1Định vị chính xác tọa độ của lầu Ngũ Phụng trên tấm bản đồ du lịch cố đô
Địa chỉ: phường Phú Hậu, thành phố Huế
Thời gian mở cửa: tất cả các ngày trong tuần, sáng từ 5:00 đến 17:00, tối từ 19:00 đến 22:00
Giá vé:
- Người lớn: 150.000 VNĐ / người
- Trẻ em: 30.000 VNĐ / người
- Trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí hoàn toàn giá vé
Từ lâu, xứ Huế đã luôn nổi tiếng khắp chốn xa gần khi may mắn sở hữu những điểm tham quan nổi tiếng mang đậm dấu ấn kiến trúc của một thời phong kiến ngày trước. Với hệ thống lăng tẩm, đền đài cùng chùa chiền được xây dựng theo phong cách đậm đà màu sắc Nho giáo kết hợp hài hòa với nét đẹp truyền thống, những Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Tự Đức, điện Hòn Chén, Chùa Thiên Mụ từ lâu đã luôn là điểm tham quan yêu thích của nhiều người. Và lầu Ngũ Phụng cũng thế.
Xem thêm: Lăng Tự Đức – Nơi an giấc đầy nhã nhặn của vị vua với tâm hồn thi sĩ mộng mơ, uyên bác
2Đến tham quan lầu Ngũ Phụng vào thời điểm nào trong năm là thích hợp nhất?
Là nơi giao thoa giữa hai miền Nam – Bắc, thế nên khí hậu tại cố đô Huế cũng là sự kết hợp hài hòa giữa cái nóng oi ả vốn có của miền Nam và cả khí trời se se lạnh của miền Bắc nữa. Nhìn chung, khí hậu tại Huế thường không quá ngạc nghiệt và tương đối ôn hòa. Thông thường, mùa bão tại Huế bắt đầu vào khoảng tầm tháng 5 đến tháng 11, thế nên bạn nên theo dõi kĩ tình hình thời tiết nếu có ý định khám phá Huế trong thời gian này nhé.
Ngoài mùa mưa bão với những ngày mưa dầm liên miên có khi kéo dài suốt cả tuần không ngớt thì khí hậu tại mảnh đất của sông Hương núi Ngự tương đối dễ chịu, cực kỳ thích hợp để bạn đi tham quan các điểm ngoài trời và có diện tích rộng lớn như lầu Ngũ Phụng và Ngọ Môn Huế.
Bật mí với bạn là vào khoảng tháng 4 và tháng 6 mỗi năm, Huế thường tổ chức các dịp Festival với đa dạng các trò chơi và hoạt động mang đậm màu sắc dân gian truyền thống, thế nên thường vào những dịp này, mọi người cũng đến Huế đông hơn cả. Đặc biệt hơn, tại khu vực Ngọ Môn Huế và lầu Ngũ Phụng vào thời gian này cũng thường được lựa chọn làm nơi tổ chức những hoạt động biểu diễn nghệ thuật cung đình đặc sắc nữa đó.
3 Bạn có thể đến tham quan lầu Ngũ Phụng bằng các loại phương tiện nào là hợp lý nhất?
Nằm yên bình nơi bờ Bắc sông Hương và án ngữ ngay tại vị trí trung tâm của thành phố Huế, thế nên bạn có thể dễ dàng ghé đến tham quan lầu Ngũ Phụng – một trong những công trình kiến trúc đặc sắc bậc nhất triều Nguyễn vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Các loại phương tiện di chuyển chính thường được mọi người lựa chọn là xe máy, xe đạp hoặc xe taxi.
Hiện nay trong khu vực trung tâm thành phố Huế có nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ thuê xe máy theo ngày với mức giá dao động trong tầm từ 120.000 VNĐ đến 150.000 VNĐ tùy theo loại xe mà bạn chọn, có thể là xe số hoặc xe ga. Bạn chỉ việc liên hệ trước với cửa hàng và họ sẽ mang xe đến tận khách sạn bạn đang lưu trú. Lưu ý rằng nếu có ý định tham quan bằng xe máy, bạn nên chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân cần thiết nhé. Ngoài ra trong suốt đoạn đường di chuyển, bạn nên chú ý tuân thủ luật giao thông để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người xung quanh nữa.
