Sóc Trăng là nơi giao thoa của các nền văn hóa đa dân tộc, tạo nên sự độc đáo hấp dẫn tín đồ du lịch mỗi khi đặt chân đến vùng đất này. Nổi bật nhất phải kể đến quần thể kiến trúc tâm linh với hơn 200 ngôi chùa của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên toàn tỉnh. Bên cạnh Phật giáo Nam tông, tại đây còn sở hữu nhiều ngôi chùa theo hệ phái Bắc Tông như chùa Vĩnh Hưng, chùa Đại Giác, Thiền viện Trúc Lâm, Phước Lâm Tự Sóc Trăng v.v…
1 Lịch sử xây dựng Phước Lâm Tự Sóc Trăng
Phước Lâm Tự Sóc Trăng tọa tại số 76 ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên cách trung tâm thành phố khoảng 6.2 km. Ngôi tam bảo do Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Cơ khai sơn vào năm 1886. Ban đầu, nơi đây chỉ là cơ sở thờ tự đơn sơ xây trên nền đất công có mặt tiền quay về hướng Bắc.
Năm 1905 sau khi Đại lão Hòa thượng viên tịch, các vị sư từ nơi khác đến trụ trì chùa nhưng vì cơ duyên nên hầu như không ai trú được lâu. Cho mãi đến năm 1940 đến thời Hòa thượng Thích Huệ An làm trụ trì, ngôi chùa đã bị xuống cấp nặng nề, bắt buộc phải trùng tu xây dựng lại. Sau khi tu sửa, Hòa thượng Thích Huệ An đã chuyển mặt tiền chùa quay lại hướng Đông để thuận tiện cho Phật tử, bá tánh đến viếng chùa.
Sau khi Hòa thượng Thích Huệ An viên tịch, được sự tiến cử của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban hộ tự và Phật tử thỉnh nguyện Thượng tọa Thích Giác Thời về Phước Lâm Tự Sóc Trăng làm trụ trì từ năm 1988 cho đến nay. Một năm sau, vào lần khai hoang Hòa thượng đã phát hiện ra ngôi mộ Tổ trong khuôn viên chùa. Sau khi khai quật mộ, Hòa thượng Thích Giác Thời cho xây dựng ngôi Bảo Tháp để làm lễ thỉnh cốt sư Tổ vào. Ngoài ra, bà con Phật tử cũng có thể mang tro cốt người thân vào đặt trong ngôi Bảo Tháp để cầu nguyên cho linh hồn thân nhân được siêu độ.
Bên cạnh đó, Phước Lâm Tự Sóc Trăng còn là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Xem thêm: Viếng chùa Sala Phothi Seray Sakô nghe kể về truyền thuyết cá Ông
2 Hướng dẫn đường đi đến Phước Lâm Tự Sóc Trăng
Phước Lâm Tự Sóc Trăng nằm cách trung tâm thành phố chỉ khoảng hơn 6 km rất thuận lợi cho bạn đến thăm viếng trong ngày. Từ trung tâm thành phố, bạn di chuyển theo đường Lê Hồng Phong qua vòng xoay giao với đường An Dương Vương, đi khoảng 1 km nữa là đến nơi.
Vì khoảng cách khá gần, bạn có thể ngồi taxi hoặc thuê xe máy Sóc Trăng để đến tham quan chùa. Ngoài ra trên tuyến đường này còn có chùa Ba Thắc, Quan Đế Thánh Miếu, chùa Wath HLuông Ba Sắc, chùa Bãi Xàu v.v… Bạn có thể kết hợp trong lịch trình du lịch tâm linh một ngày ở Sóc Trăng.
