Tỉnh Bến Tre có địa hình tiếp giáp với biển Đông và sở hữu đường bờ biển chạy dài khoảng 65km qua 3 tỉnh Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Chính vì thế, các cư dân ở xứ dừa Bến Tre quanh năm bám biển mưu sinh đã có tục thờ cá Ông và từ thuở xa xưa và lễ hội Nghinh Ông Nam Hải cũng bắt nguồn từ tín ngưỡng này. Đối với người dân Bến Tre, đây là một trong những lễ hội cực kỳ quan trọng và cũng là dịp để thư giãn, vui chơi sau những ngày bận rộn công việc đồng áng. Ngày nay, lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre đã trở thành một nét văn hóa truyền thống lâu đời của bà con trong vùng, đồng thời thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương đến tham dự mỗi năm.

Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre, tín ngưỡng thiêng liêng của người miền biển 2

Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre bắt nguồn từ tục thờ cá Ông của cư dân miền biển. Ảnh: mcliebe

Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre là dịp để người dân sinh sống bằng nghề biển bày tỏ lòng biết ơn đến cá Ông (cá voi) và gửi gắm niềm tin, hy vọng vào vị thần hộ mệnh linh thiêng luôn cứu giúp họ mỗi lúc gặp hiểm nguy giữa biển khơi. Ngoài ra, đây còn là nghi thức cầu cho biển lặng, mưa thuận gió hòa, giúp ngư dân có được mùa đánh bắt thuận lợi và bình an. Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre cũng phản ánh ước mơ tốt đẹp của cư dân miền Biển là mong muốn được “ăn nên làm ra”, thuận buồm xuôi gió và không bao giờ quên ơn nghĩa, công đức của Tổ nghiệp. 

Xem thêm: Lễ hội trái cây ngon, an toàn Bến Tre, nơi tụ hội sản vật phong phú

Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre, tín ngưỡng thiêng liêng của người miền biển 3

Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre được tổ chức nhằm bày tỏ lòng biết ơn đến thần biển và cầu mong ra khơi bình an, mưa thuận gió hòa và đánh bắt được bội thu

Hầu hết các huyện ven biển ở tỉnh Bến Tre đều có lăng thờ phụng cá Ông và tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải rất long trọng vào các thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại là có quy mô hoành tráng nhất và được xem là một trong những lễ hội tại Bến Tre tiêu biểu. Hằng năm, lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre ở Bình Đại kéo dài từ ngày 15 - 17 tháng 6 âm lịch, thu hút đông đảo sự tham gia của các ngư dân và khách du lịch. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, người dân Bến Tre cũng tạm gác lại mọi công việc để tụ tập về đây nhằm tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với thần Ông, đồng thời ngồi lại với nhau cùng chuyện trò, trao đổi công việc và thỏa sức vui chơi, ăn uống. 

Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre, tín ngưỡng thiêng liêng của người miền biển 4

Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Bình Đại có quy mô lớn nhất và diễn ra từ ngày 15 - 17 tháng 6 âm lịch hằng năm

Khác với lễ hội Dừa Bến Tre, lễ hội Nghinh Ông Nam Hải được chia thành hai phần là phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ hầu như diễn ra ở trên mặt biển. 

Phần lễ được tổ chức cực kỳ long trọng với nhiều nghi thức trang nghiêm như lễ Túc yết, lễ Nghinh Ông, lễ tế Tiền hiền - Hậu hiền, lễ Chánh tế và lễ xây chầu đại bội. Đến ngày tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre, tất cả các ghe, thuyền cùng với ngư dân và bà con địa phương đều nô nức tập trung tại cửa biển. Mỗi chiếc ghe, thuyền đều được trang trí nhiều màu sắc bắt mắt, chăng đèn và kết hoa rực rỡ. Ở đầu mũi thuyền, người chủ sẽ bày sẵn một mâm cúng bao gồm trái cây, xôi, thịt, cặp vịt luộc, đầu heo cúng với nhang khói nghi ngút tạo nên bầu không khí hết sức tôn kính. 

Nghi thức quan trọng nhất của toàn bộ lễ hội chính là Nghinh Ông, yêu cầu mọi cư dân miền biển đều phải tham dự và tất cả thuyền, ghe cùng tiến ra khơi để cử hành lễ. Dẫn đầu đoàn thuyền Nghinh Ông là ông Chánh bái và Phó Chánh bái, theo sau là 4 học trò lễ, 4 đào thài, 8 người mang bát cửu, 1 người cầm cờ ghi chữ Nam Hải, 4 người khiêng long đình và cuối cùng là 2 người cầm lọng.

Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre, tín ngưỡng thiêng liêng của người miền biển 5

Vào ngày lễ, tất cả các ghe, thuyền đều trang trí rực rỡ và tiến ra khơi 

Trong nghi thức Nghinh Ông, chiếc thuyền có số chẵn là những thuyền của gia chủ làm ăn phát đạt nên sẽ dẫn đầu đoàn, gọi là thuyền lễ. Trên thuyền đặt một bàn bày đủ các lễ vật để cúng bái, gồm có 1 con heo quay, 2 đĩa lòng, 1 đĩa bánh hỏi cùng với hoa quả. Sau thuyền lễ là đến thuyền múa lân và kế tiếp là hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân. Trên mỗi chiếc thuyền đều bày đồ cúng và cứ thế tiến ra khơi để cử hành nghi lễ. 

Thuyền lễ, thuyền múa lân và đoàn thuyền ngư dân đều thả một sợi dây có buộc chùm vải màu ngũ sắc xuống nước. Khi đoàn thuyền tiến đến chỗ giáp nước (giữa sông và biển) thì sẽ lượn xung quanh nhiều vòng. Lúc này, ông Chánh bái sẽ bắt đầu đợi cá Ông lên vọi. Ngư dân miền biển tin rằng nếu gặp cá Ông lên vọi thì là điềm lành, năm đó tất gặp may mắn, làm ăn phát đạt. Sau khi làm lễ, đoàn thuyền sẽ rước Nghinh Ông về lăng và hoàn thành các thủ tục, nghi thức khấn vái tiếp theo để bày tỏ lòng thành kính.

Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre, tín ngưỡng thiêng liêng của người miền biển 6

Dẫn đầu là thuyền lễ, thuyền múa lân và theo sau là hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân

Nối tiếp phần lễ là phần hội với bầu không khí cực kỳ sôi nổi và hào hứng. Xuyên suốt thời gian diễn ra phần hội, mọi người sẽ được tham gia nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như kéo co, đẩy gậy, múa lân, nhảy dây… Không chỉ thế, tất cả còn ngồi lại cùng nhau để nhâm nhi các món đặc sản dân dã và trò chuyện thân tình. Tham dự lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre, bạn không chỉ cảm nhận được sự hiếu khách, nồng hậu của người dân bản địa mà còn có cơ hội thăm thú các khu du lịch biển và trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa khác. 

Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre, tín ngưỡng thiêng liêng của người miền biển 7

Hoạt động múa lân tưng bừng và náo nhiệt trong lễ hội. Ảnh: Du lịch Bến Tre

Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre từ lâu đã là một nét đẹp văn hóa và tín ngưỡng quan trọng đối với người dân bản xứ. Nếu có thời gian, bạn hãy đến Bến Tre một lần vào dịp lễ hội Nghinh Ông để cảm nhận sự vui tươi, nhộn nhịp của và mảnh đất và con người nơi đây nhé. Đừng quên đem theo cẩm nang du lịch vì vùng đất này vẫn còn rất nhiều lễ hội độc đáo và thú vị khác đấy!