Không chỉ có những thắng cảnh thiên nhiên gây ngất ngây lòng người như Quần đảo Thổ Chu, Kiên Giang còn sở hữu nhiều công trình kiến trúc với vẻ ngoài ấn tượng. Trong các công trình ấy, có những di tích đã đi qua năm tháng và chứng kiến nhiều biến động của lịch sử cũng như quá trình phát triển vùng đất này. Một trong những di tích nổi tiếng ấy chính là Lăng Mạc Cửu Hà Tiên với vẻ ngoài cổ kính, trầm mặc. Vậy điểm đến Lăng Mạc Cửu Hà Tiên có gì đặc sắc để thu hút sự chú ý của các tín đồ du lịch, hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé!

Tương tự Chùa Phù Dung (Chùa Phù Cừ) Hà Tiên, Lăng Mạc Cửu là điểm đến nổi tiếng thuộc Quần thể Di tích Bình San, được xếp hạng Danh thắng Quốc gia từ năm 1989. Công trình này tọa lạc trên đường Mạc Cửu thuộc phường Bình San, Thành phố Hà Tiên.

Tương truyền, Mạc Cửu là người Quảng Đông, Trung Quốc. Vì không chịu để tóc dài theo tập tục của nhà Thanh nên ông đã rời bỏ đất nước mình rồi cùng gia đình lên thuyền xuôi về phương Nam. Khi đến được Hà Tiên vào năm 1680, ông đã quyết định dừng lại để xây dựng và phát triển vùng đất này. Sau này, khi chứng kiến được sự lớn mạnh của nhà Nguyễn trong cuộc chiến mở rộng bờ cõi về phương Nam, Mạc Cửu đã dâng lại vùng đất Hà Tiên và nhận được sự chấp thuận. Chúa Nguyễn Phúc Chu thấy thế đã phong Mạc Cửu làm Tổng trấn Hà Tiên, giữ nhiệm vụ coi sóc và phát triển vùng đất này.

Dù vùng đất Hà Tiên đã thuộc về nhà Nguyễn, nhưng trên thực tế, Mạc Cửu vẫn có quyền tự chủ tại đây. Qua 7 đời cầm quyền cha truyền con nối, Hà Tiên đã được dòng họ Mạc phát triển từ một vùng đất hoang sơ thành địa điểm buôn bán sầm uất.

Sau khi Mạc Cửu mất, con trai ông là Mạc Thiên Tích đã thiết kế và xây dựng khu lăng mộ này từ năm 1735 đến 1739 để tưởng nhớ. Với phong cảnh hữu tình, phong thủy tốt, mặt tiền quay về phía Đông có núi Tô Châu và dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa dãy Bình San vững chãi, Lăng Mạc Cửu Hà Tiên trở thành một trong những địa điểm văn hóa thu hút nhất tại thành phố này.

Bên cạnh Chùa Phật Đà (chùa Lò Gạch) Hà Tiên, Lăng Mạc Cửu đã trở thành một điểm đến nổi tiếng gắn liền với sự phát triển của thành phố ven biển này. Hiện nay, Khu di tích Lăng Mạc Cửu Hà Tiên bao gồm nhiều hạng mục. Các hạng mục chính gồm đền thờ, Lăng Mạc Cửu cùng 59 lăng mộ lớn nhỏ khác là những người thân cận, gắn bó với sự phát triển của dòng họ Mạc tại đất Hà Tiên.

Lăng Mạc Cửu Hà Tiên, khu di tích cổ kính giữa lòng Kiên Giang 2

Khu di tích Lăng Mạc Cửu Hà Tiên được nhiều tín đồ du lịch ghé thăm khi đến thăm Kiên Giang

Xem thêm: Chùa Sắc Tứ Tam Bảo Rạch Giá, không gian thiền tịnh tại Kiên Giang

Đền thờ họ Mạc có tên gọi Trung Nghĩa Từ, còn được người đời biết đến là Miếu Ông Lịnh. ngoài giá trị cao về mặt lịch sử, nơi đây còn sở hữu những không gian nghệ thuật ấn tượng, hài hòa cùng lối chạm trổ đạt đến mức tinh vi, sắc sảo. Phía trước đền thờ là hai cái ao lớn phủ đầy hương sắc của hoa sen. Đây là hồ mà trước kia Mạc Cửu đã cho đào để lấy nước ngọt phục vụ người dân Hà Tiên trong mùa khô hạn.

