Ba làng Vân Cù, Giao Cù và Tây Lạc thuộc xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực được coi là quê hương của phở Nam Định. Phở Nam Định có hương vị đặc trưng nhờ sử dụng nước mắm cá và nước dùng được ninh từ xương bò kết hợp các loại gia vị như hành khô, gừng, thảo quả, hoa hồi, quế và các loại thảo dược khác. Nước mắm ngon là yếu tố quan trọng tạo nên hương vị đặc biệt của phở Nam Định mà không gì có thể thay thế.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 2

Phở Nam Định có hương vị đặc trưng nhờ sử dụng nước mắm cá và nước dùng được ninh từ xương bò. Ảnh: Việt Báo

Món phở Hà Nội có truyền thống lâu đời, được nhiều cá nhân và gia đình trao truyền kỹ thuật và bí quyết chế biến phở qua nhiều thế hệ. Phở Hà Nội được cho là xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 và từng là món quà bán rong phổ biến trên các phố phường từ những năm 1907-1910.

Xem thêm: Top 10 quán phở Hà Nội ngon nức tiếng ăn là ghiền

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 3

Món phở Hà Nội nổi tiếng có truyền thống lâu đời. Ảnh: Kênh 14

Nghề làm xôi tại Phú Thượng, quận Tây Hồ đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi Vật thể quốc gia vào tháng 2 năm 2024. Với hơn 600 hộ gia đình tham gia sản xuất và 3 cá nhân được phong nghệ nhân, làng nghề Phú Thượng là một trong những nơi hiếm hoi tại Thủ đô vẫn giữ được bếp lửa đỏ hàng ngày. Đặc biệt, hàng ngày có hàng tấn xôi từ làng Phú Thượng được vận chuyển khắp thủ đô, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 4

Nghề làm xôi tại Phú Thượng với những mâm xôi độc đáo. Ảnh: Quản lý Môi trường

Người dân Quảng An sử dụng bí quyết ướp trà truyền lại từ đời trước để tạo ra loại trà sen quý, mang lại giá trị kinh tế cao. Theo lời chia sẻ của các bậc cao niên, họ dùng hoa sen từ Đầm Trị thuộc quần thể Hồ Tây để ướp trà. Hiện tại, ở Hà Nội chỉ có gần chục nghệ nhân ướp trà sen, mỗi người sở hữu bí quyết riêng để tạo nên hương vị trà độc đáo.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 5

Người dân Quảng An sử dụng bí quyết ướp trà truyền lại từ đời trước. Ảnh: Tạp Chí Làng Nghề Việt Nam

Nghề làm cốm ở làng Mễ Trì có lịch sử hơn một thế kỷ với khoảng 100 hộ gia đình tại hai thôn Thượng và Hạ theo nghề. Cốm Mễ Trì nổi tiếng là cốm mộc, không pha màu, được gói bằng lá sen và buộc bằng rơm xanh, mang lại sự thơm ngon, tinh tế và hấp dẫn. Năm 2019, nghề làm cốm Mễ Trì được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 6

Nghề làm cốm ở làng Mễ Trì có lịch sử hơn một thế kỷ. Ảnh: Tiền Phong

Nghề trồng và chế biến chè Tân Cương xuất hiện từ những năm 20 của thế kỷ XX. Người dân Tân Cương áp dụng quy trình trồng và chăm sóc chè theo kinh nghiệm truyền thống từ khâu chuẩn bị đất, ươm giống, trồng chè đến việc bón phân, tưới nước, làm cỏ, thu hái, sao chè, đóng gói và bảo quản. Quy trình này đã tạo nên chất lượng đặc biệt cho sản phẩm chè Tân Cương so với các vùng khác.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 7

Người dân Tân Cương đã áp dụng phương pháp chế biến chè theo kinh nghiệm truyền thống. Ảnh: Kinh tế Việt Nam - Báo Công Thương

Giống như bánh chưng của người Kinh hay bánh dày của người Mông, bánh Khẩu xén và bánh Chí chọp là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Thái trắng tại Điện Biên. Đối với người Thái, bánh Khẩu xén mang ý nghĩa dâng lên tổ tiên và thần linh để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cuộc sống an lành.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 8

