1 Đôi nét về văn hóa ẩm thực Việt Nam
Việt Nam có lãnh thổ trải dài từ Bắc vào Nam, hội tụ 54 dân tộc anh em, phong phú về địa hình, văn hóa và khí hậu. Chính sự đa dạng ấy đã tạo nên bản sắc riêng biệt cho ẩm thực từng vùng miền. Mỗi miền đều sở hữu khẩu vị và phong cách nấu nướng đặc trưng, góp phần dệt nên bức tranh ẩm thực Việt Nam vừa đậm đà bản sắc, vừa đa chiều trong trải nghiệm vị giác.
Ẩm thực nước ta gắn liền với việc sử dụng rau xanh tươi sống, rau luộc, rau xào, dưa muối và các món canh. Các món từ thịt hay nguyên liệu động vật thường ít hơn. Những loại thịt được ưa chuộng thường là heo, bò, gà, vịt, ngan, cùng với các loại hải sản và thủy sản như cá, tôm, cua, ốc, hến, sò, trai… góp phần bổ sung vị ngọt tự nhiên và dinh dưỡng cho món ăn.
Người Việt chú trọng đến hương vị ngon miệng hơn là giá trị dinh dưỡng cao cấp. Bởi vậy, trong khi ẩm thực Trung Hoa hướng đến độ bổ dưỡng, còn Nhật Bản chú ý đến yếu tố thẩm mỹ, thì ẩm thực Việt lại thiên về sự cân bằng tinh tế trong việc nêm nếm gia vị và chọn lựa nguyên liệu có độ dai, giòn hấp dẫn dù không quá nhiều dinh dưỡng như măng, nội tạng, chân gà hay cánh gà...

Ẩm thực Việt chú trọng việc sử dụng nhiều loại rau xanh. Ảnh: Travellive+
1.1 9 nét đặc trưng của ẩm thực Việt Nam
Theo MIA.vn tìm hiểu, có chín nét đặc trưng nổi bật của ẩm thực Việt Nam gồm:
Tính dung hòa và tiếp biến
Người Việt có khả năng tiếp thu văn hóa ẩm thực từ các dân tộc khác một cách linh hoạt, rồi sáng tạo và biến tấu để phù hợp với khẩu vị bản địa. Đây chính là lý do vì sao món ăn Việt đa dạng từ Bắc vào Nam mà vẫn giữ được bản sắc riêng.
Ít sử dụng chất béo
Thực phẩm Việt chủ yếu làm từ rau củ, ít chiên rán ngập dầu như món Hoa, cũng không thiên về thịt động vật như ẩm thực phương Tây. Nhờ đó, món Việt thanh đạm và tốt cho sức khỏe hơn.
Hương vị đậm đà, tinh tế
Gia vị đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là nước mắm – linh hồn của ẩm thực Việt. Mỗi món ăn đều có loại nước chấm đi kèm riêng, góp phần tôn lên vị ngon độc đáo và đậm chất Việt.
Hòa quyện nhiều thành phần và hương vị
Ẩm thực Việt là bản giao hưởng của đa dạng nguyên liệu: từ thịt, hải sản cho đến rau củ, đậu hạt và gạo. Không chỉ đa thành phần, món ăn còn là sự pha trộn tinh tế giữa các vị: chua nhẹ, cay nồng, mặn mòi, ngọt thanh, béo bùi. Tất cả tạo nên chiều sâu vị giác độc đáo và khó quên.
Kết hợp giữa tính ngon và lành
Người Việt có tư duy ẩm thực rất riêng khi biết phối nguyên liệu theo quy luật âm – dương. Món có tính hàn như thịt vịt, ốc… thường được đi kèm với gia vị ấm nóng như gừng, hành, rau răm để trung hòa khí vị. Đây không chỉ là mẹo nấu ăn mà còn là tri thức y học dân gian được truyền từ đời này sang đời khác.
Văn hóa dùng đũa đặc sắc
Giống với một số quốc gia châu Á, người Việt sử dụng đũa gần như trong toàn bộ món ăn từ đồ chiên, xào, kho đến cả ăn canh. Đôi đũa không chỉ là công cụ mà còn là biểu tượng của sự khéo léo và tinh tế: gắp sao cho đẹp mắt, không rơi, không vấy bẩn. Đó là cả một nghệ thuật trong cách ăn truyền thống của người Việt.
Tinh thần gắn kết cộng đồng
Trong mâm cơm gia đình, bạn sẽ luôn thấy một bát nước chấm dùng chung hoặc chia ra từng phần nhỏ, thể hiện sự kết nối giữa các thành viên cùng bàn.
Lễ nghi hiếu khách
Trước khi bắt đầu bữa ăn, người Việt luôn dành lời mời ăn như một cử chỉ thể hiện sự tôn trọng và thân thiện.
Thói quen dọn mâm đồng thời
Thay vì phục vụ theo từng món như phong cách ẩm thực phương Tây, người Việt có thói quen bày biện tất cả món ăn cùng lúc trên một mâm.
1.2 Nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt
Ẩm thực không chỉ là sự kết hợp giữa nguyên liệu và gia vị, mà còn là nơi phản ánh rõ nét văn hóa tinh thần của người Việt, luôn đề cao đạo lý sống và cách cư xử trong giao tiếp.
Khuôn phép trong bữa ăn
Từ lâu, người Việt đã quan niệm việc ăn uống không chỉ để no bụng mà còn là cách thể hiện tư cách, lòng tự trọng của mỗi cá nhân. Những câu tục ngữ như "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", hay "Ăn phải nhai, nói phải nghĩ" là những lời dạy đời ngắn gọn nhưng sâu sắc, nhấn mạnh đến sự cẩn trọng, chừng mực và biết mình biết người trong hành vi thường nhật.
Văn hóa trong mâm cơm gia đình
Mâm cơm gia đình là không gian sum họp thiêng liêng, nơi gắn kết các thế hệ và vun đắp tình thân. Người Việt giữ nếp "ăn chung mâm", luôn dành phần ngon cho người già, trẻ nhỏ theo tinh thần "kính trên nhường dưới". Những hành động nhỏ như gắp thức ăn cho ông bà, cha mẹ hay chờ mọi người ngồi đủ mới bắt đầu ăn đã trở thành chuẩn mực ứng xử giản dị mà đầy nhân văn trong văn hóa gia đình Việt.
Bữa ăn mang đến sự gắn kết xã hội
Việc mời cơm khách không chỉ là hành động hiếu khách mà còn là dịp để thể hiện tấm lòng, sự trọng thị của chủ nhà. Trong những bữa tiệc, người Việt thường nấu nhiều món ngon, dọn mâm chu đáo, mời mọc nồng hậu, tránh việc dùng đũa trước khách hay để khách ăn một mình. Chủ nhà cũng thường gắp thức ăn mời khách hay có mời ăn thêm khi khách dừng bữa. Tất cả đều toát lên sự tử tế, hiếu khách và tinh thần gắn kết cộng đồng rất riêng của người Việt.