Hoặc nếu cái nắng oi ả đặc trưng của xứ Huế khiến bạn có chút e dè khi phải di chuyễn với quãng đường xa, tại sao không lựa chọn taxi đúng không nè? Hiện nay tại Huế có nhiều hãng taxi đang hoạt động với đội ngũ xe cao cấp, sang trọng cùng cung cách phục vụ thân thiện, nhiệt tình và niềm nở. Giá cho mỗi chiều di chuyển dao động trong tầm 80.000 VNĐ thôi, quá là phù hợp luôn.
Các hãng taxi mà bạn có thể tin tưởng lựa chọn làm bạn đồng hành trong suốt hành trình là hãng taxi Mai Linh, taxi Phú Xuân Huế, taxi Vina Sun Huế, taxi Thành Công Huế, Hue Private Taxi, Taxi Vàng, Taxi Hương Giang, Taxi Hoàng Anh, v.v. Bạn có thể đặt xe bằng việc gọi trực tiếp đến số điện thoại của hãng hoặc đặt thông qua app (tùy hãng) đều được nhé.
4Những điều làm nên sự đặc biệt nơi lầu Ngũ Phụng
Sở dĩ được đặt tên là lầu Ngũ Phụng là bởi vì theo điển tích xưa, nhìn từ xa lầu có hình dáng hệt như 5 con chim phụng hoàng đang đậu liền nhau vậy. Thế nên từ đó, công trình đặc biệt nơi Ngọ Môn Huế mới được đặt tên là lầu Ngũ Phụng cũng vì lẽ đó.
Tuy nhiên trên thực tế, lầu Ngũ Phụng chính là tổ hợp kiến trúc với 9 chiếc lầu được ghép nối liền mạch với nhau. Thậm chí trong dân gian Huế ngày trước vẫn tồn tại một câu ca dao nhắc về lầu Ngũ Phụng tồn tại cho đến tận ngày nay.
“Ngọ Môn năm cửa chín lầu,
Một lầu vàng tám lầu xanh ba cửa thẳng hai cửa quanh.”
Hai câu ca dao này đã thật sự mô tả một cách chính xác và sinh động hơn cả cấu trúc của lầu Ngũ Phụng. Công trình kiến trúc này gồm chín ngôi lầu với hai tầng và có kiểu thức khá đồng nhất với nhau, cho dù có quy mô và kích thước khác nhau.
Thật ra, lầu Ngũ Phụng gồm 5 tòa lầu chính và 4 tòa lầu phụ, được chia thành 3 dãy xếp thẳng góc với nhau. Trong đó, dãy chính của lầu chính là phần giữa, tức là năm ngay đáy chữ U. Ở dãy chính giữa này, phần trung tâm chính là một tòa lầu được thiết kế kiểu 3 gian 2 chái, có chiều cao nổi bật hơn hẳn các ngôi lầu còn lại tại lầu Ngũ Phụng. Nối qua hai bên chính là hai dãy lầu phụ. Thực ra cũng không hẳn là lầu phụ nữa, nói đúng thì chỉ là những đoạn hành lang được nâng cấp để tương xứng và đồng nhất với tổng thể ngôi lầu mà thôi.
Hai dãy hai bên cánh của lầu Ngũ Phụng gồm 2 tòa lầu chính và 1 tòa lầu phụ. Tuy nhiên, lầu phụ này cũng chỉ là những đoạn hành lang được nâng cấp mà thôi. Toàn bộ 9 ngôi lầu trong tổng thể cấu trúc lầu Ngũ Phụng được liên kết với nhau một cách khéo léo, từ hệ thống khung nhà đến phần mái lợp. Duy chỉ có tòa lầu chính là được lớp bằng ngói ống màu vàng, tức là ngói hoàng lưu li. Trong khi đó, 8 tòa lầu còn lại đều được lớp ngói thanh lưu li màu xanh. Đây cũng là lý do vì sao người ta thường nói Ngọ Môn có một lầu vàng cùng tám lầu xanh là như vậy.
Được xây dựng trên một nền cao 1.14m và xây ngay trên phần nền đài vốn đã cao hơn 5m, thế nên lầu Ngũ Phụng có chiều cao cực kỳ ấn tượng. Toàn bộ phần nền lầu được xây bó vỉa cực kỳ chắc chắn bằng gạch vồ và đá thanh, còn phần mặt nền được lát gạch hoa xi măng kiểu Pháp (trước kia nền được lát gạch Bát Tràng tráng men).