Bánh Khẩu xén và bánh Chí chọp là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Thái trắng. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Tục làm bánh chưng, bánh dày ở Phú Thọ trải rộng từ làng Dữu Lâu đến Hùng Lô, làng Mộ Chu Hạ (nay thuộc thành phố Việt Trì), làng Trúc Phê (nay thuộc thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông) và các vùng lân cận. Mặc dù bánh chưng, bánh dày được làm ở nhiều nơi nhưng tại Phú Thọ, việc làm bánh đã trở thành truyền thống văn hóa không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết và là nghi thức đặc biệt mà chỉ nơi đây có được. Thông qua các cuộc thi trong lễ hội để dâng lễ vật lên các Vua Hùng, Mẫu và các vị thần, tục làm bánh chưng, bánh dày ở Phú Thọ đã được cộng đồng bảo tồn và phát triển thành một nghề truyền thống độc đáo.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 9

Làm bánh chưng bánh dày đã trở thành truyền thống văn hóa không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết tại Phú Thọ. Ảnh: Dân trí

Làng nghề nước mắm Nam Ô có lịch sử từ thế kỷ 18 và được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia năm 2019. Nước mắm Nam Ô nổi tiếng bởi công thức “3 cá 1 muối” mang đậm hương vị biển miền Trung.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 10

Nước mắm Nam Ô nổi tiếng bởi công thức “3 cá 1 muối”. Ảnh: VinWonders

Nghề làm bánh tráng Túy Loan có lịch sử từ lâu đời và hiện tại chỉ còn 15 hộ dân tập trung chủ yếu ở thôn Túy Loan duy trì nghề truyền thống này.

Bánh tráng ở đây được làm hoàn toàn thủ công, với thành phần chính từ bột gạo và các nguyên liệu như mè, gừng, tỏi, đường, nước mắm, muối... tạo nên hương vị đặc trưng cho bánh tráng Túy Loan.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 11

Bánh tráng Túy Loan được làm hoàn toàn thủ công. Ảnh: Báo Người Lao Động

Nguồn gốc của món mì Quảng đến nay vẫn chưa xác định được thời điểm xuất hiện chính xác. Một số giả thuyết cho rằng mì Quảng có từ thời chúa Nguyễn, khi Hội An trở thành một thương cảng sầm uất và là nơi giao thoa văn hóa giữa người Việt, Hoa, Nhật Bản và phương Tây. Điểm độc đáo của mì Quảng nằm ở sự đa dạng trong cách chế biến, có thể dùng nhiều nguyên liệu khác nhau như tôm, thịt heo, gà, cá lóc, lươn…

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 12

Điểm độc đáo của mì Quảng nằm ở sự đa dạng trong cách chế biến. Ảnh: VnExpress

Lịch sử nghề khai thác yến sào Thanh Châu được lưu dấu qua các di tích tín ngưỡng ở Hội An, như miếu Tổ nghề yến ở Cẩm Thanh và Bãi Hương - Cù Lao Chàm. Nhiều tư liệu thời Nguyễn cũng được lưu giữ tại Hội An và Khánh Hòa, làm phong phú thêm kho tư liệu về nghề truyền thống này. Nghề khai thác yến sào Thanh Châu được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia vào năm 2016.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 13

Nghề khai thác yến sào Thanh Châu đã xuất hiện từ lâu. Ảnh: Đô thị cổ Hội An

Làng rau Trà Quế tọa lạc tại xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, có lịch sử phát triển hơn 400 năm. Đây là nơi nổi tiếng với các loại rau có tính chất dược liệu, được trồng theo phương pháp thâm canh và sử dụng phân hữu cơ truyền thống. Những loại rau như hành, húng, tía tô, ngò,... đã trở thành thương hiệu nhờ mùi thơm đặc trưng và khác biệt.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 14

Làng rau Trà Quế nổi tiếng với các loại rau có tính chất dược liệu. Ảnh: VnEconomy

Tận dụng nguồn nguyên liệu thủy hải sản dồi dào và phong phú, các làng chài ven biển Phú Yên đã hình thành nên nghề làm nước mắm và cho ra đời những sản phẩm đặc trưng của vùng đất này. Các làng nghề tại đây đã có lịch sử hàng trăm năm với những thương hiệu nổi tiếng như nước mắm Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu), nước mắm Yến, nước mắm Mỹ Quang (Tuy An) và nước mắm Ba Lò (Đông Hòa).