Mâm cơm Việt thể hiện rõ nét văn hóa đẹp đẽ. Ảnh: Báo Thanh Niên
2 Ẩm thực Việt Nam theo từng vùng miền
2.1 Ẩm thực Miền Bắc – Hương vị truyền thống và tinh tế
Ẩm thực miền Bắc gắn liền với sự đậm đà vừa phải, chú trọng đến sự cân bằng và hài hòa hơn là vị cay, vị ngọt hay béo. Gia vị đặc trưng như nước mắm nhạt, mắm tôm thường được dùng để làm dậy mùi món ăn, nhưng không quá lấn át hương vị nguyên liệu. Nhờ điều kiện thiên nhiên nhiều sông ngòi, món ăn nơi đây thường kết hợp các loại thủy sản nước ngọt như tôm đồng, cua, cá, hến, trai… và các loại rau theo mùa.
Do truyền thống nông nghiệp lâu đời nhưng không quá trù phú, các món ăn miền Bắc trước kia thường hạn chế sử dụng thịt cá trong khẩu phần, ưu tiên những nguyên liệu dân dã, dễ kiếm. Hà Nội được xem là trung tâm ẩm thực tiêu biểu của miền Bắc, nơi lưu giữ nhiều món ăn trứ danh như phở, bún thang, bún chả, cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì… cùng những loại rau thơm danh tiếng như húng Láng, tinh dầu cà cuống.
Cùng điểm qua 10 món ăn đặc trưng nhất định không thể thiếu khi nhắc đến vùng đất này.
1. Phở
Trong hành trình khám phá ẩm thực Việt Nam thì phở là món ăn đầu tiên mà chúng ta phải nhắc tới. Món này cũng được mệnh danh là quốc hồn quốc túy của ẩm thực Việt, được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Món phở gồm có nước dùng, bánh phở và thịt, thường là thịt bò hoặc gà. Nước dùng được hầm từ xương ống, kèm theo các loại gia vị như gừng, quế, hồi, tạo nên hương vị đậm đà, thơm ngon.
Xem thêm: Nguồn gốc và dấu ấn món Phở: Tinh hoa ẩm thực Việt Nam

Phở là món ăn nổi tiếng nhất của ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ảnh: Foodelivietnam
Phở có nguồn gốc từ Hà Nội, khi du nhập đến các địa phương khác thì lại được biến tấu để hương vị đa dạng và hấp dẫn hơn. Ngoài phiên bản phở nước truyền thống còn có các biến thể khác như phở khô, phở trộn, phở xào, phở cuốn... Nếu bữa sáng mai bạn chưa biết chọn món ăn Việt Nam nào thì hãy nhớ ngay đến phở nhé, vừa thơm ngon, đủ dinh dưỡng mà còn rất vừa túi tiền.
2. Bún chả
Bún chả cũng là món ăn đặc trưng của người Hà Nội, độ phổ biến chỉ xếp sau phở mà thôi. Mỗi phần bún chả sẽ có một chén nước chấm chua ngọt, chả thịt nướng thơm phức và bún tươi. Đặc biệt, món này ăn kèm với rất nhiều loại rau sống như xà lách, kinh giới, tía tô, mùi tàu, dưa leo…

Một phần bún chả đầy đủ sẽ hấp dẫn như thế này. Ảnh: Netspace
Món này ngon hay không phụ thuốc rất nhiều vào chén nước mắm nóng hổi, pha vừa miệng, dùng để trụng rau và chấm bún. Mỗi quán sẽ có công thức, bí quyết để làm nên hương vị riêng. Du khách nước ngoài khi khám phá ẩm thực Việt Nam đều dành rất nhiều lời khen ngợi cho món bún chả.
3. Chả cá Lã Vọng
Chả cá Lã Vọng cũng là món ăn nổi tiếng của Hà Nội. Điểm nổi bật nhất của món ăn này là sử dụng cá tươi mang đi ướp gia vị, nướng trên than hoa rồi chiên vàng. Thành phẩm là những miếng chả cá thơm lừng, đậm đà, có thể ăn kèm với rất nhiều món khác nhau.

