạm bạc, dát vàng, đính đá quý và ngọc thạch – tất cả đều mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo.
Du lịch Viêng Chăn không thể bỏ qua check-in, tham quan Patuxai. Hy vọng với những thông tin trên đây, bạn sẽ có thể một điểm đến đặc biệt trong chuyến du lịch sắp tới. Hãy lưu ngay vào cẩm nang du lịch, xách vali đến đây và chụp vài bức ảnh để lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ, bạn nhé!