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 15

Các làng chài ven biển Phú Yên đã hình thành nên nghề làm nước mắm. Ảnh: Phòng Văn Hoá Và Thông Tin Thị Xã Sông Cầu

Bánh tráng là một món ăn dân dã quen thuộc, gắn liền với đời sống của người dân Phú Yên qua nhiều thế hệ. Bánh tráng Phú Yên cũng được làm từ bột gạo như các loại bánh tráng khác, tương tự như bánh đa ở miền Bắc. Nghề làm bánh tráng Phú Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 1 năm 2022.

Xem thêm: Làng nghề Bánh tráng Hòa Đa - Đặc sản truyền thống của tỉnh Phú Yên

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 16

Bánh tráng là một món ăn dân dã quen thuộc ở Phú Yên. Ảnh: Bánh Tráng Như Bình

Nghề làm rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước có truyền thống lâu đời với kỹ thuật chế biến dựa vào sự kết hợp độc đáo giữa các loại men lá và nguyên liệu như lúa, gạo. Nhờ vậy, rượu cần có hương vị đặc biệt, đậm đà. Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào năm 2019.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 17

Nghề làm rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước có truyền thống lâu đời. Ảnh: moitruong

Bánh tráng phơi sương đặc sản của Trảng Bàng có nguồn gốc từ thế kỷ 18 từ khi người dân vùng Ngũ Quảng, Bình Định đến Tây Ninh khai hoang lập nghiệp, mang theo nghề làm bánh tráng. Ban đầu, họ chỉ làm bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng. Nhờ khí hậu nhiều nắng, Trảng Bàng là nơi lý tưởng để sản xuất bánh tráng nướng giòn. Sau này, bánh tráng phơi sương ra đời, cuốn cùng rau và thịt, chấm nước mắm tạo thành món ăn độc đáo, hấp dẫn.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 18

Bánh tráng phơi sương đặc sản của Trảng Bàng có nguồn gốc từ thế kỷ 18. Ảnh: Zing

Từ thói quen ăn chay, người dân Tây Ninh đã sáng tạo và biến tấu các loại rau, củ, quả trong vườn thành những món chay giản dị nhưng vô cùng hấp dẫn và mới lạ. Nguyên liệu để chế biến món chay rất phong phú, bao gồm các sản vật địa phương như đậu hũ, đậu hũ ky, nấm đông cô, nấm rơm, bắp chuối, bột mỳ, bột gạo, các loại khoai, rau củ quả, muối, nước tương và các loại gia vị khác. Các nghệ nhân ẩm thực chay tại đây có thể biến những món ăn trở thành tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 19

Món chả phượng chay trông như một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Báo Thanh Niên

Nghề làm muối ớt là một loại hình nghề thủ công truyền thống đặc trưng của Tây Ninh, thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng địa phương và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Người dân Tây Ninh tự nguyện cam kết giữ gìn và phát triển nghề này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề làm muối ớt Tây Ninh là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào ngày 14/02/2023.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 20

Nghề làm muối ớt là một loại hình nghề thủ công truyền thống đặc trưng của Tây Ninh. Ảnh: Tuổi trẻ và Pháp luật

Tàu hũ ky là một sản phẩm từ đậu nành, còn được biết đến với tên gọi váng đậu hay phù trúc. Trong quá trình nấu, một lớp màng mỏng chứa đạm và chất béo sẽ hình thành trên bề mặt nồi sữa đậu. Người ta vớt lớp màng này ra và phơi khô để tạo thành tàu hũ ky. Vào tháng 8/2022, nghề làm tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 21

Nghề làm tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa. Ảnh: Báo Thanh Niên