Chả cá Lã Vọng là đặc sản thủ đô. Ảnh: Dienmayxanh
Ngoài ra, nếu du lịch Hà Nội thì bạn cũng có thể mua chả cá cấp đông về làm quà cho người thân, bạn bè. Món này rất dễ bảo quản, để trong tủ lạnh có thể ăn cả tháng. Chả cá Lã Vọng chỉ cần chiên chín vàng lên chấm nước mắm cũng đã cực kỳ tốn cơm rồi.
4. Bánh mì
Bánh mì là một sự kết hợp hoàn hảo giữa văn hóa ẩm thực Pháp và Việt. Đến Việt Nam vào thế kỷ 19, người Pháp đã mang theo baguette du nhập vào đời sống. Từ đó, người Việt đã sáng tạo hơn để giúp những chiếc bánh mì khô khốc trở nên đầy đủ dinh dưỡng với phần nhân có pate, chả lụa, thịt nguội, trứng, rau thơm, dưa leo và nước sốt.

Bánh mì là món ăn đường phố đúng chất ngon, bổ, rẻ. Ảnh: Tcdulichtphcm
Bánh mì ngày nay đã trở thành món ăn quốc dân, ngon, rẻ và tiện dụng là những từ đúng nhất để miêu tả món ăn này. Đặc biệt, bánh mì cũng thể hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa, cân bằng dưỡng chất (tinh bột, rau, thịt) của ẩm thực Việt Nam.
5. Chả mực Hạ Long
Chả mực Hạ Long là đặc sản nổi tiếng chỉ có mặt ở vùng biển Hạ Long, Quảng Ninh. Đây được xem là món sẽ được bật ra ngay trong suy nghĩ của du khách mỗi khi nhắc về đặc sản Hạ Long, không chỉ là du khách trong nước mà món này còn có sức hút với du khách nước ngoài bởi hương vị dai, giòn, thơm nồng của mực mai giã tay. Rất nhiều người đã chọn món mực giã tay Hạ Long để nhâm nhi trong các bữa tiệc dịp Tết, vì đây là một trong những đặc sản thuộc vào hàng ngon nhất Việt Nam.

Miếng chả mực Hạ Long thành phẩm vừa chắc, vừa dai, vừa mềm mại lại không nhão. Ảnh: Chả mực Hạ Long
6. Nem cua bể Hải Phòng
Nem cua bể Hải Phòng từ lâu đã trở thành một đặc sản ngon nức tiếng của đất Cảng. Một dĩa nem cua bể vàng ruộm, lớp vỏ giòn tan cùng nhân thịt đầy ắp bên trong chính là thức quà quý của vùng biển du lịch Hải Phòng. Thưởng thức một dĩa nem cua bể giữa mùa hè nắng nóng, chấm cùng chén nước mắm chua ngọt, cay nồng sẽ khiến cho hành trình của bạn càng thêm ý nghĩa.
Khác với nhiều món nem của nhiều vùng trên dải đất hình chữ S, nem của bể của Hải Phòng được gói lại theo hình vuông độc đáo, dày mình tạo nên lớp vỏ nem giòn tan. Nguyên liệu chính để làm món nem này chính là cua bể, tôm cùng nhiều loại nguyên liệu quen thuộc khác. Không chỉ là một món ăn ngon, nem cua bể còn thể hiện rõ nét được phong cách của nền ẩm thực đất Cảng, đem hương vị đặc trưng của miền biển Hải Phòng vang danh tứ xứ.

Nem của bể của Hải Phòng được gói lại theo hình vuông độc đáo. Ảnh: VnExpress
7. Bánh đa cua Hải Phòng
Bánh đa cua Hải Phòng được người dân nơi đây xem như là linh hồn của nền ẩm thực đất Cảng. Để nấu được món Bánh đa cua Hải Phòng đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu đa dạng. Trong đó, ba nguyên liệu chính nhất định không được để thiếu khi chế biến chính là bánh đa, cua đồng và rau muống. Không có một trong ba nguyên liệu này thì món ăn xem như đã mất đi một phần hương vị đặc trưng của Bánh đa cua Hải Phòng. Quan trọng nhất khi chế biến bánh đa cua chính là nước dùng. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, canh thời gian, nhiệt độ, thứ tự cho nguyên liệu vào đều phải thật chuẩn xác.
Thưởng thức một tô bánh đa cua, mọi người không chỉ được nếm thử một món ăn trứ danh Hải Phòng mà còn được thưởng thức trọn vẹn hương vị của vùng biển quê hương.

Bánh đa cua Hải Phòng được xem như là linh hồn của ẩm thực đất Cảng. Ảnh: Việt Anh Song Ngữ
8. Bún đậu mắm tôm
Bún đậu mắm tôm là một trong những đại diện cho tinh hoa ẩm thực thủ đô nói riêng và ẩm thực miền Bắc nói chung. Một suất bún đậu hoàn hảo thường bao gồm đậu phụ rán vàng, thịt chân giò, nem rán, dồi, lòng lợn và chả cốm. Sự ngon miệng của món ăn không chỉ đến từ đậu hũ chiên giòn và sợi bún trắng mềm mà còn từ chén mắm tôm thơm nồng.

Một mẹt bún đậu mắm tôm ngập ngụa. Ảnh: Du Lịch Việt
9. Cá kho làng Vũ Đại
Cá kho làng Vũ Đại sử dụng cá trắm đen và thịt ba chỉ, sau đó được nêm nếm bằng những gia vị đồng quê vùng Hà Nam. Quá trình chế biến món cá kho làng Vũ Đại cũng rất cầu kỳ và mất nhiều thời gian, nhưng kết quả là một nồi cá kho thơm ngon với thịt cá chắc và xương cá nhừ hoàn toàn. Hương vị đặc trưng của cá kho làng Vũ Đại đã thu hút sự "săn đón" mạnh mẽ từ thực khách trong và ngoài nước.