Không gian bên trong Đền thờ họ Mạc có một khoảng sân rộng cùng hệ thống cây xanh quanh năm tươi tốt. Những mảng xanh này tạo nên một không gian yên tĩnh, trầm mặc đến lạ thường cho khuôn viên đền.

Phía bên phải đền thờ là khu vực nhà tiền hiền. Đây là khu vực dùng để thờ tự những người trước ông Mạc Cửu đã từng đến với vùng đất Hà Tiên. Phía bên trái đền là khu vực nhà hậu hiền dùng để thờ những người đến sau ông.

Chánh điện đền là một không gian khá rộng rãi, phía trên có biển thờ với bốn đại tự “Khai Trấn Trụ Quốc”, ghi nhận công đức của dòng họ Mạc trong việc khai hoang và mở rộng bờ cõi nước Việt về phương Nam. Ngoài ra, trên vách tường đền còn có 10 bài thơ nổi tiếng của Mạc Thiên Tứ mang tên là “Hà Tiên thập vịnh”.

Lăng Mạc Cửu Hà Tiên, khu di tích cổ kính giữa lòng Kiên Giang 3

Đền thờ Mạc Cửu có không gian thoáng đãng tạo nên sự an yên, nhẹ nhàng

Từ khu vực đền thờ quay ra, phía bên trái sẽ có bảng chỉ dẫn đường lên Lăng Mạc Cửu nằm tựa núi Bình San. Bạn sẽ di chuyển trên một con đường bậc thang lên núi và xuyên qua những vườn cây bạch mai có nguồn gốc từ Quảng Tây, Trung Quốc để đến được lăng mộ. Tại đây có 60 ngôi mộ cổ được chia thành 4 khu riêng biệt. Trong đó, khu 1 là lăng mộ dành riêng cho các tiểu vương dòng họ Mạc. Khu 2 là nơi tập trung lăng mộ của các vị phu nhân. Khu 3 là phần lăng mộ của các quan và khu 4 dành cho những thành viên khác trong dòng họ Mạc.

Ngôi mộ lớn nhất tại di tích này là của ông Mạc Cửu được xây dựng theo lối kiến trúc đậm chất Trung Hoa như một hình bán nguyệt khoét sâu vào triền núi. Hai bên tả hữu của ngôi mộ là các vị tướng uy nghiêm. Quanh mộ còn có hai con rồng quấn vào nhau tạo nên sự oai phong, lẫm liệt. Trước mộ của ông còn có tượng Mạc Cửu đang mặc nhung phục, tay cầm gươm đứng trên một bệ cao mang sắc thái uy nghiêm.

Phía dưới Lăng Mạc Cửu là mộ của Mạc Thiên Tứ và vợ là bà Nguyễn Thị Hiếu Túc bên trái. Bên phải còn có mộ của Mạc Tử Hoàng. Cả ba ngôi mộ này đều có điểm giống mới Lăng Mạc Cửu nhưng được bày trí một cách khiêm nhường hơn.

Lăng Mạc Cửu Hà Tiên, khu di tích cổ kính giữa lòng Kiên Giang 4

Lăng Mạc Cửu Hà Tiên được xây dựng theo lối kiến trúc đậm chất Trung Hoa

Lăng Mạc Cửu Hà Tiên, khu di tích cổ kính giữa lòng Kiên Giang 5

Mộ Mạc Thiên Tứ mang sắc màu cổ kính và có phần khiêm nhường hơn

Dù trải qua hơn 300 năm biến động và thay đổi của thời đại, thế nhưng Lăng Mạc Cửu Hà Tiên vẫn lưu giữ được vẻ đẹp uy nghi cùng nét kiến trúc ấn tượng đậm chất Á Đông. Bạn nên lưu ngay điểm đến này vào cẩm nang du lịch của mình và ghé thăm khi có dịp về lại vùng đất Hà Tiên. Cùng cảm nhận không gian an tĩnh và dâng hương tại khu di tích này sẽ khiến bạn cảm thấy biết ơn hơn với những người có công khai khẩn, mở rộng bờ cõi phương Nam.