Từ lâu, người Khmer ở An Giang đã sử dụng dụng cụ để hứng nước từ cuống hoa thốt nốt trên cây, sau đó nấu thành đường với màu vàng ươm với hương vị thơm ngon đặc trưng. Với kinh nghiệm truyền đời, bà con tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên vẫn nắm giữ những bí quyết riêng trong nghề làm đường thốt nốt, tạo nên một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của địa phương. Đường thốt nốt không chỉ là nguyên liệu cho nhiều món ăn như chè, dưa cải mà còn nổi tiếng nhất khi dùng làm món bánh bò thốt nốt đặc sản.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 22

Bà con tại Tri Tôn và Tịnh Biên vẫn nắm giữ những bí quyết riêng trong nghề làm đường thốt nốt. Ảnh: dulichvn

Nghề làm bột gạo ở Sa Đéc hiện có gần 350 hộ sản xuất bột, hơn 2.000 lao động tập trung tại xã Tân Phú Đông và Phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Nghề làm bột gạo trải qua 10 công đoạn từ chọn lọc nguyên liệu, làm sạch, xay nhuyễn, dằn bột, đánh tơi bột, lắng lọc, chia bột, bẻ bột, phơi khô và đóng gói thành phẩm.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 23

Nghề làm bột gạo trải qua 10 công đoạn. Ảnh: VietnamPlus

Nghề làm nem ở huyện Lai Vung đã xuất hiện vào khoảng năm 1960. Mặc dù quy trình làm nem có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ mới cho ra sản phẩm đúng vị. Mỗi gia đình tại Lai Vung lại có những bí quyết riêng trong việc chế biến. Vào đầu năm 2024, nghề làm nem Lai Vung đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 24

Nghề làm nem Lai Vung đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ. Ảnh: Kênh thông tin du lịch Crystalbay Life

Nghề muối tại Bạc Liêu đã trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, mang đậm tính chất của một nghề thủ công truyền thống, phản ánh nét văn hóa đặc trưng của đời sống dân gian. Nghề này được truyền lại qua nhiều thế hệ, đồng thời phản ánh quá trình khai phá vùng đất Bạc Liêu trong hành trình mở đất phương Nam của ông cha ta. Sản phẩm muối Bạc Liêu không chỉ mang giá trị thương mại mà còn thể hiện những phong tục, tập quán, tín ngưỡng và điều kiện tự nhiên đặc biệt của vùng đất này.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 25

Nghề muối tại Bạc Liêu đã trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển. Ảnh: Đất Xanh Miền Tây

Trải qua 200 năm hình thành và phát triển, quy trình sản xuất bánh tráng Thuận Hưng không thay đổi nhiều, chỉ có thêm sự hỗ trợ của một số loại máy móc như máy xay bột, máy nạo dừa. Người làm bánh phải điều chỉnh lượng bột rất tỉ mỉ và cẩn trọng, đo lường bằng từng gáo bột để làm nên mỗi chiếc bánh như một tác phẩm nghệ thuật. Với giá trị văn hóa đặc sắc được hình thành và duy trì qua nhiều thế hệ, nghề làm bánh tráng Thuận Hưng đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào năm 2023.

Xem thêm: Thử một lần về thăm Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng Cần Thơ

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 26

Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng được hình thành và duy trì qua nhiều thế hệ. Ảnh: VnExpress

Bánh Pía có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu (người Tiều) và thường được làm vào các dịp trung thu và lễ tết. Hiện nay, nghề làm bánh Pía tập trung tại các xã Phú Tâm (liên quan đến địa danh Vũng Thơm), Thuận Hòa và An Hiệp thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Nghề này đã trở thành một đặc trưng văn hóa của Sóc Trăng và bánh Pía trở thành lễ vật để dâng cúng và quà tặng trong các dịp lễ, Tết, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời khẳng định thương hiệu của các nghệ nhân và cơ sở sản xuất.