Món cá kho làng Vũ Đại nức tiếng quê hương Hà Nam. Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN
10. Bánh đậu xanh Hải Dương
Bánh đậu xanh Hải Dương cuốn hút bởi hương vị ngọt mát, dân dã nhưng vẫn giữ được nét sang trọng khi từng là món dâng lên cho vua chúa. Bánh đậu xanh Hải Dương có hương thơm của bột đậu, ngậy của dầu và ngọt của đường.
Người Việt thường coi việc thưởng thức bánh đậu kết hợp với uống trà là một nghệ thuật rất tao nhã. Khi thường cùng trà, mỗi miếng bánh tan ra sẽ tạo nên trải nghiệm hương vị ngọt, thơm và ngậy ngậy đặc trưng.

Bánh đậu xanh Hải Dương thường được thưởng thức với trà. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
2.2 Ẩm thực Miền Trung – Cầu kỳ và đậm đà sắc vị
Đặc trưng của ẩm thực miền Trung là khẩu vị đậm và thiên về vị cay. Những món ăn nơi đây thường được nêm nếm kỹ càng, phối trộn nhiều màu sắc. Người miền Trung có xu hướng sử dụng nhiều loại mắm như mắm ruốc, mắm tôm chua, góp phần tạo nên chiều sâu hương vị mạnh mẽ.
Huế nổi bật như một đại diện tinh hoa của ẩm thực miền Trung, nơi từng là kinh đô triều Nguyễn nên món ăn không chỉ chú trọng hương vị mà còn đề cao nghệ thuật trình bày. Bên cạnh đó, các địa phương như Đà Nẵng, Bình Định cũng nổi tiếng với các loại bánh và đặc sản mặn mà đậm chất miền Trung.
Sau đây là top 12 món ăn tiêu biểu mang hương vị nồng nàn, đậm đà như chính con người và mảnh đất nơi đây.
1. Bún bò Huế
Bún bò Huế là món ăn đặc sản của xứ Huế mộng mơ với nước dùng thơm lừng từ sả, gừng và ớt. Món ăn gồm bún, thịt bò, giò heo và chả cua, được ăn kèm với rau sống và giá đỗ. Ưu điểm nổi bật là phần nước dùng rất thơm, đậm đà. Bên cạnh đó, bún bò Huế còn rất đầy đủ dinh dưỡng, chinh phục được cả những thực khách khó tính nhất.

Bún bò Huế đậm đà và đầy đủ dinh dưỡng. Ảnh: Giavi
2. Mì Quảng
Mì Quảng là món ngon có lịch sử lâu đời gắn liền với văn hóa phong phú của phố cổ Hội An từ thế kỷ XVI, khi nơi đây là một thương cảng quốc tế nhộn nhịp thu hút nhiều người nước ngoài sinh đến sống và làm việc. Theo thông tin MIA.vn tìm hiểu, người Hoa đã mang theo những món ăn của họ đến vùng đất này, trong đó có các loại mì làm từ bột mì sáng. Tuy nhiên, món mì ở Hội An được biến tấu với sợi mì sử dụng nguyên liệu chính là bột gạo, kết hợp cùng nước dùng nêm nấu theo phong cách địa phương và các loại topping dân dã, đặc trưng.
Một tô mì đúng chuẩn đặc sản Hội An ở dưới cùng sẽ là một lớp dày các loại rau sống tươi ngon như giá, húng quế, rau mùi, xà lách, cải non, rau răm, hành hoa và hoa chuối. Bên trên là phần mì trắng nõn, với những sợi mì dày làm từ hỗn hợp bột gạo xay mịn pha nước hạt dành dành và trứng.
Tùy nơi mà đồ ăn kèm sẽ gồm thịt heo, cá lóc, thịt gà, tôm, ếch, trứng cút… được chế biến dưới đa dạng hình thức và nêm nấu vừa ăn. Tô mì chan nước dùng hầm từ xương heo thanh ngọt, thấm đẫm vị ngon của các loại nguyên liệu. Khi ăn, người ta sẽ cho thêm lạc rang, hành lá, ớt đỏ hoặc ớt xanh vào tô, và ăn kèm bánh tráng mè hoặc lạc rang để món mì thêm tròn vị.

Mì Quảng là món ngon có lịch sử lâu đời gắn liền với văn hóa phong phú của Hội An. Ảnh: Nld
3. Cơm hến
Cơm hến từ lâu đã trở thành một trong những món đặc sản Huế hấp dẫn và nhận được nhiều sự yêu mến của mọi người. Thế nhưng khác với những món ăn khác có xuất xứ từ bàn ăn cung đình, Cơm hến là món ăn gắn liền với bữa cơm của những người dân nghèo chốn cố đô, trước khi trở thành một trong những món ăn được người dân dùng để tiến dâng các vị vua triều Nguyễn
Khác với những món ăn khác luôn sử dụng các loại nguyên liệu tươi nóng, Cơm hến lại sử dụng cơm nguội để qua đêm và các hạt cơm phải tời, không dính nhau. Chính lớp cơm nguội sẽ là bức phông nền hoàn hảo để tôn lên cái giòn, ngọt của các nguyên liệu có trong một bát cơm hến.

Món cơm hến đậm vị quê nhà. Ảnh: Vinpearl
4. Cao lầu
Tiếp theo MIA.vn sẽ giới thiệu đến bạn món đặc sản của Hội An, đó là cao lầu. Món này chế biến từ sợi mì vàng dai, thịt xá xíu, rau sống và nước dùng đậm đà. Điều đặc biệt nằm ở loại mì được làm từ gạo ngâm nước tro nên hương vị rất đặc biệt. Mì gạo nên ăn rất no, ít dầu mỡ, kết hợp với các loại rau sống càng ngon hơn. Nhiều người còn đùa rằng một ngày ba bữa ăn cao lầu cũng vẫn thấy ngon như ăn lần đầu tiên.