Bộ khung của lầu Ngũ Phụng cực kỳ chắc chắn khi được chống bởi 100 cây cột, được làm hoàn toàn từ gỗ lim được sơn son thếp vàng. Trong đó, 48 cây cột phía trong ăn xuyên qua cả hai tầng. Hệ thống cột và bộ khung gỗ này cực kỳ chác chắn, có thể đỡ toàn bộ 9 bộ mái lớn của lầu và vẫn đứng vững trong mưa gió. Đặc biệt hơn, khi cơn bão năm Thìn 1904 đổ bộ khiến cầy Trường Tiền gãy sụp thì lầu Ngũ Phụng vẫn hiên ngang đứng vững, bấy nhiêu đó thôi đã đủ thấy lầu Ngũ Phụng chắc chắn đến dường nào.
Có nhiều giả thuyết được mọi người đặt ra liên quan đến con số 100 cây cột. Trong đó, người ta cho rằng dây là con số tổng của Hà Đồ và Lạc Thư trong kinh dịch, là biểu tượng của sự hài hòa ‘âm dương nhất thể’, là sức mạnh trăm họ, đồng thời là biểu tượng của tư bản ‘dân vi bản’ của các triều vua nhà Nguyễn ngày trước.
Phần lớn các tầng lầu bên dưới của lầu Ngũ Phụng đều để trống, trừ tòa nhà chính giữa là được trang bị hệ thống cửa kiểu “thưởng kính hạ bản” ở mặt trước và che ván vách ở các mặt lại, đảm bảo sự kín đáo cho nơi thiết ngự tọa của vua khi ngồi dự lễ. Ở hai bên cánh được bố trí theo nguyên tắc truyền thống “tả chung hữuu cổ”, nên gian ở góc trái bên cánh chữ U có đặt một chiếc chuông, trong khi gian bên phải đặt một chiếc trống.
Ngày nay, chiếc trống đã được phục chế, còn chiếc chuông vẫn là chiếc chuông ngày trước với chiều cao 4 thước, nặng 815kg. Đây là chiếc chuông được vua Minh Mạng sai đúc vào năm 1822. Trong khi đó, phần trên của lầu được che chắn kín, mặt trước giữa dựng cửa lá sách, xung quanh dựng ván, có trổ nhiều cửa sổ với kiểu dáng phong phú với nào hình tròn, rẽ quạt, chiếc khánh, v.v.
Các hệ thống của sổ ở đây cùng hệ thống lan can con được làm toàn từ gỗ (ở tầng trên) và làm từ gạch hoa đúc rỗng ở xung quanh nền đài khiến cho tổng thể kiến trúc lầu Ngũ Phụng trở nên nhẹ nhàng và thanh thoát hơn hẳn.
Phần mái của lầu Ngũ Phụng cũng chẳng kém cạnh là bao khi được trang trí bằng các họa tiết công phu, tinh tế. Bờ nóc và bờ quyết được trang trí hình rồng, giao đắp bằng vôi sữa và sành sứ, hệt như mái điện Thái Hòa. Giữa bờ nóc tòa lầu là bình hồng lô bằng pháp lam sắc vàng rực rỡ, và dải bờ nóc ngay bên dưới được trang trí bằng các ô thơ và vật quý trong bát bửu, hoa lá biểu tượng cho tứ quý, từ thời theo kiểu “nhất thi nhất họa”.
Trong khi đó, các ô khác thuộc bờ nóc, bờ quyết và các đầu hồi của mái lầu được trang trí với vô số các hình ảnh về rồng, giao, dơi ngậm kim tiền, hoa lá, v.v. Điều này khiến cho phần mái nơi lầu Ngũ Phụng trở nên thanh thoát và uyển chuyển hơn cả.
Tuy là công trình kiến trúc đồ sộ, thế nhưng với cấu trúc và cách trang trí độc đáo, lầu Ngũ Phụng thật sự khoác lên mình tấm áo trang nhã và duyên dáng, uyển chuyển mềm mại đầy bất ngờ. Tuy trông có vẻ uy nghi và nghiêm trang là thế, ấy vậy nhưng lầu Ngũ Phụng lại rất hài hòa với cảnh quanh xung quanh, khiến cho nơi này trở thành một trong số những điểm tham quan tại Huế nổi bật hơn hẳn. Nếu có dịp về cố đô trong một ngày nắng đẹp, đừng quên ghé tham quan lầu Ngũ Phụng bạn nhé.