Xem thêm: Làng nghề bánh Pía Vũng Thơm, biểu tượng cho văn hóa ẩm thực Sóc Trăng

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 27

Nghề làm bánh pía đã trở thành một đặc trưng văn hóa của Sóc Trăng. Ảnh: Báo Thanh Niên

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc tồn tại hơn 100 năm và được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia năm 2018. Bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng nhờ hương vị thơm ngon, khi nướng bánh sẽ phồng to, xốp, ăn giòn tan.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 28

Bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng nhờ hương vị thơm ngon. Ảnh: Báo Lao động

Làng nghề Mỹ Lồng khởi đầu với việc làm bánh tráng nem tức loại bánh tráng phải nhúng nước khi ăn. Khoảng năm 1960, bà con sáng tạo ra bánh tráng dừa, nướng lên ăn giòn, thơm béo và trở thành sản phẩm chính của làng nghề Mỹ Lồng. Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia năm 2018.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 29

Bánh tráng dừa Mỹ Lồng nướng lên ăn giòn, thơm béo. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Nghề muối ba khía tại huyện Ngọc Hiển Cà Mau đã có từ lâu đời nhờ vào nguồn ba khía dồi dào do thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này. Ba khía ở đây có sự phát triển mạnh mẽ, do đó người dân đã sáng tạo ra nghề muối ba khía để bảo quản sản phẩm lâu hơn và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chính vì vậy, nghề muối ba khía đã hình thành và phát triển. Nghề truyền thống này được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia vào cuối năm 2019.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 30

Người dân Cà Mau đã sáng tạo ra nghề muối ba khía để bảo quản sản phẩm lâu hơn và tăng thêm thu nhập. Ảnh: Tin tức miền Tây - Báo An Giang

Theo MIA.vn tìm hiểu, nghề gác kèo ong ở Cà Mau xuất hiện rất sớm, từ khi con người bắt đầu khai hoang vùng đất huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh, tỉnh Cà Mau vào nửa cuối thế kỷ 19. Mỗi năm, khi hoa tràm ở rừng U Minh Hạ nở rộ, đàn ong mật bay về đây làm tổ. Người dân địa phương đã nhận ra đặc tính của loài ong chỉ làm tổ trên những thân cây nghiêng như kèo nhà, từ đó họ nghĩ ra cách xây dựng nhà cho ong và phát triển nghề gác kèo ong. Nghề này đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia vào năm 2020.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 31

Nghề gác kèo ong ở Cà Mau đã xuất hiện rất sớm. Ảnh: TravelSig+

Nghề làm tôm khô đã gắn bó lâu đời với người dân Cà Mau từ khi vùng đất này được khai phá. Sản phẩm tôm khô không chỉ là món ăn truyền thống của người dân Nam Bộ trong các dịp lễ, Tết mà còn là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Cà Mau. Món tôm khô dưa kiệu gần như không thể thiếu trong mâm cơm Tết của mỗi gia đình tại đây. Việc truyền dạy nghề làm tôm khô chủ yếu theo hình thức truyền miệng và chỉ bảo thực hành giữa các thế hệ trong gia đình, đảm bảo những bí quyết và kinh nghiệm được duy trì và phát triển qua nhiều đời.

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 32

Nghề làm tôm khô đã gắn bó lâu đời với người dân Cà Mau. Ảnh: Sỉ, Lẻ Tôm Khô, Cá Khô

Nghề làm nước mắm đã xuất hiện hơn 200 năm trước tại đảo Phú Quốc. Người dân địa phương đánh bắt cá cơm còn tươi và ướp muối ngay trên tàu trước khi mang về ủ trong các thùng gỗ. Việc ủ cá trong thùng gỗ bời lời – loại gỗ đặc trưng ở rừng Phú Quốc – đã tạo nên nét riêng biệt của nước mắm Phú Quốc. Thùng gỗ để càng lâu càng chắc bền, giúp nước mắm có chất lượng thơm ngon hơn. Năm 2021, nghề làm nước mắm Phú Quốc được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia.

Xem thêm: Nhà thùng nước mắm Phú Quốc – Xưởng nước mắm truyền thống ngon nhất Việt Nam

Điểm danh 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam 33

Nghề làm nước mắm đã xuất hiện hơn 200 năm trước tại đảo Phú Quốc. Ảnh: Tạp chí Thủy sản

Trên đây là danh sách 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia liên quan đến ẩm thực Việt Nam, thể hiện sự đa dạng và phong phú của ẩm thực trên khắp dải đất hình chữ S. Nếu có dịp du lịch đến bất cứ vùng miền nào, bạn đừng quên trải nghiệm những món quà đặc sản mà nơi đó ban tặng nhé!