Cao lầu có vị thanh ngọt, phần sợi bún gạo ngâm nước tro đặc trưng. Ảnh: Vnexpress
5. Cơm gà Tam Kỳ
Cơm gà Tam Kỳ được người Hội An dùng gạo nếp nương sông Thu Bồn có vị ngọt dịu để nấu cùng nước luộc gà, nước nghệ và lá dứa. Kết quả là tạo nên một đĩa cơm gà vàng ruộm, hấp dẫn mọi giác quan. Ban đầu, cơm gà chỉ được bán rong trên những con phố cổ kính của Hội An nhưng dần dần, món ăn này đã trở nên nổi tiếng khắp Quảng Nam (tức Đà Nẵng ngày nay) và trở thành một biểu tượng ẩm thực tại đây.

Cơm gà Tam Kỳ là món ăn lâu đời của người dân xứ Quảng. Ảnh: Da Nang International Airport
6. Các loại chè Huế
Nhắc đến chè Huế người ta thường nghĩ ngay đến món chè bột lọc bọc heo quay nổi tiếng nhưng ít ai biết rằng xứ Huế còn có nhiều món chè hấp dẫn khác như chè hoa cau, chè hạt sen long nhãn, chè khoai tía, chè sương sa hột lựu, chè đậu ngự, chè lục tàu xá, chè kê, chè trôi nước, chè bắp...

Huế có nhiều loại chè mang đậm màu sắc cung đình. Ảnh: Crystal Bay
7. Gỏi cá Nam Ô
Gỏi cá Nam Ô ngon đến mức được nhiều tín đồ ẩm thực ưu ái gọi là "sashimi của Việt Nam", gồm hai loại là gỏi khô và gỏi ướt. Món gỏi sử dụng cá trích nhờ có vị rất ngon và ngọt thịt, thích hợp để ăn sống mà không có vị tanh, lại cực kì thơm ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng.
Theo các tín đồ ẩm thực sành ăn thì có hai cách để thưởng thức trọn vị của món Gỏi cá Nam Ô này. Cách thứ nhất là cho rau, cá lên bánh tráng rồi cuốn lại, sau đó chấm cùng với nước chấm để có thể cảm nhận trọn vẹn cái tươi ngon của thịt cá, cái đậm đà của nước chấm, cái cay cay của nào ớt nào gừng. Cách thứ hai là bạn trộn đều các nguyên liệu như cá, rau, thêm xíu nước chấm và dùng kèm với bánh tráng nướng, ăn vừa thích thú lại ngon miệng hơn cả.

Món gỏi cá trứ danh làng chài Nam Ô. Ảnh: VnExpress
8. Bánh canh hẹ Phú Yên
Bánh canh hẹ Phú Yên mang nét đặc biệt rất riêng với màu xanh mướt và vị thơm nồng của hẹ hòa quyện cùng nước dùng thanh mát được ninh từ cá. Bánh canh hẹ Phú Yên dùng sợi bánh canh có màu đục của bột gạo, được cắt thành những sợi ngắn. Nổi bật là những miếng chả cá chiên vàng, được làm từ những con cá tại chính vùng biển Phú Yên như cá mối, cá nhồng, cá cờ, cá thu… nên rất ngọt nước, lại dai dai sựt sựt rất ngon.

Bánh canh hẹ Phú Yên với màu xanh bắt mắt. Ảnh: VnExpress
9. Nem nướng Nha Trang (Nem nướng Ninh Hòa)
Nem nướng Nha Trang hay còn gọi là nem nướng Ninh Hòa, vì có nguồn gốc từ vùng đất Ninh Hòa cách trung tâm Nha Trang khoảng 34km về phía Bắc. Món ăn này là biểu tượng văn hóa ẩm thực của xứ trầm hương Khánh Hòa.
Để làm nên những chiếc nem thơm nức, người dân Ninh Hòa đặc biệt chú trọng vào khâu chọn nguyên liệu thịt đùi heo tươi ngon, tẩm ướp theo bí quyết gia truyền và nướng trên bếp than hồng đến khi chín vàng, tỏa mùi thơm. Đặc biệt là nước chấm sánh sệt đặc trưng được coi như linh hồn của món ăn này, được chế biến công phu.
Khi ăn, thực khách đặt một chiếc nem nướng lên lớp bánh tráng mỏng, thêm vào chút bún, một miếng bánh tráng chiên giòn rụm cùng nhiều loại rau sống tươi xanh. Tất cả được cuốn gọn gàng, chấm vào bát nước sốt sánh mịn, ngọt thơm.
Xem thêm: Điểm tên 10 quán nem nướng Nha Trang ngon quên lối về

Món nem nướng trứ danh ẩm thực Nha Trang. Ảnh: Báo Lao Động
10. Bún cá Nha Trang
Món ngon tiếp theo của ẩm thực Việt Nam đó là bún cá Nha Trang. Thành phố biển này nổi tiếng với hải sản tươi ngon, chất lượng, tạo nên rất nhiều món ăn hấp dẫn. Trong đó, bún cá ghi điểm nhờ nước dùng trong, hương vị ngọt thanh, đậm đà, kết hợp với chả cá giòn dai, tạo nên những trải nghiệm vị giác đáng nhớ.

