Vĩnh Châu là một trong những huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng, nhờ vị trí thuận lợi tạo điều kiện cho địa phương phát triển các nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Chính vì thế, đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân Vĩnh Châu từ lâu đều gắn liền với biển cả, thể hiện rõ nét ở các nghi lễ như tục cúng Phước Biển, thờ cá Ông hay Lễ hội Nghinh Ông v.v… Một trong những nơi thờ cá Ông nổi tiếng nhất ở Vĩnh Châu phải nhắc đến chùa Sala Phothi Seray Sakô.

Chùa Sala Phothi Seray Sakô còn được người dân trong vùng quen gọi với cái tên Wat Thmây hay Chùa Mới tọa lạc tại khóm Vĩnh Bình, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1938 với tổng diện tích 1 ha và được trùng xây mới ngôi sala vào năm 2018 để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của bà con Khmer trong tỉnh.

Ngôi chùa Sala Phothi Seray Sakô được nhiều người biết đến sau sự kiện cá Ông mắc cạn ở bờ biển Vĩnh Châu vào năm 2013 (nhằm mùng 7 tháng 9 âm lịch). Cùng ngày “Ông lụy”, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, trụ trì chùa Sala Phothi Seray Sakô đã tổ chức đưa cá Ông về mai táng trong khuôn viên chùa. Từ đó đến nay, ngày “Ông lụy” trở thành một ngày lễ cầu an lớn nhất của cư dân vùng Vĩnh Châu.

Xem thêm: Chùa Bốn Mặt Sóc Trăng, ngôi cổ tự 500 tuổi với kiến trúc độc đáo

Viếng chùa Sala Phôthi Sêrây Sakô nghe kể về truyền thuyết cá Ông 2

Chùa Sala Phothi Seray Sakô được nhiều người biết đến với ngôi mộ cá Ông 

Nằm cách trung tâm Thành phố Sóc Trăng khoảng 45 km về hướng Đông Nam, ngôi chùa còn được biết đến là nơi tu học của nhiều vị sư theo Phật giáo Nam tông. Để đến tham quan chùa, bạn có thể tìm kiếm trên Google Maps địa chỉ “Trường giáo lý Wath Sala Pôthi” và đi theo hướng dẫn trên bản đồ. 

Nằm cách đó không xa còn có Miếu Bà Thiên Hậu ở Vĩnh Châu và Chùa Đăy Ta Pay, bạn có thể kết hợp tham quan các địa điểm trên cùng một tuyến đường.

Viếng chùa Sala Phôthi Sêrây Sakô nghe kể về truyền thuyết cá Ông 3

Đường đi từ Thành phố Sóc Trăng đến chùa Sala Phothi Seray Sakô mất khoảng 1 tiếng lái xe

Giống như nhiều kiến trúc chùa ở Sóc Trăng khác, Sala Phothi Seray Sako được xây dựng với 1 cổng chính và 2 cổng phụ. Trong đó có 1 cổng phụ nằm bên ngoài gần Quốc lộ Nam Sông Hậu cách chùa khoảng 500m và 2 cổng còn lại nằm trong khu vực chùa. Từ cổng phụ ngoài đường Quốc lộ, sau khi băng qua những ruộng hành tím Vĩnh Châu được người dân địa phương trồng dọc hai bên đường, bạn sẽ đến được cổng chính của chùa Sala Phothi Seray Sakô.

Cánh cổng chùa Sala Phothi Seray Sakô có thiết kế đặc trưng của Phật giáo Khmer với 3 tông màu vàng, nâu, hồng làm chủ đạo. Phía trên cổng được trang trí bằng 5 bức tượng Phật Bốn Mặt Maha Prum và 4 phù điêu rắn Naga đắp nổi có phần đuôi tiếp giáp với hai đầu cột cổng. Riêng phần hàng rào ngôi chùa cao khoảng 2m trang trí bằng hình tượng búp sen, lá bồ đề và bánh xe pháp luân được đắp nổi. 

Bước qua cánh cổng chính là một công trình kiến trúc tách biệt hẳn với sự ồn ào bên ngoài. Như nhiều chùa Khmer Nam Bộ khác, chùa Sala Phothi Seray Sakô có chánh điện quay mặt về hướng Đông. Xung quanh ba hướng còn lại, bên ngoài hàng rào chánh điện là những ngôi tháp lớn nhỏ, cao thấp đủ hình dáng dùng để thờ hài cốt ông bà thân nhân của Phật tử. 

