1 Lễ hội tại Bến Tre có gì đặc sắc?
Đối với người dân ở xứ dừa Bến Tre, lễ hội luôn là một phần không thể thiếu được trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Các lễ hội tại Bến Tre luôn mang ý nghĩa tôn vinh những giá trị văn hóa địa phương, ghi nhớ công ơn to lớn của các bậc Tiền hiền, Hậu hiền đồng thời đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của bà con bản xứ, góp phần không nhỏ trong việc hình thành nên phong tục tập quán và tính cách, phẩm chất người dân qua mỗi thế hệ. Để bạn hiểu rõ hơn về nét đẹp độc đáo này và không bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm khi đến với xứ dừa, sau đây MIA.vn sẽ gợi ý những lễ hội tại Bến Tre đặc sắc nhất.
Xem thêm: Lễ hội Kỳ Yên Bến Tre, nét đẹp văn hóa từ thời mở cõi
2 Top 5 lễ hội nổi tiếng nhất vùng đất Bến Tre
Lễ hội truyền thống cách mạng là một trong những lễ hội tại Bến Tre với mục đích kỷ niệm ngày chiến thắng lẫy lừng của nhân dân xứ dừa trong phong trào Đồng Khởi năm 1960. Hằng năm, lễ hội được tổ chức vào ngày 17/01 ở Khu di tích Đồng Khởi thuộc xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. Đây là dịp để mọi người ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của "Đội quân tóc dài" tỉnh Bến Tre với lực lượng phụ nữ cực kỳ đông đảo, nhằm khẳng định giá trị lịch sử và vai trò to lớn của người nữ thanh niên xung phong, các bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người đã đóng góp sức mình trong công cuộc thống nhất non sông đất nước.
Ngày nay, lễ hội truyền thống cách mạng đã được tổ chức với quy mô rất hoành tráng, bao gồm sân khấu lớn cùng nhiều hoạt động văn nghệ nhằm tái hiện lại hình ảnh ngọn đuốc rực sáng và khí thế hào hùng bất diệt trong ngày Đồng Khởi năm xưa. Từ khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, lễ hội tại Bến Tre này ngày càng trở nên nổi tiếng và thu hút rất đông khách thập phương nhất là các em học sinh, sinh viên đến tham dự.
Lễ hội trái cây ngon, an toàn là một trong những lễ hội tại Bến Tre diễn ra thường niên, được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 âm lịch (ngày Tết Đoan Ngọ) tại huyện Chợ Lách. Lễ hội trái cây ngon, an toàn Bến Tre có mục đích chính là triển lãm, giới thiệu các loại cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng miền Tây và tôn vinh những người nông dân, nghệ nhân tiêu biểu của vùng đất địa linh nhân kiệt này. Đây còn được xem là một diễn đàn để những hộ kinh doanh miệt vườn, các cơ sở, chuyên gia cùng bà con nông dân tứ xứ có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch, an toàn, hữu cơ và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân. Bên cạnh đó, lễ hội trái cây ngon, an toàn Bến Tre cũng là lời mời gọi, thu hút các nhà đầu tư hợp tác về nông nghiệp và liên kết phát triển mô hình sản xuất những nông sản đặc trưng của địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch của tỉnh.
Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải là một lễ hội tại Bến Tre xuất phát từ tục thờ cá voi (cá Ông) của ngư dân địa phương. Lễ hội này có ý nghĩa bày tỏ tấm lòng tri ân đến vị thần biển linh thiêng và cầu mong cho sóng yên biển lặng, đánh bắt được bội thu. Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải đã được công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là niềm tự hào to lớn của người dân Bến Tre, đặc biệt là cư dân vùng biển. Hiện nay, lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa có sức ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng, thu hút rất nhiều ngư dân bản địa và các tỉnh thành khác đến tham gia, góp phần làm phong phú thêm những hoạt động lễ hội ở xứ dừa.