Bún cá Nha Trang với các loại topping hải sản tươi ngon. Ảnh: Baokiengiang
11. Bánh xèo tôm nhảy
Cũng từ những loại hải sản tươi, người dân miền Trung đã sáng tạo ra món bánh xèo tôm nhảy siêu hấp dẫn. Bánh được đổ từ bột gạo pha với bột nghệ, màu vàng đẹp mắt. Phần nhân là tôm tươi, thịt, giá đỗ. Thành phẩm bánh sẽ giòn và béo ngậy, ăn kèm với các loại rau tươi như xà lách, rau cải, rau quế… Bánh xèo chấm với nước mắm chua ngọt, hương vị hòa quyện tạo nên món ăn bạn không thể nào chối từ.

Bánh xèo tôm nhảy cũng là món ăn được lòng nhiều người. Ảnh: Foody
12. Lẩu thả Phan Thiết
Lẩu thả Phan Thiết được chế biến từ những loại cá thơm ngon như cá đục, cá suốt hay cá mai. Bên cạnh đó, món lẩu thả cũng được tạo nên từ nhiều loại nguyên liệu khác như thịt luộc, trứng chiên, ăn cùng rau sống, xoài, dưa leo cắt sợi. Nguyên liệu sau khi được chuẩn bị xong sẽ được xếp vào những cánh hoa chuối, xếp thành hình hoa, nhụy hoa chính là đĩa cá.

Lẩu thả Phan Thiết được trình bày đẹp mắt. Ảnh: Báo Lao Động
2.3 Ẩm thực Miền Nam – Phóng khoáng, ngọt dịu và phong phú nguyên liệu
Ẩm thực phương Nam mang sắc thái hào sảng, đậm đà vị ngọt, hơi chua, đôi khi cay nhẹ và rất phong phú về nguyên liệu. Dấu ấn từ các nền văn hóa láng giềng như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan thể hiện rõ qua cách sử dụng đường, nước cốt dừa và các món mắm đa dạng như mắm cá sặc, mắm ba khía, mắm bò hóc…
Miền Nam sử dụng nhiều nguyên liệu từ hải sản nước mặn và nước lợ như cua biển, tôm, cá, sò, ốc… với cách chế biến dân dã, đậm chất vùng đất khai hoang. Nơi đây còn nổi danh với các món ăn độc đáo mà ít nơi nào có: đuông dừa béo ngậy, chuột đồng khìa nước dừa, rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh, cá lóc nướng trui hay vọp hấp mắm gừng… tất cả tạo nên dấu ấn mạnh mẽ về ẩm thực của một miền đất trù phú.
Cùng MIA.vn xuôi về phương Nam và trải nghiệm 12 món ẩm thực nức tiếng nơi đây.
1. Cơm tấm
Cơm tấm là món ăn rất phổ biến ở miền Nam. Cơm nấu từ gạo tấm, khô hơn so với khẩu vị của người miền Bắc và miền Trung. Những miếng thịt sườn lớn, được tẩm ướp gia vị, nướng trên bếp than. Cùng với đó là phần bì, chả và trứng ốp la ăn kèm. Vào tới Sài Gòn, đi đến đâu bạn cũng sẽ thấy đầy rẫy quán cơm tấm, từ bình dân đến sang chảnh. Thưởng thức một lần rồi bạn chắc chắn sẽ nhớ mãi những hương vị thơm ngon và đậm đà này.
Xem thêm: 14 quán cơm tấm Sài Gòn ngon đúng điệu mà bạn phải thử ngay

Một đĩa cơm tấm siêu no, siêu ngon. Ảnh: Wikipedia
2. Bánh khọt Vũng Tàu
Bánh khọt Vũng Tàu có nguồn gốc từ bánh căn xuất phát từ vùng Bình Thuận, Ninh Thuận và Thanh Hóa. Ngoài bột gạo là nguyên liệu chính tạo nên độ giòn và thơm ngon của bánh khọt, không thể không nhắc đến phần nhân bánh đặc biệt được làm từ nhiều loại hải sản đánh bắt trực tiếp tại biển Vũng Tàu như: tôm, sò điệp hay mực.
Chưa dừng lại ở đó, hương vị đậm đà của bánh khọt Vũng Tàu còn nằm ở lớp mỡ hành béo ngậy, hoà quyện cùng vị mặn của ruốc rang khô, ăn kèm với các loại rau sống như: cải xanh, tía tô, diếp cá, rau thơm, xà lách, đu đủ thái sợi…

Bánh khọt Vũng Tàu béo ngậy đậm đà. Ảnh: Crystal Bay
3. Bò tơ Tây Ninh
Bò tơ Tây Ninh từ lâu đã là đặc sản được nhiều người biết đến bởi hương vị thơm mềm, ngon ngọt tự nhiên cùng vô số cách biến tấu hấp dẫn. Với nguồn thịt bò tơ cực kỳ phong phú, người dân Tây Ninh đã sáng tạo nên rất nhiều món ngon lẩu bò tơ chua ngọt, bò tơ nướng y, bò nướng mọi… Đặc biệt, khi ăn món đặc sản Tây Ninh này với chén nước chấm đặc trưng và rau rừng thì bạn sẽ cảm nhận được một hương vị riêng đầy cuốn hút không nơi nào có được.
Xem thêm: Top quán bò tơ Tây Ninh uy tín, chất lượng bạn nên thử

Bò tơ Tây Ninh được chế biến đa dạng các món. Ảnh: Bò Tơ Đạt Tây Ninh
4. Hủ tiếu Sa Đéc
Hủ tiếu Sa Đéc được biết đến với sợi trắng mềm, nước súp thơm ngon đậm vị cùng sự kết hợp hài hòa giữa thịt, tim, gan, lòng heo cùng nhiều loại thực phẩm như tôm, thịt nạc băm, rau hẹ, xà lách, hành, chanh ớt,... Khi kết hợp với nước lèo nấu từ xương ống và gia vị truyền thống tạo nên món hủ tiếu thơm ngon hấp dẫn với hương vị khó mà chối từ được.

