1Lăng Tự Đức ở đâu trên tấm bản đồ du lịch xứ Huế?
Địa chỉ: làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, xã Thủy Biểu, phường Thủy Xuân, thành phố Huế
Tọa lạc trên một mảnh đất thanh bình nơi thung lũng hẹp nơi làng Dương Xuân Thượng, Lăng Tự Đức nằm bên phải đồi Vọng Cảnh thơ mộng. Triều nhà Nguyễn tuy trải qua 143 năm trị vì với 13 đời vua, tuy nhiên chỉ có vỏn vẹn 7 lăng tẩm của 7 triều vua là được xây dựng và bảo tồn cho đến ngày nay.
Trong đó, Lăng Tự Đức vinh dự được công nhận là một trong 4 lăng tẩm đẹp nhất chốn cố đô, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đồng thời vinh dự là một trong những di tích lịch sử đầu tiên tại Việt Nam góp mặt trong bảo tàng số hóa 3D thuộc khuôn khổ dự án Google Arts & Culture. Bấy nhiêu đây thôi đã giúp nơi an nghỉ của vị vua có tâm hồn thi sĩ trở thành một trong những điểm tham quan tại Huế nổi tiếng bậc nhất, bên cạnh nào điện Hòn Chén, Kinh thành Huế, Lăng Minh Mạng, Chùa Thiên Mụ, v.v.
2Bạn có thể đến tham quan Lăng Tự Đức bằng những loại phương tiện nào là hợp lý?
Chỉ cách trung tâm thành phố vỏn vẹn 6km, Lăng Tự Đức là một trong số ít các quần thể lăng tẩm của vua triều Nguyễn nằm gần khu vực nội thành. Thế nên bạn có thể di chuyển đến lăng tương đối dễ dàng và thuận tiện với các loại phương tiện như xe máy, thậm chí là xe đạp, nếu bạn không ngại cái nắng oi ả của Huế, và taxi đều được cả.
Nếu đi bằng xe máy, bạn có thể di chuyển theo lộ trình như sau: Bùi Thị Xuân – Huyền Trân Công Chúa. Khi đến đường này, bạn tiếp tục đi thêm một đoạn, sau đó có thể hỏi người dân hai bên đường là họ sẽ chỉ cho bạn hướng vào Lăng Tự Đức. Xe máy cũng là phương tiện được nhiều bạn trẻ ưa chuộng trong hành trình khám phá Huế nữa đó.
3Đôi nét về vua Tự Đức và quá trình xây dựng lăng của ông
Có tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, vua Tự Đức là con trai thứ của vua Thiệu Trị. Ông là vị vua có thời gian tại vị lâu nhất – 36 năm (1847 – 1883). Sinh thời, ông nổi tiếng là người hiền lành, biết lo toan cho đất nước và có trình độ cao về học vấn Đông Dương, đặc biệt là Nho học.
Kế vị vua cha trong bối cảnh khó khăn với mối nguy thù trong giặc ngoài, tuy nhiên, ông vẫn luôn chứng tỏ mình là một vị vua thạo việc triều chính, biết cân nhắc, suy tính thiệt hơn, trước sau trong tất cả mọi chuyện. Dẫu bận rộn là thế, ông vẫn giữ được trọn vện tâm hồn thi sĩ bay bổng, mơ mộng và tràn đầy tình yêu dành cho cảnh sắc núi non trùng điệp hữu tình. Vốn là người thường ốm đau, bệnh tật, thế nên vua Tự Đức đã cho xây dựng khu lăng tẩm này làm nơi để nghỉ ngơi, tạm quên đi việc triều chính, tranh chấp và rối ren chốn kinh kỳ, đồng thời để phòng khi qua đời đột ngột.
Vào tháng 12/1864, công trình Lăng Tự Đức chính thức được khởi công với sự góp sức của hơn 6.000 lính và thợ để đào hào, đắp lũy, xây thành quách và lăng mộ. Lăng Tự Đức trải qua nhiều lần thay tên đổi họ khác nhau trước khi được gọi là Khiêm Lăng cho đến tận bây giờ. Trước kia, vua đặt tên lăng là Vạn Niên cơ với ý nghĩa về một công trình trường tồn mãi với thời gian. Ông tính toán thời gian xây lăng sẽ vào tầm 6 năm.