Viếng chùa Sala Phôthi Sêrây Sakô nghe kể về truyền thuyết cá Ông 4

Khuôn viên phủ đầy cây xanh và những ngôi tháp lớn nhỏ, cao thấp xung quanh chùa

Ngày trước, ngôi chánh điện cũ của chùa Sala Phothi Seray Sakô được thiết kế với kiến trúc, hoa văn tương tự như Chùa Dơi, nhưng qua thời gian đã bị xuống cấp trầm trọng mặc dù đã được trùng tu nhiều lần. Đến năm 2011 được sự thống nhất của ban quản trị chùa, chánh điện đã được khởi công xây dựng lại và hoàn công sau hơn 7 năm xây dựng. Ngoài việc sử dụng một số hoa văn truyền thống của người Khmer Nam Bộ, sau khi xây mới ngôi chùa còn được phối hợp thêm một số mô típ kiến trúc của Ấn Độ, Thái Lan nhằm làm phong phú và tạo điểm nhấn hơn.

Chánh điện chùa Sala Phothi Seray Sakô mới có diện tích hơn 600 m2 với hai tầng được xây dựng khang trang. Phần mái chánh điện được xây cao gồm 3 tầng xếp chồng lên nhau, tại mỗi góc mái có một tượng rắn Naga ngẩng cao đầu và ở đỉnh hình đuôi rắn dài uốn cong mềm mại. Phần ngọn là hình tượng bình hồ lô nhỏ dần và trên cùng được đặt một bóng đèn điện để tạo ánh sáng. Ở phần mái tiếp giáp với đầu cột chánh điện là hình tượng nữ thần Kâyno ở tư thế vươn vai đỡ lấy mái chùa. Điểm đặc biệt nhất trong kiến trúc mái chùa nằm ở hình tượng Thái tử Tất Đạt Đa phi Bạch Mã vào rừng xuất gia được đặt tại phần nóc giữa chánh điện.

Ngoài hình tượng đặc trưng trong Phật giáo Nam tông như rắn Naga, chim thần Krud, tiên nữ Keynor, trong chánh điện còn có những bức bích họa kể về cuộc đời của Đức Phật do các nhà sư trong chùa tự tay vẽ.

Viếng chùa Sala Phôthi Sêrây Sakô nghe kể về truyền thuyết cá Ông 5

Ngôi chánh điện chùa Sala Phothi Seray Sakô được hoàn công vào năm 2018 mới có kiến trúc khang trang như hiện tại. Ảnh: baosoctrang.org.vn

Ngoài lối kiến trúc nổi bật, chùa Sala Phothi Seray Sakô còn được biết đến với ngôi mộ cá Ông được xây dựng năm 2013. Ngôi mộ do bà con trong tỉnh đóng góp sức người sức của, long trọng tổ chức thỉnh xác cá Ông về chùa, xây mộ và hạ táng cho cá. Mộ cá Ông được xây dựng khang trang trong khuôn viên chùa, nằm phía tay phải cách cổng chính khoảng 50m. Vào ngày giỗ cá Ông mùng 7/9 âm lịch hằng năm, chùa Sala Phothi Seray Sakô thu hút hàng ngàn lượt tín đồ đến cúng bái, cầu an. 

Bên cạnh mộ cá Ông, tại chùa Sala Phothi Seray Sakô còn trưng bày 1 cặp hàm cá Ông cao khoảng 2m được thờ cúng từ năm 1935. Nhiều người quan niệm rằng vuốt hàm cá Ông rồi bôi lên đầu và trước ngực có thể cầu nguyện cho bản thân có sức khỏe và gia đình được bình an, hạnh phúc. 

Ngoài ra, vào rằm tháng 2 âm lịch hàng năm tại địa phương còn tổ chức Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu mang ý nghĩa tạ ơn biển cả đã ban cho nguồn hải sản dồi dào và cầu mong sự bình yên cho cư dân miền duyên hải.

Viếng chùa Sala Phôthi Sêrây Sakô nghe kể về truyền thuyết cá Ông 6

Ngôi mộ cá Ông nằm phía tay phải cách cổng chính khoảng 50m

Viếng chùa Sala Phôthi Sêrây Sakô nghe kể về truyền thuyết cá Ông 7

Vào ngày giỗ cá Ông hằng năm, chùa Sala Phothi Seray Sakô thu hút nhiều tín đồ đến cúng bái, cầu an

Viếng chùa Sala Phothi Seray Sakô nơi có ngôi mộ cá Ông nổi tiếng sẽ là một trải nghiệm thú vị trong sổ tay cẩm nang du lịch của bạn khi có dịp về vùng Vĩnh Châu. Không chỉ thế, Sóc Trăng còn rất nhiều phong tục lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa vẫn đang chờ bạn khám phá.