Đậm đà hương vị hủ tiếu Sa ĐécShop.elmich
5. Bánh xèo miền Tây
Bánh xèo miền Tây là món ăn đã rất nổi tiếng của miền sông nước. Khác với bánh xèo miền Trung có kích thước khá nhỏ, bánh xèo miền Tây có kích thước lớn hơn rất nhiều và được đổ bằng chảo. Phần nhân bánh người miền Tây sử dụng các loại thịt như heo, vịt, tôm, tép... Khi ăn thường ăn với nhiều loại rau rừng và dùng rau để cuốn.

Bánh xèo miền Tây to ú ụ. Ảnh: Báo Phụ Nữ
6. Lẩu mắm
Lẩu mắm là đồ ăn Việt Nam đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Topping sẽ có cá, tôm, thịt và các loại rau như rau nhút, điên điển, bông súng… Điều đặc biệt của món ăn này là sử dụng mắm cá linh và mắm cá sặc nấu nước dùng. Vì thế nên hương vị món ăn rất độc đáo, nồng và thơm. Nếu lần đầu ăn thử có lẽ bạn sẽ cảm thấy hơi khó ăn một chút nhưng ăn vài lần sẽ ghiền luôn đấy nhé.

Lẩu mắm là đặc sản miền Tây. Ảnh: Bếp Của Vợ
7. Bún cá Châu Đốc
Bún cá Châu Đốc mang một màu vàng óng ánh từ nước dùng, những lát cá lóc được xào với nghệ tươi, bông điên điển cùng màu xanh mơn mởn của những loại rau sống ăn kèm. Tô bún cá Châu Đốc không chỉ có vẻ ngoài hấp dẫn mà còn có hương vị mà thử một lần là không ai có thể quên được.

Bún cá Châu Đốc ngon nức tiếng "xứ sở thần tiên". Ảnh: Dân Việt
8. Cá lóc nướng trui Cần Thơ
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu hành trình khám phá ẩm thực miền Tây Nam Bộ bỏ qua món cá lóc nướng trui Cần Thơ ngon trứ danh. Cá lóc dùng nướng trui là loại cá lóc đồng thân chắc, thịt ngọt và dai tự nhiên, đem nướng trực tiếp trên rơm khô. Khi cá vừa chín tới, lớp vảy cháy xém bên ngoài được cạo bỏ, để lộ phần thịt trắng thơm phức bên trong. Sau đó món cá được rưới lên lớp mỡ hành béo ngậy, rắc thêm chút đậu phộng rang giã dập để hương thơm ngào ngạt lan tỏa đánh thức mọi giác quan. Từng miếng cá lóc nướng mang đậm hơi thở đồng quê, mộc mạc mà đậm đà, để lại dư vị sâu lắng khó quên trong lòng thực khách.

Cá lóc nướng trui Cần Thơ thơm ngon nức mũi. Ảnh: Toplist Cần Thơ
9. Kẹo dừa
Bến Tre nổi danh là xứ dừa với rất nhiều món ăn được chế biến từ loại quả này, trong đó kẹo dừa là nổi tiếng nhất. Nguyên liệu của loại kẹo này là cơm dừa, đường và mạch nha. Thành phẩm thơm lừng mùi dừa, ngọt ngào, nồng nàn, càng nhai càng mềm. Ngoài kẹo dừa Bến Tre truyền thống còn có kẹo dừa đậu phộng, kẹo dừa sầu riêng… Lần đầu trải nghiệm ẩm thực Việt Nam, rất nhiều du khách nước ngoài ấn tượng với loại kẹo bình dân nhưng quá đỗi thơm ngon này.

Kẹo dừa dẻo và thơm, là thức quà bình dân, thơm thảo như tấm lòng người Bến Tre. Ảnh: dacsanxudua
10. Bánh pía
Tiếp theo MIA.vn sẽ giới thiệu đến bạn món đặc sản Sóc Trăng, đó chính là bánh pía. Loại bánh này có phần vỏ mỏng, nhân bằng đậu xanh, sầu riêng hoặc trứng muối. Bánh pía Sóc Trăng có hương vị thơm ngon, ngọt bùi, là món quà biếu tặng được nhiều người ưa chuộng.

Bánh pía với phần nhân trứng muối siêu ngon. Ảnh: Baoapbac
11. Gỏi cuốn
Gỏi cuốn là món ăn thanh đạm, nhẹ nhàng, phù hợp với khẩu vị của đa dạng đối tượng. Dùng bánh tráng cuốn lấy phần nhân là tôm, thịt, bún, rau sống và chấm với chén nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm. Sự tươi ngon của các loại nguyên liệu hòa vào nhau tạo nên hương vị tươi mát, dễ ăn, hấp dẫn. Rất nhiều du khách nước ngoài khi đến khám phá ẩm thực Việt Nam đều rất bất ngờ vì món ăn này. Các nguyên liệu cực kỳ đơn giản, thịt và tôm chỉ luộc lên, vậy mà kết hợp lại với nhau lại thơm ngon khó cưỡng.