Tuy nhiên, để công trình mau hoàn thiện, triều đình đã điều động hàng trăm nghìn thợ thuyền, dân phu và binh lính lao động quần quật giữa thời tiết khắc nghiệt của chốn cố đô. Điều này là nguyên dân trực tiếp dẫn đến cuộc nổi loạn Chày Vôi của anh em Đoàn Hữu Trưng vào năm 1866. Tuy nhanh chóng được dập tắt nhưng cuộc khởi nghĩa đã thật sự làm ảnh hưởng đến thanh danh của vị vua này.
Để xoa dịu lòng dân, ông phải viết điều trần tình, đổi tên từ Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung. Chữ ‘Khiêm’ ở đây có nghĩa là khiêm tốn, khiêm nhường. Các công trình lớn nhỏ trong lăng cũng đều có chữ ‘Khiêm’ ở trong tên cả.
Vào năm 1873, Khiêm cung chính thức hoàn thành. 10 năm sau đó, khi vua Tự Đức băng hà, lăng chính thức được đổi tên thành Khiêm Lăng và tồn tại cho đến ngày nay, song song với cái tên quen thuộc là Lăng Tự Đức mà mọi người vẫn thường gọi.
4Cấu trúc không gian đặc biệt nơi Lăng Tự Đức
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đến đây, bạn sẽ phải ngạc nhiên với cảnh sắc thơ mộng, non nước hữu tình. Nếu lăng Gia Long sở hữu vẻ đẹp cổ kính, tịch mịch, Lăng Minh Mạng lại uy nghiêm và tráng lệ bậc nhất, lăng Khải Định được thiết kế theo phong cách giao thoa giữa những nét cổ điển và hiện đại và có chút cách tân trong vật liệu xây dựng và trang trí, thì Lăng Tự Đức sở hữu dáng vẻ nhã nhặn, nên thơ hơn cả.
Được xây dựng trên mảnh đất rộng lên đến 12ha, Lăng Tự Đức được chia thành hai khu vực chính gồm khu vực tẩm điện và lăng mộ với gần 50 công trình lớn nhỏ trải dài. Hai phần này được bố trí song song với nhau, tiền án là núi Giáng Khiêm, hậu chẩm là núi Dương Xuân, minh đường chính là hồ Lưu Khiêm.
Các công trình chính, phụ được bố trí hài hòa, không quá dày đặc, nằm yên bình giữa nào hàng thông xanh rì, nào hồ nước nhỏ tĩnh lặng quanh năm. Tất cả tạo nên tổng thể không gian lăng vừa giữ trọn vẹn sự uy nghiêm bậc nhất của chốn đế vương, vừa phảng phất hơi thở lãng mạn, bay bổng đúng chất vị vua có tâm hồn thi sĩ.
5Các công trình đặc biệt trong Lăng Tự Đức
Đây là công trình hai tầng dạng vọng lâu nằm trên nền cao, thẳng hàng với Dũ Khiêm Tạ, ở giữa là điện Hòa Khiêm. Công trình này được xây dựng bên hồ mang yếu tố ‘minh đường’ để ‘tụ thủy’, ‘tích phúc’. Sinh thời, vua Tự Đức thường ghé đến nghỉ ngơi mỗi khi có dịp đến lăng. Đây cũng là nơi ông thường xuyên xử lý các công việc triều chính. Khi ông qua đời, điện Hòa Khiêm được dùng làm nơi thờ phượng bài vị của ông và hoàng hậu.
