1Giới thiệu sơ lược về Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng
Được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, Đà Nẵng ngoài nổi tiếng có bãi biển thơ mộng, xinh đẹp, mà còn sở hữu những danh lam thắng cảnh đặc sắc, đẹp “hút hồn” nào là Cầu Rồng, Bà Nà Hills, núi Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm, bán đảo Sơn Trà, cầu Vàng, suối khoáng nóng núi Thần Tài… cùng một số lễ hội văn hoá náo nhiệt và sôi động, như là Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội Phật Bà Quan Âm… Trong số đó, nổi bật là Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng. Đây là lễ hội truyền thống rất nổi tiếng, có từ lâu đời và được tổ chức thường niên, được rất nhiều người dân địa phương cũng như các tín đồ “xê dịch” háo hức tham gia khi check-in Đà Nẵng. Cùng MIA.vn tìm hiểu về lễ hội này bên dưới nhé!
2 Câu chuyện về sự ra đời của Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng
Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng ra đời từ câu chuyện xưa và có mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt.
Theo sử sách xưa của làng chài đã ghi lại, vào ngày 23/3 và 24/3 Âm Lịch năm Quý Tỵ (1893), các ngư dân của làng chài Thanh Khê và Hà Khê hành nghề cầu khơi và đã gặp bão lớn. Thật không may là hơn 1500 ngư dân đã chết và mất tích trên biển khơi lạnh lẽo ngoài kia. Sau mất mát đau thương ấy, người dân đã tiến hành lập nhà thờ Tập Linh để quy tụ, thờ cúng những ngư dân gặp nạn. Mãi đến năm Tân Mùi 1991, nhà thờ Tập Linh mới được trùng tu, và được người dân làm ghe, thuyền này để thờ cúng, sau đó là lưu lại cho con cháu đời sau.
Bắt nguồn từ nét hoạt động ngư nghiệp của cư dân tại các vạn chài, Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng gần giống như một tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông (Cá Voi) gắn liền đến sự phát triển bền vững và lâu dài trên biển cả của các ngư dân. Vậy tại sao lại cúng Cá Voi? Theo cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, thì đây là loài cá có mối quan hệ gắn bó vô cùng mật thiết, được ví như vị Thần hộ mệnh với nghề biển. Lễ Cầu Ngư Đà Nẵng cũng sẽ là cơ hội để thể hiện lòng biết ơn đối với vị phúc thần này bởi đã nhiều lần giúp đỡ ngư dân, ghe thuyền vượt qua hoàn cảnh thiên nhiên khó khăn, sóng to gió lớn trên biển cả mênh mông. Tiếp đến sẽ là lời cầu nguyện xin Thần Linh Nam Hải ban cho một năm mới “Trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”, “tấn tài, tấn lộc, tấn bình an”.
Hơn thế nữa, Lễ hội cầu Ngư Đà Nẵng sẽ là dịp để bà con ở đây động viên nhau giữ gìn nghề truyền thống, bám biển mưu sinh, sau đó là giúp họ xây dựng nét sinh hoạt văn hóa truyền thống qua các trò chơi dân gian, tạo động lực cho mùa ra khơi đánh bắt mới.
3Thời gian và địa điểm tổ chức Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng
Hằng năm, cứ đến hẹn lại lên, từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng Âm Lịch, nhiều người dân Đà Nẵng và các tín đồ “cuồng chân” đều “đứng ngồi không yên”, nô nức khai hội Lễ Hội Cầu Ngư Đà Nẵng. Lễ hội độc đáo này thường được diễn ra thường niên tại miếu Thuyền, đường Nguyễn Tất Thành, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Theo truyền thống từ xưa, thì cứ “tam niên đáo lệ” (3 năm một lần), sẽ tổ chức long trọng nhất.
4Lễ hội Cầu Ngư Đà nẵng được diễn ra như thế nào?
Cũng giống như các lễ hội thông thường khác, Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng sẽ bao gồm 2 phần là phần Lễ và phần Hội. Trước kia, lễ hội được diễn ra 3 ngày, từ mùng 10 tháng Giêng đến 12 tháng Giêng Âm Lịch. Trong 3 ngày ấy, thì mọi người đều phải tắt bếp, tổ chức ăn cơm chung với nhau. Hiện nay, có vài nơi chỉ tổ chức trong 2 ngày. Ngày đầu tiên, ngư dân Đà Nẵng diễn ra lễ tiên thường và ngày hôm sau sẽ là ngày lễ chính thức.
Đầu tiên là phần Lễ của Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng, bao gồm Lễ Nghinh Ông, lễ cầu an, cầu ngư trên biển với mục đích tưởng nhớ các bậc tiền nhân quá cố. Ở phần này, bàn thờ sẽ được trang hoàng hết sức rạng rỡ và trang nghiêm. Còn ở nhà, các ngư dân sẽ đặt bàn hương án, bày đồ lễ cúng. Trên tàu thuyền đều sẽ được giăng đèn kết hoa, trang trí vô cùng bắt mắt.
Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng nhằm tưởng nhớ các bậc tiền nhân quá cố, đồng thời cầu mưa thuận gió hòa, cầu an cho dân làng đánh bắt hải sản thuận lợi. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp bà con duy trì nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống, khuyến khích, động viên nhau có một mùa ra khơi bội thu.
Sau phần Lễ nghiêm trang, là đến phần Hội nhộn nhịp và sôi động của Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng. Với mục đích nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các ngư dân khi lênh đênh trên biển cả, tạo khí thế cho một mùa đánh cá mới, người dân và các tín đồ “xê dịch” sẽ tham gia các trò chơi dân gian mang đậm đặc trưng vùng biển, có thể kể đến như lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng… Còn về văn nghệ, bạn sẽ được nghe những dòng nhạc truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc như hát tuồng, hò bá khoan, đặc biệt là múa hát bả trạo (bả: có nghĩa là nắm, trạo mang ý nghĩa chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, khi phải vượt qua muôn ngàn sóng to gió lớn mới mang về một mùa bội thu.
Sau đó, vào buổi tối, làng còn mời các đoàn hát bội, ca Huế và diễn miễn phí. Ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng lễ thả thuyền cúng các linh hồn đã mất trên biển, lễ phóng sanh, hay lễ phá cỗ…
Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng không chỉ đơn giản là hoạt động tín ngưỡng, “liều thuốc” tâm linh, mà còn là nơi để giữ gìn nhiều loại hình nghệ thuật đã ra đời và vẫn được giữ gìn, lưu truyền cho đến tận ngày nay. Đây là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy. Đừng bỏ lỡ những lễ hội Đà Nẵng của MIA.vn nhé!