Mặc dù toàn tỉnh có tới 12 lăng thờ cá Ông tọa lạc tại những huyện ven biển như Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú… nhưng lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre ở xã Bình Thắng (huyện Bình Đại) được xem là có quy mô lớn nhất. Lễ hội thường được tổ chức trên biển từ ngày 15 đến ngày 16 tháng 6 âm lịch hằng năm, bao gồm nhiều nghi lễ long trọng như Túc Yết, Nghinh Ông, Chánh Tế và xây chầu đại bội. Sau phần lễ sẽ đến phần hội vô cùng sôi nổi và náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian thú vị như kéo co, múa lân, đẩy gậy...
Lễ hội truyền thống văn hóa là một trong những lễ hội tại Bến Tre nhằm tưởng nhớ về nhà thơ yêu nước và cũng là người thầy tài đức của dân tộc - Cụ Nguyễn Đình Chiểu. Hằng năm, lễ hội này được tổ chức vào ngày 01/07 (ngày sinh của cụ Nguyễn Đình Chiểu) tại quần thể di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu thuộc xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội truyền thống văn hóa, phần lễ được tổ chức hết sức long trọng với các nghi thức cúng bái, dâng hương và thăm viếng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu. Sau phần lễ là phần hội với rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như hội thi nấu ăn, hội thi đờn ca tài tử, bốc thuốc Nam, hát cải lương, biểu diễn trống hội, võ thuật… khiến bầu không khí trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Lễ hội tại Bến Tre này là một trong những sự kiện văn hóa đặc biệt của tỉnh với quy mô mang tầm quốc gia, có ý nghĩa tôn vinh giá trị to lớn của cây dừa, những sản phẩm từ dừa và các nghệ nhân, nông dân gắn bó mật thiết loại cây trứ danh này qua bao thế hệ. Lễ hội Dừa Bến Tre gồm có các hoạt động như Vui hội Làng Dừa, Triển lãm sản phẩm từ dừa, hội thảo về giá trị của cây dừa, hội chợ thương mại, tour du lịch "Trải nghiệm vùng sông nước miệt vườn xứ dừa"... nhằm kết hợp quảng bá và xúc tiến du lịch của tỉnh.
Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ hội Dừa Bến Tre còn diễn ra những hoạt động mang tính truyền thống với mục đích giới thiệu về hình ảnh đất và người Bến Tre như liên hoan ẩm thực, ngày hội áo bà ba, trình diễn thời trang dừa… Tính đến thời điểm hiện tại, lễ hội đặc sắc này đã tổ chức 9 lần cấp tỉnh cùng với 5 lần cấp quốc gia, hoàn toàn khẳng định được sức ảnh hưởng với sự tham dự của hàng nghìn lượt khách cả trong và ngoài nước.
Lễ hội Kỳ yên đã xuất hiện từ rất lâu trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt nói chung và bà con xứ dừa nói riêng. Đây là một nét đẹp văn hóa đã có từ thời khai hoang mở cõi, là dịp để người dân địa phương tạ ơn Thành Hoàng, bày tỏ lòng tôn kính đến những bậc Tiền hiền có công khai khẩn, Hậu hiền khai cơ và cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tươi tối, mưa thuận gió hòa. Hiện nay lễ hội Kỳ yên Bến Tre được tổ chức tại hơn 100 ngôi đình phân bổ khắp các huyện trên địa bàn tỉnh.
Lễ hội tại Bến Tre này thường diễn ra 2 lần trong năm, lần đầu vào dịp thượng điền (trung tuần tháng 11, tháng 12 âm lịch) và lần hai vào dịp hạ điền (trung tuần tháng 3, tháng 4, tháng 5 âm lịch). Vào mỗi đợt tổ chức, lễ hội Kỳ yên sẽ kéo dài 3 ngày với các nghi thức như lễ Túc Yết, lễ Tiền Vãng, lễ Chánh Tế (lễ cúng Thành Hoàng Bổn Cảnh) và xây chầu đại bội.
Có thể nói, các lễ hội tại Bến Tre đã góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của xứ dừa đến với người dân trên mọi miền Tổ quốc. Đừng ngần ngại lưu lại những lễ hội này vào cẩm nang du lịch Bến Tre của bạn để không bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm nhé.