Gỏi cuốn dễ ăn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Ảnh: Dienmayxanh
12. Bún quậy Phú Quốc
Bún quậy là món ăn đặc sản của vùng biển đảo Phú Quốc, được nấu từ nguyên liệu khá dễ tìm. Hương vị độc đáo của món ăn là sự kết hợp hoàn hảo giữa sợi bún tươi dai dai và các loại topping như chả cá, tôm tươi, tôm khô… Rưới lên đó là nước lèo thanh ngọt, muốn ăn như thế nào thì nêm nếm thêm bằng bột canh, mì chính, đường quất và ớt xay.
Nguồn gốc của cái tên “bún quậy” cũng bắt nguồn từ cách ăn tự nêm nếm theo ý thích này. Sau khi cho gia vị vào tô, bạn chỉ cần quậy thật mạnh để nước sánh lại là đã có thể thưởng thức món đặc sản Phú Quốc.

Bún quậy Phú Quốc là món ăn đặc sản phải thử khi đến đảo ngọc. Ảnh: Vietnam Coracle
2.4 Ẩm thực các dân tộc đậm bản sắc văn hóa
Với 54 dân tộc trải dài khắp đất nước, mỗi cộng đồng đều mang đến một màu sắc ẩm thực riêng, độc đáo và gắn liền với phong tục, tập quán địa phương. Có những món ăn rất đặc biệt chỉ phổ biến trong cộng đồng dân tộc, nhiều món ăn đã trở thành đặc sản nổi tiếng trên khắp cả nước như bánh cuốn trứng (Cao Bằng, Lạng Sơn), bánh trôi Coóng Phù của người Tày, lợn sữa quay và vịt quay mắc mật, khâu nhục xứ Lạng, phở chua, cháo nhộng ong, thắng cố, phở cốn sủi, các loại xôi nếp nương vùng Mường, mắm bò hóc của đồng bào Khmer miền Tây Nam Bộ…
Sau đây là 5 món ẩm thực tiêu biểu mang đậm bản sắc các cộng đồng dân tộc.
1. Khâu nhục Lạng Sơn
Khâu nhục là món ăn không thể thiếu của người Lạng Sơn tại vùng cao trong những dịp quan trọng như đám cưới, lễ tiệc hay đãi khách… Món ăn này có nguồn gốc từ Trung Quốc và được bà con người dân tộc Tày, Nùng biến tấu lại cho phù hợp khẩu vị người Việt. Nguyên liệu chính của khâu nhục là thịt ba chỉ được tẩm ướp cùng các nguyên liệu đặc trưng và hầm nhừ trong nhiều giờ.

Khâu nhục là món ngon níu giữ chân khách đến với xứ Lạng. Ảnh: Điện máy XANH
2. Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp còn được biết đến nhiều tên gọi thân thuộc khác như là thịt trâu sấy khô, thịt trâu hun khói,..., cái tên đã nói lên tất cả, món ăn này được làm hết sức đơn giản, sau khi sơ chế, bạn sẽ treo chúng lên gác bếp. Sau đó, nhờ quá trình nấu nướng hằng ngày, miếng thịt trâu sẽ được làm chín.
Thịt trâu gác bếp thường sẽ được cắt thành những tảng to. Để thưởng thức, bạn sẽ xé nhỏ từng thớ thịt, chấm với nước chấm chẩm chéo đặc trưng vùng Tây Bắc, nhẹ nhàng cảm nhận vị cay the the vô cùng đặc trưng và vị ngọt thanh của thịt trâu Tây Bắc ngon tuyệt.

Món thịt trâu gác bếp truyền thống của người Tây Bắc. Ảnh: Huyền Huho
3. Thắng cố
Thắng cố là một món ăn đặc sản của đồng bào H'mông được làm từ thịt ngựa, nội tạng ngựa, rau củ tươi và các loại gia vị đặc trưng như gừng, tỏi, mắc khén... Món ăn này thường được nấu trong một cái chảo lớn, đặt trên bếp than hồng. Món ăn này không chỉ là một món ăn ngon, mà còn là một món ăn mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc, thường được người H’Mông dùng để cúng tổ tiên, mừng thọ, lễ tết, tiếp đãi khách quý…

Món thắng cố ngon khó quên. Ảnh: Pao Quán
4. Phở chua
Phở chua đã có mặt khá lâu đời tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn hay Hà Giang khi du nhập từ Mãn Thanh (Trung Quốc) cách đây khoảng hơn 300 năm. Nguyên liệu chủ yếu sẽ bao gồm: thịt heo chiên (xá xíu), vịt quay, đậu phộng đã chao dầu, tỏi băm lạp xưởng hoặc xúc xích và rau ăn kèm. Bánh phở để làm phở chua phải là loại tươi được tráng mềm, dùng trong ngày, chứ không dùng loại bánh phở khô.

Phở chua đậm đà bản sắc vùng cao. Ảnh: Sức khỏe đời sống
5. Mắm bò hóc
Mắm bò hóc được làm từ bò hóc, một loài cá nhỏ sống trong nước ngọt, có thân dài, mỏ nhọn và răng sắc. Bò hóc được lên men với muối, ớt, tỏi và gừng, tạo ra một loại mắm có mùi thơm nồng và vị cay, mặn, ngọt. Mắm bò hóc có thể ăn với cơm, bánh canh, bún hay bánh xèo. Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức mắm bò hóc với các loại trái cây chua như xoài, cóc, dưa leo… để tăng thêm phần hấp dẫn.

Mắm “Bò hóc” là món ăn “vua” của người Khmer Nam bộ. Ảnh: Báo Thái Nguyên
Trên đây là hơn 40 món ăn nổi tiếng của ẩm thực Việt Nam. Ngoài ra, nước ta còn có rất nhiều món ăn hấp dẫn khác nữa đang chờ bạn thưởng thức. Theo dõi cẩm nang du lịch MIA.vn để khám phá thêm nhiều điều thú vị về ẩm thực ba miền, góp phần giúp cho chuyến xách balo đi du lịch thêm phần trọn vẹn nhé.