Sóc Trăng không chỉ nổi tiếng về những món ăn truyền thống là đặc sản có 1-0-2 như bún nước lèo Cây nhãn mà nơi đây còn có các di tích lịch sử đáng tự hào và điển hình là Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng
1 Sơ lược về Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng
Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng từng được nhân dân gọi với cái tên quen thuộc là Căn cứ Mỹ Phước. Khu vực này trước đây chỉ là một cánh đồng hoang phủ đầy cỏ dại, rộng hàng nghìn hecta sau đó mới được người dân phát hiện và khai hoang. Nhưng vào năm 1945, thực dân Pháp lại một lần nữa nổ súng muốn tái chiếm Sài Gòn, khi đó Đảng bộ cùng quân, dân Sóc Trăng đã đồng lòng đứng lên chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống giặc. Ban đầu, lực lượng cách mạng đã tạm thời rút lui về các vùng nông thôn hẻo lánh, có địa hình hiểm trở để làm chỗ dựa vững chắc, củng cố lực lượng. Khi ấy, rừng tràm Mỹ Phước đã được Tỉnh ủy chọn làm nơi xây dựng căn cứ cách mạng để kháng chiến lâu dài. Bởi nơi đây có địa hình hiểm trở, nhiều kênh rạch rất thuận lợi để xây dựng căn cứ cách mạng và thiết lập thế trận tiến công tiêu diệt địch.
Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng nằm trong rừng tràm tại xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Để đi từ trung tâm thành phố đến khu di tích này thì bạn có thể thuê xe máy Sóc Trăng và di chuyển bằng 2 đường khá quen thuộc của các tỉnh miền Tây sông nước là đường bộ và đường thủy. Nếu đi bằng đường thủy bạn phải trải qua đoạn đường dài khoảng 30km, nhưng sẽ nhanh và thuận tiên hơn nếu bạn di chuyển bằng phương án thứ 2. Khi đi bằng đường bộ thì bạn có thể chạy 20km dọc theo Quốc lộ 1A về hướng Bạc Liêu. Khi đến gần chợ Nhu Gia thì bạn nhìn về phía tay phải sẽ có 1 bảng hướng dẫn vào khu di tích, chỉ cần rẽ phải và di chuyển tiếp tầm 16km là sẽ đến địa điểm mong muốn.
Xem thêm: Chùa Tầm Vu, nét tín ngưỡng đầy tự hào của người Khmer tại Sóc Trăng
2 Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng xưa và nay
Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng có diện tích 281ha với trung tâm là hội trường, nơi đã diễn ra hàng ngàn cuộc họp quan trọng của các quan chức cấp cao trong thời kháng chiến. Trước năm 1968, hội trường được dựng bằng các loại cây đặc trưng của nơi đây là tràm và lá dừa nước. Sau năm 1968, để thích nghi với tình hình mới cũng như kháng chiến lâu dài, Tỉnh ủy đã họp và đưa ra quyết định xây dựng lại căn cứ kiên cố hơn. Hội trường đã thay đổi hoàn toàn khi được dựng lại bằng gỗ đầu vuông, mái lợp lá chẻ, cao khoảng 4.7m, dài tầm 20m, rộng chừng 4m và chia thành 5 gian bằng nhau. Hai bên hông của Hội trường còn được bố trí bốn căn hầm bằng bê tông, dùng để ẩn nấp khi có máy bay của địch. Nhằm để đáp bảo an toàn cho lực lượng nòng cốt thì cách hội trường 300m Khu căn cứ tỉnh ủy Sóc Trăng còn được trang bị thêm hai hầm bí mật đã được chuẩn bị sẵn lương thực dự trữ cũng như là các vật dụng cần thiết và có thể chứa khoảng 10 - 13 người. Bên cạnh hội trường là nơi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy và hàng trăm lán trại của các ban.
Từ năm 2007 - 2009, căn cứ đã được UBND tỉnh Sóc Trăng đầu tư xây dựng mới một vài khu vực như: cổng chính, nhà Bia, đền tưởng niệm, nhà trưng bày. Ngoài ra, nơi đây còn phục dựng lại các hạng mục có trong kháng chiến như: hội trường, nhà làm việc của Tỉnh ủy, các hầm tránh pháo,... Nhưng bây giờ, Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng chỉ có thể phục dựng lại phần nền của hội trường, hồ chứa nước cùng hai hầm tránh pháo. Hiện nay, Khu căn cứ là môi trường giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ và giống như Miếu Bà Thiên Hậu ở Vĩnh Châu nơi đây cũng nằm trong 18 địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh.
3 Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng, di tích lịch sử đáng tự hào
Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà nơi đây còn là cái nôi của cách mạng, một minh chứng lịch sử khẳng định lòng tin, sự trung kiên của những con người chân chất, thật thà. Hiện nay, tại đền tưởng niệm của Khu căn cứ ghi danh hơn 14.000 liệt sĩ, những người đã hy sinh anh dũng cho hòa bình mai sau của đất nước, còn ở nhà trưng bày có hơn 400 hình ảnh, hiện vật của quân và dân tỉnh Sóc Trăng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Không những thế, Khu căn cứ cũng chính là sức mạnh, mạch máu giúp cho Sóc Trăng nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung hoàn thành xuất sắc sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, giành thắng lợi huy hoàng sau 9 năm ròng rã kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và 21 năm kiên cường chống Mỹ cùng bọn tay sai (1954 - 1975). Trong khoảng thời gian đó, dù có phải chịu đựng muôn vàn thử thách, “mưa bom bão đạn” hay sự hy sinh và gian khổ thì căn cứ vẫn luôn đứng vững để che chở cho những người lãnh đạo cùng các chiến sĩ giúp họ yên tâm thực hiện tốt vai trò của mình. Với những đóng góp to lớn ấy, vào ngày 16/6/1992, Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã vinh dự được công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Cho đến ngày nay, người dân xã Mỹ Phước nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung vẫn luôn phát huy truyền thống yêu nước, chung sức, đoàn kết một lòng để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đặc biệt là tại xã Mỹ Phước, vùng căn cứ kháng chiến mới ngày nào mà nay đã chuyển mình đi lên trở thành một nông thôn mới khiến ai cũng tự hào.
Hi vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho các bạn thêm những kiến thức về một địa danh gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam mang tên Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Nếu không muốn bỏ lỡ địa điểm tham quan nổi tiếng này thì hãy mau lưu ngay vào cuốn cẩm nang du lịch của bạn nha!