3 Có gì đặc biệt tại Phước Lâm Tự Sóc Trăng?
Phước Lâm Tự Sóc Trăng tọa lạc trên mảnh đất có diện tích 9.000 m2 với nhiều công trình kiến trúc ấn tượng. Từ ngoài cổng bước vào, bạn sẽ nhìn thấy ngôi Đại hùng Bửu điện gồm 1 trệt, 1 lầu được khánh thành vào năm 2013. Trước Bửu điện là tượng phật Quan Âm ngự tòa sen được đặt trên 9 bậc thềm cao, mặt hướng về phía Đông.
Giống như những ngôi chùa ở Sóc Trăng theo Phật giáo Bắc Tông khác, kiến trúc Đại hùng Bửu điện rất ít hoa văn và chỉ sử dụng 2 màu hồng phớt và vàng nhạt làm chủ đạo. Tương tự chính điện Chùa La Hán, trên nóc Đại hùng Bửu điện có đặt tượng lưỡng long chầu nguyệt và bánh xe pháp luân ngự đài sen ở chính giữa mái ngói.
Bước vào bên trong, không gian Phước Lâm Tự Sóc Trăng được trang trí với những bao lam, câu đối và bức tranh đắp nổi trên trần nhà. Phần chánh điện là nơi thờ tự Phật Thích Ca, Đạt Ma Sư tổ, Phật nghìn mắt nghìn tay, Tiêu Diện Đại Sĩ, Tam Thế Phật, Phật Thích Ca… Ngoài ra, còn có các bức bích họa kể về sự ra đời của Thái tử Tất Đạt Đa và quá trình ngộ đạo của Ngài.
Bên cạnh Đại hùng Bửu điện, trong khuôn viên Phước Lâm Tự Sóc Trăng còn có các công trình khác như mộ tháp, giảng đường, hậu tổ, phòng thuốc Đông y và nhiều tượng đài thờ Địa Tạng Vương, núi Phổ Đà Sơn, tượng đài Đức Thích Ca ngồi nhập định v.v…
Tuy thuộc Phật giáo Bắc Tông, nhưng tu sĩ Phước Lâm Tự Sóc Trăng lại theo hệ phái Khất sĩ, đây là một hình thức tu tập dung hoà giữa hai phái Nam tông và Bắc tông ra đời ở miền Nam Việt Nam. Những người Hệ phái Khất sĩ đáng lý ra phải tu tập trong Tịnh xá, nhưng để ghi nhớ công ơn khai sơn và đặt tên ngôi tam bảo của Hòa thượng Thích Huyền Cơ mà vẫn giữ nguyên tên gọi Phước Lâm Tự Sóc Trăng đến hiện nay.
Bên cạnh những ngày lễ truyền thống theo nghi thức Phật giáo, Phước Lâm Tự Sóc Trăng còn tổ chức Lễ vía Quan Âm vào ngày 19 tháng 2, 6, 9 âm lịch, Lễ vu lan Phật Thích Ca thành đạo, Lễ húy kỵ Hòa thượng Thích Huyền Cơ và dâng cúng Pháp y được chư Tăng, Ni cùng đông đảo bà con Phật tử tham dự.
Không những đặc biệt về hệ phái tu hành và nghi lễ, Phước Lâm Tự Sóc Trăng còn là nơi chứng kiến nhiều câu chuyện tâm linh màu nhiệm. Một trong những câu chuyện được biết đến nhiều nhất là thân nhân liệt sĩ quê ở Nghệ An, nhờ sự báo mộng của vong linh mà tìm đến Phước Lâm Tự Sóc Trăng để xin nhận hài cốt bị chôn vùi phía sau vườn chùa suốt 42 năm.
Phước Lâm Tự Sóc Trăng với lịch sử hình thành lâu đời và quần thể kiến trúc ấn tượng hứa hẹn là địa điểm dừng chân lý tưởng cho ai muốn tìm kiếm chốn an yên nơi cửa Phật. Bạn đừng quên lưu ngôi chùa Phước Lâm vào cẩm nang du lịch của mình để đến viếng thăm khi có dịp về vùng đất Sóc Trăng nhé.