Tại Khiêm Cung Môn, người ta thường thả hoa sen. Tới mùa hoa nở, hương thơm nhè nhẹ theo cơn gió bay khắp không gian khiến ai đến đây cũng cảm thấy nhẹ nhàng và bình yên đến lạ. Giữa hồ còn có các hòn đảo nhỏ khác để trồng hoa và nuôi thú nữa. Xung quanh Khiêm Cung Môn chính là Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ. Đây là nơi vua thường ngồi đọc sách, ngâm thơ và tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên non nước hữu tình với mùi hương đồng cỏ nội phảng phất khắp bốn bề không gian và ríu rít tiếng chim muông í ới gọi bầy.
Nằm phía sau điện Hòa Khiêm, điện Lương Khiêm trước kia là nơi vua thường ghé đến nghỉ ngơi, thưởng trà. Sau này khi ông tạ thế, điện được trưng dụng làm nơi thờ phượng vong linh của mẹ ông là bà Từ DŨ. Bên phải điện chính Ôn Khiêm Lương – nơi cất đồ ngự dụng.
Sẽ là một thiếu sót cực lớn nếu trong hành trình tham quan Lăng Tự Đức nhưng bạn lại vô tình bỏ quên mất nhà hát Minh Khiêm. Nằm bên trái điện Lương Khiêm, nhà hát Minh Khiêm vốn là nơi vua thường lui tới để xem hát.
Đây là một trong những công trình có kiến trúc ấn tượng bậc nhất quần thể lăng với các cột trống đỡ được chạm khắc tinh xảo cùng hoa văn nổi bật. Mỗi khi nhà hát đóng cửa, nhìn từ phía ngoài, bạn sẽ nhìn thấy khung cảnh lung linh, huyền ảo đến lạ khi khắp không gian là vô vàn ánh nến được người ta thắp lên. Hiện nay, nhà hát Minh Khiêm là một trong những nhà hát cổ nhất Việt Nam.
Nơi đây vốn là mảnh đất để nhà vua trồng hoa và nuôi thú. Sở hữu không gian thoáng mát cùng bầu không khí trong lành, đảo Tịnh Khiêm với một con kênh dài cùng 3 cây cầu dáng cong bắc ngang qua sẽ dẫn bạn đến một đồi thông xanh mướt mát. Sinh thời, vua thường chọn nơi đây để thưởng hoa, làm thơ và đọc sách.
Là công trình quan trọng nhất nơi Lăng Tự Đức, thế nên khu lăng mộ của vua được xây dựng ngay phía sau tẩm điện. Di chuyển tới Bái Đình, bạn sẽ thấy hai hàng quan văn quan võ đứng chầu uy nghiêm và phía sau là Bi Đình. Đây là nơi đặt tấm bia đá nặng 20 tấn khắc bài Khiêm Cung Ký do chính vua Tự Đức biên soạn. Toàn bộ bài văn dài 4.935 chữ là bản tự thuật của ông về cuộc đời và công lẫn tội trước lịch sử. Ông tự nhận tội mình: “Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được, đều là tội của ta cả...” Trong bài văn, ông cũng nhắc đến những rủi ro, bệnh tật và nỗi niềm của mình khi còn tại thế.
Phía sau Bi Đình là Bửu Thành được xây hoàn toàn bằng gạch nằm trên Tiểu Khiêm Trì. Chính giữa là nơi an nghỉ của vị vua tài hoa và có tâm hồn thi sĩ cùng học vấn uyên thâm bậc nhất triều Nguyễn. Ngoài ra, trong khuôn viên Khiêm Lăng còn có một khu vực là Bổi Lăng. Đây là nơi yên nghỉ của vua Kiến Phúc – vị vua thứ 7 của triều nhà Nguyễn.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Lăng Tự Đức vẫn ở đấy như một minh chứng rõ nét nhất về một thời lẫy lừng của vị vua uyên bác, thâm sâu ngày trước. Tương tự những công trình cổ kính khác tại Huế, Lăng Tự Đức hệt bức tranh cổ kính phảng phất dư vị hoài cổ nhưng vẫn quyến rũ và hấp dẫn đến lạ. Nếu có dịp về cố đô vào một ngày nắng đẹp, nhất định phải ghé thăm Lăng Tự Đức bạn nhé!